Saturday 7 February 2015

Tiết lộ mới về việc giết hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng ở Trung quốc (David Matas, endorganpillaging.org)





David Matas, endorganpillaging.org
7 Tháng Hai , 2015

Ông David Matas (bên trái) tại phiên họp ngắn ở Quốc hội Vương Quốc Anh ngày 25 tháng 11, 2014 (ảnh Roger Luo)

Tôi vừa mới được yêu cầu đưa ra những thông tin mới về vấn nạn giết hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng. Thời gian trôi qua và lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn với tốc độ ngày càng tăng. Với thời lượng cho phép, tôi chỉ có thể đề cập đến một số bằng chứng mới phát hiện về việc lạm dụng ghép tạng, thông tin được tiết lộ này đã chính thức được thừa nhận ở Trung Quốc cách đây hai tuần.

Tại Trung Quốc, việc truy cập được những thông tin chính thức về bằng chứng lạm dụng ghép tạng đã từng xảy ra một lần trước đây, vào thời điểm xảy ra cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng Sản, giữa Thị trưởng Trùng Khánh khi đó là Bạc Hy Lai với phe của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nỗ lực đào tẩu tới Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô của một người là tay sai thân tín của Bạc Hy Lai tên Vương Lập Quân, vào tháng Ba năm 2012, và sự giành giật giữa Bạc Hy Lai với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để đưa Vương Lập Quân trở lại, đã dẫn tới việc, vào tháng Ba năm 2012, xuất hiện sự nới lỏng tạm thời phong toả Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình mà tôi và David Kilgour đã thực hiện để chứng minh việc các học viên Pháp Luân Công bị giết để lấy nội tạng.

Khi tình trạng nới lỏng này xuất hiện mà không có lời giải thích nào, thì nó được xem là một nỗ lực của phe Ôn Gia Bảo nhằm gây tai tiếng cho Bạc Hy Lai, thông qua việc để lộ mối liên hệ của ông này với việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, vốn là điều mà khi còn giữ vị trí lãnh đạo Đảng ở tỉnh Liêu Ninh, ông ta có dính líu nghiêm trọng. Việc để lộ mối liên hệ này khá rõ ràng, chứ không đơn giản chỉ là dỡ bỏ phong toả Internet.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, tại một phiên họp kín của Đảng Cộng Sản tại Trung Nam Hải ngày 14 tháng Ba, được báo cáo là đã nói về Bạc Hy Lai như sau:

“Không có thuốc gây mê, thế mà mổ sống để thu hoạch nội tạng người và bán lấy tiền – đó là thứ mà con người có thể làm được ư? Vậy mà những thứ như thế lại xảy ra trong nhiều năm. Chúng ta sắp nghỉ hưu rồi mà vụ này còn chưa được giải quyết. Bây giờ vụ việc về Vương Lập Quân được cả thế giới biết đến rồi, hãy dùng điều này để trừng phạt Bạc Hy Lai. Giải quyết cho được vấn đề Pháp Luân Công nên là một lựa chọn dĩ nhiên.”

Ngày hôm sau Đảng công bố loại Bạc khỏi vị trí Bí thư chi bộ Đảng Cộng Sản Trùng Khánh của ông ta. Năm ngày sau, công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, chỉ trong vòng hai mươi tư tiếng, đã dỡ bỏ kiểm duyệt đối với công trình báo cáo về mổ cướp nội tạng của chúng tôi.

Vấn đề Pháp Luân Công là quá lớn để Đảng có thể xử lý mà không tránh khỏi việc tự huỷ diệt. Có quá nhiều người trong Đảng tham gia vào cuộc bức hại đều muốn đổ vấy mọi thứ cho Bạc Hy Lai. Chủ tịch khi đó Hồ Cẩm Đào và phó Chủ tịch (hiện là Chủ tịch) Tập Cận Bình đã nỗ lực giảm thiểu phạm vi dính líu tới Bạc.

Hồ và Tập, trong nỗ lực rũ sạch khỏi Bạc Hy Lai, muốn đưa vấn đề Pháp Luân Công và lạm dụng cấy ghép nội tạng ra khỏi bàn hội nghị. Thay vào đó, vào ngày 10 tháng 4, ngày mà Bạc bị loại khỏi Bộ Chính Trị và bị đặt dưới một cuộc điều tra nội bộ Đảng, Đảng đã ra công bố rằng bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc, đang bị điều tra hình sự đối với vụ sát hại thương nhân người Anh – Neil Heywood. Sau cùng, bà này bị kết án tù vì tội giết người và đến tháng Tám năm 2012 thì nhận một án tử hình treo.

Bạc bị buộc tội lạm dụng quyền lực vì những nỗ lực bảo vệ vợ mình. Ông cũng bị cáo buộc và kết án vì tội nhận hối lộ và tham nhũng. Tuy vậy, cánh cửa hé lộ những việc làm sai trái của Bạc Hy Lai đã không mở đủ rộng để cho [mọi người] thấy được sự tham gia của ông ta vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bạc bị xét xử vào tháng Tám năm 2013, kết án vào tháng Chín và lãnh án tù chung thân.

Việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiết lộ về việc lạm dụng ghép tạng xảy ra trong khoảng thời gian ngắn vào tháng Ba năm 2012, cùng với việc kết án Bạc Hy Lai, dường như đã kết thúc tốt đẹp. Thế nhưng những tiết lộ mới lại xuất hiện chỉ hai tuần trước đây, vào ngày 11 tháng 11.

Một bài viết đáng chú ý trên ấn bản Diễn Đàn Y khoa Trung Quốc, một công bố y học chính thức bằng tiếng Trung tại Trung Quốc, báo cáo về một cuộc họp báo được tổ chức bởi ông Hoàng Khiết Phu, giám đốc Ủy Ban Hiến tặng Nội tạng Trung Quốc và là cựu phó Bộ trưởng Y tế, tại Hội nghị cấy ghép y học Trung Quốc diễn ra tại Hàng Châu, ngày 30 tháng 10 năm 2014.

Bài báo đề cập đến:
·         Nghị quyết 13207 tháng Năm 2014 của Hiệp hội Y học Virginia,
·         Nghị quyết số 1052 được đưa ra bởi Hạ viện bang Pennsylvania ngày 8 tháng 10, 2014 với 198 phiếu thuận, không phiếu chống.
·         Đơn thỉnh cầu của TAICOT ngày 27 tháng 10, 2014 tẩy chay việc cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
·         Một liên kết đến website Minghui (Minh Huệ) ngày 7 tháng 12, 2009.

Nghị quyết 13207 tháng Năm 2014 của Hiệp hội Y học Virginia:
·         Lên án việc thu hoạch nội tạng có hệ thống, được Nhà nước hẫu thuận ở Trung Quốc.
·         Kêu gọi “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về việc cấy ghép tạng đối với Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, và truy tố những người được xác minh là có tham gia vào các hoạt động phi đạo đức như vậy,”
·         Khuyến cáo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,
a) đưa ra cảnh báo đối với các công dân Hoa Kỳ du lịch đến Trung Quốc để ghép tạng và
b) cấm nhập cảnh đối với những người tham gia thu hoạch nội tạng, và
·         Kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Nghị quyết số 1052 được đưa ra bởi Hạ viện bang Pennsylvania ngày 8 tháng 10, 2014
·         Kêu gọi Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ tất cả các tù nhân, đặc biệt là từ các tù nhân Pháp Luân Công, thành viên các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác;
·         Kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong hệ thống cấy ghép tạng, trừng phạt những người chịu trách nhiệm trong các vụ lạm dụng [ghép tạng];
·         Thúc giục Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về các hoạt động ghép tạng tại Trung Quốc.
·         Kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ ngăn cấm tất cả bác sĩ tham gia vào việc mua bán nội tạng phi đạo đức hay phẫu thuật cấy ghép sử dụng nội tạng sống thu hoạch từ những tù nhân ở Trung Quốc được nhập cảnh vào Hoa Kỳ; và
·         Khuyến khích cộng đồng y học bang Pennsylvania giúp nâng cao nhận thức về các hoạt động cấy ghép tạng phi đạo đức ở Trung Quốc.

Hiệp Hội Chăm sóc Quốc tế về Cấy ghép tạng Đài Loan (TAICOT) ngày 27 tháng 10, 2014 kêu gọi các chuyên gia trong lãnh vực y học cấy ghép, cộng đồng quốc tế và những người được mời tham dự Hội nghị cấy ghép Trung Quốc.
·         Không tham gia và không ủng hộ Hội nghị cấy ghép Trung Quốc và các hoạt động giao lưu liên quan đến cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, và
·         Không hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào với Trung Quốc về cấy ghép nội tạng chuyên nghiệp.

Minghui (Minh Huệ) là phiên bản tiếng Trung của Clear Wisdom, một website của Pháp Luân Công. Liên kết trên trang web ngày 7 tháng 12, 2009 có một bài phân tích chi tiết về thống kê cấy ghép tạng ở Trung Quốc cho thấy rằng: Số lượng tử tù bị hành quyết không thể nào cung ứng đủ cho lượng nội tạng cần để cấy ghép tại Trung Quốc và chỉ ra rằng các học viên Pháp Luân Công mới chính là nguồn nội tạng có khả năng. Tiêu đề bài báo, phiên dịch [sang tiếng Anh] là “The condemned could not supply the mushroom cloud of China’s organ transplant market” (Tử tù không đủ để cung ứng cho đám mây hình nấm của thị trường ghép tạng Trung Quốc). “Tử tù” là đề cập tới những tù nhân bị kết án tử hình và bị hành quyết. “Đám mây hình nấm” (đám mây hình thành do một vụ nổ bom nguyên tử) là một ẩn dụ được dùng để hình tượng hoá sự bùng nổ bất ngờ về số lượng tạng cấy ghép, trùng với thời điểm diễn ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Vâng, điều gì đang xảy ra ở đây vậy? Tại sao lại xuất hiện bài báo Diễn Đàn Y Khoa Trung Quốc này? Một bài báo ở Trung Quốc, bằng tiếng Trung, hướng tới đối tượng độc giả địa phương. Ở các nước tự do, phương tiện truyền thông cung cấp người đọc những thông tin và để họ tự suy xét về nó. Ở Trung Quốc, truyền thông đưa cho người đọc những gì mà họ phải nghĩ đến.

Hoàng Khiết Phu, giám đốc Uỷ Ban Hiến tặng Nội tạng Trung Quốc và từng là cựu phó Bộ trưởng Y tế, đã nói với Diễn Đàn Y Khoa Trung Quốc rằng tất cả nguồn trích dẫn của nước ngoài là “nhảm nhí”, “tin đồn”. Ông ta khẳng định “theo thời gian, sự thật sẽ được phục hồi.” Ông tuyên bố rằng “Công lý có thể đến muộn, nhưng không bao giờ vắng mặt.”

Mặc dù trang Minghui được trích dẫn và liên kết [tới trang web này] được cung cấp, nhưng một người khi nhấn vào liên kết [đó] tại Trung Quốc sẽ không vào được. Một ứng dụng web cho phép kiểm tra liệu các website có thể truy cập được ở Trung Quốc hay không đã cho thấy rằng website Minghui không thể truy cập được.

Việc bác bỏ các nguồn nước ngoài được trích dẫn, nếu nói một cách giảm nhẹ, là không rõ ràng. Bài báo của diễn đàn Y Khoa Trung Quốc không đề cập đến Pháp Luân Công, nhưng nó đề cập đến các bằng chứng nghiên cứu nước ngoài rằng số án tử hình là không đủ để đáp ứng số lượng các ca cấy ghép. Bài báo của Diễn đàn Y Khoa Trung Quốc không đưa ra được lời giải thích cho sự khác biệt giữa số lượng các ca cấy ghép với số lượng nguồn cung ứng tạng minh bạch.

Tương tự, bài báo có một sự thay đổi khác thường. Ông Hách Tiêu Thuận đến từ Trung Tâm cấy ghép Nội tạng, Bệnh viện First Affiliated, Đại học Tôn Dật Tiên, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, theo báo cáo là đã hỏi ông Hoàng Khiết Phu, rằng: “Chúng ta hãy mở cửa để các học giả quốc tế có thể điều tra những tin đồn này và chứng minh cho họ thấy rằng họ hoàn toàn vô căn cứ.” Hoàng Khiết Phu trả lời: “Bây giờ chưa phải là lúc.” Vâng, nếu không phải bây giờ, thì là khi nào?

Thông thường, không ai lặp lại một tin đồn cho những người chưa biết gì về nó với mục đích phủ nhận [thông tin trong tin đồn ấy]. Ví dụ, tôi nghi ngờ rằng, các vị ở đây nghe một tin đồn mà các vị cho là sai, rằng vợ hay chồng của mình không chung thuỷ, [sau đó các vị] lại có thể đi lặp lại tin đồn đó cho những người chưa từng nghe về nó với mục đích là phủ nhận tin đồn ấy.

Do đó, việc bài báo nỗ lực bác bỏ lời buộc tội và các nghiên cứu nước ngoài về việc lạm dụng cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, tự thân điều ấy không thể giải thích thoả đáng cho sự xuất hiện của nó. Có điều gì đó lớn hơn đã xảy ra.

Một cách để giải thích [cho việc này] là thông tin và sự công kích về vấn đề lạm dụng ghép tạng tại Trung Quốc đến từ quá nhiều hướng khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc khó có thể làm ngơ. Cho nên, thay vì giả vờ như những lo ngại [quốc tế] về việc lạm dụng [ghép tạng] này không tồn tại, họ chuyển sang phủ nhận nó.

Phủ nhận, thay vì phớt lờ sự chỉ trích, có nhược điểm [của nó] là [phải] công khai lời chỉ trích, đó là những gì chúng ta đang nhìn thấy. Nếu sự chỉ trích có ít người biết đến, thì im lặng thường là chiến lược tốt nhất. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích đã được biết đến rộng rãi, thì khi đó im lặng không mang lại kết quả. Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc phải đi tới kết luận rằng sự hiểu biết [của mọi người] về việc lạm dụng ghép tạng tại Trung Quốc đã trở nên phổ biến đến độ Đảng chẳng còn cách nào khác ngoài việc phủ định thay vì phớt lờ nó.
Cách giải thích thứ hai, đặc biệt đối với ngành cấy ghép ở Trung Quốc, là tình trạng sụt giảm uy tín quốc tế vì sự đồng loã trong việc lạm dụng. Nói chung, giữ thể diện là một giá trị văn hoá quan trọng của người Trung Quốc. Đối với ngành cấy ghép, việc bị cả thế giới lên án có lẽ đã tác động sâu sắc tới họ.

Bài báo của Diễn Đàn Y Khoa Trung Quốc báo cáo về việc 35 người Trung Quốc vì lý do đạo đức đã không được phép tham dự Hội nghị cấy ghép Thế giới tổ chức tại San Francisco tháng 7 năm 2014. Nó cũng đề cập đến việc hội nghị cấy ghép gần đây nhất ở Hàng Châu, “nhiều chuyên gia cấy ghép nước ngoài đã không đến dự.”

Một năm trước đây, tháng 10 năm 2013, Hội nghị cấy ghép Trung Quốc, cũng được tổ chức ở Hàng Châu, đã có một số lượng rất lớn các chuyên gia nước ngoài tham dự. Hội nghị đã đưa ra một tuyên bố, buộc các bệnh viện Trung Quốc phải chấm dứt việc buôn bán nội tạng và lấy nguồn tạng từ tù nhân. Trong thời gian đó, không có chuyện gì xảy ra. Website Omar Healthcare vẫn không nao núng, tiếp tục thúc đẩy việc du lịch cấy ghép vào Thiên Tân, Trung Quốc. Sự tiếp diễn của website đó cũng như thông tin khác gợi cho chúng ta nhớ đến một lá thư ngỏ từ Hiệp hội Cấy ghép tạng, gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 02/2014. Lá thư nói rằng: “thậm chí ngay khi một chương trình [hiến tạng] mới được thí điểm, thì nó đã bị những kẻ bị chi phối bởi các mưu đồ tham nhũng trà trộn vào, những kẻ nắm quyền phân phối nội tạng.” Lá thư yêu cầu Trung Quốc phải chỉnh đốn lại vấn đề này.

Lá thư từ Hiệp hội đã dẫn tới một số động thái. Một là website Omar Healthcare bị gỡ xuống. Thứ nữa là Chính phủ Trung Quốc công khai từ bỏ cam kết chấm dứt lấy nguồn tạng từ tử tù. Thay vào đó, ông Hoàng Khiết Phu khẳng định rằng Trung quốc sẽ hợp nhất nguồn tạng lấy từ tù nhân vào hệ thống tạng hiến. Ông tuyên bố rằng: “các cơ quan tư pháp và cơ sở y tế địa phương nên thiết lập các mối quan hệ và cho phép các tù nhân chờ xử tử được tự nguyện hiến tạng và bổ sung vào hệ thống phân phối tạng.” Bằng việc làm đó, Hoàng Khiết Phu đã thực sự tự đốt cháy cây cầu đưa ông ta đến với cộng đồng cấy ghép thế giới.

Nhiều người tham dự Hội nghị Hàng Châu 2014 có lẽ đã đặt câu hỏi về việc thiếu vắng các chuyên gia cấy ghép nước ngoài. Ông Hoàng Khiết Phu cảm thấy buộc phải nói điều gì đó để giải thích và đáp trả lại sự vắng mặt của họ.

Tổ chức phi Chính phủ DAFOH (Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng) vào 20 tháng 10 đưa ra một tuyên bố trong đó nói:

“Chúng tôi đánh giá đây là vấn đề phi đạo đức khi có bất kỳ chuyên gia cấy ghép ngoại quốc nào tham dự hội nghị cấy ghép ở Hàng Châu [vốn] đã để cho việc lạm dụng cấy ghép diễn ra tràn lan và dai dẳng tại Trung Quốc, trừ những ai đến đó với mục đích duy nhất và rõ ràng là lên tiếng phản đối nó.”

Tuyên bố này, cùng với những tiến triển khác, đã tạo nên một tác động ngăn trở đối với các chuyên gia cấy ghép nước ngoài có mặt [tại Hội nghị Hàng Châu].

Những bác sĩ [Trung Quốc] đăng ký tham dự Hội nghị Cấy ghép Quốc tế ở San Francisco tháng 7 năm 2014 đã bị từ chối [cho phép tham dự], và các đồng nghiệp của họ, những người biết họ có đăng ký tham dự, cũng cần một lời giải thích thỏa đáng. Đảng Cộng Sản cảm thấy rằng họ có thể phớt lờ những bằng chứng về việc giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng. Tuy nhiên, họ không thể phớt lờ sự thực rằng các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc đã bị từ chối tham gia vào hội nghị cấy ghép tạng quốc tế, hay những bác sĩ cấy ghép ngoại quốc từng đến Trung Quốc trước kia [nay] không còn đến nữa.

Áp lực quốc tế đã làm được nhiều điều hơn so với toàn bộ sức nặng mà các bằng chứng có thể đem lại. Áp lực này khiến Đảng nhận ra rằng Đảng phải thừa nhận sự chỉ trích về việc lạm dụng cấy ghép tại Trung Quốc thay vì nỗ lực phản bác nó.

Thực tế cho thấy sức ép có thể làm được điều mà bằng chứng không thể mang lại cho chúng ta, rằng đòn bẩy cho sự thay đổi ở Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các bằng chứng. Nó là việc giao thiệp với các đồng nghiệp quốc tế. Sự tẩy chay có thể làm được điều mà một mình bằng chứng thôi là không thể.

Từ quan điểm của tôi, Hoàng Khiết Phu đang trì hoãn một cuộc điều tra độc lập từ bên ngoài về nguồn cung tạng tại Trung Quốc cho đến khi hệ thống cấy ghép Trung Quốc thay thế được nguồn tạng lấy từ các tù nhân. Vì thế, ông ta hy vọng, khi đó có thể có một tiết lộ hoàn chỉnh về nguồn cung ứng tạng mà có lẽ sẽ không có sự tham chiếu nào đến hay được xác nhận trong quá khứ.

Người phi-Cộng sản, đối với họ quá khứ là cố định và tương lai là gợi mở. Với người Cộng sản thì ngược lại, họ đảo lộn tương lai và quá khứ. Tương lai là đảm bảo – lúc nào cũng chắc thắng. Quá khứ thì dễ uốn nắn, được viết lại theo ý muốn để có lợi cho mình.

Để lộ bí mật, Hoàng Khiết Phu và đồng nghiệp của ông ta sẽ nhận ra, đó không phải là giải pháp. Việc trì hoãn, mà họ nghĩ là có thể dùng lợi nhuận để che đậy việc làm sai trái của mình, sẽ không mang lại kết quả.

Nếu không đối mặt và thẳng thắn chống lại việc lạm dụng [ghép tạng] này, thì nó vẫn sẽ tiếp diễn. Những kẻ kiếm được bộn tiền từ việc giết hại tù nhân để bán nội tạng sẽ không dễ mà thuyết phục được họ dừng tội ác của mình lại. Hoàng Khiết Phu đã tự lừa mình dối người nếu ông ta nghĩ rằng ông ta có thể chấm dứt được tình trạng lạm dụng mà không phải đối mặt với nó.

Điều đó xem ra có vẻ hợp lý. Tuy thế,  Đảng [Cộng sản Trung Quốc], theo kinh nghiệm của chúng ta, sẽ chẳng hành động dựa trên logic cũng như bằng chứng. Nhưng, nó có thể hành động trước áp lực từ quốc tế. Ngành cấy ghép quốc tế cần làm rõ trách nhiệm trong tương lai vì nguồn tạng dùng cho việc cấy ghép sẽ không đủ. Trách nhiệm với quá khứ phải là một đòi hỏi cần thiết để ngành cấy ghép Trung Quốc hòa nhập với ngành cấy ghép toàn cầu.

Hoàng Khiết Phu nói hay hơn những gì ông ta biết. Thậm chí ở Trung Quốc, sẽ có ngày sự thật được sáng tỏ. Những thủ phạm lạm dụng cấy ghép nội tạng sẽ được đưa ra trước toà án công lý. Công lý có thể đến muộn, nhưng, ngay tại Trung Quốc, một ngày nào đó nó sẽ đến.

……………………………………………………………………………………………………………………

David Matas là một luật sư nhân quyền quốc tế đến từ thành phố Winnipeg, Manitoba, Canada.

Đăng lại từ trang web chongmocuoptang.org (bản tiếng Việt của Liên Minh Quốc Tế Chống Mổ Cướp Nội Tạng Tại Trung Quốc)






No comments:

Post a Comment

View My Stats