Wednesday, 11 February 2015

Phe nổi dậy Ukraine 'bao vây' Debaltseve (BBC)





BBC  
10-2-2015

Phe nổi dậy tuyên bố đã bao vây thị trấn Debaltseve, trong lúc quân đội Ukraine cho biết giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát một tuyến tiếp tế chính vẫn tiếp diễn.

Các vụ đụng độ ác liệt đang diễn ra tại thị trấn này, nơi có tuyến đường sắt nối liền giữa vùng Donetsk và Luhansk.

Chính phủ Ukraine cho biết giao tranh đã khiến chín binh sỹ và ít nhất bảy thường dân thiệt mạng trong vòng 24 tiếng qua.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Đông Ukraine thất bại.

Nga đã vi phạm "mọi cam kết" trong thỏa thuận tại Minsk, ông nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức về một sáng kiến hòa bình mới.

Ông Obama đang bị nhiều quan chức cao cấp của Hoa Kỳ gây áp lực về việc viện trợ vũ khí, bất chấp sự phản đối từ bà Angela Merkel.

Nga đã nhiều lần phủ nhận đang vũ trang và chi viện quân chính quy cho phe nổi dậy.

Các nỗ lực ngoại giao mới nhất diễn ra giữa lúc giao tranh tiếp tục bùng phát giữa lực lượng nổi dậy thân Nga và quân chính phủ Ukraine.

Khủng hoảng tại Ukraine đã cướp đi hơn 5.300 sinh mạng và khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Bà Merkel đã có cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ tại Washington hôm 9/2 để thảo luận về nỗ lực Pháp-Đức trong việc phục hồi kế hoạch hòa bình tại Minsk, vốn đã đổ vỡ do các đợt giao tranh trong mùa đông.

Dù chưa được công bố chi tiết, nhưng các đề xuất mới được cho là bao gồm một vùng phi quân sự dài 50-70km xung quanh tiền tuyến hiện nay.

Đối thoại bốn bên Nga, Ukraine, Đức, Pháp, nhằm thảo luận về các đề xuất này dự kiến sẽ diễn ra tại Minsk, thủ đô của Belarus.

'Phương án đang được xem xét'

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Đức, Tổng thống Obama nói khả năng cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine vẫn đang được xem xét.

"Tôi đã yêu cầu các cố vấn của mình xem xét mọi khả năng, nếu nỗ lực ngoại giao thất bại", ông nói, đồng thời cho biết việc cung cấp vũ khí sát thương là một trong những phương án đang được thảo luận.

Bà Merkel, người công khai chống lại việc viện trợ vũ khí sát thương, thừa nhận đang gặp nhiều trở ngại trong nỗ lực đi đến một giải pháp ngoại giao với Nga về Ukraine, nhưng cũng nói sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này.

Trong khi đó, ông Obama đã lên án hành động xâm lược của Nga và cho biết các đường biên giới của châu Âu không thể "được vẽ lại dưới họng súng".

Tuy nhiên hành động xâm lược này cũng đang giúp thắt chặt sự đoàn kết của Hoa Kỳ và các đồng mình châu Âu, ông nói thêm.

Tại cuộc họp ở Brussels hôm 9/2, các ngoại trưởng EU đã nhất trí gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, dù những lệnh này sẽ được hoãn thực thi trong một tuần để tạo cơ hội cho nỗ lực tìm kiếm hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng đang xem xét các đề xuất từ Đức và Pháp, trước đó đã đổ lỗi cho phương Tây gây ra khủng hoảng tại Ukraine, vi phạm các cam kết về việc không mở rộng Nato và ép buộc các nước phải chọn giữa Nga hoặc phương Tây.

Bình luận trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo của Ai Cập, ông Putin cáo buộc các nước phương Tây đã hậu thuẫn cho "cuộc đảo chính ở Kiev" - ám chỉ các cuộc biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hồi năm ngoái.

Ông này đã bị tước quyền lực sau khi rút lui khỏi một thỏa thuận giúp Ukraine thắt chặt quan hệ với EU.

Nga sau đó đã sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng nổi dậy ở miền đông đã tìm cách kiểm soát hoàn toàn các vùng Donetsk và Luhansk.

Quân nổi dậy cũng tuyên bố đã cắt đứt tuyến tiếp tế chính cho thị trấn Debaltseve sau khi giành quyền kiểm soát làng Lohvynove.

Tuy nhiên, người phát ngôn quân đội Ukraine Olexandr Matuzyanyk nói với BBC hai bên vẫn đang giao tranh nhằm làm chủ tuyến đường này.

Hàng nghìn binh sỹ Ukraine được cho là đang có mặt tại Debaltseve và khu vực lân cận.
Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại đây trong hơn một tuần qua và quân nổi dậy đang mở rộng vùng kiểm soát.

Nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Đức đang nhận phải sự chỉ trích gay gắt từ một số thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa, vốn đang kêu gọi viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.

"Người dân Ukraine đang bị tàn sát, vậy mà chúng ta lại gửi họ chăn và thức ăn. Làm sao lấy chăn chống lại xe tăng Nga?" Thượng Nghị sỹ John McCain nói tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Munich vào cuối tuần trước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry phủ nhận có sự chia rẽ giữa các lãnh đạo EU, đồng thời cho biết các nước này vẫn đang duy trì "sự đoàn kết" và tiếp tục "hợp tác chặt chẽ".

-----------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats