Monday, 2 February 2015

VNTB- Việt Nam: Đã đến lúc nhìn về quân đội phi đảng phái. (Nhạc Xuân - VNTB)





Nhạc Xuân

(VNTB) - Một đảng phái, một thể chế chính trị là hệ số thiên biến, còn Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ là hệ số bất biến! Quyền lực nhà nước, trong đó có quân đội, sinh ra chính là để bảo vệ cái bất biến thiêng liêng đó: Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ!

Điệp khúc quen thuộc

Báo giới lề đảng vẫn viết: “Không thể có và không bao giờ có quân đội đứng ngoài chính trị”.

Nhìn chung, cách viết đó là một “điệp khúc quen thuộc”. Bởi những lý luận nêu ra trong bài, có thể tìm thấy trong cuốn sách mang tên “Góp phần chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng” của tác giả Nguyễn Mạnh Hưởng (NXB Chính trị quốc gia).

Do đó, cụm từ “phi chính trị hóa” quân đội tiếp tục bị cố tình diễn đạt sai về mặt ý nghĩa, thành ra, nhận định cũng sai lầm: “Không thể có và không bao giờ có Quân đội đứng ngoài chính trị”.

Tất nhiên, chẳng có quân đội nào trên thế giới phi chính trị cả, bởi tính chính trị dẫn đến sự khuôn phép, kỷ luật trong quân, và là yếu tố đặc trưng buộc phải có ở “lực lượng vũ trang” trong hoạt động đối ngoại, đối nội.

Từng có một thời kỳ, quân đội với hệ lý tưởng cộng sản và nền quốc phòng toàn dân đã đưa ra những phương hướng, chiến lược “đúng về thời điểm đó”, bao gồm cả đặt quân đội vào sự chi phối hoàn toàn của Đảng. Tuy nhiên, đó là thời điểm mà “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” thống nhất dưới lá cờ chung “hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”.

Hiện nay, thời cuộc đã khác xưa, nền hòa bình tuy có nhưng xã hội ngày một bất ổn, thống nhất dù tồn tại nhưng toàn vẹn lãnh thổ non sông lại bị đánh mất ít nhiều, hệ lý tưởng cộng sản ngày càng không có chỗ đứng trong thế giới phẳng, trong khi nguy cơ đe dọa của phương Bắc ngày một tăng. Sự thống nhất trong nội bộ Đảng rạn nứt vì nhiều yếu tố, trong đó có… cuộc chiến chống tham nhũng, điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố dân tộc – tổ quốc, nguy cơ “quân đội dưới sự lãnh đạo Đảng tuyệt đối” sẽ bị chia năm xẻ bảy theo các phe phái trong Bộ chính trị, và đất nước sẽ rơi vào thế loạn 12 sứ quân, lúc đó, mới chính là lúc thực sự “nước mất – nhà tan”. Một kết cuộc mà Đảng đã ngã giá dân tộc trên quyền lợi của một nhóm người. 

Thành ra, mới có thư ngỏ của 61 Đảng viên/ cựu đảng viên, bao gồm nhiều tướng lĩnh cao cấp. Trong khi, đòi hỏi cấp thiết về việc “phi đảng phái” quân đội trong xã hội ngày một lớn.

Quân đội phi đảng phái

Cần phải rạch ròi giữa việc, phi chính trị và phi đảng phái. Bởi phi chính trị có thể làm suy yếu sức mạnh quân đội, nhưng phi đảng phái thì ngược lại, làm cho quân đội hoàn toàn tránh rơi vào bế tắc của sự đấu đá chính trị, nhất là ở một nước độc đảng như Việt Nam.

Ngay như hiện nay, quân đội đang gặp phải vấn đề “trong Đảng”, chính là xác định sai đối tượng tác chiến trong bối cảnh hiện nay hay nói đúng hơn là lẩn tránh đối tượng tác chiến. Khiến cho mục tiêu đấu tranh của quân đội thay vì tập trung vào mối nguy hại tiềm tàng của dân tộc – quốc gia, thì nay, quân đội lại chuyển sang thành lính phòng vệ cho sự tồn vong của Đảng.

Thậm chí, quân đội còn biến thành một trường giáo dưỡng cao cấp, dành cho con em các đại gia, hiện tượng “công tử Hà thành ra Trường Sa” ngày một nhiều, qua bình phong “yêu tổ quốc, yêu quân đội, vì nhân dân”.

Chưa kể, quân đội vì được xem là công cụ bảo vệ cho Đảng, nên đã xuất hiện sự bao cấp về quyền lợi cho các tướng lĩnh, xuất hiện tham nhũng về quyền lực thông qua sự gia tăng ngày một lớn về cấp sĩ quan, chỉ huy (tướng, tá) trong thời bình (bản chất là hưởng quyền lợi khi tại vị, các quyền lợi về nhà đất, chu cấp xã hội khi về hưu). Làm ảnh hưởng trầm trọng đến lý tưởng quân đội, biến lý tưởng bảo vệ và chiến đấu thành nơi kiếm chác.

Nguy hiểm hơn cả, quân đội Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi, điều đó khiến cho quân đội trở thành một hệ thống nhà nước nằm bên trong hệ thống nhà nước, do đó, quân đội Việt Nam có gần như đầy đủ các cơ quan tương đương chính quyền dân sự như tài chính - ngân hàng (MBBank), công tố (Viện kiểm soát quân sự); tòa án (tòa án quân sự); viễn thông (Viettel)… Điều này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống dân sự về sau này, tạo “tiềm năng” ra đời chính quyền độc tài quân sự trong tương lai.

Với những nguy cơ trước mắt và lâu dài như thể, phi Đảng phái (không phi chính trị) không còn là một ý tưởng của “bọn phản động” nữa, mà trở thành yêu cầu bức thiết, chính đáng, liên quan đến chính sự tồn vong của Đảng, của đất nước này. Nhất là để đưa quân đội quay trở lại với chủ nghĩa nhân dân (vì nhân dân quên mình), phục hồi lại đúng nghĩa sức chiến đấu trên lập trường, thái độ, lý tưởng và sự chuyên nghiệp/ tinh nhuệ.

Việc lý luận kiểu bác bỏ phi đảng phái dựa trên “công lao thành lập”, theo đó buộc tội những ai chống lại lý luận “công lao” đồng nghĩa với trái “đạo lý, nhân cách con người Việt Nam” là một sự gán ghép khiên cưỡng. Kể cả quan điểm duy ý chí (mặc định chủ quan) về việc “chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo được quân đội”, cố gắng gán ghép quân đội vào “bản chất giai cấp công nhân” (vốn bị bỏ hoang trong thực tiễn), và “chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (vốn là hai cặp phạm trù độc lập, không còn giá trị thực tiễn thời điểm hiện nay) để đưa đến kết luận là “quân đội ấy sẽ vô dụng, có hại cho dân, cho nước khi phi đảng phái” chính là thứ lý luận kiểu tu hú – một kiểu lý luận vô trách nhiệm trước tương lai dân tộc, và lưu manh bậc nhất trong đánh tráo trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò quân đội trong đời sống dân sự của một quốc gia.

Quân đội là một công cụ của quyền lực nhà nước và “chính trị” nên được hiểu là cách quân đội bảo vệ quốc gia trước họa ngoại bang và giữ trật tự trị an trong trường hợp xảy ra biến cố bao gồm bảo vệ nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Một đảng phái, một thể chế chính trị là hệ số thiên biến, còn Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ là hệ số bất biến! Quyền lực nhà nước, trong đó có quân đội, sinh ra chính là để bảo vệ cái bất biến thiêng liêng đó: Nhân dân, Tổ quốc, Lãnh thổ!








No comments:

Post a Comment

View My Stats