Thursday, 8 September 2016

VIỆC QUÂN SỰ HÓA CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ THÔI THÚC SỰ ĐỐI KHÁNG & TĂNG CƯỜNG VŨ TRANG TRONG KHU VỰC BIỂN ĐÔNG (Leo Timm - Epoch Times)




Tác giả: Leo Timm, Epoch Times 
Dịch giả: Phạm Duy
7 Tháng Chín , 2016

Do Trung Quốc củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình dọc theo bờ biển Đông Á và trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, với việc triển khai không ngừng các vũ khí hạng nặng và xây dựng đảo nhân tạo, nên các nước Đông Á khác đã phản ứng rất mãnh liệt.

Vào ngày 12 tháng 7, quá trình [khởi kiện] lên tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc do Philippines khởi xướng 3 năm trước đây, đã kết thúc với một phán quyết tại La Hay (the Hague), bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông [tên quốc tế là South China Sea].

Là nước đã xây dựng và cải tạo các đảo nhỏ và các rạn san hô ở vùng biển Philippines thành các hòn đảo nhân tạo với các sân bay và hải cảng, Trung Quốc đã nhanh chóng phủ nhận phán quyết này và tăng cường sự đe dọa của mình, không những ở Biển Đông mà còn trong cuộc tranh chấp ầm ĩ với Nhật Bản.

Các tàu nạo vét Trung Quốc đang làm việc để xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở trên và xung quanh khu vực Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa tại Biển Đông vào ngày 2 tháng 5, năm 2015. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Các nước láng giềng của Bắc Kinh đã tăng cường củng cố vị thế của mình, và một số nước đã bắt đầu phát triển năng lực phòng thủ của họ. Đây là một sự tương phản, tương đối trái ngược so với các biện pháp không đối đầu [mà họ áp dụng] trước đây. Nhật Bản đã có những động thái viện trợ cho Philippines, trong khi Việt Nam và Indonesia đã tăng cường mua sắm vũ khí và đào tạo.

Vào ngày 18 tháng 8, hãng tin Pháp AFP đã đưa tin rằng Nhật Bản đã chuyển giao 10 chiếc tàu đầu tiên, dài 44 mét, cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines để sử dụng, và rằng 2 nước đang trong quá trình đàm phán về một thỏa thuận, theo đó Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê máy bay giám sát.

Một tuần trước đó, Mỹ đã điều tất cả 3 loại máy bay ném bom chiến lược của mình đến căn cứ không quân ở đảo Guam. Đây là việc triển khai đầu tiên của Mỹ ở Thái Bình Dương, theo báo cáo ngày 11 tháng 8 trên trang web tin tức quân sự Jane’s. Cùng ngày, ấn phẩm quân sự chính thức của Trung Quốc đã nêu lên vấn đề này, nói rằng hành động của Mỹ trên thực tế “đã phản ánh những yếu kém quân sự của Mỹ”.

Việt Nam, một nước cộng sản và trong lịch sử từng là một địch thủ thực sự của Mỹ, đã chuyển sang lập trường ủng hộ Mỹ nhiều hơn khi mà chính họ cần trang bị để chống lại sự hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Cho đến cuối tháng 7, các lực lượng quân đội Việt Nam đã tiến hành tập trận đổ bộ, mô phỏng việc tái chiếm đảo – là điều mà có thể xảy ra trong một cuộc xung đột với Trung Quốc, theo báo cáo của [trang mạng] Jane’s. Trong năm 1974, các tàu và thủy quân lục chiến của Trung Quốc đã tiến công, đánh đuổi lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo mà Việt Nam vẫn tuyên bố [chủ quyền]. Ngày 16 tháng 8, một đoạn phim được phát sóng [trên kênh truyền hình] quân đội Việt Nam cho thấy rằng họ có thể triển khai những tên lửa chống tàu chiếntrên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, trong đó Việt Nam đang chiếm giữ 24 đảo.

Indonesia là nước mà không có lập trường chính thức chống lại hoặc ủng hộ những yêu sách của Bắc Kinh, nhưng đã di chuyển máy bay, radar, tên lửa phòng không, và các thiết bị khác đến quần đảo Natuna, nằm ở phía tây bắc Indonesia, trong khi kiên định xây dựng một hạm đội các tàu mới và tàu ngầm.

Các binh lính hải quân Indonesia đang phô bày 9 nghi phạm cướp biển ở Surabaya, một tỉnh Đông Java, vào ngày 10 tháng 5 năm 2016. (Juni Kriswanto / AFP / Getty Images)

Những hòn đảo này không nằm trong khu vực lãnh thổ mà Trung Quốc đã yêu sách, nhưng lại nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia. Mặc dù đất nước này chỉ có những cử chỉ ngoại giao tối thiểu, nhưng các tàu của cảnh sát biển Indonesia trong các cuộc đối đầu trước đó đã bắt giữ hoặc phá hủy các tàu cá của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển quanh [quần đảo] Natuna.

Những phản ứng của Nhật Bản

Về phía Đông Bắc, chính phủ Nhật Bản đã công bố sách trắng quốc phòng năm 2016 của mình vào ngày 2 tháng 8, bày tỏ sự quan ngại trước hàng trăm hành vi vi phạm không phận của lực lượng không quân Trung Quốc, được thực hiện trên vùng biển của Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp. Nhật Bản cũng đã kêu gọi Trung Quốc chấp nhận phán quyết ngày 12 tháng 7 [của tòa trọng tài quốc tế] về Biển Đông.

Sách trắng đã được công bố cùng vào thời điểm mà các đội tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, xung quanh quần đảo [Senkaku] để kiểm soát các tàu đánh cá, như đã được báo cáo trong nhiều bài viết của [tờ nhật báo] Nikkei, một tờ báo về tài chính của Nhật Bản, và trên các phương tiện truyền thông khác.
Đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía quân đội Trung Quốc, giới lãnh đạo của Nhật Bản đã trở nên cứng rắn hơn. Vào ngày 3 tháng 8, Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm bà Tomomi Inada, một người dân tộc chủ nghĩa phe cánh hữu, làm bộ trưởng quốc phòng, một động thái bị Bắc Kinh phản đối.

Ngày 14 tháng 8, tờ Yomiuri Shimbun cho biết Nhật Bản sẽ phát triển một tên lửa chống hạm mới, cho phép những lực lượng của mình nhắm mục tiêu vào các tàu Trung Quốc xâm phạm [lãnh thổ] từ quần đảo thuộc quận Okinawa.

Điều 9 của Hiến pháp sau Thế chiến II của Nhật Bản hiện đang không cho phép triển khai quân đội trong tình huống chiến đấu ở bên ngoài biên giới của đất nước – hoặc không cho phép xây dựng vũ khí “tiến công”, nhưng điều này có thể thay đổi khi [thủ tướng] Abe thúc giục những diễn giải rộng hơn của Điều 9 này, hoặc thậm chí thay đổi nó toàn bộ.

Bắc Kinh không nhượng bộ

Đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải quân Trung Quốc, đã nói với Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, rằng Bắc Kinh sẽ “không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng” trong việc xây dựng các hòn đảo và chiếm các vùng lãnh thổ Biển Đông, theo tờ Nhật báo Trung Quốc, một tờ báo do nhà nước [Trung Quốc] quản lý.

Vào ngày 18 tháng 7, cùng ngày mà ông Ngô đưa ra những ý kiến của mình, trên các trang mạng xã hội, lực lượng không quân Trung Quốc đã đăng các bức ảnh của một máy bay ném bom phản lực hạt nhân H-6K đang bay trên Bãi cạn Scarborough, một khu vực tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, là nơi mà chế độ Trung Quốc gần đây đã bắt đầu gọi là đảo Hoàng Nham. Các nhà chức trách ở miền nam Trung Quốc cũng đã thông báo rằng một phần của khu vực biển này đang bị cấm tầu thuyền, để tập trận.

Đó mới chỉ là sự bắt đầu của một loạt các hoạt động, bao gồm cả một trò chơi chiến tranh mà Bắc Kinh đã tuyên bố vào ngày 29 tháng 7, được gọi là “Phối hợp Hàng hải 2016”, sẽ được tổ chức vào tháng 9, hợp tác với các lực lượng của Nga. Những dấu hiệu ít khó hiểu hơn về việc Trung Quốc có ý định phá ngang phán quyết pháp lý của [Tòa trọng tài] La Hay thông qua các hành động bất hợp pháp, có thể được nhận thấy trong việc [Trung Quốc] xây dựng và triển khai nhiều tàu chiến và tàu tiếp tế tại khu vực tranh chấp.

Ngày 6 tháng 8, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một tờ báo do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát, đã đưa tin rằng cùng tham gia với máy bay ném bom hạt nhân có các máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát, với nhiệm vụ tuần tra trên Bãi cạn Scarborough và các quần đảo khác của Philippines.

Trong bức ảnh không có ngày tháng này, tàu khu trục Trung Quốc Loại 052D Luyang III, đang cập cảng tại một xưởng đóng tàu ở miền nam Trung Quốc. (Haifangxianfeng / CC BY-SA 4.0)

Ngày 14 tháng 7, hai ngày sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài, lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai 1 trong 4 tàu khu trục mới, Loại 052D Luyang III, vào hạm đội Nam Hải Trung Quốc, theo báo cáo của trang mạng tin tức quân đội Jane’s. Vào tháng 8, tàu khu trục với trọng tải 7.500 tấn này đã tham gia cùng với một chiếc tàu khu trục cũ hơn nhưng vừa mới nâng cấp, Tàu Thâm Quyến, một tàu khu trục Loại 051B.

Vào ngày 15 tháng 7, trang web Trực tuyến Quân đội Trung Quốc đã báo cáo rằng 2 tàu tiếp tế, với tổng tải trọng 20.000 tấn, đã được hạ thủy tại quân cảng Trạm Giang, và nhanh chóng bàn giao cho Hạm đội Biển Nam Hải của hải quân PLA.

Theo một báo cáo của Quốc hội gần đây, hải quân Trung Quốc có ý định trở thành lớn nhất thế giới, với hơn 350 tàu biển vào năm 2020. Hải quân Trung Quốc hiện đang vận hành một tàu sân bay theo thiết kế của Nga, tàu Liêu Ninh, và nó đang trải qua những cuộc thử nghiệm kéo dài. Một tàu sân bay đóng nội địa cũng sắp hoàn thành.




No comments:

Post a Comment

View My Stats