Monday, 15 June 2015

Sai lầm bắt đầu (Nguyễn Đạt Thịnh - Viễn Đông Daily)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 13/06/2015

Sai lầm bắt đầu ngày mùng 8 tháng Sáu, 2015 -ngày kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh 7 Cường Quốc họp tại Đức; và sai lầm bắt đầu bằng một nhận xét khá chính xác của Tổng Thống Barack Obama. Trong một cuộc họp báo, ông nói, "Chúng ta chưa có một chiến lược đầy đủ để chiến thắng quân IS, và hàng ngàn tay súng mới toanh, từ khắp nơi đổ về Iraq và Syria, trám vào chỗ trống của những chiến binh bị liên quân chúng ta loại ra ngoài vòng chiến."

Nếu ông cắt bỏ hai chữ "đầy đủ" sau cụm chữ "Chúng ta chưa có một chiến lược đầy đủ" thì câu nói đã trở thành chính xác hơn, vì thật ra cuộc chiến chống IS không được thực hiện qua bất cứ một chiến lược nào cả.

Các chiến sĩ Shiite đang di chuyển trong trận đánh ở thị xã Baiji, phía bắc Tikrit. Họ hợp tác với quân đội Iraq giành lại được Baiji từ tay của lực lượng IS vào ngày 10 tháng Sáu, 2015. (Ahmad Al-Rubaye/Getty Images)

Obama nhận định nguyên nhân không chiến thắng được quân IS, là việc huấn luyện quân lực Iraq không đủ mau lẹ, tuy nhiên, ông vẫn nói là, rồi ra quân IS cũng sẽ có ngày bị đánh bật ra khỏi Iraq, và chót hết, bị đánh bại. Ngày đó là ngày nào?

Để trả lời câu hỏi này cần tìm xem ông Obama làm gì để tạo tính "đầy đủ" cho quan niệm chiến tranh của ông "tham chiến, nhưng không để lính Mỹ chạm gót giầy xuống chiến trường," một quan niệm đúng, đòi người Iraq bảo vệ lãnh thổ Iraq, với hỏa lực không yểm của Hoa Kỳ.

Hai điểm đúng của Obama là, (1) mặc dù đã chiến đấu chống quân IS từ một năm rưỡi trời, nhưng thế giới tự do vẫn chưa có một chiến lược toàn bộ để chống quân IS, và (2) tín đồ Hồi Giáo, nhánh Sunni, từ nhiều quốc gia vẫn nô nức đổ về chiến trường Iraq và Syria để tòng quân chiến đấu cho lý tưởng IS.

Điểm sai quan trọng nhất của Obama là ông chê trách quân đội Iraq; dù ông chê rất khéo - chê họ không đủ mau lẹ trong việc huấn luyện; khéo, nhưng ông vẫn sai, vì quân đội Iraq không cần được huấn luyện thêm, mà cần được sử dụng đúng cách, đúng sở trường của họ.
Obama không sửa đổi sai lầm này; điều ông sửa là tìm cách Iraq hóa quân đội Iraq, sửa bằng cách gửi 450 huấn luyện viên Hoa Kỳ sang tỉnh Anbar, để đến căn cứ không quân Taqaddum, căn cứ trú đóng của TQLC Hoa Kỳ trong chiến dịch tấn công Fallujah năm 2007.
Với thói quen nói tắt, viết tắt, lính Mỹ gọi căn cứ Taqaddum là TQ. Ngày trước, tướng lãnh Mỹ sử dụng căn cứ TQ để yểm trợ mọi hoạt động quân sự trong tỉnh Anbar, nhưng hôm nay, ông Obama biến TQ thành trung tâm huấn luyện quân sự cho thanh niên Anbar, bị quân đội Iraq ghẻ lạnh, không sử dụng, vì họ là tín đồ của giáo phái Sunny.

Có thể Obama không biết là ông đang đi vào vết xe đổ của quân viễn chinh Pháp; trong những năm từ 1947 đến 1954, khi người Pháp nỗ lực tổ chức những quân đội giáo phái như quân đội Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa để bình định những tỉnh Nam Việt.

Nỗ lực của Obama, còn có thể trở thành nguy cơ chia đôi Iraq, nếu quân lực Sunni thân Mỹ và chống IS, tạo ra khát vọng tỉnh Anbar độc lập. Ông đang dùng giải pháp chính trị để giải quyết bế tắc chiến lược.

Dùng quân đúng cách là chiến lược, dùng quân không đúng cách là sai lầm chiến lược, sai lầm mang tính căn bản, do đó sẽ tạo ra cảnh Hoa Kỳ tháo chạy như Hoa Kỳ đã tháo chạy ở Việt Nam, và tạo ra cảnh Iraq sụp đổ, như Việt Nam đã sụp đổ.

Nếu không bận bịu trong việc đổ vấy cho quân đội Iraq, ông đã nhận ra sai lầm nằm trên bình diện chiến lược, bình diện mà ông không thể đổ thừa cho các tướng lãnh Iraq, vì tướng Iraq không được quyền "mó" vào địa hạt chiến lược. Bổn phận và quyền hạn của họ là chỉ huy giao tranh trong những điều kiện chiến lược do Hoa Kỳ ấn định -như ngày xưa, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Cao Văn Viên chỉ huy giao tranh trên chiến trường Việt Nam, trong những bố trí chiến lược của Hoa Kỳ.

Nhận định sai lầm trên chiến trường Iraq nằm trên bình diện chiến lược, là khẳng định người mang trách nhiệm về sai lầm đó là vị chiến lược gia đã vẽ ra chiến lược tấn công quân IS -và chiến lược gia đó, không ai khác hơn là chính ông Barack Obama.

Ông sai vì tưởng lầm là không lực Liên Minh đang yểm trợ quân lực Iraq tấn công quân IS; thật ra cả Hoa Kỳ lẫn Iraq đều đang sa lầy trong một thế phòng thủ vô cùng thụ động và sơ hở.

Chứng minh cụ thể là cuộc thất thủ hôm 15 tháng 5, 2015 của thị xã Ramadi -một thành phố khá lớn, dân số gần nửa triệu người- chỉ cách Baghdad 110 cây số về phía Tây, và cách Fallujah 50 cây số cũng về phía Tây.

Cuộc thay đổi chủ quyền trên thành phố này được gọi là CUỘC THẤT THỦ RAMADI; truyền thông và dư luận không gọi diễn biến đó là CUỘC TẤN CÔNG, hay CUỘC GIAO TRANH RAMADI, vì quân IS không tấn công, và quân chính phủ Iraq cũng không giao tranh; IS chỉ cần kéo đến là đủ để quân trú phòng tháo chạy, bỏ lại 500 nhân viên an ninh và thường dân cho quân IS giết.

Bất cứ khách bàng quang nào cũng dễ dàng nhận ra đặc tính quân đội Iraq không chấp nhận giao tranh với quân IS trong thế thủ, mặc dù trong thế công, họ tỏ ra khá dũng mãnh; cụ thể là họ đã chiến thắng trong cuộc tấn công quân IS ngày 10 tháng 5, 2015, để giải vây giếng dầu Baiji.

Không những đánh tan quân IS, lực lượng chính phủ còn tịch thu 5 chiếc thiết giáp, và giết 30 địch quân.

Bên cạnh chiến thắng Baiji, quân chính phủ còn chiến thắng trong nhiều trận giao tranh lớn khác nữa, như trận tấn công thị xã Tikrit -sinh quán của tổng thống Saddam Hussein- ngày mùng 2 tháng Ba, 2015.

Quân IS bám chốt, cuồng nhiệt tử chiến để bảo vệ Tikrit, thị xã họ coi như cái nôi phát triển sức mạnh của giáo phái Sunni, nhưng cuối cùng 27,000 quân chính phủ vẫn tái chiếm thị xã. Cùng với những thành phố Mosul, Ramadi, Falluja, ... Tikrit nằm trong tỉnh Anbar -vùng ảnh hưởng của giáo phái Sunni; tuy nhiên, nhiều bộ lạc Sunni vẫn hợp tác với quân chính phủ chống lại quân IS trong 2 cuộc tấn công Tikrit và Baiji.

Như vậy phải đánh giá khả năng tác chiến của quân đội Iraq như thế nào cho đúng? Họ bỏ chạy không phòng thủ Ramadi, trong lúc họ đủ khả năng, họ thừa can đảm để đánh bại quân IS trong những cuộc hành quân tấn công mà họ chủ động.

Họ không học chậm, hiểu chậm như ông Obama chê họ; họ chỉ không muốn bó tay chết trong thế thụ động phòng thủ. Chiến binh VNCH hiểu thấu đáo tâm trạng này, vì một triệu người chiến binh đó đã là nạn nhân của chậm lụt chiến lược của các tướng lãnh Hoa Kỳ.
Chậm lụt khiến họ không biết làm cách nào phòng thủ làng thôn, bảo vệ nông dân, ngoài cách đem lính nhốt vào bót để phòng thủ chu vi, diện tích cái bót, cái đồn, bỏ trống làng thôn, bỏ mặc nông dân cho địch khai thác, sử dụng.

Suốt 18 tháng tác chiến với chiến thuật "không chạm gót xuống chiến trường," tổng tư lệnh Obama thành công trên địa hạt tiết kiệm xương máu Hoa Kỳ, nhưng ông vừa giật mình nhận ra cái chân lý quân sự cũ rích là "không quân đơn độc không giải quyết được chiến tranh," mà bộ binh Iraq lại "chậm chạp" trong nỗ lực chiếm và giữ.

Ông và các tướng lãnh Hoa Kỳ không rút được kinh nghiệm nào cả về cái chiến lược phòng thủ diện địa, bỏ trống 95% diện tích Việt Nam cho địch, để chỉ bảo vệ 5% diện tích còn lại, gồm các thành phố, các tỉnh, quận lỵ, và diện tích tổng cộng của vài ngàn đồn bót, căn cứ quân sự.

Có thể đến giờ này, sở binh thư Mỹ vẫn tin là VNCH có 2 sư đoàn tổng trừ bị, và 10 sư đoàn bộ binh để cộng tác với nửa triệu quân Mỹ đối phó với 300,000 quân Việt Cộng mà vẫn không thắng được Việt Cộng vì người Nam Việt thích chính sách cộng sản, ghét chính sách tự do. Nhiều TTT (Thùng Tư Tưởng-Think Tank) Hoa Kỳ đã lập luận như vậy.

Người Mỹ không bao giờ hình dung được là trong 7 năm họ tham chiến tại Việt Nam, bất cứ ngày nào cũng có thể là ngày họ chiến thắng; vì chiến thắng chỉ cách họ có một quyết định nhỏ, không tốn máu và không đòi hỏi bạc tỉ ngân sách.

Họ chỉ cần để QĐVNCH phá bỏ hệ thống đồn bót để phá thế sa lầy trong phòng thủ; người Nghĩa Quân võ trang sẽ sống với vợ con họ, với ông bà, cha mẹ, bên nội, bên ngoại của họ, ngay trong ngôi làng, mà trước kia họ bảo vệ trong thế đứng trong bóp, và đứng ngoài làng. Sống chung với đồng bào trong ấp, Nghĩa Quân chia xẻ với mọi người cái nguy cơ Việt Cộng xâm nhập, do đó anh sẽ đối phó ngay với tên Việt Cộng nằm vùng đầu tiên xâm nhập vào ấp, đối phó trong thế thượng phong của người địa phương võ trang.

Bỏ đi hệ thống đồn bót là vĩnh viễn loại bỏ thế tác chiến thụ động của Nghĩa Quân, loại bỏ nguy cơ đồn bót bị tấn công, và loại bỏ cả nhu cầu tiếp viện đồn bót, rồi rơi vào chiến thuật "công đồn, đả viện" của địch.

Bỏ hệ thống đồn bót còn giúp hàng trăm tiểu đoàn Địa Phương Quân rảnh tay, thường xuyên chủ động tấn công những đơn vị du kích địch hoạt động trong tỉnh, và giúp những sư đoàn chính quy VNCH rảnh tay chủ động tấn công những đơn vị chủ lực của địch, và những đơn vị Bắc Việt xâm nhập.

Đó là bài học "kinh nghiệm bản thân" mà người Mỹ chưa học được sau cuộc tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam; chậm hiểu hay lười học khiến họ tái phạm kinh niên sai lầm tại Iraq? (nđt)

Các tin khác :
• Mỹ vào Biển Đông (03-06-2015)
• Viết lại lịch sử (30-05-2015)
• Trận Ramadi (28-05-2015)
• Thách thức (25-05-2015)
• Lương tối thiểu (24-05-2015)
• Đúng, mà sai (20-05-2015)







No comments:

Post a Comment

View My Stats