12:47:am 18/02/15
Đây
là một cuốn phim tôi đã xem 2 lần, khen hay và dự trù sẽ có một bài nhận định
ngắn nói rõ hay ở những điểm nào. Nhưng trước khi tôi thực hiện ý định
thì nhận được bài bình luận của một cây viết gạo cội, đó là nhà văn Giao Chỉ.
Ông chê cuốn phim một cách tàn mạt, gọi đó là “Một phim chết tiệt” và còn chuyển
dịch tựa đề “Last Days in ViêtNam” thành “Sự Phản Bội Cuối Cùng”.
Thông
thường, một cuốn phim được người này khen, người khác chê cũng chẳng có gì lạ,
nhưng khi người có cái nhìn hoàn toàn đối nghịch với mình lại là nhà văn Giao
Chỉ, là một cựu sĩ quan cấp Tá của quân lực VNCH và cũng là một trong số những
nhân vật lãnh đạo cộng đồng người Việt tỵ nạn CS từ nhiều năm qua, quan điểm của
ông xem ra không chỉ là ý kiến cá nhân mà phản ảnh lối nhìn của một số người
khác trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi thấy bài viết dự trù không nên
chỉ giới hạn vào cuốn phim mà cần có phần đối thoại với quan điểm mà Giao Chỉ đại
diện, mong vấn đề được nhận định rộng rãi và khách quan hơn.
Mở
đầu bài viết của ông, Giao Chỉ cho rằng:
“Thông
điệp chính của cuốn phim là gì? Trình bầy sự hoảng loạn của quân dân VNCH và sự
bình tĩnh tận tâm của Mỹ cứu vớt người Việt Nam vào ngày cuối cùng. Hoa Kỳ muốn
nói rằng họ đã nỗ lực, nhưng rất ân hận là vào giờ chót phải bỏ rơi vào khoảng…
400 người.”
Cá
nhân tôi và chắc còn nhiều bạn đã coi phim không đồng ý với cảm nghĩ này. Vào
thời điểm cuối tháng 4/75, sự hoảng loạn của quân dân VNCH là điều dĩ nhiên, nếu
cuốn phim không có những hình ảnh này thì là điều vô lý. Nhưng bảo là người làm
phim muốn phô diễn sự bình tĩnh của Hoa Kỳ bên cạnh tình trạng hoảng loạn này
thì không đúng. Rõ ràng phim cũng nêu ra tình trạng luống cuống của phía Hoa Kỳ.
Chính cái nhìn sai lạc khởi đầu này đã làm cho Giao Chỉ, và những ai cùng chung
tâm trạng với ông, không còn khách quan trong các nhận định kế tiếp.
Những
ai đã trải qua những ngày cuối tháng 4/1975 tại Miền Nam VN, không riêng gì
Giao Chỉ, đều không khỏi sót sa trước cảnh mất nước và tuyệt vọng của của đồng
bào , và của chính mình. Trong cương vị một sĩ quan cao cấp, một nhà trí thức
trong xã hội Miền Nam VN thời đó, nỗi đau đớn của GC tất nhiêu sâu đậm hơn những
đồng bào không ở vị trí quan trọng như ông trong guồng máy quân đội và chính
quyền của VNCH. Vào lúc đó, người VN có chút hiểu biết đều không tránh khỏi căm
hận đối với Hoa Kỳ. Làm sao không căm hận khi những người bạn đồng minh từng
cùng sống chết với mình trong cuộc chiến chống cộng trước đó không lâu, nay thản
nhiên chấm dứt mọi hỗ trợ sinh tử cho cuộc tranh đấu tự vệ của VNCH.
Ở
một đoạn khác, Giao Chỉ cũng vẫn có cái nhìn thiên lệch và nhiều cảm
tính, đã viết:
“Phim
đã chẳng ra làm sao, tài tử bình luận chính lại là Kissinger đóng vai nhà chính
khách nhân đạo, thương yêu Việt Nam hết sức. Ông muốn cứu thêm mà ngoài khả
năng.”
Cá
nhân tôi, và chắc hẳn nhiều khán giả khác, đã không để ý tới đoạn xuất hiện của
Kissinger. Vai trò của Kissinger rất mờ nhạt trong cuốn phim này, người coi
quan tâm và nhớ tới nhiều nhân vật khác hơn là Kissinger. Nhưng Giao Chỉ, và
nhiều bạn lớn tuổi của tôi, thì không “thương” được Kissinger, và dầu xuất hiện
ít cũng là … quá nhiều.
Khi
phim Last Days in Viêtnam được phổ biến tại quốc nội, qua thông tin tôi nhận được,
thì nhiều đồng bào lớn tuổi sống tại Miền Nam đã có ít nhiều hiểu biết trước
30/4/1975 đều coi phim với tình cảm ray rứt… Coi mà rơi nước mắt, có người
không dám coi hết cuốn phim… Đối với đồng bào sống tại Miền Bắc và những ai
sinh ra sau 1975, tôi chưa biết được cảm nghĩ của họ ra sao. Còn với đồng bào hải
ngoại, trong số lớn tuổi, nhiều người cũng có cái nhìn và phản ứng rất giống
nhà văn Giao Chỉ. Điều này có thể thông cảm nhưng không thể chấp nhận. Tôi thấy
việc chê bai phim Last Days in VietNam theo cách của Giao Chỉ là một việc làm
không công bằng và không đúng.
Bà
Rory Kennedy đã thực hiện cuốn phim trong mục đích của Bà. Đây là cuốn
phim diễn lại những ngày cuối của những người Mỹ và trên 100 ngàn người dân Việt
Miền Nam khi họ tìm cách thoát khỏi VN trước làn sóng xâm lăng của CS Bắc Việt.
Các
hình ảnh về sự xụp đổ của VNCH là những dữ kiện lịch sử đau lòng đã được trình
bầy trên báo chí suốt trong mấy chục năm qua, người làm phim không có ý xấu ngụy
tạo hay bôi đen phía người Việt chống cộng. Các dữ kiện trình bầy trong phim thể
hiện nguyên tắc quân bình của truyền thông Hoa Kỳ: Người Mỹ đã vượt nhiều khó
khăn, giúp di tản được một số đông người Việt đi tỵ nạn nhưng đã bỏ rơi hơn 420
người ở lại Toà Đại sứ. Họ đã giữ được lời hứa với một số người những đã phải
nói dối một số người khác. Phim có bênh vực phía người Mỹ nhưng không bênh một
cách lộ liễu. Nay nếu chỉ nhìn vào con số 420 người bị bỏ rơi, rồi còn quảng diễn
thêm thì chỉ là thể hiện thái độ giận hờn thuần tình cảm. Chỉ nên trách
nhà làm phim nếu có những hình ảnh nguỵ tạo hay sai lạc, không nên trách sao
không có cảnh này hay chi tiết kia vì đó chỉ là ý kiến chủ quan của người coi,
không có cùng mục đích và sự hiểu biết như người thực hiện phim.
Cuốn
phim Last Days in Vietnam có trọng điểm là nói lên nỗ lực của Hoa Kỳ để di tản
tối đa số người VN đang tìm mọi cách để thoát khỏi vòng vây ngày càng thắt chặt
của quân đội CS Bắc Việt. Sự việc trong số cả ngàn người Việt đã tràn vào Toà Đại
Sứ Mỹ có 420 người bị bỏ rơi lại là một sự thật nghẹt thở nhưng chắc chắn chẳng
thể tránh được. Trong khi đó, sự kiện có hàng trăm chuyến trực thăng di chuyển
người trong những điều kiện ngặt nghèo mà không một tai nạn nào xẩy ra cũng là
một thành quả kỹ thuật đáng khâm phục. Rồi đoàn tầu di tản gần một trăm chiếc với
khối người đông như kiến đã vượt biển đến được Phi Luật Tân rồi được chuyển
nhanh chóng tới các trung tâm tạm cư cũng phải nhờ sự nỗ lực của nhiều người có
khả năng và thiện chí.
Trong
khung cảnh cả VNCH và Hoa Kỳ đều thất trận vào tháng 4/1975, đắng cay và oán hận
lẫn nhau là phản ứng tự nhiên, nhưng tiếp tục trách cứ nhiều thập niên sau đó,
nhất là với thành phần đã được định cư tại Hoa Kỳ, thì không công bằng và
vô ích. Nay, khi có người làm phim tìm cách soi rọi vài điểm son trong hoàn cảnh
cuộc thất bại chung đó thì là việc làm tốt, chẳng nên lên án.
Trở
lại với mục tiêu chính của bài viết này là nhận định về cuốn phim và nhân đó
nhìn qua bối cảnh lịch sử của VN, Hoa Kỳ và Thế giới vào năm 1975. Cuốn phim là
một biệt lệ trong số những tài liệu lên án Mỹ trong những thập niên qua. Về
phía người Việt, nếu chỉ nhìn đơn thuần là “phản bội đồng minh” thì là đã phủ
nhận nhu cầu chính trị mà Hoa Kỳ cần có vào thời điểm bấy giờ. Không thể nào
đòi hỏi hay chờ đợi chính quyền Mỹ phải đặt quyền lợi của đồng minh VNCH lên
trước quyền lợi hay nhu cầu của chính Hoa Kỳ.
Vào
đầu thập niên 70, đối diện với áp lực quân sự của Liên Xô, phong trào phản chiến
do khối Cộng chủ động và tình hình ở Trung Đông, tách rời thế đồng minh của
Liên Xô và Trung Cộng là nhu cầu chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, việc tìm cách
“bắt tay” với Trung cộng rõ ràng là lợi ích to lớn về phía Mỹ, chưa kể là chuyện
tách rời thế liên kết Nga Xô – Trung cộng cũng đồng thời làm giảm đi sự hậu thuẫn
của TC đối với VC. Cho nên Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh và triệt
thoái quân đội Mỹ khỏi VN là một thành công ngoại giao to lớn của Mỹ, cho phép
Mỹ thoát khỏi thế bế tắc tại VN. Bảo rằng Hiệp định Paris là văn kiện thất trận
của Mỹ (chính quyền Nixon) và VNCH e rằng không chính xác. VNCH và Mỹ chỉ
thật sự thất bại vì tình hình chính trị nội bộ của Mỹ với biến cố Watergate, vị
trí toàn cầu của nước Mỹ không còn như cũ khi TT Nixon thoái vị, thay thế bởi
nước Mỹ với TT Ford. Khi Nixon bị truất phế thì hậu thuẫn to lớn của VNCH không
còn nữa và hiển nhiên là cuộc tổng tấn công của CS BV là hậu quả tất nhiên của
Watergate.
Dư
luận về phía cựu chính giới VNCH đặc biệt lên án ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry
Kissinger, thậm chí còn cho rằng phim Last Days in VN là một cố gắng bào chữa
cho Kissinger xem ra không thuyết phục. Có thể nói trong hoàn cảnh thế giới vào
đầu 1970, bất cứ người phụ trách ngoại giao nào của Hoa Kỳ cũng có chọn lựa
không khác Kissinger là bao.
Xin
gửi bạn đọc một Youtube về tình hình Việt Nam vào năm 1973 và nguyên nhân dẫn tới
thất bại năm 1975.
The Truth about the Vietnam War
Sau
cùng, nhìn vào nhu cầu chính trị của năm 2015, thì một cuốn phim nói lên khía cạnh
tốt của người Mỹ trong tương quan Mỹ Việt sẽ có lợi cho “phía chúng ta” hơn. Cảm
tình của quần chúng Việt Nam đối với Mỹ là yếu tố khiến Việt Nam, dầu còn là dướI
chế độ Việt Cộng, bớt bị cuốn hút vào vòng chi phối bởi Trung Cộng. Một chế độ
Cộng Sản VN gần với Mỹ sẽ dễ được chuyển hóa hơn là nếu chế độ đó bám chặt lấy
quan thầy Trung Cộng. Những thái độ “hận Mỹ” và chống đối “hợp tác giữa Mỹ và
CSVN” chỉ là để giải toả những ẩn ức trong quá khứ và có tác dụng tiêu cực
trong hiện tại.
Tóm
lại phim “LastDays in Vietnam” là một phim tài liệu tương đối khách quan và đầy
đủ mô tả tình trạng bi đát của những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ
bởi cuộc tấn công của quân CS Bắc Việt. Phim không mô tả tình trạng của chế độ
VNCH vào những ngày này mà nhắm tường thuật vụ đào thoát của hàng trăm ngàn người
Việt tìm cách bỏ nước ra đi trước khi Việt cộng tràn tới.
Giới
trẻ VN ở trong và ngoài nước nên coi phim này để biết giá trị của Tự Do và
trang sử đau thương của VN vào tháng 4 năm 1975.
©
Hoàng Cơ Định
------------------------------------
Phim “Last Days in Vietnam” - Những ngày cuối
cùng ở Việt Nam
.
.
http://www.danchimviet.info/archives/93628/last-days-in-vietnam-tra-loi-cua-tac-gia-giao-chi/2015/02
.
Trần Diệu Chân
30/01/2015
.
.
.
Linh Nguyễn/Người Việt 26-1-2015
.
Giao Chỉ, San Jose 22-1-2015
.
.
Bùi Văn Phú Gửi cho BBC Việt ngữ từ Hoa Kỳ
.
.
Ðiểm phim tài liệu 'Last Days in Vietnam' -
Người Việt 30-9-2014
.
.
Free Vietnam .Now 24-9-2014
.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/a-review-of-rory-kennedy-s-last-days-in-vietnam-09122014142957.html
.
12-9-2014
.
--------------------
The Lucky Few, The Story
of the USS Kirk (Full DVD. English)
No comments:
Post a Comment