Friday 6 February 2015

Toàn cầu hóa cũng mang lại chiến tranh (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, February 04, 2015 4:52:57 PM

Hiện nay hầu như không còn ai phủ nhận rằng toàn cầu hóa, qua việc gia tăng thương mại quốc tế làm cho các quốc gia tham dự đều trở nên giầu có hơn. Thế nhưng nó có mang lại hòa bình hay không? Rất nhiều người cho là như vậy thế nhưng như nhà kinh tế sử James MacDonald chỉ ra trong cuốn sách “When Globalisation Fails: The Rise and Fall of Pax Americana” rằng lần chót mà tình trạng toàn cầu hóa đạt đến một mức độ cao như hiện nay - lần xảy ra cách đây trên một thế kỷ - thì nó đã kết thúc bằng một cuộc thế chiến khủng khiếp. Và cuộc chiến này xảy ra giữa các nước vốn là những bạn hàng lớn nhất của nhau.

Trong số những người coi toàn cầu hóa là một yếu tố mang lại hòa bình có bình luận gia của nhật báo New York Times Thomas Friedman, Ông Friedman có lần viết một bài bình luận về cái ông gọi là “Dell Theory of Conflict Prevention” khẳng định là hai nước mà cùng là một phần của một chuỗi tiếp liệu toàn cầu thì chưa bao giờ đánh lẫn nhau. Nhưng ông Friedman không phải là người đầu tiên. Trước đó các người cấp tiến Anh thời Victoria như Richard Cobden và John Stuart Mill cũng đưa ra những ý kiến tương tự. Cobden chẳng hạn khẳng định rằng tự do mậu dịch “sẽ kéo người ta lại gần nhau, gạt bỏ ra ngoài những tranh chấp về chủng tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, đoàn kết chúng ta lại trong một liên hệ hòa bình vĩnh cửu.” Theo ông MacDonald thì những suy tư như vậy quá đơn giản và không thích ứng với sự thực lịch sử.

Theo ông lịch sử cho thấy mậu dịch giữa các quốc gia có thể cạnh tranh gay gắt để giành nguyên liệu trong lúc có thể tạo ra tại một số quốc gia một cảm giác gay gắt về nguy cơ đe dọa địa lý chính trị. Thay vì mang lại hòa bình, mậu dịch quốc tế có thể dẫn đến chiến tranh.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa có thể mang lại hòa bình và chiến tranh tránh được nếu nó xảy ra dưới sự bảo vệ của một nước bá quyền tử tế tỷ như nước Anh trong thế kỷ thứ 19 với Hải Quân Hoàng Gia Anh ngự trị các đại dương của thế giới trong gần một thế kỷ sau cuộc chiến Napoleon. Nguy cơ chiến tranh đã trở lại vào đầu thế kỷ thứ 20 khi ưu thế tuyệt đối của siêu cường bá chủ bắt đầu bị thách thức.

Vào đầu thế kỷ thứ 20, Anh quốc nhường vị thế hàng đầu về kinh tế cho Hoa Kỳ và Ðức. Dưới sự trị vì của Hoàng Ðế Wilhelm II, Ðức càng ngày càng trở nên nhiều tham vọng. Họ thèm muốn tài nguyên và uy danh của một nước bá chủ trong lúc e ngại rằng ưu thế về hải quân của Anh đe dọa đến kinh tế Ðức vì Anh có thể cắt đứt thương mại của Ðức với các nước hải ngoại bất cứ lúc nào. Ðô Ðốc Tirpitz, người cầm đầu Hải Quân Ðức tuyên bố “một quốc gia vốn tích cực tham gia vào thương mại toàn cầu... không thể tồn tại mà không có một sức mạnh hải quân nào đó.”

Thành ra quan hệ buôn bán mật thiết giữa các cường quốc cũng không ngăn chặn được một cuộc chạy đua vũ trang về hải quân. Các cuộc chiến thuộc địa cũng trở nên nhiều hơn. Cuối cùng là đến 1914, Macdonald viết: “Nếu những người cấp tiến như Mill là đúng thì những nước này không bao giờ tuyên chiến với nhau.”

Thế Chiến Thứ I cho người ta bài học rằng liên hệ về kinh tế quá mật thiết tạo ra những nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Tự túc kinh tế do đó trở thành một giải pháp chấp nhận được, và trở thành chính sách chính thức của Ðức Quốc Xã và Nhật Bản trong thập niên 1930 và có lúc được ủng hộ bởi cả nhà kinh tế nổi tiếng John Maynard Keynes.

Trong các mục tiêu chiến tranh của cả Ðức lẫn Nhật là việc thành lập một khối kinh tế chung tự túc. Nhưng khi Nhật bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình - xây dựng Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á - thì hành động này đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp cao su và thiếc cho Mỹ. Thành ra khi Nhật mang quân vào Ðông Dương năm 1940, Mỹ phản ứng bằng cách giới hạn không bán dầu lửa cho Nhật. Nhật phản ứng bằng cách đánh úp Trân Châu Cảng. Mac Donald viết, “Khi lột bỏ tất cả những cái dã man bao phủ, phần còn lại của Thế Chiến Thứ II chỉ còn là một cuộc đấu tranh giành tài nguyên.”

Trong Chiến Tranh Lạnh, cuộc cạnh tranh giành tài nguyên giữa các siêu cường không có bao nhiêu. Ðế quốc Xô Viết vừa tự túc về các loại nguyên liệu và hầu như hoàn toàn không tham gia vào mậu dịch quốc tế. Trong khi đó mậu dịch giữa phần được gọi là “thế giới tự do” được thúc đẩy phát triển dưới sự bảo trợ và che chở của nước bá quyền Hoa Kỳ.
Theo MacDonald trong giai đoạn hậu Thế Chiến Thứ II, Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh của mình một cách “không đe dọa” để “bảo vệ các đồng mình chứ không phải chỉ thúc đẩy quyền lợi quốc gia hẹp hòi của mình.” Trên phương diện này, Pax Americana cũng tương tự như Pax Britannica vốn chi phối thế kỷ thứ 19.

Sự sụp đổ của Liên Xô và sự nổi lên của Trung Quốc đã làm thay đổi bộ mặt địa lý chính trị thế giới. Kể từ những cải cách của ông Ðặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã chuyển thành một nền kinh tế mở với mậu dịch chiếm đến trên 50% GDP. Nhưng Bắc Kinh từ chối không chấp nhận bá quyền của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Ðức thời Hoàng Ðế Wilhelm e sợ trước việc Hải Quân Anh chi phối Bắc Hải. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, tương tự như vậy cảm thấy rất rõ là Hoa Kỳ có thể bóp chết mậu dịch của Trung Quốc qua chuỗi đảo thứ nhất.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng hải quân mạnh và bắt đầu một loạt các cuộc gây sự với các nước láng giềng. Bắc Kinh cũng bắt đầu một tham vọng tự túc kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn trông cậy vào đầu tư để tăng trường không thể tồn tại nếu không có nguyên liệu nhập cảng. Các công ty quốc doanh của Trung Quốc đã tìm cách tuy rằng phần lớn không thành công trong việc mua những công ty sản xuất nguyên liệu nước ngoài như công ty dầu Unocal của Mỹ hay công ty Anh Úc Rio Tinto. Cũng cái logic tự túc kinh tế giải thích việc Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc cho Venezuela và nhiều nước khác vay hàng tỷ đô la với thế chấp là sản lượng dầu tương lai.

Theo Macdonald việc nổi lên của Trung Quốc có nguy cơ làm chấm dứt Pax Americana. Giống như việc nổi lên của Ðức vào thế kỷ thứ 20 nó quả là một điều làm ta e ngại.
“When Globalization Fails” là một cuốn sách dễ đọc và hấp dẫn cho thấy phát triển kinh tế và mậu dịch không phải lúc nào cũng làm dịu mà nhiều khi còn làm gia tăng căng thẳng chính trị. Nó là một cuốn sách mà những ai quan tâm đến chính trị và kinh tế thế giới nên đọc.




No comments:

Post a Comment

View My Stats