Thứ năm, 4/9/2014 | 07:03 GMT+7
Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn con đi Mỹ du học
vào năm ngoái mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Sân bay đông nghẹt. Nhìn những em bé
chỉ 15, 16 tuổi như con tôi một mình đẩy hành lý vào làm thủ tục ở sân bay mà rớt
nước mắt.
Chuyến bay kéo dài 24 giờ đồng hồ, bao gồm cả
transit ở Nhật Bản. Gia đình tôi chỉ còn biết cầu trời khấn Phật để mong bình
an. Và tôi cũng như biết bao gia đình phải chờ đợi một năm học thì con mới về
nghỉ hè. Không có gì có thể tả hết nỗi khổ của những người làm cha mẹ xa con.
Cũng không có gì có thể nói hết về sự gian nan vất vả khi cha mẹ lao động cực
nhọc kiếm tiền học phí cho con đi du học. Bởi cho một đứa con đi học xa nhà cần
cả một tinh thần thép và một khả năng tài chính đủ mạnh. Cũng như chính đứa bé
đó muốn thành công cũng phải vượt qua những thách thức không dễ dàng ở nơi
chúng chưa bao giờ biết đến, trong môi trường học tập và cạnh tranh quốc tế.
Nhưng vì sao gia đình tôi và biết bao gia đình khác
đã lựa chọn con đường này? Có lẽ vì chúng tôi muốn thoát ra khỏi nỗi lo lắng và
buồn bực đã nặng trĩu trong lòng nhiều năm qua.
Nếu ta cùng ra đường buổi sáng, buổi trưa và chiều ở
TP HCM, có thể thấy cảnh từng gia đình đang gồng gánh chở con đi học. Con tôi
cũng đã từng như vậy. Những đứa bé kể từ lớp 1 đã phải dậy rất sớm, độ 5h30-6h.
Sau đó, chúng phải ăn vội vàng một gói xôi hay một gói bánh mì sau lưng cha mẹ.
Người cha hay người mẹ vừa luồn lách giữa đám đông nghẹt khói bụi, vừa thúc con
ăn cho mau. Con đến trường tất bật và sau đó bắt đầu một ngày học ba ca. Cả
sáng, chiều và tối, từ học chính khóa đến học thêm nếm. Giờ làm việc của một đứa
bé thành ra từ 6h sáng đến 10h đêm. Không biết đến thể dục, thể thao, không có
hoạt động xã hội nào ngoài học và học. Và các bữa ăn của các cháu hầu như là ở
ngoài đường hay ở trường học mà hầu hết có thể thấy là thiếu cân bằng dinh dưỡng.
Tất cả như một guồng quay rất đều và rất tệ. Nếu không ở trong guồng này, các
cháu sẽ văng ra ngoài và không thể theo kịp cách dạy, cách học của trường lớp
ngày nay. Không chỉ các cháu mà chính tôi cũng sợ hãi guồng quay này. Và hàng
chục năm qua, ngày nào tôi cũng tự hỏi khi nào thì nó kết thúc? Nó chỉ có thể kết
thúc khi tôi đủ khả năng cho con đi du học và con tôi có học bổng.
Nào ta hãy cùng đọc báo mỗi sáng. Hầu như tháng nào,
thậm chí chỉ cách nhau vài ngày lại thấy một sáng kiến, một thay đổi không lớn
thì cũng cỡ vừa ảnh hưởng đến mọi cấp học từ Bộ Giáo dục hay Sở Giáo dục địa
phương. Kế đó, nhà trường và thày cô lại triệu hồi cha mẹ tới để phổ biến về những
thay đổi. Còn cha mẹ và con cái thì nỗ lực xoay như chong chóng quanh những
thay đổi đó. Mỗi thay đổi đều kèm theo tiền bạc, thời gian và công sức. Đến nỗi
khi mỗi đứa con tôi qua từng cấp học, chúng tôi chỉ còn biết cầu mong làm sao để
giữa lúc nước sôi lửa bỏng để cạnh tranh vào học một trường tốt hơn thì không xảy
ra thay đổi gì khiến cả con lẫn cha mẹ đều trở tay không kịp. Bởi những thay đổi
này làm gì có kế hoạch, có tiến trình gì cụ thể, dường như hứng lên là có một
sáng kiến mới. Những chuyện vô lý này chỉ không còn là nỗi lo sợ với gia đình
tôi khi con tôi đi du học mà thôi.
Cùng sống và trò chuyện với con thường xuyên, tôi có
thể cảm thấy một nỗi buồn khi thấy dường như đánh mất sự trong trẻo của trẻ con
bởi những gì chúng đang phải tiếp xúc hằng ngày. Vào ngày lễ, nếu tôi chưa kịp
mua quà bánh mang tới biếu cô giáo, cháu rất lo lắng. Cháu nói ở trường các bạn
đều mang quà cho cô mà sao mẹ chưa mua. Nếu bị điểm xấu đầu năm, cháu cũng tâm
sự rằng các bạn nói thày cô đang “đánh điểm xuống”. Chỉ cần đánh xuống vài điểm
nữa là hết tháng 9 hay cùng lắm tháng 10, cả lớp sẽ phải đi học thêm. Nếu không
thì không tài nào có điểm tốt. Con tôi cũng nói ở lớp có cha mẹ một số bạn là Mạnh
Thường Quân, vì vậy nên cô cũng có những ưu tiên nhất định cho các bạn hơn là
những đứa bình thường…Và mỗi kỳ họp phụ huynh chỉ còn là dịp để đóng tiền hội
phí ngất ngưởng. Hóa ra những chuyện tiêu cực ở trường học đã biến những đứa bé
thành lọc lõi và tìm ra cách đề phòng để sống sót. Và điều này chỉ thực sự chấm
dứt khi con tôi đi du học mà thôi.
Vậy rút cuộc, chúng tôi phải cho con đi du học để
làm gì? Chỉ để con cái chúng tôi thực sự được là một đứa trẻ con và học hành
trong môi trường công bằng và cởi mở, được sinh hoạt xã hội và phát huy năng
khiếu thực sự, trong sự ổn định của chiến lược giáo dục cũng như sự chăm sóc tử
tế của thày cô giáo. Đó là nền tảng quan trọng nhất cho những đứa bé trở thành
người hữu ích mai này.
Trong suốt một năm con tôi ở Mỹ, lần đầu tiên tôi cảm
thấy cháu là trẻ con. Ngày nào cháu cũng có một giờ tập thể thao và một giờ học
nghệ thuật. Ngoài giờ học, trường có rất nhiều câu lạc bộ thú vị cho các cháu
tham gia vui chơi, từ diễn kịch, ca hát, tham gia mọi môn thể thao, làm robot
cho đến ẩm thực… Cháu được dạy rất nhiều kỹ năng sống, từ tập luyện để trong mọi
thời tiết để nâng cao sức khỏe, sơ cấp cứu, dạy chi tiêu và quản lý tài chính
cá nhân đến kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm… Suốt một năm, dưới sự quản lý của
trường, cháu đi ngủ đúng giờ và không hề chơi game hay vào các website không
phù hợp. Thay vì học 13-14 môn học, các cháu chỉ học 4-5 môn trong một năm và học
rất chuyên sâu. Vì học nội trú, các thày cô chăm sóc ở bên con tôi từ 6h sáng đến
11h đêm. Còn các thày cô dạy chuyên môn thì sẵn sàng chào đón cháu ở văn phòng
riêng khi cần và tận tâm chỉ dạy cháu học hành đến nơi đến chốn. Cháu luôn nói
với gia đình là mọi người xung quanh rất tốt và thân thiện, con cảm thấy vui vẻ
và thoải mái. Và hết năm, cháu đạt kết quả dẫn đầu khối lớp của mình ở trường.
Nếu giáo dục nước nhà ổn định và phát triển thì
không gì bằng là con học gần nhà, vừa đỡ tốn kém tiền của gia đình, xã hội mà
ít rủi ro. Mỗi gia đình cho con đi du học đều đứng giữa lằn ranh mong manh của
hy vọng vào hiệu quả sau du học và những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng,
họ đành ra quyết định cho con đi như một việc chẳng đặng đừng. Và những quyết định
như vậy vẫn còn tiếp diễn, một khi việc dạy và học ở trong nước chưa thoát khỏi
mớ bòng bong.
Là một người mẹ, tôi ước gì con tôi không phải đi du
học.
Nguyễn
Anh Thi
No comments:
Post a Comment