Thursday 1 September 2016

BI KỊCH VENEZUELA DO ĐÂU ? (FB Huỳnh Văn Hoa)





Những ngày này, phần lớn tin tức phát đi từ thủ đô Caracas của Venezuela là tin xấu, phản anh một nền kinh tế đang trên đà sụp đổ.

Các phóng sự của đài CNN, đài VOA phát đi từ Caracas đều cho thấy một không khí hỗn loạn: người dân xếp hàng rồng rắn trước các siêu thị trống rỗng chờ những chuyến xe chở hàng, nạn cướp bóc, hôi của, giết người vì những lý do vụn vặt xảy ra liên tục… Tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, từ sữa, gạo đến giấy vệ sinh đã không còn chịu đựng được nữa.

Từ tuần này bánh hamburger cỡ lớn (Big Mac) của McDonald’s không còn bày bán ở các cửa hàng nhượng quyền Arcos Dorados (Venezuela) vì nhà sản xuất không có bột để làm bánh mì; Công ty Kimberly-Clark – nhà sản xuất tã giấy Huggies và khăn giấy Klenex – công bố chấm dứt hoạt động ở Venezuela vì không thu được tiền bán hàng.

Cuối tuần qua có tới hơn 35.000 người Venezuela chạy sang nước láng giềng Columbia để “vơ vét” hàng hóa. Biểu tình phản đối diễn ra khắp nơi, điện bị cắt liên tục và vì thiếu điện nên các công xưởng và cơ quan hành chính mỗi tuần chỉ còn làm việc được hai ngày … Cuối tuần trước Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng kinh tế Venezuela sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay và lạm phát sẽ lên mức kỷ lục 700%. Đầu tuần này, ngân hàng trung ương các nước Nam Mỹ đã đồng thuận cho Venezuela “vay nóng” 482,5 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu khẩn cấp lương thực chống đói cho người dân…

Vì sao một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động lại rơi vào tình cảnh này? Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể nói cuộc khủng hoảng của Venezuela hiện thời là kết quả sự hội tụ hai xu hướng nguy hiểm: “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) và “chủ nghĩa xã hội Bolivar” (Bolivarian socialism).

Căn bệnh Hà Lan

Từ lâu, Venezuela đã nổi danh là “đất nước của nhan sắc” với hơn 22 người đẹp đăng quang Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Nhưng ít ai để ý rằng, Venezuela là một “cường quốc dầu mỏ” với trữ lượng dầu khí lớn hơn cả Ả-rập Saudi. Venezuela là thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và là một trong 10 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Dầu mỏ chiếm một nửa tổng sản lượng GDP 480 tỉ đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương, PPP) của Venezuela, 80% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp một nửa số thu ngân sách hàng năm. Với GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 13.000 đô la Mỹ/người/năm, Venezuela đứng vào hàng các quốc gia có thu nhập trung bình khá, xếp vị trí thứ 85 trên thế giới.

Tuy nhiên, tài nguyên dồi dào nhưng thể chế quản trị quốc gia kém đã biến Venezuela thành một trường hợp điển hình của “căn bệnh Hà Lan”: nền kinh tế quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, các ngành nghề khác bị chèn ép không phát triển được. Theo tài liệu của Wikipedia, đóng góp của các ngành công nghiệp (ngoài dầu mỏ) vào GDP của Venezuela đã giảm từ mức 17,4% năm 1998 (thời điểm ông Chavez lên làm tổng thống) xuống mức 14,2% năm 2012.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào tài nguyên dầu mỏ của Venezuela đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính phủ Chavez phải đối mặt”. Để kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí, từ đầu năm 2002 Venezuela thi hành luật Dầu khí mới, theo đó tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA nắm giữ tối thiểu 51% vốn tất cả các dự án dầu khí, tăng tỷ lệ tiền thuê mỏ mà tập đoàn nước ngoài phải trả cho nhà nước Venezuela từ 16,5% lên 30% giá trị sản lượng. Đến năm 2007, chính phủ nắm toàn bộ quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Đồng bằng Orinoco – trung tâm dầu mỏ của Venezuela – và sau đó truất hữu quyền khai thác của các tập đoàn dầu mỏ nước ngoài. Ngay đến các trạm bán xăng tư nhân - vốn thuộc kinh tế hộ gia đình – cũng bị tịch thu, quốc hữu hóa và bán xăng dầu với giá “bao cấp” chỉ bằng một phần nhỏ so với giá thế giới.

Từ đó, nguồn lực quốc gia rơi tay các quan chức hành chính các cấp thay vì các nhà quản trị doanh nghiệp, dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, chẳng hạn như lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ hoặc rơi vào túi tham nhũng, hoặc được phân bổ vào các dự án “cải tạo xã hội” đầy tính chất dân túy thay vì tái đầu tư để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp khác.

Một trong những hậu quả của tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ là Venezuela gần như phải nhập khẩu toàn bộ hàng tiêu dùng, từ lương thực thực phẩm tới thiết bị sản xuất. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Venezuela rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường thế giới, nhất là thị trường tài chính luôn chao đảo sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chủ nghĩa xã hội Bolivar

Thêm vào đó, từ năm 1998, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống đã quá cố Hugo Chavez, Venezuela bắt đầu đi theo mô hình “chủ nghĩa xã hội Bolivar”, với những chính sách kinh tế sai lầm, triệt tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế và đi tới chỗ khánh kiệt khi giá dầu sụt giảm kéo dài.

Sau hai cuộc đảo chính không thành, ông Hugo Chavez – thủ lĩnh đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela - được bầu làm tổng thống năm 1998, ngay trước thời điểm hồi phục của giá dầu trên thị trường thế giới. Ngay năm sau, ông Chavez cho ban hành hiến pháp mới, đề cao cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội Bolivar” – một sự pha trộn giữa chủ nghĩa xã hội kiểu Cuba dưới thời ông Fidel Castro và đường lối chống phương Tây cực đoan của Salvatore Allende của Chile.

Thực ra, “chủ nghĩa xã hội Bolivar” (theo tên của nhà cách mạng Simon Bolivar) không phải là học thuyết của ông Hugo Chavez mà có “truyền thống” từ các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Vào thập niên 1970, khi trào lưu chống chủ nghĩa đế quốc, dẫn đầu là Mỹ, dâng cao tại Mỹ La-tinh, nhiều chính phủ châu lục này đã triển khai các chương trình chống tư hữu, nhà nước kiểm soát kinh tế và thực hiện các dự án lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Công cuộc quốc hữu hóa kinh tế ở Venezuela đã bắt đầu từ thời tổng thống Carlos Andress Perez năm 1974 mà ông Hugo Chavez chỉ là người kế tục và phát triển vào đầu thế kỷ 21, theo nhà nghiên cứu Mark Mobius.

Các chính sách của ông Chavez đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ “Bolivarian Missions”: cải tạo xã hội, kiểm soát nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phân phối lại đất đai và của cải, theo đó ruộng đất phải được chia cho dân cày, các nhà máy, hầm mỏ cũng phải quốc hữu hóa...

Cùng với việc “quốc hữu hóa” các mỏ dầu, năm 2005 Venezuela cũng hoàn thành việc phân phối lại ruộng đất, xóa bỏ các điều trang lớn để chia đất cho dân cày. Dưới thời ông Chavez, đầu tư cho giáo dục đã tăng từ 3,4% GDP trước đó lên 5,1%; đầu tư y tế cũng tăng từ 1,6% lên 7,71%...

Nhờ giá dầu duy trì ở mức cao trong những năm từ 2005 đến 2014, các chương trình xã hội của ông Chavez có được nguồn tài chính phong phú để “trợ giá” cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, có những mức trợ giá không tưởng như 1.000 lít xăng có giá chỉ 1 đô la Mỹ. Năm 2003 chính phủ bắt đầu kiểm soát giá cả 400 mặt hàng lương thực thực phẩm; theo đó thương nhân chỉ được bán theo giá quy định. Những biện pháp này làm cho người nghèo dễ thở hơn và tỷ lệ ủng hộ ông ngày càng cao, giúp ông vượt qua được các âm mưu đảo chính, lật đổ, phế truất… của phe đối lập.

Tuy nhiên thời hoàng kim qua mau. Thiếu sự đầu tư, ngành dầu mỏ Venezuela quay đầu đi xuống: lúc ông Chavez lên nắm quyền, Venezuela khai thác 3,12 triệu thùng dầu mỗi ngày song con số đó giảm còn 2,95 triệu thùng/ngày năm 2007, trong số này nhà nước thu được lợi nhuận ở 1,4 triệu thùng; số còn lại được cho không hoặc bán với giá vốn.

Trong khi thu nhập từ dầu giảm dần thì chi tiêu công của chính phủ lại tăng không ngừng, lên tới 50% GDP vào năm 2012. Thiếu tiền, Venezuela phải bù đắp bằng cách in tiền, quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân, kiểm soát chặt tiền tệ và ngoại hối, đồng thời tăng vay mượn trên thị trường tài chính thế giới. Thách thức lớn nhất mà ông Chavez đối mặt là cuộc tổng đình công toàn quốc kéo dài từ tháng 12-2002 đến tháng 2-2003, có sự tham gia của công nhân tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA, làm các nhà đầu tư hoảng sợ và tháo chạy. Cuộc đình công khiến Venezuela thiệt hại 13,3 tỉ đô la Mỹ, GDP 4 tháng đầu năm 2003 giảm 27% so với năm trước.

Để ngăn chặn tình trạng tháo chạy của dòng vốn, chính phủ của ông Chavez khôi phục chính sách kiểm soát ngoại tệ đã bãi bỏ từ năm 1989, neo tỷ giá đồng Bolivar Fuerte (VEF) vào đồng đô la Mỹ, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải bán hết ngoại tệ cho ngân hàng trung ương. Từ đó ở Venezuela hình thành 2 thị trường ngoại hối: thị trường chính thức do nhà nước kiểm soát và thị trường chợ đen có tỷ giá cao hơn nhiều lần. Doanh nghiệp, các nhà đầu cơ tiền tệ lợi dụng chênh lệch tỷ giá này để trục lợi mà nhà nước không thể nào kiểm soát nổi: vào giữa năm 2012, tỷ giá chính thức là 1 đô la Mỹ ăn 11 VEF trong khi ở chợ đen 1 đô la Mỹ ăn 20 VEF; hiện nay, sau nhiều lần phá giá đồng VEF, tỷ giá này đã lên đến mức không tưởng tượng nổi: vào đầu tháng 7-2016, tỷ giá chính thức 1 đô la Mỹ ăn 450 VEF nhưng ở chợ đen 1 đô la Mỹ đổi được tới 1050 VEF; lạm phát đạt mức 100%/năm vào năm ngoái và tăng nhanh phi mã. Vòng xoáy lạm phát – mất giá liên tục diễn ra từ giữa năm 2012 đã đẩy kinh tế Venezuela vào suy thoái từ năm 2014 và nay thì xuống tới đáy vực.

Tình trạng khan hiếm hàng hóa, lương thực hiện nay chỉ là kết quả của việc doanh nghiệp không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng trong khi ngân sách nhà nước đã cạn kiệt sau khi giá dầu giảm mạnh từ mức bình quân 109,45 đô la Mỹ/thùng năm 2012 xuống 36,03 đô la Mỹ/thùng sáu tháng đầu năm nay.

Bất ổn xã hội đang lan rộng ở Venezuela: không chỉ các lực lượng chính trị đối lập mà cả công chức nhà nước cũng biểu tình đòi phế truất tổng thống Nicolas Maduro – người được ông Chavez chỉ định kế nhiệm năm 2013. Nguy cơ xảy ra nội chiến ở Venezuela đã buộc Đức Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải và một cuộc trưng cầu dân ý có thể sẽ được tiến hành trong thời gian tới…

(Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 28/7/2016, bản in báo có vài chỗ cắt bỏ cho vừa trang in)




No comments:

Post a Comment

View My Stats