Phỏng vấn Xuân Ất Mùi
Trần Vũ
thực hiện
20.02.2015
Sinh
1960 và tốt nghiệp ngành Văn khố tại Đông Đức, Phạm Thị Hoài là một trong những
gương mặt chính của Phong trào Văn chương Phản kháng giai đoạn 1986-1989. Sau Thiên
Sứ đoạt giải “Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất” tại Đức năm 1993 và Thực
Đơn Chủ Nhật quay thành phim trên truyền hình Đức, Phạm Thị Hoài thiên về
thể tiểu luận mà trí tuệ và cú pháp làm nên đặc điểm. Từ 2001, Phạm Thị Hoài
làm chủ biên trang Talawas rồi Pro&Contra, cùng lúc dịch các tác phẩm của
Franz Kafka, Bertolt Brecht và Friedrich Dürrenmatt.
Trần
Vũ: Từng sống dưới tầng hầm của Viện Sử học Hà Nội
nhiều năm tháng, Phạm Thị Hoài thời sinh viên đã đón mùa Xuân dưới nền xi-măng
lịch sử này ra sao? Có phải trong căn hầm này Phạm Thị Hoài quan sát và thâu nạp
chất liệu cho tiểu thuyết Marie Sến?
Những mùa Xuân tự do đầu tiên tại Bá Linh, khám phá Thomas Mann và tiểu thuyết Bác Sĩ Faustus, Phạm Thị Hoài tin như
Thomas Mann từng viết: “Chúng tôi là một dân tộc ưa chuộng định mệnh và mang
linh hồn thảm khốc mãnh liệt.”? Thomas Mann khi lưu vong tại Hoa Kỳ cũng từng
trả lời Dr Joseph Goebbels: “Tôi ở đâu, đó là nước Đức. Tôi mang theo mình nền
văn hóa Đức của tôi.”… Còn Phạm Thị Hoài?
Phạm
Thị Hoài:
Các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam thường là những thành trì tư
tưởng bảo thủ. Người ta có thể trú trọn cuộc đời công chức hàn lâm ở đó mà
không hề trải qua một biến động nào lớn hơn sự lần hồi lão hóa của chính mình.
Tuy vậy, đối với tôi, Viện Sử học thời gian ấy là một cơ quan hào phóng. Nó
không đòi hỏi gì ở tôi ngoài việc ngày nào cũng có mặt, còn lại thì gần như tuyệt
đối tự do. Thủ trưởng trực tiếp của tôi, ông Dương Trung Quốc, và Viện trưởng,
ông Văn Tạo, cũng như chuyên gia cao cấp, ông Hồng Phong, đều không hề phản đối
việc tôi ăn biên chế của Viện mà lại ngồi cả ngày ở đó để dịch truyện và viết
văn chứ không đóng góp gì vào công cuộc nghiên cứu lịch sử nước nhà. Có lẽ vì lịch
sử nước nhà đã được viết xong, đâu vào đấy cả rồi, để những người như tôi đụng
vào không có lợi gì, mà bản thân tôi cũng không có một tham vọng nào về hướng
đó. Tôi còn được Viện cấp giấy giới thiệu đi học một khóa Hán-Nôm. Giữa những
năm tám mươi học tiếng Tàu là việc bị kiểm soát khắt khe, lớp tôi học gồm toàn
các nhà sư và vài người mà tôi nghe các vị nhà chùa rỉ tai là mật vụ. Rồi khi
lâm vào cảnh vô gia cư, tôi lại được cấp ngay chỗ ở tạm dưới tầng hầm. Đấy là một
tòa biệt thự kiểu Pháp, tầng hầm cũng kiên cố và khá khô ráo, ra vào thì phải
lom khom chui qua một khung vuông, mỗi bề chừng tám mươi phân, nhưng bên trong
thì người nhỏ bé như tôi có thể đứng thẳng, trần vẫn cách đầu vài phân. Dĩ
nhiên là tôi chung sống với tất cả những cư dân thường gặp ở tầng hầm, bây giờ
nghĩ lại thì ghê, nhưng quả thật khi đó tôi không thấy bất bình khi phải mời mấy
bác chuột sang một góc xa hơn, hay xua các em gián, các em thằn lằn đi chơi chỗ
khác. Tuổi trẻ đúng là kì diệu, mùa nào cũng là mùa Xuân, ngày nào mặt trời
cũng ghé xuống cả nơi thấp nhất. Marie Sến là một hommage cho thời
gian ấy. Sống ngay tại trụ sở 38 Hàng Chuối của Viện, tôi lại được cái thú là
chiều tối thỉnh thoảng ngồi hàng nước góc phố Phạm Đình Hổ xem ông Đỗ Mười mặc pyjama
kẻ sọc như quần áo tù ra trước cửa hóng mát và chuyện gẫu với lính gác, lời lẽ
thô sơ hơn cả mặt mũi, tăm ngậm miệng, tác phong rất là nhân dân.
Với
các tác phẩm của Thomas Mann, phải nói ngay là tôi không thấy gắn bó nhiều lắm.
Có thể vì ông ấy là một tác giả bắt buộc, là hiện thân của văn học Đức, như
Goethe, và cả hai đều theo đuổi chủ đề nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ, như thể nó
cũng là bắt buộc trong văn học Đức. Điều tuyệt đối giống nhau giữa văn chương
và tình yêu là cả hai dựa trên sự tự nguyện. Dĩ nhiên chẳng có tình yêu nào là
thuần túy, rất nhiều khi cái mà chúng ta tưởng là cảm xúc lãng mạn bay bổng của
trái tim thực chất lại là cảm giác sung sướng tột đỉnh trước kết quả mĩ mãn của
một phép tính đầy lí trí trên thị trường tình cảm. Nhưng cơ sở vẫn phải là sự lựa
chọn tự nguyện. Trong các tác giả của dòng họ văn chương Mann danh tiếng, tôi
chỉ tự nguyện đọc Klaus Mann, mà lại đọc đúng vào Mephisto, cũng một tác
phẩm về nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ. Một vấn đề nữa của Doktor Faustus
là nó ôm rất nhiều câu hỏi lớn của văn hóa, chính trị và lịch sử Đức tính đến
khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, vì thế bạn không cần tự đọc một dòng nào
trong cuốn tiểu thuyết rất dày, rất khó đọc trọn vẹn này, nhưng vẫn có thể có cảm
giác đã biết về nó. Nó được trích dẫn, phân tích, được nhắc đến trong vô số ngữ
cảnh. Tôi không được học hành gì và hoàn toàn không có thiên hướng về âm nhạc,
nhưng vẫn cứ tự động biết đến những suy tư, lập thuyết, thậm chí cả những chi
tiết nhầm lẫn về âm nhạc rất thú vị trong tác phẩm này. Nhân vật trung tâm của
cuốn tiểu thuyết, một nhà soạn nhạc, cuối cùng sẽ sáng tạo một tác phẩm âm nhạc
12 cung, trước khi mất trí. Cả Arnold Schönberg, cha đẻ của lý thuyết âm nhạc
này lẫn Theodor Adorno, tác giả của chuyên luận Philosophie der neuen Musik
(Triết học của tân nhạc) bàn về hai trường phái sáng tác, Schönberg và
Strawinsky, mà Thomas Mann sẽ trích dẫn nguyên văn nhiều đoạn trong Doktor
Faustus, cũng như ông, đều lưu vong, là láng giềng của nhau, gặp gỡ nhau
trong ngôi biệt thự khang trang của Thomas Mann tại San Remo Drive, California,
do hai kiến trúc sư từ Berlin sang tị nạn thiết kết, theo phong cách Bauhaus.
Quan hệ phức tạp và đầy xung đột của bộ ba này là đề tài mầu mỡ cho cả truyền
thông lẫn giới nghiên cứu.
Chính
phần đời lưu vong này của Thomas Mann, người được coi là tiếng nói của nước Đức
dân chủ ở hải ngoại, khiến tôi quan tâm đặc biệt, nhất là cuộc tranh luận về
“lưu vong tại nội” (innere Emigration), bùng lên ngay sau khi chính quyền
Hitler sụp đổ. Một nhà báo Đức, Frank Thiess, chỉ trích Thomas Mann rằng ông đã
bỏ rơi đất nước và ngôn ngữ Đức để ung dung tranh đấu từ chốn lưu vong sang trọng
đầy ánh nắng bên bờ Thái Bình Dương, ông chẳng biết gì về thực trạng nước Đức
dưới chế độ Quốc xã và chẳng đóng góp được điều gì, trong khi chính các nhà
văn, nghệ sĩ, trí thức tuy đối lập với chế độ nhưng vẫn bám trụ ở trong nước để
thầm lặng tác động và tìm cách thay đổi chế độ, những người “lưu vong tại nội” ấy,
lưu vong trên chính quê hương mình hay lưu vong trong tâm tưởng, đối lập với
“lưu vong xuất ngoại” (äußere Emigration), mới thực sự là những nhân tố
mà một nước Đức mới đang cần. Về phần mình, Thomas Mann nổi giận với những người
tự mệnh danh là “lưu vong tại nội” đó, gọi họ là “những kẻ rúc xó lò sưởi của bất
hạnh” (Ofenhocker des Unglückes). Nếu quả có một trường phái “lưu vong tại
nội” thì đại diện của nó khá thưa thớt và ảnh hưởng của nó còn ít hơn cả thầm lặng.
Cuối cùng Thomas Mann đã quyết định không trở về quê hương, mà chọn Zürich, Thụy
Sĩ, cho phần đời còn lại. Ông phải ghi nhận là nước Đức đã trở nên lạ lẫm với
mình.
Dù
có một số tương đồng, nhưng hoàn cảnh hiện tại của các nhà văn viết tiếng Việt
tại hải ngoại khác với các nhà văn Đức lưu vong hơn ba phần tư thế kỉ trước.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những khái niệm “quê hương”, “đất nước”
đã thay đổi cả về nghĩa và ý nghĩa. Cá nhân tôi thấy dễ sống hơn khi không bị
ràng buộc vào một quê hương nào. Nếu phải có Tổ quốc, tôi thích được nhiều Tổ
quốc hơn duy nhất chỉ có một. Và chừng nào còn viết tiếng Việt, hiển nhiên là
tôi mang theo mình một phần nền văn hóa Việt. Nền văn hóa Việt của tôi, vì đó
là tiếng Việt của tôi, kết quả của sự cọ xát thường trực với ngôn ngữ thứ hai
mà tôi làm chủ, tiếng Đức.
Bài đã đăng của Trần
Vũ :
No comments:
Post a Comment