Thursday, 1 September 2016

LẠM BÀN VỀ CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA QUỐC SÁCH TẨY NÃO (Lưu Trọng Nghĩa)




Lưu Trọng Nghĩa
Posted by adminbasam on 31/08/2016

Những người trí thức bị tẩy não quá nặng đến mức không thể giải độc được nữa thì có nhiều khả năng trở thành “trí thức lưu manh”.

Theo Nguyễn Thế Duyên bàn về “Trí thức lưu manh” ở Việt Nam Thư quán, thì đó là những nhà trí thức nói và làm những điều mà trong thâm tâm họ thừa biết là sai nhưng họ vẫn cứ nói, cứ làm. Tất nhiên, khi rao giảng những điều mà chính họ biết là sai thì không giống với những người vô học, họ tìm cách ngụy biện bằng những cụm từ thật kêu, thật triết lý, để hù dọa những người thiếu kiến thức, chẳng hạn họ nói “đó là biện chứng” hoặc “đó là tất yếu lịch sử”, thậm chí họ còn có thể xuyên tạc sự thật mà mọi người trong xã hội đều biết. Vụ khai thác bôxit ở Tây Nguyên, vụ Formosa Hà Tĩnh đã cho chúng ta khá nhiều dẫn chứng về loại người này.

Thời Karl Marx viết bộ “Tư bản” ở thế kỷ thứ 19, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển mạnh, ông có nói về tầng lớp “Vô sản lưu manh” nhưng không thấy ông nói đến tầng lớp “Trí thức lưu manh”. Theo cách mô tả của Mác thì tầng lớp vô sản lưu manh là lớp người vô sản bị bần cùng hoá, vô học, không có nhân cách, đến mức họ luôn luôn tin rằng những lời nói và việc làm của họ là đúng, cho dù cả xã hội lên án những lời nói và việc làm của họ.

So với vô sản lưu manh thì trí thức lưu manh khác nhau về điều kiện xuất thân. Vô sản lưu manh xuất hiện từ những người vô sản bị bần cùng hóa và vô học, còn trí thức lưu manh thì ngược lại, họ không phải là lớp người bị bần cùng hóa và họ có học, thậm chí học rất nhiều, lên đến tiến sĩ, giáo sư. Cả hai giống nhau ở tính cách là nói và làm những điều mà xã hội đều lên án là sai và đều không có nhân cách hoặc không còn nhân cách, nhưPGS. TS Phạm Quang Long gọi là những nhà trí thức không biết đến văn hóa xấu hổ. Tuy vậy về tính cách, trí thức lưu manh có khác tính cách vô sản lưu manh ở một điều quan trọng, là trí thức lưu manh biết lời nói và việc làm của mình là sai nhưng vẫn cứ nói sai và làm sai, còn ở vô sản lưu manh thì đó có thể là do ngộ nhận.

Mác không nói đến thành phần “Trí thức lưu manh” có thể ở xã hội mà Mác sống, số người loại này không nhiều đến mức trở thành một thành phần xã hội, chỉ đến khi xuất hiện các quốc gia cộng sản dựa vào quốc sách tẩy não để thống trị xã hội và tồn tại thì mới xuất hiện thành phần “Trí thức lưu manh”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường nói đến “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vậy Hiền tài ở đâu ra? Chẳng phải Hiền tài từ tầng lớp trí thức mà ra hay sao? Nhưng một khi tầng lớp trí thức đã bị tẩy não đến mức trở thành “trí thức lưu manh”, nói và làm những điều mà chính họ biết là sai thì khi họ được giao phó những chức vụ soạn thảo kế sách quốc gia, chúng ta liệu có thể tin tưởng vào những chính sách của quốc gia do họ thiết kế hay không? Có lẽ đến nay các nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam đã thấm đòn về hậu quả này. Khi tầng lớp trí thức bị tẩy não, bị lưu manh hóa thì có thể tìm “Nguyên khí quốc gia” ở đâu và đất nước sẽ đi về đâu trong thế kỷ 21 là thế kỷ kinh tế trí thức này?





No comments:

Post a Comment

View My Stats