Thursday, 12 February 2015

Văn hóa Á Rập là nạn nhân của ‘thập tự chinh’? (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, February 11, 2015 4:10:58 PM

Tuần trước, trong lễ Prayer Breakfast trước nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, Tổng Thống Barack Obama phạm sai lầm nghiêm trọng khi nhấn mạnh đến các cuộc thập tự chinh nhân danh Thiên Chúa. Từ đã lâu, ông tránh xúc phạm Hồi Giáo và không hề nói đến “Chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan” hay nạn khủng bố của các phần tử cuồng tín thuộc đạo Hồi. Người ta có thể đồng ý hay không với lập trường chính trị đó.

Nhưng khi tổng thống Mỹ quy trách Thiên Chúa Giáo về thập tự chinh, ông bẻ queo lịch sử một cách nguy hiểm - vì gián tiếp bào chữa cho các phần tử quá khích của người Á Rập theo Hồi Giáo.

Vì vậy, Hồ Sơ Người Việt xin cố tóm lược về các cuộc thập tự chinh có thật.

Á Rập Hồi Giáo và tám lần thập tự chinh

Dù chẳng tốt nghiệp đại học Columbia và Harvard như Tổng Thống Obama, người ta cũng có thể biết Đạo Hồi xuất phát khá trễ từ những giáo lý của Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo. Nhưng ít người chú ý đến yếu tố sắc tộc trong các cuộc chiến mang tính chất bành trướng đế quốc hơn là tôn giáo. Qua thế kỷ 20, từ cả trăm năm nay, sắc dân Á Rập cứ nhắc đến các cuộc chiến được gọi là “thập tự chinh” (crusades) để kết tội các nước Tây phương và Thiên Chúa Giáo.

Quả thật là nền văn minh Á Rập có bị tàn phá, nhưng thủ phạm lại đến từ nơi khác. Nếu các nước theo Thiên Chúa Giáo, và nói chung, mọi người, mà không nhìn ra điều ấy thì rất khó cảm hóa dân Á Rập, và sẽ thất bại khi các phần tử cuồng tín trong số này mở ra Thánh Chiến Jihad để thành lập một đế chế Hồi Giáo toàn cầu...

Trong lịch sử nhân loại, trước sau có tám lần thập tự chinh trải dài 200 năm, từ 1095 đến 1294. Trong ngần ấy vụ, dân Á Rập hoàn toàn vắng mặt. Chúng ta cần điểm lại cho họ - và cho nhiều người theo đạo Hồi - cùng thấy ra nguyên nhân và hậu quả. Quý độc giả có thể “Google” ra danh tính của các nhân vật hay sắc dân can dự vào chuyện này.

Thập Tự Chinh I từ đâu ra?

Trước tiên, sắc dân Thổ Seljuq thuộc hệ phái Sunni của đạo Hồi từ Trung Á tiến vào chinh phục Trung Đông. Thời điểm đáng nhớ là năm 1070 khi họ chiếm được thánh địa Jerusalem, khi ấy thuộc đế quốc Fatimid của dân Berbers theo hệ phái Shia đến từ Bắc Phi. Dưới triều đại Fatimid, người Thiên Chúa Giáo vẫn được hành hương và lập nhà thờ trong các vùng đất được họ coi là thánh địa. Dân Seljuq Turks mở cuộc tàn sát người theo Thiên Chúa Giáo và tiêu hủy mọi nơi thờ phượng của họ.

Khi quân Seljuq chiếm một phần lãnh thổ của Đế quốc Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) của người Hy Lạp thì Hoàng đế Alexius I cầu cứu một thế lực đối nghịch là Tòa Thánh La Mã, khi ấy nằm dưới quyền lãnh đạo của Giáo Hoàng Urban III. Vì Thiên Chúa Giáo lâm nguy, Giáo hoàng kêu gọi các nước theo Thiên Chúa Giáo cùng vào giải cứu thánh địa.

Nước Pháp khi ấy đáp lời, với cuộc Thập Tự Chinh I, dưới sự lãnh đạo của GodEfroy de Bouillon. Ông chiếm lại Jerusalem ngày 15 tháng 7 năm 1099, tàn sát khoảng bảy vạn người Hồi Giáo, đa số là dân Berber và Thổ, lại còn lùa người Do Thái vào đền thờ để thiêu sống. Từ đó mới có một Vương quốc Jerusalem nhưng de Bouillon không xưng vương mà chỉ tự nhận là bầy tôi của Thiên Chúa. Trong trận này, dân Á Rập không có mặt, cũng chẳng bị sát hại.

Trong vương triều Jerusalem, dân Âu Châu tự do kết hôn với người Hồi Giáo và du nhập nhiều tập tục của họ. Tình trạng sống chung giữa hai tôn giáo trong hòa bình kéo dài được hơn 40 năm. Và kết thúc với Thập Tự Chinh II.

Thập Tự Chinh II, Liên quân Pháp Đức

Năm 1144, một đạo quân của sắc dân Kurd từ đất Mosul (nay thuộc Iraq) tấn công một khu vực kẻo lánh của Thiên Chúa Giáo là Edessa (nay ở vùng Tây Nam xứ Turkey) thì Giáo Hoàng Eugenius III ban huấn đạo kêu gọi các nước cùng vào giải cứu.

Năm 1148, Pháp và Đức gửi hai đạo quân từ hai ngả vào đất Edessa thì bị quân Seljuq đánh tan và Vương quốc Jerusalem tồn tại thêm được bốn thập niên rồi tàn lụi dần. Đấy là lúc xuất hiện con người lừng danh lịch sử là Saladin (SalAh al-Din Al-Ayyubi, 1137-1193), viên tư lệnh lực lượng Kurd đã chiếm Edessa.

Trong ngần ấy trận thập tự chinh, việc Saladin đánh bại quân Âu Châu gần vùng biển Galilee (Horns of Hittin) ngày 14 Tháng Bảy năm 1187 là chiến công lẫy lừng nhất. Ngày 12 tháng 10 năm đó thì Jerusalem đầu hàng, nhưng chẳng những không có nạn tàn sát bại binh mà thánh địa vẫn được mở cho Thiên Chúa Giáo.

Thế rồi vì Jerusalem sụp đổ, năm 1189 Hoàng Đế Frederick Barbarossa (Frederik Râu Đỏ) của Đế Quốc La Mã Thần Thánh (Holy Roman Empire) kêu gọi cuộc Thập Tự Chinh Thứ Ba. Cầm đầu một đạo quân Pháp tiến vào xứ Turkey thì hoàng đế chết đuối trong một con sông nhỏ, ở tuổi 67, đạo binh bị quân Seljuq tàn sát. Không có vong linh Á Rập trong trận này.

Thập Tự Chinh III và Richard của Anh Quốc

Hưởng ứng lời kêu gọi, vị tân vương của Anh là Richard the Lion Heart (Richard Tâm Sư Tử) cùng các hiệp sĩ người Norman tiến vào thánh địa, chiếm lại đất Acra và Jaffa rồi đánh bại Saladin trên đất Arsuf. Anh hùng mới chuộng anh hùng, Richard và Saladin ký hòa ước vào mùng hai tháng 9 năm 1192, với quy định là Thiên Chúa Giáo được sống tại vùng duyên hải của đất thánh, còn Jerusalem thuộc về Hồi Giáo.

Chúng ta đọc nhiều kỳ tích về hai nhân vật lịch sử này mà đôi khi quên mất nỗ lực sống chung của hai tôn giáo. Chỉ vì năm sau thì Saladin tạ thế và Giáo Hoàng Innocent III kêu gọi một cuộc thập tự chinh thứ tư, để giải phóng Jerusalem.

Như mấy lần trước, Pháp đã tham dự và gom quân vào thành phố Venice, được tiền thưởng sớm - hình như 200 ngàn đồng tiền bạc - của con trai Hoàng Đế Isaac II Angelos vừa bị truất phế. Quân Pháp vào làm cỏ Constantinople, nhân tiện chiếm đoạt luôn nhiều chiến lợi phẩm và đưa Isaac II về ngôi.

Từ Roma, Giáo Hoàng Innocent III kết án chuyện cướp bóc ấy - mà vô hiệu.

Hải đội Pháp tha hồ tung hoành bất chấp sự phản đối của người Hy Lạp theo Chính Thống Giáo. Trong ba ngày từ 12 đến 14 tháng 4 1204, quân Pháp tưng bừng hôi của, nhưng không giết hại dân Hy Lạp. Rồi đoàn thập tự chinh ra về với rất nhiều của cải. Chẳng ai nói đến chuyện giải phóng thánh địa Jerusalem nữa!

Thập Tự Chinh V và VI

Lên kế vị Giáo Hoàng Innocent III, Giáo Hoàng Honorius II thì không quên. Ngài kêu gọi cuộc thập tự chinh V.

Lần này thì Đức và Hung tham dự đông nhất, với dự tính đổ bộ vào Ai Cập năm 1217 để tiến ngược lên Jerusalem. Họ mất ba năm quần thảo với quân Ayyubid người Kurd tại vùng châu thổ sông Nile mà chẳng nên cơm cháo, sau cùng bèn dong buồm hồi hương. Một viên tướng Ayyubid trong trận đại thắng này là Sultan Nalik al-Kamil, cháu của Saladin.
Khi ấy, vương quốc Jerusalem vẫn tồn tại nhưng co rút vào vùng duyên hải của thánh địa, với thủ phủ là Acre, ở mạn Bắc hải cảng Haifa của Israel hiện nay. Năm 1225, John of Brienne làm vua xứ này, con gái là Isabella thì lấy Hoàng Đế Frederick II, cháu nội Frederick Râu Đỏ năm xưa. Với hy vọng chiếm lại Jerusalem nhờ quan hệ bên vợ, Frederick kêu gọi Thập Tự Chinh VI.
Nhân vật này là bậc kỳ tài, được tôn là Supor Mundi, kỳ quan của thế giới, nói chín thứ tiếng và viết bảy thứ chữ, thông hiểu khoa học và tư lệnh chiến trường loại kiệt xuất. Ông mở ra kỷ nguyên giao thương có cái dạng của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường kiểu Trung Cổ trước khi mấy khái niệm này được đặt thành tên!

thập tự chinh VI do Frederick lãnh đạo có đặc tính... thanh bình. Hoàn toàn không có giao tranh hay đổ máu. Đội quân đôi bên trực diện gặp nhau ở mạn Bắc của Jerusalem. Hai lãnh tụ là Frederick và Malik al-Kamil ngồi đàm đạo và Kamil tâm phục sự thấu hiểu của đối thủ về văn chương, khoa học và triết lý Hồi Giáo nên đôi bên ký hòa ước. Quốc vương Kamil nhường Jerusalem và cả Nazareth lẫn Bethlehem cho Frederick lên ngôi Vua Jerusalem, nhân tiện truất phế John of Brienne năm đó đã bát tuần. Lễ đăng quang của Frederick có Sultan Kamil tham dự!

Nhưng dù dân Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo mừng chuyện hòa giải thì Giáo Hoàng Gregory IX lại phật ý, cho là Thiên Chúa Giáo bị xúc phạm và không phê chuẩn hòa ước.

Sultan Kamil mất năm 1238 và đạo quân Ayyubid nay lại có các chiến binh Mameluk, đa số là dân Nga La Tư (Slavs) và Thổ. Từng là tù binh hay nô lệ, họ tiến lên vị trí cầm quyền. Năm 1244 một lãnh tụ Mameluk là Baibars - gốc Nga trên xứ Thổ, từng bị Mông Cổ bắt làm nô lệ trước khi đầu quân trong hàng ngũ Ayyubid - đã cướp chính quyền và biến Jerusalem thành bình địa với nhiều vụ thảm sát ghê rợn.

Saint Louis và Thập Tự Chinh VII-VIII

Từ Pháp, vua Louis IX (Thánh Louis, 1214-1270) mở cuộc Thập Tự Chinh VII.

Nhưng năm 1250, khi tiến từ sông Nile lên Cairo, ông bị Baibars đánh bại và bị cầm tù trong bốn năm. Năm 1260 Baibars giết vị quốc vương sau cùng của tộc Ayyubid và lên ngôi quốc vương và tự nguyện là diệt hết các thị trấn theo Thiên Chúa Giáo suốt miền duyên hải, từ Caesara đến Safad, Jaffa và cả Antioch. Cả vạn người Thiên Chúa Giáo đã bị tàn sát hoặc bắt làm nô lệ.

Vua Louis IX bèn mở cuộc thập tự chinh VIII, nhưng từ Tunis tại Bắc Phi tiến quân vào Ai Cập, ông chết vì bệnh vào Tháng Tám năm 1270. Chiến dịch kết thúc, vùng Thánh địa chỉ còn một thành trì sau cùng là Acre thì cũng sụp đổ hai chục năm sau vào tay người kế vị Baibars, là Sultan al-Asraf Khalil. Lần đó có sáu vạn người Thiên Chúa Giáo bị giết hay được làm nô lệ!

Trong tám chiến dịch thập tự chinh, các đạo quân của Thiên Chúa Giáo từ Âu Châu đụng độ với dân Thổ (Turk), Berber, Kurd hay Mameluk, không hề có dân Á Rập. Người Á Rập khi đó là thần dân của Đế chế Khaliphat ở Baghdad, ra đời từ một nhân vật tên là Abbas, con cháu của đấng Tiên tri Mohammed và sáng lập Đế chế này từ năm 750. Một vị Khaliph, thứ năm, là Harun al-Rashid được người đời biết đến trong truyện Ngàn Lẻ Một Đêm với nàng Scheherazade!

Trong ngần ấy đợt chinh chiến, dân Hồi Giáo nhiều lần dạt đến Baghdad cầu cứu mà bị cự tuyệt. Ta thuộc dòng Sunni cao quý thì cớ sao phải cứu bọn tà đạo Shia? Đế chế Á Rập này ngất ngưởng cho tới năm 1258 thì bị “thập tự chinh thật,” từ hướng Đông đổ xuống!

Đó là quân Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn mới là hung thần

Thiết Mộc Chân, sau này lên ngôi là Thành Cát Tư Hãn, khởi sự chinh phục đất Trung Á và Trung Đông của người Hồi Giáo từ năm 1219. Đạo quân bách chiến bách thắng của ông chinh phục bằng tàn sát, tất cả, người ngợm, chó mèo, và để lại 700 ngàn xác chết ở Merv rồi một triệu sinh linh tại Nishapur. Vâng, một triệu. Khi trở về Mông Cổ, tay đại sát thủ này qua đời vào năm 1227.

Ba chục năm sau, cháu nội của ông - con trai của Đà Lôi và em trai của các nhân vật chúng ta biết là Mông Kha và Hốt Tất Liệt - là Khúc Lương Ngột (Hulagu Khan) hoàn tất kỳ công của tổ phụ: diệt luôn đế chế Abassid của dân Á Rập. Đầu năm 1258, trận tàn sát tại kinh đô Baghdad kéo dài 40 ngày, để lại 800 ngàn xác chết. Bao nhiêu đền đài hay thư khố Á Rập bị thiêu sạch. Vị Khaliph sau cùng là Al-Mustassim được quấn trong thảm cho ngựa chiến Mông Cổ dầy đến chết. Kể từ đó, nền văn minh Á Rập bị chấn thương trong nhiều thế kỷ...

Cho đến ngày nay thì họ bắt đền các nước Tây phương và Thiên Chúa Giáo. Giấc mơ xây dựng lại Đế chế năm xưa của tổ chức xưng danh ISIL là một biến dạng của sự quật khởi này. Nhưng họ đã lầm thủ phạm!

Câu chuyện khá dài tạm kết thúc ở đây mà khỏi nói đến việc Hồi Giáo đã tấn công Âu Châu ra sao, mấy trăm năm trước khi ta nghe nói đến “thập tự chinh.”

Kết luận ở đây là gì?

Barack Hussein Obama đánh lộn sòng lịch sử vì ban tham mưu của ông không thuộc sử? Khó tin quá.




No comments:

Post a Comment

View My Stats