Wednesday, 14 September 2016

TAN TÁC MỘT ĐÓA SEN (Jos. Ngô Văn Kha)




Jos. Ngô Văn Kha (Dòng Chúa Cứu Thế)
Đàn Chim Việt   -  03:12:am 12/09/16

Việc nhà cầm quyền cộng sản cưỡng chế chùa Liên Trì hôm 8/9/ 2016 để lấy đất dành cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể biện minh bằng bất kỳ lý do nào, dù đó là quy hoạch tổng thể gì gì đi chăng nữa. Vì con người, cho đến thời điểm này, cho dù đang sống trong xã hội cộng sản, một xã hội chủ trương xoá sạch mọi dấu vết của tôn giáo, sau khi đã cố bôi nhọ, vu khống đủ mọi điều xấu xa, cố tình ra tay triệt hạ mọi vết tích và ảnh hưởng của tôn giáo, phải thừa nhận rằng, tôn giáo là một điều tất yếu cho đời sống. Vì vậy mới có chùa Bái Đính và hàng ngàn ngôi chùa “quốc doanh” khác “mọc um tùm” lên trên toàn cõi Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu tâm linh “có thật” cho con người; đó là chưa nói đến việc tôn giáo, xét như một yếu tố quan trọng góp phần quản lý xã hội và hướng dẫn đời sống đạo đức cho con người.

Vậy tôn giáo xét như là “một yếu tố hay một công cụ” quan trọng góp phần quản lý xã hội? Đấy là câu hỏi muôn thuở đặt ra cho các thể chế, cho các nhà cầm quyền, và tuỳ theo ý thức, nhận định, sự đánh giá và chủ trương của họ, mà trong dòng lịch sử đã có khuynh hướng nương nhờ tôn giáo hoặc sử dụng tôn giáo trong việc cai trị và điều hành quốc gia. Và tất nhiên việc đó luôn để lại những hậu quả xấu hay tốt, thuận lợi hoặc vô cùng tai hại.
Đã qua chưa cái thời cuồng tín và cực đoan, đối kháng và triệt tiêu giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo và không tôn giáo và giữa những người không tôn giáo với nhau?

Ai trả lời được câu hỏi này là kẻ nói khoác và mị dân; ai cố chứng tỏ cho thấy mình có quyền lực lớn như tôn giáo, chỉ là kẻ hoang tưởng; ai chứng minh được quyền hành mình bao trùm lên cả tôn giáo, chi phối hoặc có thể bóp chết một tôn giáo, thậm chí có thể khai sinh một tôn giáo mới và khác, đó chỉ có thể là cộng sản!

Vậy tôn giáo, xét như là một yếu tố hay một công cụ, hoặc “không là gì cả”, tuỳ thuộc vào người nghiêm túc đặt ra cho mình điểm khởi phát, hành trình và điểm kết thúc cho hành trình làm người của mình, cho vị trí của mình trong xã hội, gia đình và có thể nói, cho cả “hậu vận” của mình.

Nhìn vào trong đời sống xã hội, nếu có người bảo, không tôn giáo tôi vẫn sống tốt, xin hãy chứng minh bằng hành động, những hành động “tốt” hơn tôn giáo!, nếu bảo tôn giáo xấu, cứ để nó chết dần trong sự “ô nhục” của nó, còn nếu ép nó chết trong những hành vi đồi bại của mình, bằng cách dựng lên những tôn giáo “giả”, thì càng minh chứng rằng nó, tôn giáo, thứ tôn giáo phát xuất từ những khát khao, đáp ứng cho những ước mơ chân chính cho cuộc sống của con người, là thật, không thể thiếu cho đời sống con người và nó sẽ bất diệt.

Chỉ vì có những kẻ coi tôn giáo là thuốc phiện, nên họ mới say sưa trong cơn chếch choáng của những hành vi phi đạo đức; chỉ vì có những kẻ coi tôn giáo như thứ “rác rưởi” của cuộc sống, nên đời sống họ, chẳng cẩn bươi, đã bốc mùi tởm lợm của mọi thứ rác rưởi hoà quyện vào; chỉ vì có những kẻ đang tâm triệt tiêu tôn giáo, mà lòng dạ “nửa người, nửa thú” của họ mới phơi bày.

Nếu những người theo thứ tôn giáo giả tạo, thứ tôn giáo ấy huỷ hoại chính đời sống họ; nếu có người theo thứ tôn giáo cực đoan, bất dung thứ, tôn giáo ấy huỷ hoại cộng đồng họ; nhưng nếu có tổ chức, đảng phái, chính thể theo thứ tôn giáo “nửa ma nửa quỷ”, sẽ làm tốn hại đến cả dân tộc. Và điều ấy đang xảy ra cho dân Việt đáng thương này, từ chủ trương, chính sách của đảng cộng sản.

Vậy tôn giáo thuộc về ai? Về số đông hay sức mạnh? về những giá trị thật giả lẫn lộn?

Sự phát sinh, phát triển và tồn tại của tôn giáo được lượng giá bằng lịch sử khách quan. Những gì không thích hợp sẽ tự động đào thải, ngược lại, những gì là chân lý, thì dù có làm mọi cách như phá hoại, huỷ hoại, làm cho biến chất và biến tướng cũng không thể “chạm” đến. Việc cưỡng chế chùa Liên Trì một cách bất minh, vi hiến, ngược với lòng người bằng sức mạnh bạo lực cho thấy sự ấu trĩ trong nhận thức, kém cỏi trong quan điểm và sai trái trong lập trường của nhà nước cộng sản. Và dù chùa Liên trì có như một đoá sen tan tác bởi bạo quyền áp bức, thì không vì thế mà nó không phải là “sen”, nhưng càng lộ rõ phẩm chất “sen” trong “bùn, chứ không như thứ “bùn” tranh đòi làm “sen”!

Hãy cứ để cho mỗi người cảm nhận được chân lý, phát triển nhận thức cách tự nhiên và trải nghiệm bằng chính cuộc sống mình. Vì chân lý không thuộc về bạo lực; sự thật không thể bưng bít, xuyên tạc hay định hướng, và cái đúng sai là do lương tâm phê phán.

Việc cưỡng chế chùa Liên Trì của nhà nước cộng sản không chắc là đầu mối cho bạo động xã hội, dù đó có thể là nguyên nhân chính đáng và biện minh cho những phản kháng xã hội, dù đó đang là mối đe doạ cho nhà cầm quyền vốn đầy lo sợ ngay cả với những “đồng chí” của mình, và bất an, dù đang cầm quyền sinh sát trong tay. Nhưng đó là tiếng nói công khai, rõ ràng về việc tự tố cáo về tính phi nhân, phi luật pháp, phi đạo đức và phi tôn giáo của mình.
Nếu một chính thể thể hiện mình bằng nhiều thứ “phi” như thế, thử hỏi, đó là chính thể gì? Phải chăng đó là một thứ quái thai, lột xác thành một loài quái vật đang hành xử một cách quái đản đến thế?

Jos. Ngô Văn Kha (Dòng Chúa Cứu Thế)







No comments:

Post a Comment

View My Stats