Thursday, 1 September 2016

"CHUYỆN KỂ NĂM 2000" BỊ THU HỒI & TIÊU HỦY : ÂM MƯU KIM TIỀN CỦA AN NINH VN ? (Lê Anh Hùng)




30.08.2016

Bùi Ngọc Tấn (1934-2014) là một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Việt Nam. Ông từng bị bắt trong vụ án “Xét lại chống đảng” rồi bị giam giữ dưới hình thức “tập trung cải tạo” từ 1968-1973. Ông đã để lại cho đời một di sản khá lớn, trong đó nổi tiếng nhất là Chuyện kể năm 2000, tác phẩm văn chương đương đại hiếm hoi của Việt Nam được dư luận quốc tế chú ý và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Mặc dù đến nay đã có nhiều bài bình luận, đánh giá về tác giả và tác phẩm Chuyện kể năm 2000, bản thân tác giả cũng đã cho công bố Hậu Chuyện Kể Năm 2000 thuật lại quá trình thai nghén và xuất bản cuốn sách, song dường như công chúng vẫn chưa biết hết sự thật đằng sau việc tác phẩm bị đình chỉ, thu hồi và tiêu huỷ, một thực tế không có gì là bất thường dưới “thời đại Hồ Chí Minh”. Mới đây, trong cuộc gặp và trò chuyện với ông Lê Hùng, cựu biên tập viên (BTV) NXB Thanh Niên, chúng tôi may mắn được biết thêm nhiều thông tin lý thú.

Trong tác phẩm Hậu Chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien, tác giả Bùi Ngọc Tấn đã viết về BTV Lê Hùng như sau:

“…Một BTV nữa không dính dáng đến tập bản thảo [Chuyện kể năm 2000] của tôi, nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Đã đem lại cho tôi biết bao sự động viên và lòng tin yêu cuộc đời. Gặp anh, những người bi quan nhất cũng dễ dàng nhận thấy cuộc đời dù khốn nạn đến đâu cũng vẫn còn những người tốt, những người trung thực, vẫn còn đáng để ta làm một cái gì cho nó. Lê Hùng!
Lê Hùng sôi nổi nhiệt tình! Lê Hùng sôi sục khao khát những tiến bộ, những điều tốt đẹp đến với đất nước với nhân dân, với nghệ thuật, một khát vọng dù đã cố kìm nén nhưng vẫn lộ ra qua từng ánh mắt, từng nét mặt…” [trang 173]

Ông Lê Hùng cho chúng tôi biết, ngày đó cũng như bây giờ, đám sỹ quan an ninh thuộc Cục An ninh Văn hoá Tư tưởng (A25) thỉnh thoảng lại mò đến NXB để dò la tin tức. Họ cứ sà vào uống nước, chuyện trò cà kê dê ngỗng, rồi lân la đến từng người, ra vẻ thân mật hỏi han, tỷ như “Bác khoẻ không? Dạo này bác đang biên tập cuốn gì vậy?” v.v.

Chuyện kể năm 2000 in vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2000 thì đến ngày 16/3/2000, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 395/QÐ-BVHTT, đình chỉ phát hành và thu hồi, tiêu hủy.

Trong Hậu Chuyện kể năm 2000, tác giả Bùi Ngọc Tấn cho biết: Chiều 2/2/2000 (tức 27 Tết), nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã đem 20 bộ sách đến phòng hành chính NXB Thanh Niên để nộp lưu chiểu. Vậy nhưng, không hiểu sao, đến mồng 6 Tết (10/2) nhà thơ hỏi lại thì số sách ấy vẫn còn nằm ở đấy và lúc bấy giờ người ta mới đem đi nộp. Theo quy định, sau thời gian nộp lưu chiểu 7 ngày, tức ngày 17/2, thì sách mới được chính thức phát hành. Tuy nhiên, đến ngày 14/2 thì một cuộc điện thoại từ Cục Xuất bản xuống NXB Thanh Niên đã truyền đạt chỉ thị tạm ngừng phát hành.

Từ cuộc điện thoại ngày 14/2 đó cho đến ngày Thứ trưởng Bộ VHTT Phan Khắc Hải ký quyết định số 395/QÐ-BVHTT kéo dài tới 31 ngày. Vậy trong khoảng thời gian một tháng đó đã diễn ra những gì liên quan đến số phận của một tuyệt tác văn chương Việt Nam hiện đại?
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn thuật lại trong Hậu Chuyện kể năm 2000:

“…Cú điện thoại tạm ngừng phát hành là từ Cục Xuất bản. Trung ương Đoàn chưa có ý kiến gì. Bí thư Thứ nhất, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đoàn còn đang đọc. Nhưng chiều hướng rất gay. A25 thì bực lắm. Rất cáu. Họ bảo bạn bè vẫn chơi với nhau mà phản thùng. Hằng Thanh còn nói rõ hơn: Có một ông trung tá – hay thượng tá gì đấy – ở A25 điên lên. Ông ấy vẫn chơi với bọn em. Thì cũng là lợi dụng lẫn nhau thôi. Ông ấy nắm tình hình bên này. Bên này nắm tình hình bên ấy. Ông ấy nói với em: ‘Anh theo dõi lão này hai mươi năm nay, tháng nào cũng về Hải Phòng nắm tình hình, nghe báo cáo. Thế mà để sểnh một cái lão ta in ra quyển này có điên không cơ chứ. Anh kỳ này mất lon vì lão ấy.’” [trang 240]

Vậy nhưng, có thực là lực lượng an ninh Việt Nam đã không hề hay biết gì về sự ra đời của tác phẩm đặc biệt “nhạy cảm” đó không?

Theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ông đưa bản thảo Chuyện kể năm 2000 cho nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến vào tháng 6/1999. Từ đó cho đến khi cuốn sách được in ra là hơn 7 tháng. Trong khoảng thời gian ấy, tác giả thường xuyên đi đi về về giữa Hải Phòng và Hà Nội, thường xuyên gặp gỡ, liên lạc với đủ các thành phần trong giới văn nghệ sỹ mà cơ quan an ninh Việt Nam coi là “có vấn đề về tư tưởng” và dĩ nhiên là luôn theo dõi họ sát sao, ít nhất là điện thoại của họ, chưa kể nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến còn photo bản thảo thành nhiều bản, đưa cho nhiều người và khoe với khá đông bạn bè.

Hãy xem tiếp đoạn sau trong “Hậu Chuyện kể năm 2000”:

“…Cao Giang vui vẻ làm theo ý kiến tôi: - Tôi vẫn làm như anh bảo đấy. Cẩn thận lắm. Thế mà khi bản thảo mới gửi đến tôi được mấy ngày, Trần Đăng Khoa bên quân đội đã sang nằn nì đòi mượn đọc. Chúng tôi nhất định không cho. Không hiểu sao bên ấy đã biết.
Tôi hoảng thật sự. Nghĩ rằng thế này thì việc tôi gửi bản thảo lên chỉ là trò chơi ‘nhằm giải quyết khâu oai’ thôi chứ làm sao mà in được. Khoa biết nghĩa là nhiều người biết. Sáu năm trước, gửi lên dự thi chỗ chị Hoàng Ngọc Hà toàn những người kín mồm kín miệng thế, dặn dò cẩn thận thế mà cũng đến tai công an cơ mà…” [trang 176]

Nghĩa là, việc an ninh Việt Nam không hay biết gì về sự ra đời của tác phẩm “động trời” kia đơn giản là điều không thể xẩy ra, nhất là khi họ đã biết về sự tồn tại của bản thảo tác phẩm từ 6 năm trước. Bản thân tác giả cũng không giấu nổi “băn khoăn” trong Hậu Chuyện kể năm 2000:

“…Bây giờ nghĩ lại chuyện vẽ bìa, nhờ hết người này đến người khác ‘cái bìa cho một tập tiểu thuyết hai tập viết về nhà tù của Bùi Ngọc Tấn’ rất cởi mở hồn nhiên như vậy mà không đến tai công an văn hoá thì cũng là rất lạ. Trong khi ấy Đá Vàng của Dũng Hà khá êm ả thì lại bị ngừng in…” [trang 196]

Vậy sự thực thì thế nào?

Theo một nguồn tin thân cận với lãnh đạo NXB Thanh Niên giai đoạn ấy, sau cuộc điện thoại truyền đạt ý chỉ từ Cục Xuất bản, một tay trùm an ninh đã đến gặp lãnh đạo NXB và đặt vấn đề thẳng tưng: “Nếu các ông chồng đủ 3 tỷ VNĐ, chúng tôi sẽ làm lơ vụ này cho các ông.” Lãnh đạo NXB đã từ chối lời đề nghị đó. Họ không chỉ cảm thấy bị xúc phạm bởi cách ứng xử của những kẻ vẫn được cho là chịu trách nhiệm “bảo vệ” nền văn hoá Việt Nam khỏi bị “ô nhiễm”, mà với họ 3 tỷ VNĐ còn là khoản tiền quá lớn vào thời điểm ấy, nhất là đối với một cơ quan đoàn thể như NXB Thanh Niên.

Ông Lê Hùng là người có mặt trong buổi tiêu huỷ số sách bị thu hồi. Cả thảy hơn 826 bộ. Tất cả bị nghiền thành bột rồi đưa vào ngâm trong bể axít. Đại diện Cục Xuất bản, nhà xuất bản và nhà in lần lượt ký vào từng biên bản của từng công đoạn. Xong xuôi mọi khâu, tất cả những ai liên quan mới được ra về.

Song, thật đáng ngạc nhiên, sau khi Chuyện kể năm 2000 bị tiêu huỷ, những độc giả háo hức vẫn không khó khi săn tìm sách trên thị trường ngầm, dù với cái giá không rẻ chút nào. Hoá ra, “ai đó” đã tổ chức in lậu hàng loạt tập sách, rồi giao cho bọn trẻ bán sách hay đồ lưu niệm để chúng rao bán trên khắp phố phường Hà Nội. Đám này gần như công khai mời chào khách: “Ông/bà/cô/bác/anh/chị… có muốn mua Chuyện kể… không?” Thời gian đầu, giá sách qua kênh “phát hành” này có khi bị hét tới 500.000 VNĐ một bộ (2 tập), một mức giá cắt cổ nếu so với giá bìa là 77.000 VNĐ/bộ.

Một tác phẩm văn chương với nội dung “động trời”, bị đình chỉ xuất bản, bị thu hồi gắt gao, bị tiêu huỷ theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt chặt chẽ như thế, vậy mà vẫn được một số đối tượng công khai rao bán giữa phố phường Hà Nội, với một số lượng ấn bản dường như không hạn chế. Ai có thể đứng sau vụ này nếu không phải là lực lượng an ninh, đặc biệt là các “chiến sỹ an ninh” trên “mặt trận văn hoá - tư tưởng” của Việt Nam?

Quả vậy, không khó để hình dung đây là một âm mưu sặc mùi kim tiền của lực lượng an ninh Việt Nam: Họ nắm rõ việc Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đã được NXB Thanh Niên quyết định xuất bản và lên kế hoạch in ấn, phát hành. Tuy nhiên, họ cũng thừa hiểu rằng, nếu ngăn chặn kế hoạch xuất bản này từ trong trứng nước, giống như những gì họ đã làm với Đá Vàng của Thiếu tướng/nhà văn Dũng Hà, họ sẽ chẳng thể kiếm được chút xơ múi gì, trong khi họ lại hoàn toàn ý thức được mức độ lôi cuốn cũng như giá trị thương mại của tác phẩm. Vì thế, họ quyết định vờ như không biết gì, im lặng để cho NXB biên tập, lên kế hoạch xuất bản, in ấn, nộp lưu chiểu, quảng bá nội bộ… rồi bất thình lình ách lại ngay trước khi tác phẩm chính thức được phát hành. Lúc này, dù tác phẩm có bị thu hồi hay vẫn tiếp tục được phát hành họ cũng đều được lợi. Nếu NXB đồng ý với điều kiện của họ, chồng đủ 3 tỷ VNĐ cho họ theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”, họ sẽ tha hồ chia chác món tiền khủng ấy. Ngược lại, nếu NXB từ chối đề nghị của họ, tác phẩm sẽ bị thu hồi và tiêu huỷ trong bối cảnh nó đã trở thành một cái tên “hot” hơn bao giờ hết, bởi chính họ đã “phong thánh” cho tác giả qua cách hành xử đó. Và với việc cho in lậu hàng loạt rồi “phát hành” qua thị trường chợ đen với mức giá cắt cổ, họ sẽ thu được khoản lợi nhuận kếch xù, thậm chí còn lớn hơn cả con số 3 tỷ VNĐ kia.

Cựu BTV Lê Hùng không giấu nổi xúc động khi kể với chúng tôi: “Chứng kiến cảnh tượng hàng đống sách vô tội, hiện thân của sự thật, của trí tuệ, mồ hôi và nước mắt của tác giả, cũng như công sức, tâm huyết của cả tập thể nhà xuất bản… bị nghiền nát rồi đưa vào bể axít, tôi không sao cầm được nước mắt.”

Thời khắc mà cựu BTV Lê Hùng, một người “sôi sục khao khát những tiến bộ, những điều tốt đẹp đến với đất nước, với nhân dân, với nghệ thuật”, cảm thấy chua xót và đau đớn nhất ấy cũng chính là thời khắc mà một số ông trùm an ninh Việt Nam lại cảm thấy vui sướng và hả hê nhất, bởi cái âm mưu sặc mùi kim tiền kia của họ coi như đã thành công.

Xem ra, với lực lượng mà các nhà lãnh đạo CSVN vẫn ví von là “thanh gươm của đảng” và “phong tặng” cho đủ thứ “danh hiệu” dài ngoằng, thứ lý tưởng và đạo đức thiêng liêng nhất của họ hoá ra lại vô cùng đơn giản: TIỀN. Vì tiền hay bất cứ thứ gì đẻ ra tiền, họ sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả.

Chẳng biết là khi ngân khố quốc gia ngày càng rỗng tuếch còn những “con mồi” mang tên “nhân dân” thì ngày một còm cõi và xương xẩu, cái viễn cảnh tất yếu đang tới rất gần, họ có quay sang “làm thịt” những ông chủ mập ú đã đẩy họ vào vòng tội ác hầu “đoái công chuộc tội” và trở về với nhân dân hay không.

*
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


---------------------------------

Posted on Tháng Năm 11, 2009 by CN
Mục lục
Chương:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
51 52 53 54 55 56 57 58 59 60




No comments:

Post a Comment

View My Stats