Friday, 10 February 2017

CHIẾN THUẬT CẦM QUYỀN CỦA PUTIN (Nina L. Khrushcheva - Project Syndicate)




Nina L. Khrushcheva  -  Project Syndicate
Biên dịch: Lưu Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 11/02/2015 by The Observer

“Mỗi  quốc gia đều có một chính phủ mà nó đáng phải nhận”, đó là nhận xét của Joseph de Maistre, phái viên ngoại giao của vương quốc Sardinia tại Đế chế Nga cách đây khoảng 200 năm. Lúc đó ông đang nói về sự thờ ơ chính trị ăn sâu trong người Nga, một đặc điểm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tất nhiên, Nga không còn là một chế độ quân chủ tuyệt đối như trong thời kì của Maistre. Nó cũng không phải là một chế độ độc tài cộng sản, với những người như Joseph Stalin vốn sử dụng việc đe dọa tống vào trại Gulag (trại cải tạo lao động của Liên Xô – ND) để kìm hãm những phát biểu mang tính chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống  Vladimir Putin đã học được rất nhiều từ chiến thuật độc đoán của những người tiền nhiệm của mình, trong khi người dân Nga dường như không học được gì.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến vào cuối năm 2014, 68% số người được hỏi cho rằng Putin sẽ là “Người đàn ông của năm”. Việc ông ta chiếm Crimea từ tay Ukraina vào tháng 3, cùng với việc ông từ chối cúi đầu trước các cường quốc phương Tây vốn phản đối hành động của Nga, đã khiến ông trở thành một vị anh hùng trong mắt những người dân Nga bình thường.

Thực tế, những nỗ lực của  Putin để chiếm lại phần lãnh thổ trước đây của Nga đã làm lu mờ việc ông bóp nghẹt các tổ chức phi chính phủ, đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, và bịt mồm bịt miệng phe đối lập. Ngay cả khi nền kinh tế Nga sụp đổ – với việc đồng rúp đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 6, lãi suất tăng đến 17%, và lạm phát ở mức hai con số – thì Putin vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ là 85%.

Người Nga đáng lẽ nên đòi hỏi một giải pháp cho những vấn đề kinh tế của đất nước, chứ không phải ca ngợi vị lãnh đạo đã gây ra những vấn đề đó. Nhưng Putin, vốn là một cựu nhân viên của KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia), đã sở hữu sự khôn ngoan của một nhà độc tài. Ông ta biết rằng nhiều thế kỷ với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đã làm cho người Nga trở nên nhu nhược. Họ có thể sợ chính phủ; nhưng điều họ thậm chí còn sợ hơn là buộc phải tự lo cho bản thân mình.

Vào trung tuần tháng 12 (2014), Putin đã tổ chức bữa ăn tối hàng năm của mình với các đầu sỏ chính trị – có thể nói là một bữa đại tiệc trong một thời điểm “đen tối”. Bốn mươi nhà lãnh đạo công nghiệp và tài chính (hầu hết trong số họ quản lý các công ty liên kết với Điện Kremlin) đã tham dự sự kiện này để nhận – và đưa ra – sự bảo đảm rằng họ sẽ cùng với Chính phủ vượt qua khủng hoảng.

Tại bữa ăn tối, Putin đã nhắc lại lời hứa của mình về việc bảo vệ tài sản của các đầu sỏ chính trị khỏi lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Cụ thể, ông cam kết sẽ áp dụng đạo luật gọi là Luật Rotenberg, được đặt theo tên của Arkady Rotenberg, một chuyên gia tài chính đã bị buộc phải nộp 40 triệu đô la tài sản cho Chính phủ Italia vào tháng 9. Điều luật này quy định rằng Kremlin phải đền bù cho các đầu sỏ chính trị bất cứ tài sản nước ngoài nào mà họ bị mất do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt của phương Tây.

Những tuyên bố này dựa theo một lời hứa mà Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng trước. Nếu các doanh nhân Nga đưa các tài khoản nước ngoài của họ trở về Nga, các khuất tất tài chính của họ sẽ được tha thứ và bỏ qua.

Dựa vào những lời hứa như vậy chính là tự sát về mặt tài chính. Mới chỉ vài tháng trước đây, Putin đảm bảo với mọi người rằng nền kinh tế Nga sẽ vượt qua những hành động trừng phạt của Châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng.

Tương tự như vậy, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, các nhà tài phiệt Nga bị mất mát rất lớn – và gần như không bao giờ lấy lại được. Rõ ràng, không thể tin cậy vào Chính phủ Nga để bảo vệ tài sản của bất cứ ai, trừ trường hợp ngoại lệ có thể là các thành viên của chính Chính phủ.

Tuy nhiên, từ chối sự bao bọc của Kremlin cũng gây hại không kém. Rốt cuộc, ở nước Nga của Putin, bất đồng quan điểm chính trị mang lại sự hủy hoại về tài chính. Năm 2003, nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga là Mikhail Khodorkovsky – một người ủng hộ dân chủ hóa và là người chỉ trích Putin không mệt mỏi – đã bị bỏ tù khống về các tội gian lận và trốn thuế, và Công ty Dầu Yukos của ông bị đẩy tới chỗ phá sản, tan rã, và bị bán cho tay chân của Kremlin.

Mười năm sau, thông điệp vẫn không thay đổi: Nếu bạn tuân theo chính phủ, những hành động dại dột của bạn sẽ được tha thứ (không có bất cứ việc kinh doanh nào tại Nga mà lại không liên quan đến tiền lại quả và hối lộ). Ngược lại, không tuân thủ sẽ dẫn tới sự sụp đổ của bạn– dù là bạn giàu có hay nổi tiếng đến mức nào chăng nữa.

Tất nhiên, những người gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không phải là những ông trùm. Sau tất cả, Putin vẫn cần sự ủng hộ của họ – kể cả ngắn ngủi hay tạm thời – để giữ được quyền lực của ông ta.

Những người Nga bình thường có ít đòn bẩy- và sẽ phải gánh chịu nhiều hơn nhiều. Nhưng có lẽ họ đáng phải gánh chịu những việc đó. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt – cắt giảm lương hưu, tiền lương, và các dịch vụ xã hội (bao gồm một quyết định gần đây đóng cửa hàng trăm bệnh viện và sa thải hàng ngàn nhân viên y tế) – hầu như không gợi lên bất cứ lời chỉ trích nào.

Vào tháng 12, khoảng vài nghìn người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở trung tâm Mát-xcơ-va tại quảng trường Manezh, một phần để ủng hộ cho Alexei Navalny – một luật sư chống tham nhũng, blogger nổi tiếng, và là lãnh đạo của một phong trào đối lập đang suy yếu – và em  trai của ông, Oleg. Anh em nhà Navalny vừa bị kết án 3,5 năm tù vì tội lừa đảo một công ty mỹ phẩm. Alexei, một đối thủ của Putin ngang tầm với Khodorkovsky, nhận án treo; Oleg, một cán bộ quản lý ngành bưu điện vốn không quan tâm tới chính trị, sẽ phải ngồi tù 3,5 năm.

Chiến thuật này- “tha thứ” cho đối thủ trong khi trừng phạt họ thông qua người thân – là một trong những chiến thuật yêu thích của Stalin. “Đối thủ” sẽ nhanh chóng nhận ra “phải trái”, và công chúng, những người không biết tới người bị giam giữ, sẽ sớm mất đi sự quan tâm.

Họ vẫn tiếp tục như thế. Người dân Nga hiện nay vẫn hi vọng rằng Putin, người đã “đánh lén” các đối thủ của mình bằng việc sáp nhập Crimea, có thể sẽ có một chiến lược nào đó để ổn định hóa thị trường tài chính và phục hội giá dầu, thứ mà nền kinh tế Nga đang phụ thuộc vào.

Tất nhiên, người Nga đủ hiểu biết để lo lắng về việc Putin đang cạn ý tưởng. Những sự lo lắng đó không thể so sánh với nỗi sợ của họ về những việc có thể xảy ra nếu họ lật thuyền. Và Putin, về phần mình, cũng thừa hiểu việc này nên ông tra không cần các trại cải tạo Gulag mà chỉ cần sử dụng mánh đe dọa và tha thứ để tiếp tục nắm chặt quyền lực của mình.

*
Nina L. Khrushcheva là giáo sư giảng dạy Chương trình sau đại học về Quan hệ quốc tế tại New School ở New York, và là một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới, nơi bà phụ trách Dự án nghiên cứu về Nga. Trước đó, bà đã giảng dạy tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn “Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics and The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind ”.

Nguồn : Nina L. Khrushcheva, “Putin Scare Tactics”, Project Syndicate, 16/01/2015.


Có Thể Bạn Quan Tâm:




No comments:

Post a Comment

View My Stats