Tuesday 6 September 2016

KHÓ TRÁNH CHIẾN TRANH TRÊN BIỂN GIỮA MỸ & TRUNG QUỐC ? (Nguoi Viet Online)




September 4, 2016

WASHINGTON (NV) – Sẽ khó tránh một cuộc chiến tranh trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc vì tham vọng đế quốc và bá quyền bành trướng của Bắc Kinh?

Một bài phân tích của tác giả Seth Cropsey trên trang mạng “realclearpolitics.com” nêu ra những chỉ đấu dẫn đến những phân tích của ông mà nếu Mỹ không thay đổi chính sách trong khi Bắc Kinh tiếp tục lấn tới, nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai nước có thể khó tránh.

Ông Seth Cropsey, một sĩ quan Hải Quân nghỉ hưu, từng là phụ tá thứ trưởng Bộ Hải Quân trong hai thời Tổng Thống Ronald Reagan và George H. W. Bush. Hiện ông đang là một chuyên viên nghiên cứu tại viện nghiên cứu sách lược Hudson và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Mạnh Hải Quân Hoa kỳ của viện này.

Những ý kiến của ông nêu trong bài viết phổ biến trên trang mạng “realclearpolitics.com” được rút ra từ một quyển sách mà ông đang viết và sắp cho xuất bản về các hệ quả của khả năng hải quân Hoa Kỳ trong chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ.

Theo ông, bất cứ ai sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ từ cuộc bầu cử diễn ra cuối năm nay, chính sách đối ngoại nên là, phải ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu không, nước Mỹ sẽ phải đối diện với một cuộc xung đột trên biển ngày một rõ hơn vào thời điểm lực lượng Hải Quân của Mỹ thu nhỏ dần.

Ngày 12 tháng 7, 2016, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague bác bỏ lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc “có từ cổ xưa” đối với đường “Lưỡi Bò” trên Biển Đông, Bắc Kinh liền cho hai chiếc máy bay dân sự đáp xuống hai đảo nhân tạo Su Bi và Vành Khăn mà họ xây dựng ở Trường Sa. Các phi đạo này cách đất liền tới 600 dặm cho Bắc Kinh khả năng vươn xa xuống phía Nam.

Một năm trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ở thủ đô Washington rằng Trung Quốc sẽ không biến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Nhưng những không ảnh mới nhất cho thấy các nhà để máy bay xây dựng kiên cố đặc biệt trên đó, có thể chứa các phi cơ quân sự lớn nhất của họ, cho thấy họ nói dối. Họ dự tính đưa máy bay quân sự đến đây.

Từ thời Tổng Thống Reagan, chính sách của Mỹ là lôi kéo Trung Quốc vào trật tự tự do thế giới. Trung Quốc gia nhập các tổ chức thế giới và tuân thủ theo các luật lệ thế giới mà họ đặt bút ký kết, tôn trọng tự do hải hành trong các vùng biển quốc tế, cũng như tôn trọng chủ quyền của các nước khác.

Mỹ đã hậu thuẫn cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2001. Năm 2016 được mời, lần thứ hai, tham dự tập trận hải quân với Hải Quân Mỹ và nhiều nước khác thuộc khu vực Thái Bình Dương, tổ chức tại Hawaii. Danh sách những đề nghị của Mỹ với Trung Quốc rất dài trong chính sách thúc đẩy Bắc Kinh đi vào một trật tự thế giới kiểu Tây phương.

Kết quả người ta thấy hoàn toàn ngược lại với những gì Hoa Kỳ mong muốn. Chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu hơn đi kèm với khả năng quân sự ăn trùm ở khu vực. Các nước nhỏ nhìn thấy rõ áp lực của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Khi đến tham dự một hội nghị tổ chức ở Hà Nội giữa ASEAN và các đối tác hồi năm 2010, Dương Khiết Trì, khi đó là ngoại trưởng, phản ứng khi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông được nêu ra, rằng “Trung Quốc là đại cường và các nước khác là những nước nhỏ mà đó là thực tế.”

Dương Khiết Trì ám chỉ rằng sức mạnh quân sự đem đến quyền lực. Đây là cách Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông. Luật lệ quốc tế khi nào họ muốn theo thì theo, khi khác thì giải thích theo ý của họ.

Theo bài viết nói trên, Mỹ thất bại trong chính sách đối với Trung Quốc khi muốn đưa họ vào quỹ đạo bảo vệ ổn định an ninh, kinh tế thế giới. Khối lượng hàng hóa thương mại khổng lồ của họ xâm nhập thị trường Mỹ hàng năm hy vọng uốn nắn cách suy nghĩ của các kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh để họ “quan sát, nghĩ và hành động như chúng ta.” Tuy nhiên “Các bằng chứng không hậu thuẫn cho hy vọng màu hồng đậm này.”

Theo ông Cropsey, chính quyền kế tiếp của nước Mỹ cần phải hiểu là định mệnh của nước Mỹ siêu cường không thể tách rời khỏi vai trò tiếp tục là siêu cường ở Thái Bình Dương. Điều này không nghĩa là một chính sách hung hăng hay đối đầu quân sự.

Hoa Kỳ phải hành động ngoại giao tích cực với các nước chung quanh Trung Quốc vốn sợ tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Hoa Kỳ phải có sức mạnh tác chiến đáng tin cậy để cản các hành đi ngang ngược cũng như tham vọng quân sự của họ, bằng cách hoạt động tự do hải hành thường xuyên, đáng tin cậy, ở các vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Cũng không kém quan trọng là phải tăng cường lợi thế của Hải Quân đối với Trung Quốc bằng cách đóng thêm nhiều tàu ngầm tấn công hơn nữa, cũng như lợi dụng lợi thế không cân xứng này bằng cách điều động chúng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mới đây, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết cảnh sát biển nước này phát hiện nhiều sà lan Trung Quốc có mặt tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch bồi đắp bãi cạn này.

Khả năng này từng được đề cập những tuần lễ gần đây mà một số nhà phân tích thời sự cho là Bắc Kinh sẽ đợi tới sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu qua đi. (TN)





No comments:

Post a Comment

View My Stats