Thursday, 22 September 2016

HAI BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN HOA LƯ VỀ BA SÀM (Bauxite VN)




22/09/2016

BÀI 1 :
BA SÀM LUẬN
Nguyễn Hoa Lư

1. Mở đầu
Ba Sàm luận viết về người khai sinh blog-nhật báo Ba Sàm nổi tiếng, người vẫn tự xưng danh trong giới giang hồ là Ba Sàm (BS). Tác giả bài luận này không có ý định ngông cuồng muốn thay đổi thế giới như khi Marx viết Tư bản luận, cũng không muốn bắt chước cách viết “hiểu được chết liền” của Marx vĩ đại (Hóa ra trên trần gian này, số người hiểu Marx là vô cùng ít ỏi. Vậy nên ở xứ kia, có ông nọ trước khi mất trối rằng sang thế giới bên kia ông sẽ tìm gặp bằng được Marx. Ông không nhắc gì đến chuyện về với tổ tiên ông bà, chắc là muốn hỏi thêm những điều khúc mắc trong bộ Tư bản luận).

Hơn 150 năm nay, các vấn đề đặt ra trong Tư bản luận, thế giới không ngừng tranh cãi nhau muốn bể đầu sứt trán thậm chí có nơi có lúc máu chảy đầu rơi cũng vì nó.

Ba Sàm luận [chắc] chắn sẽ gây tranh cãi. Không tranh cãi sao được khi đối tượng của tiểu luận này xuất thân trong gia đình một đại công thần của chế độ lại bị chính chế độ đó tống giam trong ngục tối vì “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Tuy vậy, nhiều nhân sĩ trí thức lại công khai coi BS là người có nhân cách lớn, một trong những người có công đầu trong việc phá vỡ không khí tù túng một chiều nhàm chán của báo chí An Nam thời chập chững hội nhập internet.

Ngoài các tư liệu tham khảo được chú thích khi dẫn chứng, bài viết này đã trích dẫn nhiều đoạn từ ba bài viết quan trọng của BS sau:

          Ba Sàm tự bạch, kỷ niệm 4 tuổi [1]
          Ba Sàm 5 tuổi, Tâm sự và tri ân [2]
          Quyền lực và tri thức [3]

Thật nực cười khi muốn đọc những bài viết trên, bạn phải liều mình lăn xả qua trùng trùng điệp điệp các bức tường lửa mới mong có được. Đến với những điều tốt đẹp và chân lý luôn gian khổ như vậy chăng?

2. Thái tử đảng
Ba Sàm tên thật là Nguyễn hữu Vinh, con trai út của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Khiếu (1915 - 2005). Cụ Khiếu từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước [4]. Trong gia tộc nội ngoại của BS, nhiều người giữ những chức vụ quan trong trong đảng và nhà nước.

Đây là lời BS kể về gia đình và bản thân:
“Gần 30 năm, từ thơ ấu cho tới khi bước vào đời, thành “người của đảng”, BS được sống cùng gia đình trong một ngôi biệt thự của nhà nước giữa phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi mấy năm nay ông Thủ tướng đương nhiệm đang ở.
Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ, sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của TBT Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ, pa-tê, ổ bánh mì thơm phức.
Hàng tuần, cứ tối thứ Tư và thứ Bảy, hắn cùng đám trẻ con ông cháu cha lại được tụ tập xem phim ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân cùng người lớn, là các ông trong BCT, BCHTW như Lê Dức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng…”

Lớn lên, Ba Sàm vào học Trường Đại học An Ninh, ra trường trở thành một sĩ quan, 20 năm tận tụy phục vụ trong đội ngũ được mệnh danh là thanh lá chắn bảo vệ đảng.

3. Quá trình tự diễn biến
Cú sốc đầu tiên về mặt nhận thức là vào cuối năm 1975, lần đầu tiên BS về thăm Huế, quê ngoại.
“Quá nhiều điều làm BS kinh ngạc, từ đời sống “phồn vinh  giả tạo” được cán bộ, bộ đội, trong đó có cả hắn, cuống cuồng rinh ra Bắc, cho tới thái độ chính trị của người dân. Câu cửa miệng chua xót: “Miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ”. Hắn còn thay mặt gia đình nhận một khoản tiền các cậu, dì bán mảnh ruộng cuối cùng của ông ngoại chia cho.
Lạ là khác với những gì hắn vẫn được tuyên truyền, sao trong đó người ta toàn gọi Ngô Đình Diệm là “ông” với thái độ kính nể? Rồi cao điểm là trong một cuộc cãi vã với thằng hàng xóm để bênh vực chế độ XHCN tươi đẹp, hắn đã bị bẽ mặt. Không thể tin được câu chuyện lần đầu tiên nghe, như tiếng sét ngang tai, về vụ Thảm sát Mậu Thân 1968, hỏi bà dì, hóa ra có thật. Sau này, tất cả những gì tương tự nghe được lúc đó càng rõ hơn”.

Trong cái nhìn so sánh với Hà Nội và miền Bắc với xã hội miền Nam, có quá nhiều điều khác lạ. Những con người và cảnh vật cụ thể đến không khí của cả một miền đất phương Nam tràn đầy nắng gió khiến BS ngỡ ngàng và “không thể quên”.

“Lên xe bus, xe đò trong Nam luôn cho hắn những cảm giác thích thú để quan sát. Đủ các hạng người, mà sao không chen lấn, cãi vã. Khách nhường ghế cho nhau, thăm hỏi, chỉ đường tận tình (những thứ mà cho đến hôm nay, trên xe bus Hà Nội, người ta phải ghi lên tấm biển to đùng, thành “Nội quy”). Lơ xe lăng xăng xách, buộc chằng đồ cẩn thận cho khách, nhảy lên mui, đeo bên thành xe la nhắc người dưới đường cẩn thận.
Người ta làm việc như điên, nhưng tiêu xài cũng dữ. Chiều chiều là quán nhậu tấp nập, đàn ông lai rai vài xị đế tới tối. Về nhà, đánh một giấc, sớm mai lại lao vào làm quần quật. Nhậu ở nhà thì vợ con phải cung cúc hết mình phục vụ, như chuyện đương nhiên. Từ “nhậu” người Bắc học được từ đây, cùng với những ngôn từ trong Nam được cho là “chịu chơi”, “hiện đại”, như “Tiệm” (hớt tóc, phở), “Nhà” (may, thuốc)…
Người Bắc nhịn ăn để mặc, người Nam nhịn mặc để ăn. Hắn cho đây là phát hiện của riêng mình. Có lẽ họ bù trừ cho nhau thì đất nước này sẽ tốt đẹp hơn, đủ thứ, từ nết ăn ở cho tới tính tình.
Không như Hà Nội, chung cư Sài Gòn khi đó không có chuyện cơi nới, lấn chiếm hành lang, chỗ công cộng. Người ta quan tâm, giúp đỡ nhau rất tự nhiên, nhưng lại ít xoi mói đời tư, ganh ăn tức ở như người Bắc.

Qua thực tế công tác của một sĩ quan an ninh, BS tiếp xúc với những sĩ quan thua trận. Bao nhiêu sự đau xót, trớ trêu:

“Khi ra làm việc, trong nhiều năm liền hắn được tiếp xúc hàng ngày với các cựu sĩ quan, quan chức trong chế độ Sài Gòn bị giam giữ để gọi là “học tập cải tạo” trong khắp các trại từ Nam chí Bắc, ăn dầm nằm dề những Vĩnh Quang, Ba Sao, Trại 5 Thanh Hóa, Trại 2 Nghệ An,  Bình Điền, Z30D… đủ cả. Nhiều điều mà trong chiến tranh hắn nghe được qua đài báo, sách vở về họ hoàn toàn trái ngược với những con người thật hắn thấy. Không thể kể hết, mà chỉ tóm lược bằng hình ảnh trớ trêu: những cán bộ chiến sĩ cảnh sát nghèo khó, ít học, quá thiếu hiểu biết lại đang “giáo dục, cải tạo” cho nhiều kẻ thù cũ không những được học hành cẩn thận, mà còn có nền tảng văn hóa, nhân cách đáng nể. Bao nhiêu con người với những bộ óc tài ba đã bị phung phí. Thế nhưng tất cả họ phải chịu cùng cảnh “ông tù, cháu tội”… BS tranh thủ mọi nơi mọi lúc, tâm niệm học lóm được càng nhiều càng tốt”.

Cũng từ vị trí công tác, BS có nhiều cơ hội gặp gỡ với giới thương gia, trí thức từ nước ngoài về. “Với một xã hội vẫn còn khép kín thì đó quả là cả một “thế giới” khác, họ đã đem theo những thông tin, lối sống, cách tư duy khác hẳn với một chế độ “bao cấp” cả về kinh tế lẫn tư tưởng mà hắn đang sống”.

Những năm cuối 1980, đầu 1990, liên tiếp những sự kiện của các nước trong hệ thống XHCN làm rúng động mọi tầng lớp trong toàn bộ xã hội Việt Nam. “Từ  cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn 1989 cho tới Bức tường Berlin sụp đổ, rồi cả hệ thống XHCN Đông Âu đổ theo, đã khiến rất nhiều trí thức, lãnh đạo các hội muốn Việt Nam phải thay đổi nhanh tương tự, nhất là không khí “Đổi mới” khi đó cũng ít nhiều thuận lợi. Một số hội gửi tâm thư cho lãnh đạo đảng, Quốc hội trong nước đòi phải “đa nguyên đa đảng”.

Đầu năm 2001, sau nhiều trăn trở, BS quyết định xin thôi việc, âm thầm bỏ đảng, về nhà mở công ty riêng [5]. BS muốn có được “cảm giác hoàn toàn thật, rằng mình chính là mình, không còn nói dựa ăn theo, không còn xoay xở tìm cách kiếm sống bằng những đồng tiền sao cho đỡ bẩn nhất…”

Qua bao nhiêu trải nghiệm, nghiền ngẫm, xung đột, đau đớn trong suy tư về cá nhân và đất nước, BS viết tiểu luận “Quyền lực và tri thức”. Đó là năm 2007, hơn 30 năm sau những chấn động đầu tiên.

4. Quyền lực và tri thức
Tiểu luận dài gần 8 ngàn chữ, được hỳ hục viết trong ba tháng, BS tự nhận rằng đó là một bài viết công phu.

Một đất nước dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào cũng cần giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa hai lực lượng vừa xung đột vừa tương hỗ, là giới lãnh đạo và tầng lớp trí thức. Đặc trưng riêng của Việt Nam trong giai đoạn này thế nào? Đó thực sự là một câu hỏi nghiêm túc ở mức độ quốc gia.

Tiểu luận khảo sát bối cảnh xã hội với ba yếu tố cơ bản: tư tưởng, tập quán và thiết chế. Những cảnh báo về sự xung đột, hủy hoại nếu không nhìn nhận đúng tầm quan trọng trong tương quan giữa quyền lực và tri thức. Nếu hai lực lượng này biết gắn kết sẽ tạo nên sức mạnh cho mỗi giới, cho quốc gia. Nếu ngược lại, tiểu luận cũng đưa ra những cảnh báo: nhiều rối loạn sẽ nảy sinh từ cả hai phía.

Đây thực sự là công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, những nhận định khoa học súc tích, sâu sắc đến rốt ráo, tàn nhẫn về một thực trạng của đất nước.

Tiểu luận kết thúc bằng mấy dòng ngắn:
“Tri thức bị mỉa mai, bôi nhọ. Quyền lực như đang diễn trò. Thế mà trớ trêu, nếu nhìn kỹ hơn thì hình như giờ đây hai đối cực này lại đang tương hợp, chứ không mấy xung đột, hơn bao giờ hết”.

Thử lấy bối cảnh đại hội 12 vừa qua để suy ngẫm, về sự đấu tranh giữa các phe phái trong không khí “đoàn kết”, về việc cả 1,5 ngàn người hoàn toàn nhất trí với nghị quyết 244 cũng có thể cảm nhận được sự sâu sắc của tiểu luận.
Đó là ngày 17 tháng 8 năm 2007.

Vài tuần sau đó, ngày 9 tháng 9, blog - nhật báo Ba Sàm ra đời.

5. Blog Ba Sàm và Tuyên ngôn phá vòng nô lệ
Lý do lập blog được người khai sinh tâm sự trong dịp kỷ niệm Ba Sàm 4 tuổi như sau:

“Khi thực trạng báo chí nước nhà quá tệ khiến BS mơ có một nơi mà ở đó mọi người có thể dễ dàng, nhanh chóng tìm được rất nhiều thông tin đa chiều. Không những vậy, họ còn có thể được tự đánh giá, thử thách mình và học hỏi về kiến thức, lối sống, cách ứng xử, v.v.. Nơi đó sẽ giúp thêm việc khích lệ, tạo điều kiện chưa từng có cho mỗi cá nhân chỉ bằng phương tiện trên máy tính mà cũng có thể hy sinh chút ít thời gian, công sức để chia sẻ một cách nhanh chóng những hiểu biết, quan điểm của mình cùng mọi người trên khắp thế giới bằng những bài viết, ý kiến. Thêm nữa, nó cũng là nơi dung hòa “hai thế giới” thông tin của người Việt – gần đây được mệnh danh là “lề trái” và “lề phải”.

Tự nhận là thông tấn xã vỉa hè, chắc BS muốn hứa hẹn với độc giả một sự mới mẻ, gần gũi, tự do đối lập với sự ổn định đơn điệu đến chán ngắt của TTXVN. Tuy nhiên cái sự vỉa hè lại đưa ra một tuyên ngôn nghiêm túc “phá vòng nô lệ” [6].

Nhìn ra thế giới, những bất hạnh của dân tộc này, mỗi cá nhân là sự đan xen trong cái vòng vinh nhục. Đất nước thì chịu nô lệ ngoại bang, mỗi cá nhân chịu nô lệ cường quyền và nô lệ chính mình. Ba Sàm muốn tiếp tục chí hướng của chí sĩ Phan Chu Trinh 100 năm trước trong hoàn cảnh hiện nay?

Thoát được cái vòng luẩn quẩn nô lệ ấy, cả dân tộc và mỗi cá nhân mới có thể ngẩng cao đầu trước thế giới. Tuyên ngôn dõng dạc nói:

“Tất cả các bài báo trong blog này đều muốn nói lên điều đó, cũng là chút đóng góp nhỏ, cùng hơn 80 triệu dân Việt chúng ta Phá vòng nô lệ”.

6. Thử phác họa vài nét về tính cách của Ba Sàm
Đó là người sâu sắc, ôn hòa, giàu tình cảm, trung thực, đam mê suy tư và lý tưởng.
Một chuyện nhỏ xảy ra lúc 10 tuổi, sau 40 năm vẫn in dấu đậm trong tâm hồn. Ấy là thời gian chiến tranh, cậu bé đi sơ tán, ở nhà nông dân. Trong một bữa ăn, “hắn gắp một miếng xương, gặm qua quýt rồi liệng xuống mâm, cụ chủ nhà gắp lên, gặm nốt”.

Thời thanh niên, BS vẫn nhớ lại cảm giác “quê độ” trước hành động của một ông lão đạp xích lô trong đêm vắng:
“Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!”.

Không có một đầu óc tinh tế và giàu tình cảm, không thể lưu giữ một kỷ niệm “vụn vặt và vô nghĩa” như thế được.

Sự ôn hòa cả trong ước muốn Đảng cần thiết phải thay đổi chứ BS hoàn toàn không có ý tưởng chống đảng. Vẫn đau đáu với những thăng trầm của Đảng. Năm 2006, khi đã là một doanh nhân, thẻ đảng đã cất tận đáy tủ như cất đi những kỷ niệm buồn, BS viết “Ngày vào Đảng, tôi đã không khỏi nghẹn ngào. Khi cất tờ giấy chuyển sinh hoạt Đảng vào tủ, mắt tôi ráo hoảnh. Nhưng hôm nay, góp ý cho Đảng sao tôi chợt muốn khóc…”.

Bạo lực duy nhất, xảy ra lúc BS còn niên thiếu. Đối diện với nhà cậu bé là toàn bộ các cơ quan ngoại giao Trung Quốc, mỗi tối nghe vọng ra những bài ca “sặc mùi sùng bái cá nhân Mao, như Đông phương hồng, ra khơi nhờ tay lái vững”… Tích tụ trong cậu sự căm ghét Mao. “Một hôm, thó trong tủ sách của bố cuốn Bàn về mâu thuẫn của Mao, giở ra, hắn nhổ vào mặt Mao một bãi nước bọt, cho bõ ghét”.

Vì sao BS từ bỏ vị trí là một sĩ quan an ninh danh giá? Có thể có nhiều lý do, và đây là một trong những lý do được BS viết sáu năm sau, rằng anh có được “cảm giác hoàn toàn thật, rằng mình chính là mình, không còn nói dựa ăn theo, không còn xoay xở tìm cách kiếm sống bằng những đồng tiền sao cho đỡ bẩn nhất…”

Nhiệt tâm muốn cống hiến, BS quyết định tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Là một sĩ quan anh ninh nhiều năm vậy mà BS vẫn không hiểu một điều: muốn có vị trí trong xã hội này, nhiều lúc người ta không thể nói thật.

“Tôi đã thất bại ê chề, và nhớ lại lời khuyên của người bạn có trách nhiệm trong việc tổ chức bầu cử: “Cậu đừng khai là đảng viên, khai là hỏng. Tay X cũng ra kinh doanh, vào từ khóa trước, là đảng viên mà nó lờ đi có khai đâu”. Tôi không nghe theo, nếu được làm lại từ đầu tôi cũng sẽ vẫn hành động như vậy. Bởi vì một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một con người, một đại biểu của dân, một đảng viên là trung thực”.

“Sự ê chề”, đó là việc BS bị loại ngay từ vòng hiệp thương, hơn nữa“tôi như bị lăng nhục, tựa một buổi đấu tố. Trước mặt tôi là những đảng viên trung kiên, họ nhìn tôi như kẻ lạc loài, một “con chiên ghẻ”.

Khi mở công ty riêng, BS đã đam mê với sự lựa chọn của mình. BS viết:

“Suốt nhiều tháng chuẩn bị, rồi từ sau khi ra kinh doanh đến giờ, tôi đã sống như trong một cuộc đời khác, mà cho đến hôm nay vẫn thấy như mơ. Hằng đêm đi ngủ với cuốn sổ và cây bút bên mình, có khi tỉnh giấc, nghĩ một ý hay là tôi choàng dậy viết liền. Đi chơi cũng vậy, mỗi khi bạn bè góp ý hay nghi ngại, tôi cũng cố viết ra để về suy nghĩ” (Đảng viên hay ông chủ).

Với những phẩm chất và sự từng trải của người khai sinh, blog-nhật báo Ba Sàm thực sự tạo được một không gian dân chủ hoàn toàn mới mẻ với người đọc.

7. Vị trí của nhật báo Ba Sàm
Đã có thời dân gian truyền tụng câu “Ba Sàm nói chuyện chính thống, chính thống bàn chuyện ba sàm”, với ý mỉa mai nền báo chí chính thống. Nhật báo Ba Sàm điểm tin 4 lần mỗi ngày, bắt đầu từ 2 giờ sáng. Lịch sử báo chí Việt có tờ nào mà dân chúng thức dậy lúc 2 giờ sáng tranh nhau “giật tem” để đọc bài và bình luận một cách rôm rả và khí thế như vậy?
Sau này khi viết về sự “quang vinh của báo chí cách mạng” các nhà viết sử sẽ không đầy đủ nếu không nhắc đến Ba Sàm và các blog lề trái. Sự đa chiều, nhanh nhạy, gần gũi của các trang này khiến báo chí quốc doanh vốn nặng tính tuyên truyền và khuôn sáo cũ kỹ đứng trước những thách thức mang tính sống còn. Một ví dụ:

“Cùng một bài viết thì trên báo quốc doanh Hà Nội Mới chỉ có được một phản hồi ủng hộ, trong khi nó được đăng lại trên trang Ba Sàm này thì đã đạt kỷ lục với hơn 600 ý kiến độc giả mà gần như 100% là phê phán nghiêm khắc”.

Vào google, với từ khóa “Ba Sàm 4 tuổi”, “Ba Sàm 5 tuổi”… bạn đọc có thể hình dung sự quý mến nể trọng của bàn dân thiên hạ với trang nhật báo vỉa hè này. “Cơm ba bữa, áo ba manh/ Bữa sáng dứt khoát phải anh Ba Sàm”. Độc giả Khánh Trâm lý giải sự hấp dẫn của Ba Sàm:

“Cái lý do nhiều người chọn anh là bởi trong khi 700 tờ báo quốc doanh “đầy tính đảng” ngày ngày nhan nhản những tin cướp-giết-hiếp hay những bài báo vô thưởng vô phạt, những bài đưa tin người đẹp lộ ngực, lộ hàng… thì anh Ba Sàm đã lựa chọn một con đường truyền thông mang tính tri thức là cung cấp cho độc giả những đường link kết nối những bài viết đầy trách nhiệm của các nhà báo, các bloggers (không kể lề trái hay lề phải) trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… kết hợp với nhiều bài dịch chất lượng của những bài báo thuộc các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới hay các bài phỏng vấn các chuyên gia, và những bài nói rất giá trị của các chính khách… Có thể nói Anhbasam.wordpress.com là người kết nối, người chia sẻ, người truyền tri thức, người giải oan và là vũ khí tố cáo tham nhũng, là trang tin truyền đi và giữ gìn nhiệt huyết yêu nước (qua những bài tường thuật biểu tình)… Anh là người bạn của nhân dân và là nơi chứa chan hy vọng phản ánh về một xã hội công dân đang dần hình thành cho biết bao người” [7].
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết trên trang blog của mình:
“Đấy là một trang điểm tin hàng ngày (thỉnh thoảng có bình luận vài dòng rất ấn tượng), tổng hợp các tin tức từ báo trong nước và quốc tế, báo “lề phải” và “lề trái” và các thông tin tự do trên mạng, tuy nhiên, từ khi khởi đầu đến nay đều ưu tiên cho những thông tin về Trung – Việt, cảnh báo và phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền VN của TQ. Mình rất thích trang BA SÀM vì chỉ cần nhấp chuột vào là biết được những thông tin nổi bật nhất hàng ngày với nhiều chiều hướng khác nhau, kể cả sự trái ngược thông tin khiến người đọc phải phân tích để tìm thấy SỰ THẬT.
Mình cám ơn BA SÀM, và đã có dịp gặp anh trong những cuộc biểu tình phản đối TQ xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Tổ quốc VN.
Ba Sàm thực sự là một nhà báo giỏi, có khí phách và lòng yêu nước. Anh đã làm được điều mà không nhà báo nào ở ta làm được (hoặc không dám làm). Những người bạn của tôi (trừ vài người không biết mạng là gì) đều đọc BA SÀM hàng ngày” [8].

8. Giấc mơ đại bàng
Ngày 5 tháng 5 năm 2014, BS bị cơ quan An ninh bộ Công an “bắt khẩn cấp” với lý do  “có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch’ làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, theo Điều 258 – Bộ luật Hình sự” [9].

Đại bàng bị nhốt vào cũi, chưa biết bao giờ mới được tự do.

Theo Giáo sư Hoàng Xuân Phú trên trang blog cá nhân, “bản kết luận điều tra lại mắc phải những lỗi không thể chấp nhận”, đó là “Buộc tội vu vơ“, “Chứng cớ ngu ngơ“, “Điều tra giả v“, “Giám định lơ mơ và “Hồ sơ mập m[10].

Cuối “Tâm sự và tri ân” kỷ niệm Ba Sàm 5 tuổi, BS viết:
“Có độc giả cho là tới khi nào nền báo chí của VN được tự do thực sự, thì sẽ không còn BS nữa. Nghĩ vậy thì chỉ mới nhìn thấy một nửa tiện ích ở đây. BS đã từng mơ sẽ có ngày gắn kết blog của mình vào một hệ điều hành dùng riêng cho các “máy đọc báo” kiểu iPAD và iPhone”.

Đó là một giấc mơ lớn, có tầm nhìn hợp với thời đại. Đất nước này sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất nhưng những người có giấc mơ lớn và hợp thời đại thì hiếm hoi vô cùng.

Kết thúc bài tâm sự đó, BS viết :

“Hắn cũng tin là cách làm hiện nay sẽ “bất tử”, nên rủi mình có ham chơi mà lơ là bỏ bê công việc, cũng vẫn sẽ có các cộng sự ở khắp nơi cùng độc giả tiếp tục công việc hàng ngày này”.

Đó phải chăng là một dự báo về một tương lai khắc nghiệp mà vẫn đầy hy vọng? Bây giờ thì anh Ba Sàm đang “ham chơi” trong nhà lao, đã “bỏ bê công việc”. Và quả thực nhật báo Ba Sàm vẫn lừng lững bước đi trong cõi trần ai gió bụi này. Mấy tuần sau khi BS bị bắt, Ba Sàm còn hùng hồn thách thức: “Nguyễn Hữu Vinh bị bắt nhưng Ba Sàm thì không”.

Cuộc sống luôn luôn như vậy, có giấc mơ đại bàng và giấc mơ gà trống thiến. Đại bàng mơ về những khoảng trời tự do cao rộng, gà trống thiến với giấc mơ xênh xang lông áo. Một xứ sở mà đại bàng nhốt ngục, trống thiến lên ngôi, xứ sở đó đi về đâu?

N.H.L.


------------------------

Bài 2 :
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh - Thương cho dân ta quá
Nguyễn Hoa Lư

Sáng mai, nhà nước lại đem anh Ba Sàm ra luận tội. Đám “thông tấn vỉa hè” lại xôn xao luận anh hùng. Tôi tìm đọc một bài viết cũ, thực ra là một câu chuyện nhỏ, Ba Sàm kể chuyện đi làm gia sư, “xóa mù vi tính”, “cậu học trò” là cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc.

Mười năm giữ chức Thượng thư Bộ Hình ở Đại Cồ Việt chi xứ, theo lời kể của người giúp việc, ông NĐL có “sức làm việc phi thường” khiến người đồng nhiệm xứ Nhật Bổn phải lắc đầu rụt vai thán phục rằng ông làm việc như “rô bốt”. Một chi tiết (không biết nên cười hay nên khóc), ông tự tay “kí tươi” bảy ngàn bằng khen và giấy chứng nhận trong một dịp khen thưởng. Mười năm ông chủ trì xây dựng hàng chục bộ luật và pháp lệnh; phê duyệt hàng chục nghị định, chỉ thị thông tư; thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật… Gương mặt mỹ miều của nền Tư pháp Việt ngày nay chắc phải chịu ơn ông nhiều lắm.

Hết quan hoàn dân, ông về hưu, một ngày đẹp trời, ông cùng nhóm nhân sĩ trí thức đỉnh đạc trao kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992. Mấy hôm sau, thiên hạ nhìn thấy ông quan lớn hiện lên trên ti vi, bộ dạng lúng túng, cách trả lời loanh quanh, dè dặt. Cộng đồng mạng dậy sóng, nhiều lời dè bỉu, tức giận, thóa mạ giáng xuống ông.

Đêm đó, Ba Sàm viết một bài ngắn, Nguyễn Đình Lộc - “cậu học trò U80”.
Chỉ vài nét phác họa, đời sống thường nhật của vị mệnh quan triều đình hồi hưu thanh bần như một quan chức vô danh. Gia sư Ba Sàm kể :

Nhà “học trò” Nguyễn Đình Lộc cách trung tâm thủ đô 10 cây số, ở trong một ngõ nhỏ sâu hun hút, rẽ trái, rẽ phải mấy lần mới tới. Hai ông bà già ngày ngày lặng lẽ bên nhau. Bà bị chứng vôi hóa đốt sống cổ, thỉnh thoảng đau, phải nằm bất động, nhưng vẫn chợ búa, nấu nướng, chăm sóc ông từng li từng tí; vậy mà còn phải đáp 4 chuyến ô tô buýt đi, về mỗi ngày tới nhà con gái chăm sóc cháu ngoại mới sinh.
Có lẽ rất cảm thông với bà, ông tự tay pha nước, gọt trái cây… mời “gia sư”. Có hôm, bà đi chợ, ông lại quên, khóa cửa bên trong làm bà về không mở được, thế là ông vội xuýt xoa xin lỗi thật tình cảm, mặc dù bà cũng chỉ hơi càu nhàu.
Vốn ngại “ăn cơm khách”, lại thêm nhiều việc bấn bíu, nên phải vài bận tôi từ chối khéo lời mời ở lại ăn cơm. Thế nhưng từ chối mãi cũng không đành; lại thêm một dịp hiểu cuộc sống của hai ông bà.

Theo Ba Sàm thì trên ti vi, các hình ảnh về ông NĐL đã bị cắt ghép, rằng “trò gian trá, bẩn thỉu quá lộ của thứ truyền thông có “định hướng” thời nay, đánh lừa được không ít người nhẹ dạ, đã từng được thực hiện không biết bao nhiêu lần”.

Câu chuyện được post lên, lập tức nhận được nhiều comment đa chiều. Sáng hôm sau Ba Sàm ngồi viết thêm mấy dòng tái bút, “tôi không cầm được nước mắt – thương cho dân ta quá! Bị úp vào đầu thứ gông cùm ghê gớm, trở thành hết thảy là những kẻ đớn hèn, tới độ một ông tướng công an lúc về hưu, ngẫm mãi sự đời rồi cũng phải thốt ra chân lý: hèn!”.

Sau bài viết của Ba Sàm, dư luận dịu đi, nhiều trí thức lên tiếng bênh vực NĐL. Thật trớ trêu. Vị quan đầu triều ngành tư pháp khi về làm thảo dân, sống đời “tử tế”, vừa mới thể hiện hành động của một công dân công chính lại suýt phải chịu cái án ngàn năm bia miệng! “Đối đầu với một cỗ máy khổng lồ với đủ thứ thủ đoạn đê hèn”, không có cơ hội bào chữa, vị lão quan được giải oan nhờ các nhà báo “vỉa hè”.

Xung quanh câu chuyện về NĐL, Ba Sàm ngộ ra chân lý đau đớn, rằng trên đất nước này “kẻ hèn nhiều lại đi bắt nạt kẻ ít hèn hơn, chỉ để đè nén, che đậy nỗi khiếp nhược của mình”. Hơn một năm sau, anh Ba Sàm bị bắt khẩn cấp, bị kết tội viết bài chống phá nhà nước. Có phải người ta bắt anh để che đậy sự “khiếp nhược”? Có phải từ lúc Ba Sàm bị nhốt vào ngục đến nay, sự khiếp nhược trùm lên như bóng mây ngày một đen đặc hơn?

N.H.L.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:2





No comments:

Post a Comment

View My Stats