Nguyễn Huệ Chi
06/09/2016
Nguyễn
Huệ Chi
Về cơ bản tôi tán thành quan điểm của PGS TS Đoàn Lê
Giang (xem Phụ lục 1) và không tán thành hết mọi ý kiến trong bài
trả lời phỏng vấn của PGS Phan Trọng Đạt (xem Phụ lục 3). Như đã viết
trên FB, tôi nhớ năm 1990, GS PL xây dựng một dự án “về sự ra đời của chữ quốc
ngữ trong xu thế phát triển của văn học VN hiện đại” để xin tài trợ của Nhật,
tôi là một thành viên Viện Văn học được cử đến trao đổi với chuyên gia văn hóa
Nhật Bản. Không ngờ bị họ phản bác rất mạnh. Cả mấy học giả Nhật đều lập luận:
Việt Nam bỏ học chữ Hán và chữ Nôm là sai lầm, trẻ em sẽ không còn biết gì về
văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của đất nước mình. Khi chúng lớn lên, người
Việt Nam thế nào cũng lâm tình trạng mất gốc dù nhiều hay ít. Ở Nhật, trẻ em vẫn
phải học 3000 chữ Hán cổ. Và đó không phải là học văn hóa Trung Quốc mà học cho
văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi cãi không lại họ và cuối cùng dự án của PL bị từ
khước.
Tôi nghĩ, vào năm 1932 cụ Phan Khôi phản đối dạy chữ
Hán ở trường tiểu học Pháp - Việt (trong bài Đánh
đổ cái thuyết dạy tiểu học bằng chữ Nho), đó là cụ quan niệm dạy chữ Hán
thay cho tiếng Việt như một ngôn ngữ phụ, và học chữ Hán theo cách hiểu của cụ
là học đạo lý, còn chúng ta đề xuất dạy chữ Hán cho các em hôm nay là dạy xen một
số giờ chữ Hán, bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ chủ thể và tiếng Anh đứng thứ
hai, thì rất nên. Không những nên mà còn cần thiết, bởi hoàn cảnh lịch sử đã đẩy
Việt Nam vào khu vực văn hóa Đông Á kể từ trước thiên niên kỷ I – cùng với Nhật
Bản, Triều Tiên – khiến cho tiếng Hán trở nên gắn bó lâu dài, khăng khít cũng
như chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ trong tiếng Việt hiện đại. Mà tiếng nói –
ngôn ngữ – vốn là một trong những thành tố hệ trọng góp phần quyết định sự tồn
vong của một dân tộc, thì lại là một chân lý hiển nhiên, đã được minh chứng
trên khắp các châu lục từ xưa đến nay (Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn
tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”). Vì nhu cầu giữ gìn sự trong sáng của
tiếng Việt, thậm chí giữ cho kho từ vựng tiếng Việt trải mấy nghìn năm không bị
mai một, suy thoái, để dân tộc không rời vào mất gốc mà bắt buộc dạy chữ Hán
trong trường học phổ thông với một liều lượng nào đấy, không phải là điều phi
lý. Tất nhiên học chữ hay nói như PGS Đạt là học từ, không thể nghĩ đơn giản chỉ
học ký âm theo tiếng Latinh là đủ, mà phải bao gồm cả học cách viết chữ Hán cổ
cùng với âm đọc chữ Hán của người Việt (Hán Việt), vì lẽ trong ngôn ngữ học, đã
nói đến ký hiệu thì có cả phần chữ và phần âm, và
học như thế cũng tức là học cả cái nội hàm văn hóa tích hợp trong mỗi chữ. Nói
cách khác, đem chữ Hán vào trường học là một cách để các thế hệ trẻ người Việt
nhập tâm, thâu hóa vốn liếng văn hóa cha ông ta nhiều đời tích lũy được, khác hẳn
việc bảo lưu ngôn ngữ Hán Việt trong từ điển, do chỗ từ điển chỉ là một kho chứa
thuần túy, không thể nào làm cho nội hàm văn hóa của từ ngữ sống dậy, tiến kịp
với hành trình của dân tộc.
Dưới thời Pháp thuộc, Nha học chính Đông Pháp chẳng
phải đã tổ chức thành công bộ sách Hán văn tân giáo khoa thư, 6 tập, do Lê Thước
và Nguyễn Hiệt Chi soạn, cùng với bộ Quốc văn giáo khoa thư, 6 tập, do nhóm Trần Trọng
Kim soạn, được dùng cho cấp tiểu học cho đến tận 1945 đấy là gì. Người Pháp thực
dân hẳn phải đánh giá lịch sử văn hóa văn minh của dân tộc chúng ta như thế nào
sau khi đã lắng nghe nhiều kiến nghị của trí thức bản xứ, mới chấp nhận một
chương trình giảng dạy có thêm hai phần như đã nói vào chương trình giáo dục
Pháp - Việt ở bậc học 6 năm đầu tiên trong đời đi học của trẻ em người Việt.
Hai bộ sách ấy hiện vẫn còn lưu dấu trong ký ức nhiều bậc cao tuổi, và thực tế
cho thấy, những thế hệ được học hai chương trình đó từ tuổi còn rất nhỏ, sau
này ra gánh vác việc đời dù ở cương vị nào, phần lớn đều có được cái nhìn nhân
văn, có cách khu xử thấu đáo, chuẩn mực, và có tầm viễn kiến, ít để lại những hệ
lụy đáng lo ngại như những gì mà hầu hết lớp người cầm chịch hiện nay đang hành
xử.
Cần nhắc lại lần nữa, khi ta nói dạy chữ Hán trong
nhà trường là dạy chữ Hán Việt Nam, tức là chữ Hán đọc theo âm Hán Việt và dùng
theo nghĩa của người Việt, không phải là dạy Trung văn. Do chữ Hán từ một công
cụ hành chính của quốc gia phong kiến buổi đầu, sau nhiều đời đã thấm vào lời
ăn tiếng nói của nhân dân, lại được trải nghiệm, tích hợp trong bối cảnh đặc
thù của lịch sử Việt Nam, nên tư duy Hán ngữ của người Việt, kể cả tầng lớp nho
sĩ, không còn nhất nhất rập khuôn tư duy Hán ngữ của người Tàu, mà có dịch chuyển
dần dà cả về sắc thái ngữ nghĩa cũng như đôi nét cá biệt về ngữ pháp. Chính vì
thế mà Lương Khải Siêu khi đọc Việt Nam vong quốc sử của Phan
Bội Châu (1905) có chỗ đã không hiểu được dụng ý dùng chữ của cụ Phan, phải
than thở: chữ Hán hình như chưa tinh tường lắm (1). Kỳ thực cụ Phan là người Việt,
cụ không đúc khuôn cách thức biểu đạt ngôn ngữ răm rắp theo Trung Quốc (điều
này khi tôi sang Trung Quốc và khi PGS Trần Thị Băng Thanh sang Trung Quốc đều
nghiệm thấy khá rõ. Cả trong chú giải Liêu trai chí dị, một bộ sách
văn ngôn vào loại khó, của học giả Trương Hữu Hạc – được coi là nhà Liêu
trai học hàng đầu – chúng tôi vẫn nhận ra có những chỗ ông ta chấm câu
khác cách chấm câu của giới Hán học Việt Nam. Những kết quả lâu dài tạo nên sự
khu biệt nói trên phải coi là thành quả của văn hóa chúng ta, nếu không truyền
lại cho lớp trẻ thì chắc chắn sẽ tiêu tán, thất lạc dần đi.
Tôi nhớ năm 1992, trong Hội thảo khoa học về núi Bài
Thơ tại Quảng Ninh (2) – Lê Thánh Tông cho khắc trên núi này bài ký điều quân
đi tuần hành vùng Đông Hải kèm với bài thơ của ông, ngay từ thế kỷ XV, rồi các
đời sau còn nhiều danh sĩ đến vãng cảnh khắc thêm thơ văn, nhưng có lẽ đến giữa
thế kỷ XX, do chữ Hán lần lần mất ý nghĩa trong đại chúng nên di tích bị xâm hại
– nhân tình trạng xuống cấp của một cụm di tích quý, GS Hà Văn Tấn có bàn với
tôi và GS Phan Huy Lê cùng nhau làm một kiến nghị gửi Bộ Giáo dục đề nghị bổ
sung thêm một vài tiết học chữ Hán vào chương trình tiếng Việt ở bậc trung học
cơ sở và trung học phổ thông, tuy vậy khi trao đổi thì thấy chương trình đã quá
nặng nên đành xếp lại.
Phải nói thuở ấy, di tích-di sản lịch sử và văn hóa
đã bị phá hoại rất nhiều nhưng trong đời sống ngôn ngữ – trên báo chí hàng ngày
cũng như trong văn chương sách vở – cách dùng tiếng Hán Việt vẫn còn khá chuẩn,
chưa đến nỗi lệch lạc và tùy tiện như ngày nay. Vì thế, nếu đến giờ phút này mà
người phụ trách giáo dục vẫn còn nhẩn nha, chưa quyết tâm đem chữ Hán vào trường
học, thì sự tuột dốc của sinh hoạt ngôn ngữ – cả ngôn ngữ khoa bảng và ngôn ngữ
đời sống – chưa biết thế nào mà nói trước. Hãy cố gắng động não nhằm bỏ bớt những
phần học vô bổ cho chương trình bớt nặng – hẳn không khó lọc ra nếu các vị lãnh
đạo thành tâm muốn vậy – thì chắc chắn có thể dạy thêm môn học Hán Nôm.
Còn nói như PGS Đạt: bắt học sinh học chữ tượng hình
là đi ngược quy luật ngôn ngữ hiện đại thì tôi không thể hiểu. Một nhà triết học
nổi tiếng của Pháp hình như là Jacques Derrida (1930-2004) thì phải (có thể tôi
nhớ không chính xác), trong các công trình giải cấu trúc luận của mình, khi phản
bác ký hiệu học cổ điển coi trọng phần âm mà coi nhẹ phần chữ,
đã từng lưu ý rằng chữ tượng hình là thứ ngôn ngữ chứa đựng trong từng chữ cả một
kho tư tưởng, khác với chữ ký âm, đọc vào chỉ là đọc con chữ hời hợt và không
thu nhận được một chút tư tưởng gì. Hay nói như nhà ngôn ngữ học phương Đông
người Pháp Jean-François Champollion (1790-1832): “Chữ tượng hình là một hệ thống
phức hợp, một thứ văn tự mang cùng lúc cả tính tượng hình, tính tượng trưng, cả
năng lượng ngữ âm, ngay trong một văn bản, trong một câu, thậm chí gần như
trong cùng một từ” (L’écriture hiéroglyphique est un système complexe, une
écriture tout à la fois figurative, symbolique et phonétique, dans un même
texte, une même phrase, je dirais presque un même mot). Thế thì giúp các em
thêm một hình thức tư duy tổng hợp cho đầu óc tưởng tượng mở mang phong phú
thêm, có gì mà đi ngược quy luật? Ông Đạt lại nói học tử ngữ sẽ không tốt cho
việc học sinh ngữ. Tôi cũng không hiểu. Thế người đi học trường Pháp trước đây
vào Ban Triết thì phải học tiếng Latinh thì cũng là tử ngữ đấy chứ, mà có ai tồi
tiếng Pháp và tiếng Anh đâu. Chỉ có chúng ta được đào tạo trong nhà trường XHCN
chủ trương bỏ ngoại ngữ suốt mấy chục năm (1952-1975), rồi sau 1975 mới cho dạy
lại, nhưng phương pháp dạy đại trà, ít có thầy cô giỏi, thì sinh ngữ mới kém cỏi
thôi. Cứ so sánh trình độ ngoại ngữ của học sinh sinh viên giữa hai miền Nam Bắc
trong thời gian 1955-1975 thì rõ.
N.H.C.
(FB
Trần Quang Đức, có bổ sung)
(1) Điều rất lạ kỳ là trong bộ Ẩm Băng thất
văn tập飲 冰 室 文 集 do Quảng Trí thư cục Thượng Hải in năm 1905, Lương Khải Siêu lại đem cả Việt
Nam vong quốc sử vào đấy, coi như một tác phẩm của mình.
(2) Hội thảo do Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức,
mời Ban Văn học Cổ cận đại Viện Văn học chủ trì.
*
Phụ
lục I
PGS TS Đoàn Lê Giang
*
Phụ
lục II
Học
chữ Hán – Sao lại không?
Chu
Mộng Long
*
Phụ
lục III
Hoàng
Đan
No comments:
Post a Comment