Wednesday, 21 September 2016

OBAMA ĐỀ CAO HỢP TÁC TRONG BÀI DIỄN VĂN Ở LIÊN HIỆP QUỐC (Người Việt Online)




September 20, 2016
.
Tổng Thống Barack Obama đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc. (Hình: AP Photo/Julie Jacobson)

LIÊN HIỆP QUỐC, New York (NV) – Phát biểu trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc khóa 71 hôm Thứ Ba, Tổng Thống Barack Obama của Mỹ phác họa hình ảnh u ám của một thế giới chia rẽ giữa hai khuynh hướng muốn chung lưng cùng các đối tác quốc tế với muốn rút về thế phân ly và cô lập.

Tổng thống Mỹ là một trong các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc vào phiên khai mạc đại hội đồng hàng năm vào trung tuần Tháng Chín.

Ông nhìn nhận là lãnh đạo khó khăn hơn vì dân chúng mất niềm tin vào những cơ chế đã tồn tại, hậu quả là dễ dàng đi đến những tình thế căng thẳng giữa các quốc gia và dân tộc. Không trực tiếp đề cập đến ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa, ông Obama cho rằng “một quốc gia bị các bức tường bao bọc là tự giam hãm chính mình.”

Ðây là bài diễn văn cuối cùng của ông tại Liên Hiệp Quốc và chắc chắn trong niềm mong ước các chính sách của mình sẽ được tiếp nối, và đương nhiên, ông phải quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử sắp diễn ra trong chưa tới 50 ngày nữa.

Bài nói chuyện dài 4,600 từ thật ra không hẳn là một diễn văn về chính sách đối ngoại của chính quyền ông. Ông có nhắc nhở qua một số thành tựu trong vòng tám năm như Hiệp Ðịnh Paris về khí hậu thế giới hay thỏa hiệp nguyên tử Iran. Nhưng ông cũng nêu lên những khó khăn và thất bại như việc giải quyết cuộc nội chiến Syria. Người ta nhận thấy viễn tượng về thế giới trong lý tưởng của Tồng Thống Obama là sự bênh vực cho sức mạnh của quan điểm cấp tiến trong vấn đề đối nội cũng như quốc tế.

Ông ca ngợi Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế được kiện toàn sau Thế Chiến 2, đã tạo điều kiện cho sự hợp tác trong tinh thần tôn trọng giá trị của các quốc gia, dân tộc và của mỗi cá nhân con người. Với Liên Hiệp Quốc, thế chiến lần thứ ba đã không xảy ra, các nền kinh tế phát triển thịnh vượng đã đưa hơn 1 tỉ người thoát khỏi đói nghèo. Các định chuẩn quốc tế được hình thành và các nước lớn không còn quyền năng áp đặt tham vọng của họ lên trên các nước nhỏ.

Nhưng những tiến bộ ấy không phải đi theo một con đường thẳng, còn rất nhiều mục tiêu chưa hoàn thành và luôn luôn có những thế lực đen tối âm mưu kéo trở lại chỗ thấp kém và hỗn loạn. Tổng Thống Obama xác định rằng có sự gia tăng tâm trạng hoài nghi về trật tự tốt đẹp của thế giới và tình trạng này xảy ra ở ngay trong các nền dân chủ tiến bộ nhất kể cả nước Mỹ.

Ông nói: “Phân cực gia tăng, bế tắc thường xuyên, cánh cực hữu và có khi cả cánh tả đi đến chủ trương chấm dứt quan hệ mậu dịch ràng buộc vận mệnh quốc gia chúng ta với những nước khác, xây dựng các bức tưởng thành để ngăn chặn di dân…”

Theo ông, nên hiểu là dù với sức mạnh quân sự và kinh tế đến mức nào, nước Mỹ không thể đơn độc giải quyết được tất cả mọi vấn đề của mình và của thế giới.

Ông nêu lên một ví dụ. Trong hai năm Mỹ cùng các đối tác, bao gồm Nga và Trung Quốc, đã hợp lực thương lượng với Iran đi đến kết quả thỏa hiệp nước này sẽ không còn có bom nguyên tử.

Một trường hợp khác là Ukraine, nơi Mỹ chỉ có rất ít quyền lợi kinh tế.

Ông nói: “Chúng ta hiểu những quan hệ sâu xa cùng phức tạp về lịch sử giữa Nga và Ukraine. Nhưng chúng ta không thể đừng nhìn khi lãnh thổ và chủ quyền Ukraine bị xâm phạm.” Theo ông, Mỹ và đồng minh cấm vận Nga là điều phải làm, không có nghĩa trở lại thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Tổng Thống Obama khẳng định: “Chúng ta không bao giờ muốn cô lập Nga, chúng ta muốn một nước Nga mạnh và cùng hợp lực với chúng ta trong sự củng cố toàn bộ hệ thống quy luật quốc tế.”

“Tương tự như thế,” Tổng Thống Obama nói. “Trên Biển Ðông nước Mỹ không có đòi hỏi nào về lãnh thổ và không xét xử những đòi hỏi ở đó. Nhưng giống như mọi quốc gia khác, chúng ta có lợi ích duy trì quyền lợi căn bản về tự do hàng hải, tự do lưu thông mậu dịch và giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế chứ không bằng phải luật của kẻ mạnh. Do đó chúng ta sẽ bảo vệ những nguyên tắc này và khuyến khích Trung Quốc cùng các quốc gia khác có liên hệ giải quyết bất đồng trong hòa bình.”

Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến Cuba, nơi trong 50 năm nước Mỹ đã theo đuổi một chính sách không giúp cải thiện đời sống cho dân chúng, và bây giờ Mỹ thay đổi đường lối ấy.

Về Trung Ðông, ISIS đã phát sinh từ hỗn loạn ở Iraq và Syria rồi tồn tại bằng xung đột triền miên.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng không dễ dàng và nhanh chóng có thể chấm dứt thảm họa ấy nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn nỗ lực bằng cả quân sự, kinh tế, chính trị và hợp tác với Nga để đối phó hợp lý hợp tình và có hiệu quả.

Tuy mạnh mẽ bênh vực, Tổng Thống Obama cũng tin rằng toàn cầu hóa cần có những chấn chỉnh vì người ta thường quên đi tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia và các con người.

Trong phần kết bài diễn từ, ông Obama tỏ ý ước mong giới lãnh đạo đủ nghị lực để nhìn nhận rằng các quốc gia chia sẻ lợi ích chung và dân chúng chia sẻ lòng nhân ái, tin tưởng vào những lý tưởng và nguyên tắc phổ biến với tất cả. Lời này của ông hình như cũng muốn nhắn gởi và nhắm tới người sẽ được cử tri Mỹ chọn thay thế ông ở Tòa Bạch Ốc. (HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats