Friday, 6 February 2015

Tổng thống Obama ca ngợi lòng từ bi của Đức Đạt Lai Lạt Ma (VOA)





VOA
06.02.2015

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma là người có lòng từ bi, phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc về bất kỳ sự liên đới nào của Hoa Kỳ đối với lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng.

Tổng thống Obama không trực tiếp gặp mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma khi cả hai tham dự một buổi lễ thường niên có tên gọi Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc hôm nay ở thủ đô Washington, nhưng hai ông ngồi cách nhau không xa và đã đã chào hỏi nhau.

Tổng thống Obama nói với khoảng 3.600 lãnh tụ tôn giáo và chính trị có mặt tại buổi lễ thường niên: “Tôi muốn ngỏ lời đón chào đặc biệt một người bạn tốt, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một tấm gương rõ ràng về ý nghĩa của lòng từ bi cũng như đã thúc đẩy chúng ta lên tiếng cho sự tự do và phẩm giá của tất cả mọi người”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với bà Valerie Jarrett, cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ Cầu nguyện Toàn quốc ở Washington, ngày 5/2/2015.

Tuy Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhấn mạnh rằng ông chỉ tìm cách đòi quyền tự trị cho Tây Tạng, Trung Quốc coi lãnh tụ tinh thần này là một phần tử ly khai nguy hiểm, và thường xuyên đả kích các nhà lãnh đạo gặp gỡ ông.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma 3 lần, nhưng không có cuộc gặp nào diễn ra công khai.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama lên án những ai tìm cách “lợi dụng tôn giáo để gây ra những hành động giết chóc”. Ông nói các chiến binh Nhà nước Hồi giáo, lực lượng đã chiếm giữ một số khu vực ở Syria và Iraq, chặt đầu các công dân phương Tây mà chúng bắt giữ là một “sự sùng bái cái chết”.

Nhiều người Tây Tạng ở Trung Quốc cáo buộc chính phủ đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ, trong khi người Hán chiếm đa số ở Trung Quốc tiếp tục di dân tới những vùng là nơi sinh sống truyền thống của người Tây Tạng.

Trung Quốc đã phản bác cáo buộc này, và nói rằng người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tôn giáo. Bắc Kinh cũng nhắc tới nguồn đầu tư lớn hiện có mà chính quyền này cho rằng đã giúp hiện đại hóa và nâng cao đời sống của người Tây Tạng.

------------------------------


Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 05-02-2015 Sửa đổi ngày 05-02-2015 16:47

Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt tay cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama nhân sự kiện " Bữa điểm tâm cầu nguyện quốc gia" tại Washington ngày 05/02/2015.REUTERS/Kevin Lamarque

Tổng thống Mỹ Barack Obama  và  lãnh tụ thần Tây Tạng đức Đạt Lai Lạt Ma vào sáng hôm nay cùng tham dự một sự kiện tại Washington. Mặc dù Nhà Trắng nhấn mạnh không dự trù cuộc gặp nào giữa hai ông nhưng Bắc Kinh đã có phản ứng chặn trước coi việc lãnh đạo các nước tiếp Đạt Lai Lạt Ma là "can thiệp vào nội bộ Trung Quốc". 

Theo nghi thức truyền thống của Mỹ, hằng năm, vào giữa mùa đông, Tổng thống Mỹ sẽ phát biểu trước khoảng 3000 vị khách mời nhân buổi « điểm tâm cầu nguyện quốc gia ». Năm nay, buổi lễ sẽ mang một dư vị ngoại giao đặc biệt khi lãnh tụ tinh thần Tây Tạng cũng được ban tổ chức sự kiện mời.

Tuy sẽ không phát biểu chính thức, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma được xếp ngồi ở vị trí cử tọa, cách không xa bục phát biểu của Tổng thống Obama. Rất có thể Tổng thống Mỹ và lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng sẽ có tiếp xúc ngắn theo kiểu chào hỏi xã giao nhau trong buổi lễ. Nhà Trắng vẫn nhấn mạnh không dự trù  "cuộc gặp riêng biệt" nào giữa hai ông. 

Tuần trước bằng lời lẽ rất cẩn trọng nhằm tránh làm phật lòng Bắc Kinh, Ông Obama nói ông ủng hộ những thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như chia sẻ mối quan tâm bảo tồn « truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng » của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng.

Dù Washington đã kín kẽ như vậy nhưng Bắc Kinh vẫn có những phản ứng gay gắt, cảnh cáo Hoa Kỳ « không nên can thiệp vào chuyện nội bộ Bắc Kinh ». Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Chúng tôi phản đối mọi cuộc gặp gỡ, dù dưới bất kỳ hình thức nào, giữa lãnh đạo nước ngoài với Đạt Lai Lạt Ma ».

AFP nhắc lại Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ba lần tiếp nhà lãnh tụ tinh thần Tây Tạng. Lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 02/2014. Vào thời điểm đó, Nhà Trắng cẩn trọng tuyên bố Đức Đạt Lai Lạt Ma được đón tiếp với tư cách « lãnh tụ tinh thần và văn hóa được quốc tế tôn trọng ». Điều đó cũng có nghĩa là không với tư cách lãnh đạo chính trị. Buổi tiếp khi đó không diễn ra ở phòng Bầu dục, nơi dành cho các cuộc tiếp tân chính thức của tổng thống Mỹ, và hạn chế báo chí đưa tin về cuộc gặp.




No comments:

Post a Comment

View My Stats