Thursday, 5 February 2015

Đọc Hậu Chuyện Kể Năm 2000 Và Ước Mơ Tự Do Cho Dân Tộc; Lễ Tưởng Niệm Bùi Ngọc Tấn, Ra Mắt Sách: Thứ Bảy 7-2-2015 ở Westminster (Phan Tấn Hải)





05/02/2015

Tác phẩm “Hậu Chuyện Kể Năm 2000: Thời Biến Đổi Gien” của nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn vừa được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành trong tuần này, và sẽ ra mắt sách vào Thứ Bảy 7/2/2015 tại Quận Cam.

Tác phẩm dày 570 trang này kể lại những chuyện trong khi và sau khi cuốn "Chuyện kể năm 2000" được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành -- ghi lại những gian nan khi tìm nơi in để lách qua các guồng máy công an từ Hà Nội tới Đà Nẵng, và cũng kể về chuyện khi công an tịch thu cả ngàn cuốn chưa phát hành đã cho xay thành bộ và đổ vào hầm acid cho tan ra.

Chính tác phẩm "Chuyện kể năm 2000" đã làm cho nhiều nhà phê bình thế giới so sánh trường hợp Bùi Ngoc Tấn với nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn thời Liên Xô.

Cũng chính tác phẩm "Chuyện kể năm 2000" cuả Bùi Ngọc Tấn đã gần như tức khắc đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp -- trong đó sớm nhất là bản tiếng Anh có tên A Tale for 2000, do Đào Phụ Hồ dịch -- và hồ sơ như4ững quần đảo tù ngục của VN được thế giới biết tới.

Tác phẩm “Hậu Chuyện Kể Năm 2000: Thời Biến Đổi Gien” là để nhìn lại, nhưng cũng nối tiếp những trình bày trung thực về hoàn cảnh công an trị tại quê nhà.

Trong Lời Bạt của “Hậu Chuyện Kể Năm 2000: Thời Biến Đổi Gien” đã có nhiều lời giới thiệu trang trọng, trong đó nêu lên vị trí độc đáo trong nền văn học VN của nhà văn quá cố Bùi Ngoc Tấn, cũng là một người bị tù mà không hiểu vì sao bị tù.

Nhà văn Trần Phong Vũ, trong Ban biên tập NXB Tiếng Quê Hương, vui mừng khi in xong Hậu Chuyện Kể Năm 2000.

Nhà văn Dương Tường nơi trang 498 viết, trích:
“...trong số năm tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn đã viết, Biển Và Chim Bói Cá là cuốn duy nhất đến được với công chúng mà không gặp trục trặc gì. Ba cuốn đầu, hoàn thành những năm 1960, bị tịch thu từ lúc còn ở dạng bản thảo, do đó không bao giờ được chào đời. Cuốn thứ tư, Chuyện Kể Năm 2000, tác phẩm khiến ông được mệnh danh là Solzhenitsyn Việt Nam, chưa hết thời gian lưu chiểu đã bị thu hồi tiêu hủy.
...Một chồng chất hỗn độn những nhân vật tuy khắc họa sắc nét, thậm chí đôi khi nổi bật như tác phẩm điêu khắc, nhưng hòa trộn thành một khối vô dạng hình, qua đó lấp ló sự suy tàn không tránh khỏi của cả một hệ thống. Một sử thi của tan rã, tôi những muốn nói thế.”(
ngưng trích)

Sử thi của tan rã? Đúng vậy. Sử thi, vì Bùi Ngoc Tấn viết văn chơn thật nhưng đầy chất thơ, vì lòng ông vẫn yêu thương cuộc đời kể cả khi bị công an trù dập phi lý.

Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi rằng Bùi Ngọc Tấn đã viết lên một thiên anh hùng ca, trích nơi trang 497:
“...Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đi vào một “vùng cấm”: Chuyện một người bị tù oan ức, chẳng vì cái gì cả... cuốn sách trở thành thiên anh hùng ca, khiêm nhường mà cảm động về con người, con người có thể qua được tất cả những gì xấu xa đen tối nhất, đi qua tất cả bùn lầy, giữ vững chất người của mình chống lại tất cả thế lực đen tối nhất muốn trừ tiệt chất người ở con người. Cuốn sách bị cấm, nhưng bằng nhiều cách vẫn được truyền tay rộng rãi, và tác giả được sự kính trọng của toàn xã hội....”

Thiên anh hùng ca... Đúng thế. Văn của Bùi Ngọc Tấn viết gọn ghẽ, có khi có nhiều câu ngắn dồn dập, mang chất thực của đời sông, và trong đó là nước mắt oan ức của cả những người liên hệ bị công an trù dập chỉ vì có người trong nhà bị tù oan -- và nhiều người tù oan kéo dài cả hai thập niên đã được Bùi Ngọc Tấn ghi lại một cách đơn giản trần trụi qua sức mạnh ngòi bút của ông.

Tướng Trần Độ, nhà bất đông chính kiến cao cấp nhất của những năm 2000s đã ghi lại, nơi trang 490:
“Chuyện Kể Năm 2000 là một cuốn truyện mà người đọc không thể kể lại được, không tóm tắt được, thậm chí không trích dẫn được bởi vì nói về tự do thì có trăm nghìn cảnh sống đều làm người ta phải đau đớn về sự mất tự do như một bộ quần áo, một đôi guốc, một cái điếu cày, một nhánh rau thơm, một lời chửi rủa, mắng mỏ đều có thể mang ý vị của tự do hoặc nỗi uất nghẹn của mất tự do. Cho nên muốn thuật lại, thì chỉ có cách chép lại toàn bộ cuốn sách... Nhiều nơi, nhiều người có ý kiến là phải đem cuốn tiểu thuyết này đi ứng cử giải Nobel văn học. Tôi thấy không phải là không có lý…”

Mất tự do... chỉ đơn giản mấy chữ, nhưng là một cánh cửa sụp xuống của một bầu trời đầy đen tối.

Nhà văn Trần Đình Nam, trưởng phòng Văn Nghệ nhà xuất bản Kim Đồng, kể lại:
“Vợ em bảo em mua một bộ Chuyện Kể Năm 2000 gói kỹ cất trong tủ để sau này con em lớn lên đọc....”

Vâng, đọc để biết một thời đâỳ nước mắt oan nghiệt của cha mẹ... trong hào quang kềm kẹp của Đảng CSVN.

Điều bất ngờ là, khi cuốn Chuyện Kể Năm 2000 bị công an tiến hành thu hồi, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã cùng góp sức tẩu tán các ấn bản... vì họ biết rằng đây là một tác phẩm kể lại sự thật của một thời đại, về chính thế hệ đau đớn của họ, về chính hoàn cảnh gia đình và bản thân bị áp bức của họ. Họ biết rằng nhà văn Bùi Ngoc5 Tấn bắt đầu bị bịt miệng, nhưng họ cùng nhau chuyển các ấn bản sót lại của ông ra để tán phát hy vọng tất cả người dân đều có thể đọc được tác phẩm này.

Bùi Ngọc Tấn kể lại trong Hậu Chuyện Kể Năm 2000 về giây phút khi các nhà văn giúp tẩu tán cuốn Chuyện Kể Năm 2000 cho ông:
“...Hai cô bạn gái nói về tác động tập sách đối với giới văn nghệ sĩ. Nhất là các nhà văn. Ai lấy cả một thùng 50 bộ. Ai lấy 20 bộ. Làm giúp công việc phát hành. Mua để tặng bè bạn. Dư luận đang rất xôn xao. Lại càng xôn xao khi có lệnh đình chỉ phát hành. Xe ô tô chở sách đến. Đó là một xe tải cỡ nhỏ. Xe đỗ ở ngã ba Trương Hán Siêu – Ngô Văn Sở. Luyến thật xốc vác, giải quyết công việc rất nhanh. Dặn dò người lái xe xong, chị và anh ta vần từ thùng xe xuống một thùng sách, đặt trên pooc-ba-ga xe Honda và cứ để nguyên như vậy, không chằng buộc, rồ máy biến vào đám đông. Tôi rất lo. Đã từng bị săn đuổi, tôi biết. Luyến chủ quan quá. Sơ hở quá. Mong rằng người ta chưa theo dõi gắt gao. (HCKN2000 - Trang 233)

Tại sao các nhà văn, nhà thơ trong tháng 3-200 đã liều Thân ra giúp tẩu tán cuốn sách đã có lệnh tịch thu?

Đơn giản vì tác phẩm Bùi NgọcTấn viết để nêu lên ước mơ gỡ xích xiềng, ước mơ sẽ có tự do dân chủ cho chính họ, cho các con của họ, cho tự do của tất cả đông bào và là cho tương lai dân tôc Việt.

Kính mời đồng hương tham dự Lễ tưởng niệm nhà văn Bùi Ngọc Tấn và ra mắt sách “Hậu chuyện kể năm 2000” từ 1pm, Thứ Bảy 7/2 tại Nhật báo Người Việt 14771 Moran St., Westminster, CA 92683. -

Trường hợp độc giả ở xa, không dự lễ được, muốn tìm mua, xin liên lạc:

TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O Box 4653
Falls Church – VA 22044
USA

Hay gửi email về:  uyenthao174@yahoo.com

Sách đề giá 25 USD sẽ giao tận nhà, thêm lệ phí bưu điện 3USD (tại Hoa Kỳ), hay 10 USD (ngoài Hoa Kỳ).

check hay money order ghi:   VLAC/Tiếng Quê Hương







No comments:

Post a Comment

View My Stats