Monday, 5 September 2016

TẠI SAO HỌC SINH CẦN PHẢI HỌC CHỮ HÁN (Mặc Lâm)




Mặc Lâm
05/09/2016

Bauxite Việt Nam - Cuộc trao đổi về vấn đề nên hay không nên dạy thêm chữ Hán trong trường học phổ thông hiện nay không chỉ nổi bật trên nhiều diễn đàn học thuật mấy hôm nay mà lan rộng cả trong cộng đồng Facebokker. BVN xin chọn một vài trong số những ý kiến được nhiều người chia sẻ hoặc like, đăng lên, để bạn đọc tham khảo trước khi đọc phần lược thuật của phóng viên Mặc Lâm. Trước hết là 2 ý kiến được trình bày liên hoàn của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả Ngàn năm áo mũ, nguyên cán bộ Viện Văn học, nay trở thành giáo viên tự do, đã mở nhiều khóa dạy Hán Nôm thành công cho các thế hệ thanh thiếu niên ham thích môn học này. Sau ý kiến bạn Trần Quang Đức, trong ngày mai và một vài ngày tới chúng tôi sẽ xin đăng tiếp ý kiến của GS Nguyễn Huệ Chi, Chủ biên bộ Thơ văn Lý - Trần (1977 - 2004), người có gần 50 năm nghiên cứu văn học cổ Việt Nam bằng chữ Hán và chữ Nôm tại Viện Văn học, cũng như của một vài người khác.

QUỐC HỌC

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kể rằng: “Năm 1990, anh PL làm một dự án về sự ra đời chữ quốc ngữ trong xu thế phát triển của văn học Việt Nam để xin tài trợ của Nhật, tôi là một thành viên của Viện Văn học đến trao đổi với chuyên gia văn hóa Nhật. Không ngờ bị họ phản bác rất mạnh. Mấy người Nhật đều lập luận: Việt Nam bỏ học chữ Hán và chữ Nôm là sai lầm, trẻ em sẽ không còn biết gì về văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của mình. Khi chúng lớn lên, người Việt Nam thế nào cũng có phần mất gốc. Ở Nhật, trẻ em vẫn phải học 3000 chữ Hán cổ. Và đó không phải là học văn hóa Trung Quốc mà học cho văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi cãi không lại họ và cuối cùng dự án của PL bị từ khước”.

Đó là nhận thức của trí thức Nhật Bản về vấn đề Hán Nôm. Và vì sao người Nhật lại coi trọng chữ Hán như thế, thì xin đọc stt mới nhất của anh Nguyễn Quốc Vương. Qua đó để thấy, trong khi nền Quốc học ở Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa giáo dục, thế giới tinh thần của người Nhật hiện đại, thì nền Quốc học ở Việt Nam vừa chập chững biết đi đã chết lâm sàng.

"Người ta cũng chỉ biết đến vai trò của Dương học (Tây học) đối với quá trình cận đại hóa của Nhật Bản mà quên mất quốc học. [...] Thực tế quốc học ở Nhật cũng có vai trò không nhỏ tạo ra thành công của Nhật Bản ở phương diện khai sáng và phát triển văn minh.

Quốc học 国学 là lĩnh vực học thuật nổi lên vào khoảng giữa thời Edo (1603-1867) và phát triển song song, cạnh tranh với Lan học (Hà Lan học). Quốc học nảy sinh từ sự phê phán khuynh hướng nghiên cứu các tác phẩm cổ điển của Nho giáo, Phật giáo mà tiêu biểu là "Tứ thư, ngũ kinh" một cách máy móc, giáo điều. Chính vì vậy mà các nhà quốc học tập trung vào nghiên cứu các tác phẩm cổ điển của Nhật Bản, lịch sử, tư tưởng, thế giới tinh thần vốn có của Nhật Bản Cổ đại trước khi tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Tùy theo các học giả mà quốc học có phạm vi rộng hẹp khác nhau nhưng đại thể nó bao gồm: Quốc ngữ học, quốc tự học, ca đạo, lịch sử học, địa lý học, thần học... Quốc học với những tác phẩm và hoạt động thực tiễn của các học giả thuộc trường phái này đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa-giáo dục và thế giới tinh thần của người Nhật. Sự phát triển của quốc học trong bối cảnh cạnh tranh với Lan học đã tạo ra nền tảng cho các ngành khoa học hiện đại sau khi Nhật Bản cận đại hóa dưới thời Minh Trị như Lịch sử học, Địa lý học, Dân tục học [...]

Ở Việt Nam hiện tại, càng hội nhập sâu và càng muốn gia nhập vào thế giới văn minh, như một quy luật tất yếu, người Việt sẽ cần phải nhận thức lại chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà ở nước Nhật vào những giây phút chuyển giao thời đại như thời Minh Trị các sách vở liên quan đến lịch sử, văn hóa lại được quan tâm và bán chạy. Muốn nhận thức được chính mình không thể thiếu quốc học. Muốn quốc học có thành tựu thì cần phải giỏi Hán-Nôm và có mối quan tâm sâu sắc đến quá khứ, đến di sản của cha ông xuất phát từ cái nhìn chân thật vào những vấn đề của xã hội hiện thực. [...] Cả cá nhân lẫn cộng đồng khi không hiểu chính mình hay ngộ nhận sẽ rơi vào tâm lý hoặc mặc cảm tự ti hoặc hoang tưởng tự tôn quá mức. Thậm chí là một trạng thái phức tạp đầy tổn thương pha trộn cả hai.

Việc đề nghị học Hán Nôm cho học sinh trong trường học chẳng có gì là ghê gớm nếu nhìn ở góc độ ấy. Học bất cứ cái gì muốn đem lại ích lợi cho cá nhân người học và sự tiến bộ của cộng đồng đều phải được tiến hành trong môi trường tự do học thuật và tinh thần tự do. Giả sử như Hán-Nôm có trở thành một nội dung tự chọn trong trường học hoặc được dùng trong sinh hoạt câu lạc bộ đi nữa cũng rất khó để hi vọng rằng sẽ có những học sinh thông kim bác cổ đọc được các văn bản Hán-Nôm mà cha ông để lại .Nhưng thông qua đó mà gợi mở mối quan tâm của học sinh đối với quá khứ và đánh thức nhu cầu nhìn lại bản thân, nhìn lại di sản của cha ông dưới nhiều góc độ với cả cái hay, cái dở và cả những gì còn đang ngổn ngang là có thể. Từ những rung cảm ban đầu ấy rất có thể nhiều em sẽ thành những nhà quốc học xuất sắc trong tương lai hoặc nếu không cũng là người có mối quan tâm tới cội nguồn của cá nhân và cộng đồng và nhìn ra những vấn đề còn dang dở."

Ảnh minh họa: Hai nhà Quốc học Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ 19.

LỜI KẾT

Những ai đọc một số bài viết gần đây của tôi thì sẽ hiểu rằng, tôi không phải người bảo thủ, cố níu giữ cái ngôn ngữ Hán Nôm này làm gì. Kể cả văn hóa truyền thống, sau 1000, 2000 năm nữa thì cũng như mây như khói cả thôi. Vậy mục đích của tôi (nói vống lên thì có thể coi là triết lý giáo dục) rốt cuộc là gì?

Ở stt LÀ TẤT CẢ NHƯNG CŨNG CHẲNG LÀ GÌ, tôi đã nói, tôi mong thế hệ tương lai "học rộng hiểu nhiều, để có thể đạt được sự tự do trong tư tưởng, cảm xúc", thoát ra ngoài những ý thức hệ, những thứ tinh thần hẹp hòi nhược tiểu. Stt so sánh lối giáo dục, tư tưởng của Ta và Tàu, chốt lại, tôi cũng nói rằng "Thế hệ tương lai cần được giải phóng, cần được làm người tự do, và hơn hết, cần là công dân tốt của thế giới!" Ở stt viết về cuộc tranh cãi có nên học HÁN NÔM không, tôi đánh thẳng vào đại bản doanh của tâm lý sợ HÁN, ghét HÁN, bài HÁN bằng cách chỉ ra một nhận thức về văn hóa, ngôn ngữ trước thể kỷ 19, khi triều đình phong kiến luôn đề cao HÁN văn, và nhận thức về chủng tộc đầu thế kỷ 20, khi đám trí thức như Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Hoàng Cao Khải v.v. nhất loạt nghĩ rằng VIỆT tộc chính là HÁN tộc. Đó là một nhận thức, nó tồn tại vào thời điểm đó, đúng như nó đã từng, và sau này đã bị thay thế bởi những nhận thức khác. Việc chỉ ra nhận thức này không có nghĩa rằng tôi khẳng định nhận thức đó đúng hay sai. Mà bản ý của tôi rốt cuộc vẫn chỉ là hy vọng thế hệ tương lai "hết sợ HÁN, coi Hán là một phần của Việt", "đều được sống vui với những màu sắc riêng", học rộng để mà "không vướng mắc, không lo sợ, không ảo tưởng trong suy nghĩ của chính mình", "không cần thiết phải thoát đi đâu hết mà vẫn có thể vừa Âu hóa, vừa là người Việt Á Đông". Đặc biệt, "càng mong muốn thoát Trung lại càng chẳng thoát đi đâu được, khi mà cái cần thoát không nằm ở văn hóa hay chữ viết, mà ở ngay nền chính trị thượng tầng!", và "Cái cần chống lại là những thế lực vây hãm, hạn chế sự tự do, chống lại quyền con người! Vậy mà thôi!" Những mong muốn này, đặt trong cái thảm trạng hiện nay, là điều KHÔNG TƯỞNG. Và dẫu trải qua thời kỳ hậu Cộng Sản cả chục, cả trăm năm nữa, với lối tư duy đóng khung, nỗi sợ hãi nhược tiểu, cùng tinh thần dân tộc hão huyền... những điều tôi nói hôm nay cũng vẫn bất khả thi!

Nhưng thôi, về phần mình, tôi vẫn phải nói. Và hôm nay xin chốt lại thế này: Hán Nôm chỉ là một cái chìa khóa, để tìm hiểu quá khứ bao gồm lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... của người dân Á Đông nói chung, người Việt nói riêng trong khoảng một vài ngàn năm trở lại đây. Nó là Quốc học, để hiểu đúng về mình cùng tổ tiên mình, cũng như nội lực văn hóa, tinh thần của chính mình. Bên cạnh Tây học, để phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế chính trị, đặc biệt là tinh thần tự do khai phóng. Hai thứ Quốc học - Tây học này không hề mâu thuẫn với nhau; chúng bổ sung cho nhau! Vì vậy đừng ngớ ngẩn thêm nữa, khi đặt câu hỏi học Hán Nôm có khiến kinh tế phát triển được hay không. Hay cho rằng học Hán Nôm là lạc hậu cổ hủ, kìm hãm sự phát triển. Trong khi có một thứ tư tưởng kìm hãm sự phát triển thì đám trí thức phò chính quyền lại không dám mở miệng phê phán!

Ông Nguyễn Trãi gần 600 năm trước đã lẩy một ý của ông Tô Đông Pha để đúc kết cho số phận mình rằng 人生識字多憂患 NHÂN SINH THỨC TỰ ĐA ƯU HOẠN. Câu Hán Nôm này có nghĩa rằng: đời người ta, biết cho lắm chữ, chỉ thêm lắm ưu lo, họa hoạn. Và muốn không có lo lắng, không có họa hoạn, tốt nhất đừng học! Làm kẻ mù chữ bao giờ cũng sướng hơn người có chữ. Học hay không học, thôi thì 1000 năm nữa tính sau! Hiện tại cứ sống và tin rằng mình là một trong những dân tộc ưu việt, được sống một cuộc sống hạnh phúc như báo đài vẫn đưa tin, kể cũng chẳng chết ai!


Phạm Quỳnh

Trần Quang Đức

*

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA
2016-09-03
.
Học sinh trong tiết học tại một trường tiểu học ở Hà Nội, ngày 22 Tháng 12 năm 2006. AFP PHOTO

Tại sao học sinh cần phải học chữ Hán?

Đó là tiêu đề của Hội thảo về vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27 tháng Tám, PGS-TS Đoàn Lê Giang hiện đang giảng dạy tại Đại học Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố HCM cho rằng, muốn dùng tiếng Việt một cách trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Từ đó ông kết luận cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh.

Khi tin này được báo chí loan tải, một làn sóng tranh luận lý thú xảy ra trên mạng xã hội và ngay cả tại các nơi mà người ta thường gặp gỡ nhau ngoài đời giữa những người quan tâm.

Phải nói ngay rằng những người phản đối đầu tiên đa số nhìn chữ Hán và Trung Quốc hiện đại là một. Khuôn mặt chữ Hán có hình dạng Biển Đông và những ức chế đối với người Việt trong vòng vài mươi năm qua, kể từ khi chiến tranh biên giới 1979 bắt đầu.

Ám ảnh ấy đã dấy lên những tranh luận giữa một bên là văn hóa và một bên là chính trị. Nhiều người thừa nhận rằng mình không ghét chữ Hán nhưng hành động không thể chấp nhận của Trung Quốc khiến cái ghét ấy lây lan tới từng con chữ vuông vắn mà họ đã quen nhìn trong bao nhiêu năm qua. Cũng có người tuy ghét Trung Quốc nhưng cho rằng càng ghét càng phải học tiếng lẫn chữ của họ để đối phó khi cần thiết.

Những cái ghét thuần về cảm tính ấy đã ảnh hưởng không ít tới suy nghĩ của nhiều người, nhất là những ai xem vấn đề Biển Đông đang có nguy cơ mất trắng vào tay Trung Quốc.

Ý kiến chuyên gia

Trong tư cách một nhà nghiên cứu Hán Nôm, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, nguyên Trưởng ban Văn học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận xét:

“Trong đời sống hiện nay tiếng Hán Việt, di sản Hán Nôm của chúng ta ngoài di sản bằng văn hóa chữ viết, sách vở thư tịch còn một di sản mà chúng ta đang nói với nhau hàng ngày trong đó có những âm Hán, tiếng Hán, chữ Hán. Ví dụ như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có 70-80% tiếng Hán do đó việc không học tiếng Hán là rất thiệt thòi.
Ngay như việc giữ gìn sự trong sáng thì hồi trước ta đã làm rồi, thí dụ như nữ du kích thì dịch ra thành cô du kích gái! Cái cách hiện đại hóa đó không thành công mà phải từ từ, cái gì giữ gìn được thì giữ gìn chứ còn chủ trương dạy học Hán Nôm thì tôi bỏ phiếu ủng hộ ngay.”

Giáo sư Trần Đình Sử, nhà lý luận phê bình, nhà khoa học hàn lâm, và cũng là Nhà giáo Nhân dân cho biết ý kiến của ông về việc học chữ Hán:

“Trong tình huống giáo dục hiện nay, nhiều người cố tìm nhiều giải pháp bởi vậy có những đề xuất rất là khác. Riêng tôi, việc học chữ Hán hay học Trung văn ở Việt Nam tôi cho rằng truyền thống thì chữ Hán đã từng là một văn tự được dùng trong quan phương cũng như trong giáo dục suốt 10 thế kỷ trước và đã có một kho Hán Nôm đã thể hiện di sản văn hóa đó. Đồng thời chữ Hán cũng do quá trình giao lưu giữa tiếng Hán và tiếng Việt như vậy thành phần chữ Hán trong tiếng Việt có tỷ lệ rất cao. Nhiều người tính toán tuy chưa thật chính xác nhưng có thể nói 60 đến 80% vốn từ trong tiếng Việt là có nguồn gốc trong chữ Hán do đó nhiều người cho rằng nếu biết chữ Hán thì chúng ta hiểu được tiếng Việt một cách sâu sắc hơn, về mặt khoa học người ta kết luận như thế”.

Với cái nhìn của một Chủ nhiệm Khoa Viết văn Báo chí, PGS-TS Ngô Văn Giá quan tâm đến sự thiếu tiếp cận chữ Hán đã và đang làm cho sinh viên có những khó khăn trong việc học và tìm hiểu Hán văn trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà ngay cả Thư viện quốc gia cũng không đủ tài liệu cho sinh viên nghiên cứu:

“Tôi cũng đã đọc bài của ông Đoàn Lê Giang rồi, tôi nghĩ rằng có hai ý tôi ủng hộ ông Đoàn Lê Giang. Thứ nhất Việt Nam mình có dòng chảy văn hóa mà di sản và truyền thống rất mạnh mẽ trong đó có các văn tự chữ Hán và chữ Nôm, học lại chữ Hán để chúng ta tiếp nhận trở lại. Sau khi chúng ta tiếp nhận nền giáo dục cách mạng sau năm 45 thì hầu như là bỏ chữ Hán và chỉ còn đào tạo cho chuyên ngành thôi, vì vậy toàn bộ hệ cơ bản phần lớn sau năm 45 không có chìa khóa để mở cánh cửa văn hóa của quá khứ và bây giờ khôi phục lại thì tôi nghĩ rất cần. Nó là phương tiện quan trọng cho vẻ đẹp văn hóa, cho quá khứ dân tộc và như vậy là làm giàu cho hiện đại, làm giàu cho hôm nay.
Thứ hai, đối với công việc giảng dạy văn học thì bây giờ phần lớn học trò nhầm lẫn từ mà trong đó hệ thống từ Hán Việt bị nhầm lẫn rất nhiều. Đấy là chưa nói từ Hán Việt nếu hiểu tận ngọn ngành thì nó còn nhiều lớp nghĩa nữa.
Chiều sâu văn hóa trong lớp từ Hán Việt hiện nay có một cản trở rất lớn đó là học sinh không biết dùng và không hiểu từ Hán Việt. Không hiểu một cách sâu xa nên việc tiếp cận và hiểu được ý nghĩa của các tác phẩm văn học trung đại rất khó khăn do không hiểu được hết. Mà không hiểu được hết thì không thể nào yêu và có thái độ trân trọng đối với di sản văn học quá khứ được. Vì vậy học tiếng Hán ở mức độ nhất định tôi nghĩ là cần thiết”

hữ Hán được ông đồ viết trên giấy đỏ trong dịp Tết âm lịch tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 17 tháng 2 năm 2010. AFP PHOTO

Tuy nhiên ý kiến về việc học chữ Hán để tiếng Việt trong sáng hơn có thể bị bắt bẻ, nhất là các trí thức không chuyên về Hán Nôm, dịch giả Phạm Nguyên Trường là một trong rất nhiều trí thức như thế đưa ra nhận xét:

“Có một số người nói phải biết chữ Hán mới thành thạo tiếng Việt thì tôi cho rằng không được chính xác tại vì chúng ta có thể học tiếng Việt bằng cách tra tự điển và nhờ vào đọc sách. Tôi chẳng biết một từ chữ Hán nào nhưng vẫn thấy mình biết khá tiếng Việt chứ không phải cần tới tiếng Hán mới thạo tiếng Việt. Thứ hai là ngôn ngữ nó phải thay đổi. Trật tự tự phát nó thay đổi liên tục, lúc này từ này nó có thể có ý nghĩa này nhưng mà hai ba chục hay một trăm năm nữa nó có thể có nghĩa hoàn toàn khác.

Nếu bám vào ý nghĩa bây giờ mà bắt người sau vài trăm năm nữa phải hiểu như bây giờ thì sẽ bị cô lập, không thể hiểu được. Một việc nữa là chữ Hán rất khó, phải nhớ bằng cách học thường xuyên nhưng chữ Hán bây giờ ít khi được dùng, chỉ khi vào trong chùa hay danh lam thắng cảnh nào đó ta mới thấy một vài chữ Hán thành ra một ngày chả đọc được bao nhiêu nên nếu có học chỉ mất thời giờ chứ không thể nhớ được. Còn một điều nữa, hiện nay học sinh các cháu đã quá tải rồi bây giờ lại bắt các cháu học thêm thì mất thời giờ mà lại làm khổ cho các cháu”.

Khó khăn

Khuôn mặt văn hóa thể hiện qua chữ Hán là điều khó phủ nhận vì Việt Nam đã chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm từ hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên cách mà các nhà Hán Nôm muốn đem chữ Hán ngay vào trường học gặp phải sự tranh luận gay gắt về hiện trạng giáo dục Việt Nam với hình dạng vừa thiếu vừa dư mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục vẫn đang đau đầu tìm lối thoát.

Dư là quá nhiều môn học đè nặng trên vai học sinh và thiếu là phương tiện, thầy cô và ngay cả sách giáo khoa cũng chưa có khả năng lấp đầy kiến thức cần thiết và khả tín cho học sinh.

Góp ý kiến cho vấn đề dạy và học chữ Hán nếu thực hiện ngay vào lúc này, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ nhận xét:

“Xét những điều kiện hiện nay thì không có người làm. Trước mắt trong tương lai gần không thể có người. Thứ hai là nếu nói có yêu cầu thì thực sự cũng chưa phải là cần thiết. Thanh niên họ cũng có thể còn có nhiều điều tâm đắc khác mà mình không thể uốn nắn được vì bây giờ là xã hội tự do.
Làm gì đã có thầy mà dạy? Nếu đặt ra một chương trình dạy thì cũng bôi bác là vì thầy dạy và trò học như học vẹt không có giá trị gì cả. Người dạy không có rồi in ấn giáo trình rất khó khăn, ngay cả dạy tiếng Anh phổ thông như thế chúng ta cũng không làm được. Nếu mà dạy được thì rất tốt nhưng có điều rằng cơ sở vật chất tức là thầy giáo chúng ta còn thiếu rất nhiều lấy đâu ra mà dạy. Giảng dạy thì sinh ra biên chế mà dạy thì bao nhiêu năm?”

Để thuyết phục về dự án dạy tiếng Hán trong nhà trường, PGS-TS Hà Minh đề nghị rằng các nhà biên soạn có thể tham khảo những từ có tần số xuất hiện nhiều để làm sao sau khi học hết Trung học cơ sở thì học sinh biết được khoảng 1.500 từ. Hết Trung học phổ thông thì học sinh sẽ biết thêm khoảng 1.000 từ nữa.

Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử, chia sẻ kinh nghiệm của ông qua đề xuất này:

“Đề xuất đó tôi nghĩ rằng rất khó bởi vì nếu học một hay vài ngàn từ thì không đủ sức đọc được những câu đối ở các đình chùa. Không nổi đâu, vì những nơi đó không chỉ là những cụm từ mà nó còn là văn hóa một thời đã qua làm sao hiểu theo từ được. Nếu dùng giải pháp đó thì tôi nghĩ học ít thì không được mà học nhiều thì hiện nay thời giờ không thể đảm bảo cho học nhiều được. Bởi vì hiện nay ngay cả việc học ngoại ngữ trong nhà trường Việt Nam thì thời lượng học tiếng Anh được xem là nhiều ở trung học cũng như đại học mà các em tốt nghiệp ra trường vẫn không thể sử dụng tiếng Anh vậy thì học một ít chữ Hán làm sao có ý nghĩa được, đấy là điều cần phải suy nghĩ”.

Ngôn ngữ nào cũng có mặt lợi của nó khi được mang đến từ một nước khác. Bên cạnh sự trao đổi về văn hóa, người dân còn nhận được mối lợi từ kinh tế, kỹ thuật và những nguồn lợi không hình dáng khác. Dị ứng với ngôn ngữ từ thành kiến chủng tộc hay tự kỷ quốc gia là mối hại tiềm ẩn ngay cho chính mình vì bản thân một ngôn ngữ chúng luôn vẫn là chúng bất kể người ta có hoan hô hay chống đối.

Sách vở dù từng bị đốt như Tần Thủy Hoàng đã làm vẫn không tiêu diệt được tiếng Hán. Câu chữ tuyên truyền về các đế quốc tàn ác dã man vẫn không làm cho tiếng Anh tiếng Pháp bị tẩy chay vì ghét bỏ, vì vậy tiếng Hán đối với dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa kể cả khi ngậm đắng nuốt cay vì bị giặc Tàu xâm lấn thì các nhà nho yêu nước vẫn cặm cụi viết xuống những câu chống quân xâm lược bằng chính thứ chữ của chúng: chữ Hán.

M.L.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 22:3





No comments:

Post a Comment

View My Stats