Sunday, 15 February 2015

Sự suy thoái của Đảng CSVN nhìn từ vụ Báo Người Cao Tuổi (Lý Thái Hùng)





Lý Thái Hùng
Cập nhật: 16/02/2015

Sự “tố cáo” những sai phạm lẫn nhau giữa Bộ Truyền thông & Thông tin (Bộ 4T) và Hội Người cao tuổi liên quan đến vụ thanh tra “đột xuất’ của Bộ về các bài báo loan tải trên báo Người cao tuổi trong mấy ngày vừa qua, cho thấy là có điều gì không ổn, không chỉ trong việc quản lý ngành thông tin hiện nay, mà còn biểu hiện sự suy thoái, bệ rạc trong bộ máy thống trị của Hà Nội sau 70 năm cầm quyền.

Trong các chế độ độc tài, truyền thông là một vũ khí quan trọng không thua gì bạo lực công an. Nó không chỉ trấn áp đối phương mà còn có khả năng kết tội và làm “bầm dập” cuộc đời của nhiều nạn nhân, trước khi an ninh nhập cuộc. Hình ảnh 800 tờ báo, cơ quan truyền thanh nằm dưới sự chi phối của một tổng biên tập đã nói lên sức mạnh tuyệt đối của Bộ 4T và Ban Tuyên giáo trung ương.

Nhưng các biện pháp nửa vời của Bộ 4T đối với báo Người cao tuổi như rút thẻ báo chí của Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, thu hồi tên miền nguoicao tuoi.org.vn; nhưng lại vẫn cho duy trì báo in cho thấy Bộ 4T chưa “dám đụng” đến Hội Người cao tuổi.

Thanh Tra “Đột Xuất”

Trong cuộc họp báo ngày 9/2, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ 4T cho biết vụ thanh tra khởi đầu từ việc Hội Người cao tuổi đề nghị khen thưởng ông Kim Quốc Hoa là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương vào đầu tháng 11/2014 đã có công văn gửi Bộ 4T, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị chấp thuận khen thưởng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tuấn thì vì có quá nhiều sai phạm nên Bộ 4T không chấp nhận việc khen thưởng. Sự kiện này đã khiến cho bà đại biểu quốc hội Cù Thị Hậu, chủ tịch Hội người cao tuổi lên tiếng bất bình và yêu cầu Bộ 4T phải chỉ rõ sai phạm.

Chính sự đòi hỏi của Cù Thị Hậu, Bộ 4T đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra “đột xuất” bắt đầu ngày 7/11/2014 đến ngày 7/2/2015, kéo dài 64 ngày. Theo Đoàn thanh tra Bộ 4T cho biết là trong thời gian 2 năm 2013 – 2014, Bộ đã nhận rất nhiều thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung thông tin trên báo in và trang thông tin điện tử của báo Người cao tuổi. Nội dung trong các thư khiếu nại cho rằng báo Người cao tuổi đã thông tin sai sự thật, làm lộ bí mật nhà nước, gây hoang mang dư luận.

Thời gian mà Bộ 4T nói rằng họ nhận nhiều thư khiếu nại, tố cáo chính là lúc mà báo Người cao tuổi bắt đầu phanh phui “biệt thự khủng” của nguyên thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền tại Bến Tre vào cuối năm 2013. Liên tục trong nhiều số báo năm 2014, báo Người cao tuổi đã tiếp tục phanh phui tài sản của gia đình ông Trần Văn Truyền gồm những căn biệt thự và nhà đất ở Bến Tre và thành phố Sài Gòn.

Ngoài ra, tờ báo còn kê khai rằng trước khi về hưu, chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2011, Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương. Đương nhiên khi tin tức này được công bố, ông Truyền đã chối bỏ và lãnh đạo CSVN im lặng.

Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 vào ngày 12/6/2014, một số đại biểu đã chất vấn ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra chính phủ hiện nay, về vụ việc ông Trần Văn Truyền, người tiền nhiệm của ông Phong, thì ông Tranh nói rằng: “khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã kê khai tài sản đầy đủ và không có dấu hiệu thiếu trung thực”. Phát biểu của ông Huỳnh Phong Tranh đã như đổ dầu thêm vào lửa, khiến cho dư luận càng chú ý đến vụ tham ô của Trần Văn Truyền.

Do đó mà ngày 24/7/2014, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã điều động cán bộ đến kiểm tra và xác minh tài sản của ông Trần Văn Truyền. Đoàn thanh tra làm việc kéo dài đến 3 tháng. Đến ngày 20/11/2014, Đoàn kiểm tra đưa ra kết luận thu hồi 6 căn nhà và đất tại Bến Tre và Sài Gòn mà ông Trần Văn Truyền đã chiếm; trong số nhà tịch thu này, không có “căn biệt thự khủng” mà báo Người cao tuổi phanh phui đầu tiên vì Ủy ban kiểm tra cho là của người con trai ông Truyền.

Ngày 6/12/2014, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trì cuộc họp kiểm điểm ông Trần Văn Truyền. Đa số thành viên của Tỉnh ủy đều cho là "sai phạm của ông Truyền đã đến mức phải xử lý kỷ luật và báo cáo về Ủy ban kiểm tra trung ương". Ngày 30/12/2014, Ban bí thư đã ra thông báo về quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Trần Văn Truyền.

Vụ án “biệt thự khủng” của ông Trần Văn Truyền tưởng như đóng lại từ cuối năm 2014 sau khi Ban bí thư đưa ra kết luận; nhưng thực tế vẫn còn ầm ĩ .

Thứ nhất, những người đứng sau báo Người cao tuổi không hài lòng quyết định kỷ luật “cảnh cáo” của Ban bí thư đối với ông Trần Văn Truyền. Đây là quyết định bao che theo kiểu ‘đánh chuột sợ vỡ bình” của Nguyễn Phú Trọng và coi thường công luận khi đảng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng hiện nay.

Thứ hai, những người đang nắm bộ máy đảng thấy khó chịu khi những cán bộ về hưu trong Hội Người cao tuổi đã dùng áp lực của dư luận - qua việc phanh phui các vụ án tham nhũng trên mạng internet - gây thanh thế và làm suy giảm tư thế lãnh đạo thượng tầng.

Chính trong thế trận ầm ĩ đó, Ban bí thư đã phải dùng Bộ 4T để tìm cách đánh sập những người đứng đằng sau báo Người cao tuổi.

Ai Đứng Sau Báo Người Cao Tuổi

Báo Người cao tuổi là cơ quan thông tin của Hội người cao tuổi. Vì thế những thông tin, bài vở trên báo Người cao tuổi nằm trong sự chủ quản của Hội người cao tuổi. Đây không phải là một đoàn thể quần chúng bình thường. Nó là một đoàn thể ngoại vi của đảng CSVN nằm trong Mặt trận tổ quốc và có nhiệm vụ đoàn ngũ hóa những người lớn tuổi. Vì thế mà Hội có trụ sở riêng, có ngân sách riêng và nhất là có đảng ủy riêng để lèo lái các hoạt động của Hội.

Hội người cao tuổi hiện được lãnh đạo bởi chủ tịch là bà Cù Thị Hậu, đại biểu quốc hội, anh hùng lao động và 3 phó chủ tịch là ông Đàm Hữu Đắc, Phạm Thị Sơn, Nguyễn Trọng Vinh cùng với một ban thường vụ gồm có 15 người.

Điểm đặc biệt của Hội người cao tuổi là có một ban chấp hành trung ương rất hùng hậu. Ngoài danh sách các Chủ tịch Hội tại các Tỉnh, Thành trên cả nước, còn có sự tham dự của đại diện của một số đoàn thể lớn nằm trong Mặt trận tổ quốc như Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam; Võ Văn Cận, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Lưu Duy Dần, Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam; Nguyễn Văn Đắc, Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao; Vũ Hoan, Hiệp Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Linh mục Phan Khắc Từ, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Võ Văn Trác, Hội Làm vườn Việt Nam; Trần Hữu Thăng (Hội Y học Việt Nam); Lê Thắng (Câu lạc bộ Sĩ quan Bộ Công an) vân, vân….

Ngoài ra Hội người cao tuổi còn là nơi quy tụ những thành phần cựu cán bộ cao cấp từng ở trong đảng, nhà nước, chính phủ tham gia sau khi về hưu. Thành phần “lão thành cách mạng” này không chỉ là những nhân tố giúp cho Hội người cao tuổi có tiếng nói và tư thế lớn đối với các đoàn thể khác, mà còn là nơi “lưu giữ” những thông tin nhạy cảm của các cán bộ cao cấp đã về hưu hay còn tại chức.

Chính nhờ luồng thông tin nhạy cảm và chỗ dựa vững chắc này mà trong 5 năm qua, báo Người cao tuổi đã phanh phui hơn 1500 hồ sơ tham nhũng từ cấp địa phương lên đến cấp trung ương. Nhờ đặc điểm này mà báo Người cao tuổi đã qua mặt nhiều báo khác và có một vị trí đặc biệt trong làng báo Việt Nam hiện nay.

Dùng Áp Lực Bên Ngoài

Những diễn biến nói trên cho thấy là hệ thống quyền lực của đảng CSVN đang có vấn đề rất lớn. Thay vì dùng quyền lực đảng để giải quyết, mỗi bên lại viện dẫn luật pháp để đổ tội sai phạm cho nhau và dùng dư luận bên ngoài để tạo áp lực bên trong.

Bộ 4T đã dùng một số báo chí thân cận loan tải những nội dung bênh vực các lập luận của họ. Ngược lại bà Cù Thị Hậu, ông Kim Quốc Hoa tán phát ba bài chỉ trích những sai phạm của Bộ 4T lên mạng xã hội và kể cả báo in qua hệ thống của Hội ở các Tỉnh, Thành. Bà Cù Thị Hậu còn nhanh chóng lên tiếng phản bác những kết luận sai trái của Bộ 4T, cho rằng đoàn thanh tra có dấu hiệu quy chụp, thiếu dân chủ.

Mấu chốt của những tố cáo “sai phạm” giữa Bộ 4T và báo Người cao tuổi hiện nay chính là vấn đề “xử lý” nạn tham nhũng. Trận chiến này đã được ông Nguyễn Phú Trọng tung ra từ cuối năm 2011 nhằm tấn công phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, nhưng nay đã trở thành vấn nạn cho chính đảng CSVN, vì phe nào cũng nhân danh “chống” và “xử lý” tham nhũng để bôi nhau.

Muốn bôi nhau hiệu quả hầu khuynh loát được quyền lực, các phe đã dùng “dự luận bên ngoài” để “gây áp lực bên trong” vì quá khứ cho thấy là những vụ điều tra, truy tố không mấy hiệu quả do hiện tượng bao che lẫn nhau.

Sự ra đời của những trang Blog Quan Làm BáoTư Sang Nham Hiểm vào năm 2012 là đợt mở đầu “dùng dư luận bên ngoài” tấn công bên trong bằng cách tiết lộ một số thông tin nhạy cảm của Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang.

Gần đây là sự xuất hiện của Blog Chân Dung Quyền Lực ngay vào lúc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng 12 vào cuối năm 2014, phanh phui những tin tức nhạy cảm của gia đình Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Bá Thanh hay tấn công uy tín của Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang để khuấy động dư luận hầu tạo áp lực bên trong.

Đây không phải là sáng kiến mới lạ mà hầu hết các phe nhóm trong những chế độ độc tài cộng sản đã xử dụng để tấn công lẫn nhau và nhất là để dồn trách nhiệm, trước khi hạ gục một đối thủ nào đó.

Hai năm trước khi sụp đổ vào các năm 1986 và 1987, các phe nhóm trong những chế độ cộng sản tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức cũng đã tung ra những tin tức tham nhũng, cuộc sống giàu sang, hưởng thụ của một số ủy viên Bộ chính trị qua truyền đơn, bài viết nặc danh để đòi hỏi đảng phải điều tra.

Đương nhiên cấp lãnh đạo thì kết án những loại tin này là độc hại, ra lệnh ngăn chận, tẩy chay; nhưng điều tác hại khó lường của các diễn biến nói trên là nội bộ đảng không còn tin tuyệt đối vào cấp lãnh đạo và bắt đầu đòi hỏi mọi quyết định phải mang ra thảo luận và biểu quyết ở trung ương.

Khi quyền lực tuyệt đối không còn nằm trong tay Tổng bí thư hay Bộ chính trị mà phải chuyển dần sang cho Trung ương đảng với nhiều phe nhóm chi phối, kể cả những thành phần lãnh đạo đã về hưu nhảy vào khuynh loát, sự lãnh đạo và các quyết định của đảng sẽ liên tục bị thay đổi và rơi vào thế lúng túng trước những áp lực đòi chấn chỉnh của người dân, trước khi sụp đổ.

Tại hội nghị 10 của Trung ương đảng vào đầu tháng 1/2015, đảng CSVN đang rơi vào vết mòn của Đông Âu cách nay 28 năm. Đó là lần đầu tiên, Trung ương đảng CSVN bỏ phiếu đề cử 22 thành viên Bộ chính trị và Ban bí thư, cũng như 229 thành viên Trung ương đảng cho nhiệm kỳ 2016-2021 mà không chờ đến đại hội đảng 12 vào tháng 1/2016.

Trước đây trách nhiệm tuyển chọn nhân sự thường nằm trong tay Tổng bí thư đảng và Bộ chính trị. Nay trách nhiệm này rơi vào tay Trung ương đảng cho thấy là hệ thống quyền lực của đảng CSVN thật sự đang rơi vào sự chi phối của nhiều nhóm ảnh hưởng, chứ không còn tập trung trong tay vài thành viên Bộ chính trị.

Chính sự chuyển hóa quyền lực này đã và đang manh nha xuất hiện qua sự đối đầu giữa Bộ 4T và báo Người cao tuổi mà trước đây chưa hề xảy ra. Đây không đơn thuần là sự bất bình về cách làm việc giữa hai cơ quan, mà là sự đối đầu của hai nhóm người quyền lực muốn gia tăng ảnh hưởng bằng cách dùng áp lực bên ngoài để tranh giành thế chủ đạo của mình.

*
Cuối cùng có thể ông Kim Quốc Hoa sẽ phải rời trách nhiệm Tổng biên tập báo Người cao tuổi để tránh những tổn thương quyền lực của Bộ 4T, nơi mà CSVN đang cố giữ chặt để khống chế dư luận. Nhưng ông Kim Quốc Hoa và khối nhân sự từng nắm những thông tin nhạy cảm trong Hội người cao tuổi sẽ không chịu thua. Đây là lúc nhiều trang Blog phanh phui tham nhũng sẽ xuất hiện để dùng những áp lực bên ngoài thu hẹp dần khả năng kiểm soát của chế độ lên xã hội.

Lý Thái Hùng
Ngày 15/2/2015





No comments:

Post a Comment

View My Stats