Posted on Feb 2, 2015
Paul A. Baran là một nhà kinh tế học người Mỹ theo
chủ nghĩa Marx. Tiểu luận “The Commitment of the Intellectual” ra đời
trên Monthly Review tháng 5 năm 1961. Bản dịch tiếng Pháp, đăng trên tạp
chí Partisans tháng 10 năm 1965 dưới tựa đề “Qu’est-ce qu’un
Intellectuel”, đã được Trần Sóc Sơn sử dụng để chuyển sang Việt ngữ trên Gió
Nội lần đầu vào khoảng cuối thập niên 1960. Trong lần dịch lại này, chúng
tôi sử dụng bản gốc tuy nhiều chỗ vẫn dựa trên bản cũ, đồng thời giữ lại tựa đề
của bản Pháp văn và đặt thêm một số tiểu tựa cho dễ đọc. (Phạm Trọng Luật)
*
Thế nào là người trí thức? Câu trả lời hiển nhiên nhất
có lẽ như sau: đấy là người lao động dùng trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc
trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thỏa mãn lợi ích riêng của
mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn
chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc
tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ “trí thức”.
Những thành ngữ như “dài lưng tốn vải” và “trí thức trùm chăn” [1] cho phép ta nghĩ rằng có một khái niệm khác hẳn trong
công luận để chỉ hạng người nào đó như một tầng lớp nhỏ hơn bên trong loại người
“lao động bằng trí óc”.
PHÂN
CÔNG XÃ HỘI
Đây không phải là sự tinh tế gò bó và vô bổ về từ ngữ.
Thật ra, sự tồn tại của hai khái niệm khác nhau đó phản ánh một điều kiện xã hội
hiện thực: hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ đánh giá trung thực hơn vị trí và chức
năng của người trí thức trong xã hội. Tuy rộng, định nghĩa đầu áp dụng chính
xác cho một nhóm người khá đông, hợp thành một thành phần quan trọng của xã hội:
họ làm việc với óc não nhiều hơn là bắp thịt, và sinh sống bằng trí tuệ hơn là
bàn tay. Hãy gọi họ là người lao động trí thức. Đó là những nhà kinh
doanh, y sĩ, quản đốc xí nghiệp, người phổ biến “văn hoá”, nhân viên chứng
khoán và giáo sư đại học… Tập hợp này, cũng như tập hợp “tất cả người Mỹ” hay
“tất cả những người hút ống điếu” không có gì là xúc phạm. Sự sinh sôi nẩy nở đều
đặn của nhóm lao động trí thức này là một trong những nét nổi bật nhất của tiến
hoá lịch sử cho đến nay. Nó phản ánh một khía cạnh chủ yếu của việc phân công
xã hội, đã bắt đầu với sự kết tinh của một tập đoàn tu sĩ chuyên nghiệp và đạt
đến tột đỉnh với chủ nghĩa tư bản phát triển: sự tách rời hoạt động trí óc khỏi
hoạt động tay chân, “dân thầy” khỏi “dân thợ”.
Cả nguyên nhân lẫn hậu quả của sự phân cách này đều
rất phức tạp, và lý do sâu xa cũng như tác động của nó đều nhiều như nhau. Vừa
nhờ ở sự bành trướng liên tục của năng xuất mà có, lại vừa đóng góp mạnh mẽ vào
sự bành trướng ấy, cách biệt này cùng lúc trở thành một trong những nét chính của
hiện tượng phân tán tiệm tiến nơi mỗi cá nhân, của cái mà Marx gọi là “sự
tha hoá của con người đối với chính hắn”. Sự tha hoá ấy không chỉ biểu lộ
qua sự tê liệt và méo mó mà phân cách này tạo ra cho sự trưởng thành và phát
triển của mỗi cá nhân (việc người lao động trí thức “vận động” chút đỉnh trong
khi người lao động chân tay thỉnh thoảng tham gia vào hoạt động “văn hoá” chỉ
có tác dụng làm cho hiện tượng này trầm trọng hơn, chứ không thuyên giảm), mà
còn biểu lộ qua sự phân cực triệt để xã hội thành hai phe xung khắc và không
còn chút liên hệ nào với nhau. Sự phân cực này, thẳng góc với những mâu thuẫn đối
kháng giữa các giai cấp xã hội, còn gây ra một lớp sương ý thức hệ dày đặc, che
lấp những thách thức đích thực mà xã hội phải đối phó, đồng thời tạo ra những vấn
đề giả, những đổ vỡ cũng khốc hại chẳng kém gì trường hợp các thành kiến về chủng
tộc hoặc mê tín tôn giáo. Rõ ràng là tất cả người lao động trí thức đều có một
quyền lợi chung: tránh bị dồn đến chỗ phải làm những công việc tay chân cực nhọc
nhưng lương kém hơn, và – bởi vì chính họ lập ra tiêu chuẩn về sự khả kính – ít
được trọng vọng. Do quyền lợi này dẫn dắt, họ có khuynh hướng tuyệt đối hoá vị
trí xã hội của mình, phóng đại mức khó khăn của công việc và độ phức tạp của loại
khả năng cần thiết, thổi phồng sự quan trọng của cái học hình thức, của bằng cấp
đại học, v.v… Rồi, tìm cách bảo vệ ưu thế của mình, họ chống lại những người
lao động tay chân, tự đồng hoá với nhóm lao động trí thức thuộc giai cấp lãnh đạo,
và đứng về phe ủng hộ cái trật tự xã hội đã tạo ra và che chở địa vị cùng những
đặc quyền, đặc lợi của họ.
NGƯỜI
LAO ĐỘNG TRÍ THỨC
Vì thế, trong chế độ tư bản, người lao động trí thức
là hình ảnh điển hình của tên đầy tớ trung thành, nhân viên thừa hành, công chức
và phát ngôn nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Anh ta xem cái trật tự hiện hữu
xung quanh là tự nhiên, và chỉ chất vấn hiện tình, hiện trạng xã hội trong
khuôn khổ giới hạn của những bận tâm trước mắt, nghĩa là chỉ liên quan đến công
việc trong tầm tay. Nếu không hài lòng về phí tổn sản xuất của nhà máy mà anh
là sở hữu chủ, giám đốc hay người làm công, anh ta sẽ tìm cách làm nó giảm bớt.
Nếu được giao trách nhiệm “bán” một thứ xà bông hoặc một ứng cử viên chính trị
mới cho dư luận, anh sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách chu đáo và khoa học. Nếu
không thỏa mãn với những kiến thức hiện có về cấu trúc nguyên tử, anh sẽ dành hết
nghị lực và tài năng siêu phàm để tìm ra phương thức làm tăng thêm hiểu biết về
cấu trúc ấy. Người ta có thể nghĩ rằng đó là một kỹ thuật gia. Nhưng điều
này dễ gây ngộ nhận. Với tư cách là chủ tịch xí nghiệp, anh có thể lấy nhiều
quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đến công ăn việc làm
và đời sống của hàng triệu người. Với tư cách là công chức cao cấp trong chính
phủ, anh có thể ảnh hưởng lên cả những biến chuyển của tình hình thế giới. Là
giám đốc một viện hay một cơ quan khoa học quan trọng, anh có thể quy hoạch chiều
hướng và phương pháp nghiên cứu cho một số lớn các nhà khoa học trong nhiều năm
liền. Tất cả những điều trên dĩ nhiên là không phù hợp chút nào với nội dung của
từ “kỹ thuật gia”. Danh từ này thường được dùng để chỉ loại cá nhân mà công việc
là áp dụng chủ trương chứ không phải là soạn thảo chính sách, là chọn lựa những
phương tiện thích nghi chứ không phải là quyết định các mục tiêu nhắm đến, là
theo dõi việc thực hiện chương trình trong chi tiết chứ không phải là quy hoạch
những dự án lớn. Tuy nhiên, danh từ “kỹ thuật gia” nói lên bản chất của tập hợp
gọi là “người lao động trí thức” còn trung thực hơn cả nghĩa thông thường của từ
này.
Tôi lặp lại: đối tượng công tác và suy tư của người
lao động trí thức là những việc làm trong tầm tay. Ðó là sự hợp lý hoá, chế ngự
và vận dụng cái phần thực tại mà anh phải chăm lo trước mắt. Trong nghĩa này,
anh ta không khác bao nhiêu hoặc không khác chút nào với người lao động tay
chân chuyên cán mỏng những tấm kim khí, ráp máy hay xây tường. Nói bằng thể phủ
định, người lao động trí thức, trong tư cách này, không quan tâm tới ý
nghĩa, tính chất, vị trí của công việc mình làm trong toàn bộ sinh hoạt xã hội.
Nói cách khác nữa, anh ta không nghĩ gì tới mối tương quan giữa phần nhân lực
trong đó có hoạt động của mình với những phần nhân lực khác, và với toàn bộ quá
trình lịch sử. Phương châm “tự nhiên” của anh ta là hãy lo chuyện của mình, và
nếu cần mẫn và có tham vọng, cố sao trở thành người hữu hiệu nhất, thành công
nhất trong lãnh vực này. Còn về phần những người khác, cũng vậy, họ hãy lo công
việc của họ, bất cứ đó là việc gì. Quen suy nghĩ với những danh từ như huấn luyện,
kinh nghiệm, khả năng, người lao động trí thức cho rằng lo nghĩ đến những vấn đề
có tính cách toàn thể như thế cũng là một công việc chuyên môn như bao việc
khác. Ðối với anh ta, đó là “lãnh vực” của các triết gia, chức sắc tôn giáo,
nhà chính trị, cũng như “văn hoá” hay “giá trị” là địa hạt của các nhà thơ, nghệ
sĩ và bậc hiền minh.
Từng cá nhân, người lao động trí thức có thể không
phát biểu quan điểm trên một cách rõ ràng; cũng có thể là anh ta không ý thức
được nó nữa. Nhưng mỗi người, gần như tự bản năng, nếu có thể nói như thế, đều
ưa thích loại lý thuyết đã thu nhập và hợp lý hoá được quan điểm này. Một trong
những lý thuyết ấy là quan niệm nổi tiếng lâu đời của Adam Smith về một thế giới
trong đó mỗi người làm vườn, bằng cách chăm lo mảnh vườn riêng của mình, sẽ góp
phần tốt nhất vào sự thịnh vượng chung của tất cả các mảnh vườn khác của mọi
người. Dưới ánh sáng của triết lý này, sự quan tâm về cái toàn thể bị đặt ngoài
trung tâm của những lo nghĩ cá nhân, và chỉ còn tác động trên anh ta một cách hời
hợt bên lề, nếu chưa hoàn toàn mất hết hiệu lực, nghĩa là chỉ ảnh hưởng tới anh
ta trong tư cách công dân. Sức mạnh và ảnh hưởng của thứ lý thuyết đó xuất phát
từ một chân lý quan trọng mà nó hàm chứa: trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, cá
nhân phải đương đầu với cái toàn thể như một quá trình đã được khách quan hoá,
toàn năng, chuyển động một cách phi lý bởi những lực tăm tối mà anh ta không thể
hiểu được, do đó, lại càng không thể ảnh hưởng tới được.
Một lý thuyết khác cũng phản ánh điều kiện của người
lao động trí thức và thỏa mãn những đòi hỏi của anh ta, đó là quan niệm về sự
cách ly giữa phương tiện với cứu cánh, sự ly dị giữa một bên là khoa học và kỹ
thuật học, một bên là sự xác định mục tiêu và giá trị. Thái độ này, đến từ một
giòng tư tưởng cũng cao quý không kém gì giòng tư tưởng của Adam Smith, đã được
Charles Percy Snow [2]
xem rất đúng là “một phương thức thoái thác trách nhiệm”. Theo ông: “Những
người muốn trốn tránh trách nhiệm thường nói: chúng tôi sản xuất ra dụng
cụ. Chúng tôi ngừng ở đó. Bây giờ đến lượt các ông, những người
còn lại, những người làm chính trị, nói rõ cách dùng các món đồ đó. Có thể là
chúng sẽ được dùng vào những mục đích mà phần lớn chúng ta cho là xấu xa. Nếu
thế, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, việc đó
không thuộc thẩm quyền chúng tôi”. Và những gì áp dụng cho nhà khoa học,
cũng áp dụng cho tất cả những người lao động trí thức khác, với một áp lực
tương đương.
Dĩ nhiên, “thoái thác trách nhiệm”, trên thực tế, dẫn
đến cùng một thái độ với “lo lấy phần việc của mình”; đó chỉ là cách nói mới.
Và thái độ này vẫn không thay đổi, dù hiện nay một khuynh hướng khá phổ biến đặt
tín nhiệm ở chính phủ nhiều hơn ở nguyên tắc phó mặc buông trôi, thay thế
bàn tay vô hình của Thượng Đế bằng bàn tay lộ liễu hơn, nếu không nhất thiết phải
là hữu ích hơn, của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Kết quả vẫn thế: quan tâm tới
cái toàn thể không phải là việc của cá nhân; và bỏ mặc mối lo đó cho kẻ khác,
cá nhân chấp nhận, qua chính sự bỏ mặc ấy, cấu trúc hiện hữu của cái
toàn thể như một dữ kiện, đồng thời tán đồng các tiêu chuẩn về lý tính, những
giá trị đang giữ phần ưu thắng trong xã hội, cũng như loại thước đo về hiệu
năng, sự thực hiện và sự thành đạt hiện hành.
——————————————————-
CHÚ
THÍCH
[1] Ở đây, chúng tôi dùng 2 thành ngữ có tính chất
đánh giá rõ rệt trong tiếng Việt; ở bản gốc, tác giả dùng “long-haired
professor” và “egghead” (đầu quả trứng = đầu hói). Dù thoạt nhìn chỉ
có vẻ mô tả, cả 2 từ tiếng Anh trên thật ra cũng hàm ý đánh giá, vì đều gợi lên
hình ảnh kẻ đăm chiêu mơ mộng, thiếu liên hệ với người bình dân, không thực tế,
thậm chí thiếu nam tính! Riêng từ “egghead” đã đạt đến mức thông dụng tột
đỉnh vào cuối những năm 1950, khi được Richard Nixon dùng để phỉ báng ứng cử
viên tổng thống Adlaï Stevenson của Đảng Dân Chủ Mỹ. Trong thập niên sau, “Egghead”
trở thành tên của nhân vật gian hùng trong bộ phim truyền hình Batman;
với bộ mặt tai tái, chiếc đầu hói, bộ quần áo nửa trắng nửa vàng, Egghead tự
xưng là “kẻ phạm tội tinh ranh nhất thiên hạ”, và từ khí giới đến ngôn
ngữ sử dụng (“eggs-zactly”, “eggs-cellent”) đều gợi nghĩ đến quả trứng. (Phạm
Trọng Luật)
[2]
Charles Percy Snow (1905-1980): nhà văn và nhà khoa học Anh. Tốt nghiệp khoa lý
hoá tại các đại học Leicester và Cambridge, sau một thời kỳ làm nghiên cứu khoa
học, ông tham gia bộ máy hành chánh Anh Quốc và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng
từ 1940 đến 1966. Ông là chồng của nhà tiểu thuyết Pamela Hansford Johnson, đồng
thời cũng là nhà văn. Trong lãnh vực này, ông nổi tiếng nhờ loạt 11 quyển tiểu
thuyết mang tính chất tự truyện, viết trong suốt 30 năm và được gọi chung là Strangers
and Brothers (1940-1970): mặc dù được xem như có khuynh hướng bàn về
quyền lực hay về quan hệ giữa khoa học với xã hội, loạt truyện xoay quanh nhân
vật chính tên là Lewis Eliot nói đây còn là bức họa sống động về những thay đổi
xã hội ở Anh trong thế kỷ 20. Bên cạnh trường thiên trên và các tiểu thuyết
khác như Death under Sail (1932), The Search
(1934), In Their Wisdom (1974), A Coat of Varnish(1979),
ông còn để lại một tuyển tập truyện dịch Stories from Modern Russia
(1962), cùng nhiều tác phẩm phê bình, đáng kể nhất là Trollope: His Life
and Art (1975). Như nhà khoa học, tác phẩm của ông cũng khá đa dạng,
bao gồm tập tiểu luận về thiên chức của nhà khoa học Science and
Government (1961), tập thuyết giảng về lợi và hại của công nghiệp Public
Affairs (1971), với nhiều tập tiểu truyện về các nhà bác học như A
Variety of Men (1967), The Realists (1978), và The
Physicists (1981). Đặc biệt bài thuyết trình Rede Lecture on The
Two Cultures and the Scientific Revolution (1959) của ông, và sau đó
bài The Two Cultures, And a Second Look (1963), về hố ngăn cách
giữa hai giới văn học và khoa học đã được bàn luận sôi nổi và sâu rộng trong mọi
giới học thuật. Charles P. Snow được Hoàng Gia Anh tấn phong Hầu Tước năm 1957
và Nam Tước Leicester năm 1964. (Phạm Trọng Luật)
No comments:
Post a Comment