Tuesday, 6 September 2016

TRUNG QUỐC & BÀI TOÁN HÓC BÚA ĐỂ GIẢI QUYẾT NỢ (Thu Hằng - RFI)





Thu HằngRFI
Đăng ngày 05-09-2016

Trung Quốc, nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc ngày 05/09/2016, là chủ đề được hai nhật báo Le Monde và Le Figaro quan tâm. Tổng nợ của Trung Quốc đã vượt 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tiếp tục tăng với nhịp độ đáng ngại. « Bài toán hóc búa của Trung Quốc để giải quyết nợ » được phân tích trong chuyên trang « Kinh Tế » của nhật báo Le Monde.

« Quả bom nổ chậm »« Cơn sóng thần tài chính »… là những cụm từ được giới phân tích đánh giá về tổng số nợ của Trung Quốc. « Chủ đề này khiến mọi người bận tâm (…) và không chỉ riêng ở châu Á » là lời bình luận của chuyên gia Louis Kuijs thuộc Oxford Economics và từng là kinh tế gia tại văn phòng Bắc Kinh của Ngân Hàng Thế Giới.

Thực vậy, từ khoảng cuối năm 2006 đến cuối năm 2015, tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm các gia đình, doanh nghiệp (trừ lĩnh vực ngân hàng), Nhà nước và địa phương, đã tăng từ 151,4% lên thành 255% GDP của đất nước. Nhà kinh tế học Barry Eichengreen, thuộc đại học Berkeley, California, nhấn mạnh : Không một quốc gia nào trên thế giới có số nợ tăng nhanh đến như vậy trong cùng giai đoạn này, thậm chí là trong suốt lịch sử.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng vọt như vậy ? Theo nhật báo Le Monde, chính kế hoạch phục hồi kinh tế được Bắc Kinh bắt đầu vào năm 2009 là nguyên nhân chính. Chính quyền Trung Quốc bơm hơn 4.000 tỉ nhân dân tệ (536 tỉ euro, chiếm 13% GDP) để đối chọi với hậu quả của tình trạng phát triển chậm lại của thế giới. Pham Thuy Van, chuyên gia kinh tế của Groupama Asset Management, nhắc lại : « Các ngân hàng nhà nước cho các địa phương và các công ty quốc doanh vay tràn lan, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng ».

Thế nhưng, các khoản cho vay tín dụng trên góp phần làm tăng sản lượng dư thừa trong lĩnh vực công nghiệp : có quá nhiều nhà máy so với lượng cầu. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp nhà nước không có cơ chế quản lý tốt, ít lợi nhuận, sẽ không bao giờ hoàn trả được các khoản vay.

Tình hình trên khiến nhiều chuyên gia e rằng Trung Quốc sắp trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, tương đương với cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ sau xì-căng-đan bong bóng địa ốc năm 2007. Họ đánh giá nếu tín dụng tiếp tục tăng với nhịp độ như trên mà không có biện pháp thay đổi, thì sẽ khó tránh khỏi một thảm họa sau này.

Ngược lại, các chuyên gia tỏ ra lạc quan thì cho rằng « không có lý do gì phải lo lắng ». Vì chính quyền Trung Quốc có đủ mọi phương tiện để can thiệp trong trường hợp rủi ro. Tổng nợ của trung ương chỉ đạt ở mức 27% GDP. Nếu tính cả tổng nợ của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tổng nợ công chung (trong đó có cả các địa phương), thì con số này chiếm 80% GDP, vẫn nằm trong giới hạn « chịu được ».

Lý do thứ hai là « phần lớn nợ của Trung Quốc được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ và trong nội bộ đất nước », như vậy Bắc Kinh « sẽ không phải chịu áp lực từ phía các chủ nợ nước ngoài. Điều này hạn chế những rủi ro dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và nguy cơ lan truyền », theo nhận định của Hui Feng, thuộc Viện Griffith Asia Institute, đại học Griffith, Úc.

Nắm rõ vấn đề, Bắc Kinh hứa sẽ giải quyết tình hình. Thế nhưng, hạn chế nợ sẽ đồng nghĩa với việc đưa ra những biện pháp cải cách khó khăn, liên quan đến chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình tăng trưởng nhờ tiêu dùng và dịch vụ, thay vì xuất khẩu và đầu tư. Chính vì vậy, nhà nước để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tự phá sản. Tình trạng này lại dẫn đến tỉ lệ người thất nghiệp tăng vọt và có thể là nguyên nhân dẫn đế những biến loạn xã hội.

Những hậu quả này giải thích tại sao chính phủ không muốn nhanh chóng tiến hành đường lối trên mà muốn một quá trình chuyển đổi chậm mà chắc. Trung Quốc có thể sẽ không rơi vào khủng hoảng tài chính, nhưng nền kinh tế nước này sẽ phát triển chậm hơn, có thể giống trường hợp của Nhật Bản trong thập niên 1990.

*
Tổng thống Obama thúc Bắc Kinh tôn trọng luật hàng hải quốc tế
Dù chỉ còn vài tháng là hết nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn không có ý định tránh những chủ đề khiến người đồng nhiệm Trung Quốc « phật lòng » tại hội nghị thượng đỉnh G20. Theo Le Figaro, « Luật hàng hải quốc tế đã được tổng thống Obama thúc giục Bắc Kinh tôn trọng ».

Bài báo cho biết nước chủ nhà G20 muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế vai trò của một nước lãnh đạo có trách nhiệm trước một thế giới đầy xáo động. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hạn chế nội dung các cuộc thảo luận chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế và môi trường. Thế nhưng, bất chấp ý định của Trung Quốc, ngay trước thềm thượng đỉnh, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh đến chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông, đồng thời khẳng định nhiệm vụ mà Hoa Kỳ thực hiện tại vùng này.

Trong buổi làm việc kéo dài 4 giờ với chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã thúc giục Trung Quốc « tôn trọng các nghĩa vụ của mình » liên quan đến Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trước đó, tức giận vì phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, Bắc Kinh từng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau giật dây và tiếp tục khẳng định chủ quyền lịch sử trên hầu hết khu vực Biển Đông. Trong buổi làm việc với tổng thống Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc « sẽ tiếp tục kiên quyết giám sát chủ quyền và quyền hàng hải của mình tại Biển Đông ». Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ sẽ giải quyết các tranh chấp một cách « hòa bình » và yêu cầu Hoa Kỳ đóng « vai trò xây dựng » trong vùng.

Trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng diễu võ giương oai ở Biển Đông, Washington cho biết tiếp tục đảm bảo « an ninh » cho các đồng minh trong khu vực. Ngày 04/09, Philippines đã thể hiện « quan ngại sâu sắc » của nước này liên quan đến sự kiện các tầu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở ngoài khơi bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp.

Một số chủ đề khác dễ gây mất lòng Trung Quốc cũng được tổng thống Obama đề cập, như yêu cầu Bắc Kinh tạo điều kiện cho một môi trường thương mại « cởi mở », đề nghị chính quyền cộng sản tôn trọng « nghĩa vụ bảo vệ tự do tín ngưỡng đối với công dân Trung Quốc ».

Về phần mình, ông Tập Cận Bình nhắc lại lời phản đối việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc.

*
Angela Merkel bị phản công vì chính sách nhập cư
Thời sự châu Âu nổi bật là chính sách nhập cư của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày càng bị phản đối dữ dội, ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo (CDU) của bà cũng như tại vùng Mecklenburg-Vorpommern, thường bầu cho CDU. Sự bất tín nhiệm này được phản ánh thông qua kết quả cuộc bầu cử cấp vùng diễn ra ngày 04/09/2016.

Le Figaro nhận định : « Đảng của bà Angela Merkel bị phe dân túy đánh bại ». Thực vậy, đảng CDU của thủ tướng Đức đã đạt kết quả thảm hại nhất tại vùng Mecklenburg-Vorpommern, thậm chí là trong suốt lịch sử của đảng, với khoảng 19% số phiếu (xếp vị trí thứ ba) và thua cả đảng AfD với kết quả 21,4%. Le Figaro nhận định dường như chiến dịch vận động bầu cử của phong trào dân túy AfD, chủ yếu là phản đối chính sách nhập cư và thủ tướng Đức, đã thu được kết quả.

Cũng chung nhận định trên, trang nhất của Les Echos chạy tựa : « Phe dân túy giáng một đòn mạnh vào Merkel ». Đây là lần đầu tiên, AfD vượt qua đảng CDU của bà Angela Merkel. Theo Les Echos, đây là lời báo động nghiêm khắc đối với thủ tướng Đức khi cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra trong năm tới và là dấu hiệu phản đối chính sách nhập cư của người đứng đầu chính phủ.

Với La Croix, cuộc bầu cử cấp vùng tại Đức là một bài trắc nghiệm đối với đảng CDU. Một năm kể từ khi Berlin mở cửa biên giới với người nhập cư, « Vấn đề di dân là chủ đề chính của các cuộc tranh luận chính trị ».

Trang nhất của Libération là hàng tựa lớn : « Merkel bị trừng phạt ». Hiện đang bị suy yếu vì chính sách nhập cư đầy dũng cảm nhưng lại bị chỉ trích kịch liệt, liệu người đứng đầu chính phủ Đức có thay đổi chiến lược không ?

*
Bầu cử Mỹ : Cả Clinton lẫn Trump bị bất tín nhiệm ngang nhau
Chỉ còn hai tháng là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, cả Trump và Clinton đều có mức bất tín nhiệm ngang nhau. Trong khi đó, phe Cộng Hòa vẫn tiếp tục bị chia rẽ trước những bài diễn văn gần đây của ứng viên Donald Trump.
Theo nhật báo Les Echos, sau nhiều tuần vượt qua đối thủ đảng Cộng Hòa, tỉ lệ ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton giảm xuống một cách đáng ngại. Theo kết quả thăm dò của Washington Post-ABC News công bố vào tuần trước, 56% cử tri có ý kiến tiêu cực về bà Clinton, giảm 6 điểm chỉ trong vòng một tháng. Hai nguyên chính vẫn là quỹ của nhà Clinton và việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi bà còn là ngoại trưởng Mỹ.

Ngày lễ Lao Động Mỹ 05/09 cũng là mốc đánh dấu sự mất uy tín của ứng viên đảng Cộng Hòa, khi nhà tỉ phú không ngừng chỉ trích đảng của mình thiếu hợp tác. Bài phát biểu về tình hình nhập cư ngày 01/09 của ông Donald Trumps cũng dội gáo nước lạnh vào mọi hy vọng giảm bớt căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng Hòa.

*
Trang nhất các nhật báo
Thời sự chính trị Pháp được hai nhật báo Le Monde và Le Figaro đề cập nhân sự kiện các đảng phái bắt đầu năm mới. Đảng cực hữu Front National được Le Monde phản ánh trên trang nhất với hàng tựa « Marine Le Pen đi tìm chiến lược tranh cử tổng thống ». Còn nhật báo Le Figaro thì nhận định : « Tranh cử tổng thống : căng thẳng bên cánh hữu dịu xuống, cánh tả tan nát ».

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến thời sự nước Pháp nhưng trên khía cạnh kinh tế. Nhờ việc « Các ngân hàng mở van tín dụng », nên vào tháng 7/2016, các khoản vay tín dụng mua bất động sản đã đạt một mức kỷ lục và « tín dụng tiêu dùng » vẫn ở mức năng động. Les Echos nhận xét chính sách lãi suất thấp của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Về tình hình xã hội, người Hoa tại Pháp lại xuống đường vào ngày 04/09 thể hiện sự tức giận và lo lắng về tình trạng an ninh đối với họ được Le Figaro đề cập.

Hai chủ đề liên quan đến châu Âu được đề cập là « Bốn kịch bản cho Brexit » trên trang nhất của La Croix và « Chính sách người nhập cư : Merkel bị phản ứng dữ dội » trên Libération.

------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats