Monday 9 February 2015

Xé bỏ luật ObamaCare (Nguyễn Đạt Thịnh - Viễn Đông)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 08/02/2015

Hôm thứ Tư mùng 4 tháng Hai, 2015, Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch, tiểu bang Utah tuyên bố, "Chúng tôi đề nghị một kế hoạch y tế khác, được lưỡng viện Quốc Hội đồng thuận để thay thế đạo Luật Y Tế hiện hành; đạo luật mới chuyên chở những cải tiến tạo ra sức mạnh cho thân chủ, chứ không tạo sức mạnh cho chính phủ."

Đạo luật y tế hiện hành ông Hatch nói, là luật ObamaCare; toàn bộ thành viên Cộng Hòa của Quốc Hội mới -trừ 3 người- đồng ý phải hủy bỏ ObamaCare. Một trong ba dân biểu không đồng ý loại bỏ ObamaCare là ông John Katko; ông giải thích, "Không đồng ý loại bỏ ObamaCare không có nghĩa là tôi ủng hộ đạo luật này; tôi chưa đồng ý chỉ vì Quốc Hội chưa có đạo luật nào thay thế cả, nếu có, tôi sẽ đồng ý loại bỏ ObamaCare. Đó là điều tôi hứa với cử tri."

Thật ra Hạ Viện đã thông qua một dự luật để thay thế luật ObamaCare, nhưng đạo luật này còn quá nhiều khiếm khuyết.

Phát ngôn viên của văn phòng Kakto, ông Erin O'Connor, cho biết văn phòng nhận được vài chục cú điện thoại của cử tri ca ngợi thái độ ngay thẳng của dân biểu Kakto trong việc ông không hùa theo đám đông dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu đòi loại bỏ ObamaCare.

Hai dân biểu khác cũng bỏ phiếu chống lại lập trường của Quốc Hội loại bỏ ObamaCare là dân biểu Bruce Poliquin, CH-Maine, và dân biểu Cộng Hòa Robert Dold -Illinois. Dold nói ông không thích bỏ phiếu tượng trưng, bầy tỏ tinh thần đảng phái.

Toàn bộ dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu chống dự luật loại bỏ ObamaCare.

Các chính khách Cộng Hòa nêu lên tối thiểu 8 lý do khiến họ chống ObamaCare:
(1) đánh thuế người giầu lấy tiền mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo;
(2) nhiều người vì không đủ tiêu chuẩn nghèo phải mua BHYT với giá mắc hơn;
(3) xin tài trợ mua BHYT phải nộp giấy tờ chứng minh với HealthCare.Gov;
(4) mua BHYT cũng lỉnh kỉnh như mua bảo hiểm xe hay bảo hiểm nhà, phải chọn mua những options nào, càng nhiều options càng mắc hơn;
(5) không cho công ty bảo hiểm từ chối BHYT cho người đang sẵn mắc bệnh từ trước khi mua bảo hiểm, là gây thêm phí tổn cho công ty, tạo ảnh hưởng cho những thân chủ khác không mắc bệnh;
(6) chỉ được mua BHYT vào một thời gian hạn định cho mỗi năm;
(7) luật ObamaCare bắt mọi người đều phải mua BHYT, như mọi xe lưu hành trên đường phải mua bảo hiểm tai nạn, không mua sẽ bị phạt;
(8) nới rộng chương trình Medicaid bằng cách dùng ngân sách liên bang và tiểu bang để tài trợ, nhưng nhiều tiểu bang không nhận tài trợ, nên không nới rộng, khiến 5.7 triệu người nghèo không có BHYT.

Tổng số 188 dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu chống dự luật loại bỏ ObamaCare, nhưng dĩ nhiên tiếng nói của họ chỉ là thiểu số, so với 246 (-3) dân biểu Cộng Hòa.

Dân biểu Dân Chủ nêu lên những ưu điểm ObamaCare đã đạt được như con số trên 10 triệu thân chủ cũ xin tái ghi danh, trong lúc hàng triệu thân chủ mới đang hối hả mua ObamaCare cho kịp kỳ hạn chót 2/15/15.

Một thành tích cụ thể là tiểu bang New York đã bán BHYT cho 513,000 thân chủ trong những tuần vừa rồi. Tiểu bang đang đạt kỷ lục năm nay là Florida, với 1.34 triệu thân chủ mới, nối theo là Texas với 970,000, và North Carolina với 479,748.

Bất chấp con số trên 10 triệu cử tri đang được luật ObamaCare che chở, Quốc Hội Cộng Hòa quyết liệt tấn công đạo luật này; động lực thúc đẩy họ mạnh nhất là cái tội của ObamaCare đánh thuế người giầu lấy tiền mua bảo hiểm y tế cho người nghèo.

Dân biểu liên bang Pete Sessions, đại diện cho Texas, tuyên bố, "Ưu tiên hàng đầu của mọi chính khách Cộng Hòa tại Quốc Hội là chống lại đạo luật vô cùng tốn kém, đang làm mất nhiều jobs của người Mỹ."

Ông Sessions nói liều, bất chấp sự thật, vì con số thất nghiệp của người Mỹ hiện là số thấp nhất từ nhiều năm nay.

Để yểm trợ những nỗ lực của Hạ Viện, lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện, nghị sĩ Mitch McConnell cũng quyết định đầu tư thêm nhiều thời gian hơn nữa vào công tác đánh sập ObamaCare.

Cái khó đầu tiên của McConnell là ông không có đủ 60 phiếu để có thể đem vấn đề loại bỏ ObamaCare ra thảo luận tại Thượng Viện. Trong tổng số 100 nghị sĩ, đảng Cộng Hòa chỉ có 54 người, đảng Dân Chủ vẫn còn giữ được 44 ghế; 2 ghế còn lại do những nghị sĩ tự do.

Bà Christine Pollack

Tuy không nắm đa số tuyệt đối như tại Hạ Viện, nhưng các nghị sĩ Cộng Hòa cũng coi việc hủy bỏ luật ObamaCare là thách thức đầu tiên mà họ nhận trả bất cứ giá nào để thành công. Cái giá đó có thể là tiền và quyền lợi dưới hình thức lobby; bà Christine Pollack, phó chủ tịch đặc trách liên hệ với chính quyền của hiệp hội Kỹ Nghệ Bán Lẻ nhận định, "đến lúc cần, chúng ta sẽ làm hết sức người, sẽ lobby bằng mọi cách để đem vấn đề xé luật ObamaCare ra trước Thượng Viện."

Hiệp hội Kỹ Nghệ Bán Lẻ chống luật ObamaCare về khoản luật này bắt chủ tiệm có trên 100 công nhân phải mua BHYT cho những nhân công làm việc cho tiệm trên 30 tiếng mỗi tuần. Giới thương buôn chỉ trích con số 30 tiếng; nếu full time là 40 tiếng, họ sẽ dễ dàng bớt vài tiếng làm việc của công nhân để khỏi tốn tiền mua bảo hiểm.

Nhận định về những nỗ lực của Quốc Hội Cộng Hòa để xé luật ObamaCare, ông Michael Cannon giám đốc nghiên cứu của viện Cato về những chính sách y tế nói, "Làm nhẹ gánh nặng của giới doanh nhân, bằng cách chuyển số công nhân không có BHYT từ hãng xưởng, qua cho chính phủ gánh vác, thì lợi ở chỗ nào đâu?"

Cannon là một tiến sĩ luật có khuynh hướng Cộng Hòa, thường được gọi là "người duy nhất có khả năng xé luật ObamaCare." Ông viết nhiều bài trên các báo the Wall Street Journal; the New York Times; USA Today; the Los Angeles Times; the New York Post; the Chicago Tribune; the Chicago Sun-Times; the San Francisco Chronicle; SCOTUSBlog; Huffington Post; Forum for Health Economics & Policy; Health Matrix: Journal of Law-Medicine; Harvard Health Policy Review; the Yale Journal of Health Policy, Law, and Ethics; và the Journal of Health Politics, Policy and Law.

Bàn về những sức mạnh đang muốn xé luật ObamaCare không thể không nhắc đến 2 anh em ông thạc sĩ tỉ phú Charles G. và David H. Koch, những người vừa giỏi, vừa giầu; cũng may cho Obama là 2 nhân vật này chỉ chung chung "ghét" chính sách thân dân và ghét chính sách "xăng, dầu rẻ" của Obama. Hai ông Koch này có một bộ tham mưu và một phòng sưu tầm tin tức tuyệt luân; họ đang tìm cách triệt Saudi Arabia, quốc gia phạm tội hạ giá xăng, dầu, làm khuyết trên một nửa tiền lời của họ.

Đối đầu với ngần đó sức mạnh thù nghịch, ông Obama không trông cậy gì nhiều vào những nghị sĩ, dân biểu Dân Chủ mới vừa thua đậm trong cuộc bầu cử 2014; ông cũng không được sự ủng hộ của vài chục triệu cử tri nghèo -những người mà ông Mitt Romny xếch mé gọi là 47% dân Mỹ sống bằng "nghề" ngửa tay xin trợ cấp. Những người này vừa bỏ phiếu bầu lên một Quốc Hội Cộng Hòa.

Obama chỉ còn trông cậy vào quyền phủ quyết của vị tổng thống Hoa Kỳ; hôm thứ Hai mùng 2 tháng Hai, ông bảo Quốc Hội là ông sẽ phủ quyết, không ban hành đạo luật họ mới viết ra để xé đạo luận ACA (Affordable Care Act) ông ký ban hành 5 năm trước. Các cơ quan truyền thông đếm đây là lần thứ 10 ông đe Quốc Hội bằng quyền phủ quyết, lợi khí cuối cùng của nhân vật thường được gọi là "người quyền lực nhất thế giới."

Dù sao ông cũng đã thành công trong việc đem thẻ BHYT nhét vào tay con bệnh nhà nghèo; thành tích này xếp Obama vào chỗ thành công hơn ông Bill Clinton, vì Clinton cũng từng toan tính làm công việc BHYT này, nhưng thất bại.

Obama rồi cũng thất bại, năm 2016 ông sẽ thua, luật ObamaCare sẽ bị xé vào thời điểm mà cả quyền lập pháp lẫn quyền hành pháp đều nằm trong tay đảng Cộng Hòa, những người biết cách bảo cử tri nghèo phải cắn nát bàn tay bưng chén cơm, đưa viên thuốc tới tận miệng họ. (nđt)

-------------------------------------

Việt Báo
07/02/2015

WASHINGTON   -   Việc làm tăng vững chắc trong tháng qua cùng với sự hồi phục của tăng lương là bằng chứng về tiềm năng phát triển kinh tế tại Hoa Kỳ hưá hẹn khả năng quyết định tăng lãi suất căn bản của Quỹ dự trữ liên bang vào giữa năm 2015.

Bộ lao động báo tin: 257,000 việc làm phi nông nghiệp đuợc tạo ra trong tuần qua, hơn dự kiến của giới phân tích tại Wall Street.

Ngoài ra, số liệu điều chỉnh của Tháng 11 và Tháng 12 cao hơn báo cáo trước 147,000 việc làm, là rất mạnh.

Kinh tế gia Tom Porcelli của RBC Capital nhận xét “Theo bất cứ đo luờng nào, đây là 1 phúc trình cực kỳ tốt đẹp”.

423,000 việc làm tạo ra trong Tháng 11 là mạnh chưa từng thấy từ Tháng 5-2010 – trong 3 tháng qua, kinh tế Hoa Kỳ đã tạo ra trên 1 triệu việc làm, là lần đầu tiên từ cuối 1997.

Tỉ lệ thất nghiệp cập nhật là 5.7%, tăng 0.1% vì thành phần tin tưởng trở lại tìm việc làm.

Tháng 1 là tháng 11 liên tiếp việc làm phát triển ở mức trên 200,000, là thời gian dài nhất từ 1994.

Luơng giờ tăng 12 cents trong tháng qua sau khi giảm 5 cents trong Tháng 12. Tính chung, luơng tăng 2.2% trong 1 năm, nhanh nhất từ Tháng 8, nhưng là thấp hơn mong đợi của Quỹ dự trữ liên bang.

Kinh tế gia Paul Ashworth tại Capital Economics (Toronto) phát biểu: tăng trưởng tuyển dụng đang bốc cháy và bắt đầu tạo áp lực tăng luơng,
Quỹ dự trữ liên bang không thể chờ lâu hơn để quyết định về lãi suất. Dù vậy, tăng luơng nhẹ và giá dầu hạ không chắc là động cơ thúc đẩy sức mua của giới tiêu thụ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats