Saturday 7 February 2015

NHỮNG Ý KIẾN CHUNG QUANH 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM - PHẦN 2 (Thư Quán Bản Thảo)





4.02.2015

(tiếp theo PHẦN 1)

LỮ QUỲNH: Đã có người đặt câu hỏi là, liệu những tác giả ở trong cuộc chiến (1963-1975), tác phẩm của họ đã đủ tầm để hiện diện bên cạnh những tác phẩm của các tác giả trước họ một thế hệ? (Sở dĩ có câu hỏi này, vì trong sinh hoạt văn học nghệ thuật thời gian qua, họ không được nhắc đến).
Tôi nghĩ chúng ta, nhất là những nhà phê bình (mà hầu như thời gian qua vắng bóng) nên tìm hiểu để thấy giá trị đích thực, một cách công tâm và công bằng cho một thời kỳ văn học máu lửa của dân tộc.

-Luân Hoán: Tôi khó có nhận định theo gợi ý của anh Lữ Quỳnh, mà không nói về một chút cái tôi: Nhờ sự rủi ro mất một bàn chân ngoài mặt trận, tôi được một vài nhắc nhở an ủi trước cũng như sau 1975, bởi quý tác giả Cao Thế Dung (Văn Học Hiện Đại), Võ Phiến (Văn Học Miền Nam – thơ).
Với cá nhân, các nhà biên khảo đã bỏ lơ có thể vì thi tài của tôi còn yếu kém, chưa đủ phản ảnh một nét gì cụ thể, một phần khác họ thiếu tài liệu cụ thể. Hai lý do thật chính đáng.
Tuy nhiên với các tác giả đồng thời khác, bị bỏ lơ, chính là sự thiếu sót rất đáng tiếc của giới biên khảo, nghiên cứu về văn học nghệ thuật. Trong nhận định hạn hẹp, không dẫn chứng, tôi tin tưởng lớp tác giả của giai đoạn 63-75 của anh Lữ Quỳnh nêu, rất xứng và cần thiết được đặt cạnh cùng các tác giả ở giai đoạn trước. Có như vậy mới trọn vẹn một giai đoạn văn học nghệ thuật của miền Nam. Điều cần là tìm lại tài liệu cũ để phổ biến. Những người viết mới không đề cập gì, cũng như không tỏ ra ảnh hưởng gì bởi tác phẩm của giai đoạn cũ, nhưng không có nghĩa họ không tìm đọc, không có rút tỉa gì ở những cái đã qua thời.

-Trần Văn Nam: Nhà văn Lữ Quỳnh đặt vấn đề tại sao các tác giả văn thơ trong thời chiến ít được nhắc đến, có phải vì văn thơ của họ chưa đủ tầm cỡ? Với bài “Các Thời Kỳ Văn học Miền Nam Từ 1963 Đến 1975”(Trong cuốn sách “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam” của Trần Văn Nam, xuất bản năm 2006 tại Hoa Kỳ), tôi cũng có thắc mắc này. Kiểm điểm thì chỉ biết Văn Học Miền Nam thường nhắc đến các tác phẩm như “Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn, “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp” của Thảo Trường. Phải chăng còn nhiều tác phẩm ưu tư chiến tranh, cũng có tính phản chiến, mà chỉ lấp ló vì mang những nhan đề “không nhạy cảm” bằng các nhan đề sách kể trên. Chỉ những bài thơ khi được phổ nhạc thì mới phổ biến sâu rộng như “Kỷ Vật Cho Em” của Linh Phương (Phạm Duy phổ nhạc); hoặc như “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên (Trần Thiện Thanh phổ nhạc)… Nay ta được biết số lượng văn thơ viết liên hệ đến chiến tranh đã có thật nhiều trong các tạp chí Văn, Bách Khoa. Nhất là ở tuần báo Khởi Hành nhờ được quy-chế không cần đem bài đi kiểm duyệt, do vậy chất chứa nhiều nét hiện thực trong cuộc chiến mà không bị đục bỏ như khi gửi đăng ở các báo khác

-Nguyệt Mai: Những người viết "trẻ" của thời (1963-1975) hiện nay đa số tuổi đời đã trên dưới 70. Có thể kể đến:
Về thơ: Nguyễn Nho Nhượn, Phan Nhự Thức, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Vũ Hữu Định, Linh Phương, Nguyễn Bắc Sơn, Đynh Hoàng Sa, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Tất Nhiên…
Về văn: Nguyễn Mộng Giác, Y Uyên, Doãn Dân, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Trịnh, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Lữ Quỳnh,….
Tôi nghĩ rằng họ rất xứng đáng đứng bên cạnh những tác giả trước họ một thế hệ. Họ đã đem đến cho văn chương một sinh khí mới. Như lời nhà văn Mai Thảo khi giới thiệu hiện tượng những người viết trẻ trên tạp chí Văn số 197 (1-3-1972) cho rằng họ "làm sống lại thể truyện ngắn, đem lại cho truyện ngắn hơi thở, một kích thước và những triển vọng mới sau một thời gian bị lu mờ trước ngọn triều tràn ngập của thơ tự do và các tác phẩm truyện dài. (…) Chúng ta không chỉ nhìn thấy những nhà văn trẻ sống và viết. Chúng ta còn nhìn thấy họ lên đường. Và mang theo thể truyện ngắn vào một lên đường mới" (tr. 2).

-Trần Hoài Thư:  Tôi nghĩ mỗi nhà văn đều có một thời để sống và để viết. Thanh Tâm Tuyền chỉ có thời Sáng Tạo để có những bài thơ tuyệt vời. Chính ông đã thú nhận là kể từ năm 1960, ông không làm một bài thơ trong vòng 10 năm, trong loạt bài mang tên Âm Bản của tuần báo Khởi Hành số 52. Võ Phiến chỉ có những tác phẩm viết về quê nhà của ông ở Bình Định. Tương tự, Doãn Quốc Sỹ có Dòng Sông Định Mệnh, Mai Thảo có Đêm Giã Từ Hà Nội… Còn ai nữa. Còn Vũ Khắc Khoan với Thần Tháp Rùa. Còn Mặc Đỗ với Siu Cô Nương…
Thời của các vị này là thời bình, còn thời chúng tôi là thời chiến.
Chúng tôi có ít tác phẩm vì làm sao mà về SG để mà nạp bản kiểm duyệt lo phát hành, dù bản thảo hàng ngàn trang chất ứ trong ba-lô.
Tuy nhiên, muốn đánh giá trung thật nhất là mở ra các tạp chí văn học thời danh, xem thử giới nào viết nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất?
Và làm ơn search Google để đọc bài ông Viên Linh giải thích tại sao một tuần báo văn học là tuần báo Khởi Hành lại bán chạy như tôm tươi. Thành phần nào là nỗ lực chính?
Văn học miền Nam giống như cây đa tỏa ra nhiều nhánh với rất nhiều rễ. Rễ lớn rễ nhỏ. Rễ con rễ già. Rễ nào cũng quan trọng.
Có điều làm sao để bảo vệ, giữ gìn cây đa?
Như cây đa trong văn Võ Phiến. Từ ngày ông bỏ quê nhà vào Saigon lo chuyện mần ăn cũng như sống và viết, ông đã để lại cây đa ấy cho bọn trẻ chúng tôi. Con đường qua Phù Cát, Phù Mỹ, Phù Cũ, rồi Lại Giang, cây đa nằm trơ trọi bên kia cầu buồn bã vì nhớ ông. Trời ơi, VC đặt súng nặng từ bên kia bờ. Chiếm lại cây đa quả khó khăn. Hết đơn vị này đến đơn vị khác rụng. Bọn tôi phải vượt sông trong đêm, ngậm dao găm, hờm hờm lựu đạn, nghi binh để địch khai hỏa mới biết chỗ nào đặt súng, rồi ào vào thanh toán chốt…
Sáng ra, cây đa chiếm lại. Tự hỏi ông Võ Phiến chắc mừng… Sau đó, đơn vị lại được tăng phái nhổ các gốc khác, và bị thiệt hại nặng.
Ngày xưa, đọc văn Võ Phiến, hình ảnh cây đa dưới ngòi bút của ông tuyệt vời. Nhưng đọc chẳng rung cảm bằng lúc thấy lại nó, được ngồi dưới tàn lá, trên thân vẫn còn dấu vết lỗ đạn chi chít. Ngồi gác súng và lấy giấy ra viết vội. Trên trời nghe tiếng trực thăng. Mặt trời sắp đáp xuống để trao huy chương. Mặc. Cứ viết. Viết về đêm vượt sông. Viết về cây đa tái chiếm. Viết về nỗi vui mừng khi được ngồi lại dưới những nhánh dây chằng chịt. Nhà văn Võ Phiến chỉ kể lại kỷ niệm, hoài niệm đẹp. Còn tôi thì khác, kể lại niềm vui:
(…)
Cây đa. Có mặt khi nào nhỉ
Có phải nơi này là quê hương
Có phải mỗi con người trôi dạt
Cất trong tim: bóng mát thiên đường

Cây đa. Vươn giữa trời bi lụy
Những thổ thần hoang lạnh lư nhang
Lửa cháy Trường Lưu, đò đã chặn
Chị ra sông, ơi ới đoạn trường
Cây đa. Ngàn rễ đâm lòng đất
Như tấm lòng người với Bồng Sơn
Đa bám làng, tôi đi bám đất
Đất và làng, thương quá quê hương…
Sự khác nhau giữa một tác giả thời 1954-1975 và 1963-1975 là thế đấy. Một đằng quay mặt với lịch sử. Một đằng bị bầm dập bởi lịch sử. Không phải chỉ chữ nghĩa không thôi mà còn cả máu lệ hòa nhập vào chữ nghĩa nữa.

-Nguyễn Lệ Uyên: Anh Trần Hoài Thư chỉ mới đề cập sự khác nhau về những hoài niệm và thực tế giữa hai thế hệ, giữa thời bình và thời chiến. Tôi nghĩ, sự khác nhau không chỉ dành riêng cho một phía, ở một cái lõi của cuộc sống mà hơn thế, một bên bị ném vãi ra ngoài đời trầy trụa, bầm dập và một bên thì nhìn sự vật bên ngoài bằng những rung cảm trong khung cửa kính an toàn, có thể là có thật, nhưng mức độ không sâu bằng.
Ví dụ, trong truyện ngắn Hai đứa trẻ một cây cầu của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, cũng viết về chiến tranh đấy, cũng có nỗi sợ hãi, cũng bom đạn vãi ra như trấu ở hai bên đầu cầu, ở đó có hai đứa trẻ con ở hai phía lằn đạn, và gánh lấy thảm họa do cha ông chúng gieo xuống. Đọc xong ta cũng cảm động, cũng thấy xót xa. Nhưng cũng viết về chiến tranh, dưới cái nhìn khác, cũng trong thời chiến 63-75, dù không trực tiếp tham gia, chỉ đứng bên lề nhưng hai truyện ngắn Bão KhôTiếng hát của người gác cầu của Y Uyên thì mức độ nặng hơn nhiều về mọi mặt của ý nghĩa, của sự chuyển tải, những dằn vặt, xót xa, đau đớn trong cái tầm thường nhất, chứ không cần phải gào thét, phẫn nộ, cũng không lên án do bên nào gây ra, không có một tiếng súng nổ. Y Uyên chỉ phơi bày mặt trái của chiến tranh, như một con cá ươn thối được xào nấu, bày ra trên đĩa. Sự khác nhau này phải chăng là do hoàn cảnh xã hội nó thế, nó đẩy lớp trẻ tới chỗ tận cùng của ranh giới bi thương? Và còn đó những tác phẩm của Phan Nhật Nam, Thảo Trường, Trang Châu, Ngô Thế Vinh…
Những tác giả thời chiến này, anh Lữ Quỳnh luôn ray rứt rằng “tại sao họ ít được nhắc tới” và như vậy chỉ có những Mai Thảo, Mặc Đỗ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyên Sa… là xứng đáng đại diện tiêu biểu cho văn học miền Nam? Tôi nghĩ họ, những nhà văn trẻ mang chiến tranh từ chiến trường vào trang giấy là họ đã làm tròn thiên chức của người cầm bút rồi. Đâu cần các nhà phê bình biên khảo để mắt. Tôi nhớ lán mán Viên Linh viết ở đâu đó một câu nhận xét về Y Uyên mà cho tới giờ tôi thấy chính xác, mặc dù ông ít khen ai bao giờ: “Y Uyên là nhà văn viết về chiến tranh hay nhất mà tôi đã từng đọc”.
Anh Lữ Quỳnh băn khoăn: “… chúng ta, nhất là những nhà phê bình (mà hầu như thời gian qua vắng bóng) nên tìm hiểu để thấy giá trị đích thực, một cách công tâm và công bằng cho một thời kỳ văn học máu lửa của dân tộc”. Đúng là các nhà phê bình hình như ít quan tâm đến thời kỳ máu lửa này thật. Tại sao? Tôi nghĩ, dấu mốc 30/4 là thảm họa cho cả dân tộc. Các nhà văn trẻ trong thời kỳ này bị cái biến cố kia “đè bẹp”: Tù đày, vượt biển, kinh tế mới. Những người may mắn thoát được thì phải thích nghi với xã hội mới, những người ở lại phải tìm đủ trăm phương nghìn kế mưu sinh. Phe “thắng cuộc” thì luôn tìm cách truy bức dẫn tới hầu hết các nhà văn miền Nam “bị mắc kẹt” phải xếp xó giấy bút, nhường chỗ cho cái bao tử của biết bao con người trong gia đình. Dòng văn học đang rực sáng bỗng dưng tắt phụt, đột ngột, không đủ thời gian để công bố các tác phẩm của họ. Nhưng tôi nghĩ, những gì họ để lại là rất đáng trân trọng, góp phần làm sáng lóa, rực rỡ dòng văn học 63-75.
Thêm một chi tiết, khi viết 2 tập Trang sách và những giấc mơ bay, có vài người hỏi tại sao không thấy nhắc đến các nhà văn nữ, sao không viết về những Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… trong đó? Vâng, sách báo viết đầy nhẫy cả ra rồi, các nhà phê bình văn học đã nói nhiều rồi; tôi thọc bút thêm vào có được tích sự gì với độc giả? Tôi chọn những Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Lâm Hảo Dũng, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Hoài Thư, Luân Hoán… bởi họ cùng thế hệ với tôi, bị lịch sử ném vào bãi rác! Tôi chia sẻ cùng các tác phẩm của họ, có thể nó (tác phẩm) chưa có chỗ trong các tập biên khảo, phê bình văn học, nhưng những dòng chữ của họ thì lồng lộng khói trời chinh chiến. Họ xứng đáng được tôn vinh, trân trọng… Tôi trân trọng ngay cả những người chưa tên tuổi, như bài thơ của một người lính biệt kích vô danh nào đó, có tựa “Gửi em… cô gái Bình Long”, tôi đọc đâu đó, có chất giọng hào sảng, kinh khoái đến vô cùng: “Nhớ theo Hổ Xám vào An Lộc/Đội pháo trên đầu như đội mưa/Múa kiếm đứng ngăn thù cửa Bắc/Mà tưởng mình là Nguyễn Huệ xưa./Trong tiếng đạn reo mù khói trận/Bỗng gặp em, cô giáo như mơ/Em ngồi rũ tóc trong hầm tối/Đọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ”… Có nhà phê bình văn học nào đi sao lục những bài thơ của những người lính vô danh này để đưa vào các tập biên khảo của họ chưa? Chắc chắn rằng chưa. Nhưng tôi tin bài thơ sẽ sống mãi: Đọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ !?

-Luân Hoán: Trong một lần điện đàm cùng nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, em giáo sư Nguyễn Văn Trung, anh Lục có than nhiều người nghiên cứu về Văn Học Miền Nam đã bỏ sót đoạn cuối của chiều dài giai đoạn sinh hoạt này. Tôi đồng tình cùng anh Lục, vì đã nhận ra điều này từ lâu, vốn không chuyên phát biểu và cũng chẳng có cơ hội để vu vơ đôi lời bày tỏ. Nhưng điều chính là tôi thật sự không muốn nhắc đến sự bỏ sót trên, bởi giản dị, tôi có mặt ít nhiều trong giai đoạn đó. Nêu lên có vẻ như muốn nhắc khéo đến mình, không được tốt mấy.
Theo tôi, sự thiếu sót này có thể từ nguồn tài liệu thiếu sót bởi dòng văn học có thể gọi là “dấn thân” của miền Nam trước 1975 vốn khá rời rạc, khoanh vùng, chưa tạo được vóc dáng phương phi cần có, dù nó hiện hữu thật. Một lý do khác, người nhắc lại chuyện xưa hình như thật tình muốn lơ, không nhắc đến. Đây có lẽ là trường hợp của những tay viết còn tại nội, ngại ngùng và có chút thiếu lòng. Lê Vĩnh Thọ, được kể là một nhà thơ rất nhân bản, đóng góp rất nhiều cho dòng văn học này, anh vẫn đang tồn tại, nhưng gần như tôi chưa thấy ai nhắc đến bao giờ. Thật sự những người viết trong nước nhiều khi chỉ cần nhắc đến một cái tên của một người của 1975 đã bị gạch rồi, như trường hợp Hoàng Lộc và tôi. Chúng ta vẫn còn rất nặng nề trong chia cách, đố kỵ. Cái lòng văn học nghệ thuật vẫn chỉ nông nông vậy thôi. Sau 75, cũng có vài công trình cho giai đoạn trước 75, tại miền Nam, nhưng vẫn chưa thoát ra nổi cái vòng khoanh địa lý trong văn hóa nghệ thuật.

-Phạm Văn Nhàn: Theo tôi nhận xét, tôi đồng thuận với câu hỏi của nhà văn Lữ Quỳnh; vì nhận thấy trong sinh hoạt văn học hôm nay, nhất là ở hải ngoại. Nhiều nhà diễn giả trong những buổi hội thảo hôm nay, họ ít nói đến hay phủ nhận tính sáng tác của những người lính vừa cầm súng vừa sáng tác ở ngoài mặt trận. Tại sao vậy? Có lẽ, theo tôi, vì họ ít có tác phẩm chăng? Có cần thiết như thế không. Mà họ thường chỉ đề cao đến những nhà văn, nhà thơ từ 1954-1963 cũng là những quân nhân, nhưng họ có điều kiện hơn là ở thành phố yên ổn để ngồi viết. Họ có điều kiện hơn khi tiếp xúc với nhà xuất bản, báo chí. Tôi không muốn nêu tên. Nhưng chắc là các bạn đều biết tôi muốn nói đến ai.
Còn những người lính cầm bút ở ngoài mặt trận thì sao? Ta hãy nghe nhà văn Hoàng Ngọc Hiển, một người lính đóng ở An Lộc, có nhiều truyện ngắn đi trên Khởi Hành, Văn đã viết trên TQBT số 62: "thú thật, lúc đó, tôi lo sống trước đã, lo làm tròn trách nhiệm một người lính chiến trước đã…" Còn Trần Hoài Thư thì sao? Tôi biết: anh viết bất cứ lúc nào, khi chờ trực thăng bốc quân, viết ở tiền đồn, viết ở quán cà phê nếu có dịp về phố, viết trong quân y viện khi bị thương… và, còn nhiều người lính viết văn nữa. Vì từ năm 1963 chiến tranh ở miền Nam như một cơn lốc xoáy cuốn hầu hết tất cả anh em chúng tôi vào quân trường rồi ra chiến trường thì làm sao họ có nhiều tác phẩm như những ông nhà văn lính ở hậu phương yên ổn mà ngồi viết?
Và, buồn thay, những tác phẩm của họ hình như ít ai nói đến. Ví dụ như Nguyễn Bắc Sơn (Chiến Tranh Việt Nam và Tôi). Ví dụ như Linh Phương (Kỷ Vật Cho Em) và còn nhiều người lính viết văn khác nữa. Họ là những người trực tiếp ngoài mặt trận, chưa có một giây phút yên ổn, cận kề với cái chết thế mà họ vẫn viết. Viết lên thân phận của chính họ. Viết lên nỗi thống khổ của người dân. Viết lên nỗi dằn vặt của chính họ, của những người dân bị ảnh hưởng giữa hai ý thức hệ cộng sản quốc gia trong những vùng xôi đậu. Và, họ mơ đến… hòa bình.
Cho nên cũng vì mơ đến hòa bình, có người gọi họ là những nhà văn, nhà thơ phản chiến! Không. Tôi khẳng định như vậy. Họ vẫn viết và vẫn làm nhiệm vụ, như nhà văn Hoàng Ngọc Hiển đã viết: lo làm tròn trách nhiệm một người lính chiến trước đã.
Phải nói những tác phẩm của họ từ 1963 -1975 đã xuất hiện nhiều trên những tạp chí một thời lừng danh ở Sài Gòn. Thế mà, hôm nay, những cây viết trẻ ấy gần như không ai nhắc đến qua những lần hội thảo văn học. Họ chỉ nhắc đến những cây viết cổ thụ có điều kiện ở Sài Gòn. Cho nên, để góp ý một phần nhỏ thôi trong chủ đề người lính viết văn đã góp mặt làm nên một nền văn học đích thực của miền Nam trong 20 năm. Trả lại cho họ với những tác phẩm (dù ít) nhưng đã góp phần tạo nên một nền văn học đích thực của một miền Nam. Mà trong luồng văn học này, nhà văn Trần Hoài Thư còn nói đến "tính nhân bản" trong từng tác phẩm. Họ viết nhưng lòng họ không hận thù, không khát máu. Họ viết với tấm lòng nhân hậu của một người lính cầm súng ngoài mặt trận.
Tôi xin góp mặt trong hai câu hỏi của Lữ Quỳnh và Trần Hoài Thư. Hãy trả lại cho những người lính viết văn trong thời chiến cái giá trị đích thực của họ trong thời khói lửa chiến tranh.

-Trần Doãn Nho: Riêng cá nhân tôi, trong bài thuyết trình tại tòa soạn nhật báo Người Việt, tôi đã đề cập đến khá nhiều những người lính viết văn. Tôi trích văn của Trần Hoài Thư, Lê Văn Thiện, Y Uyên, Trần Dzạ Lữ, Trang Châu, Thảo Trường. Và nhắc đến (nhưng không thể trích dẫn, vì giới hạn của một bài viết) những người lính Lê Bá Lăng, Lữ Quỳnh, Kinh Dương Vương, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Hồ Minh Dũng, Lương Thái Sỹ, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Chí Kham, Nguyễn Nho Sa Mạc, Mang Viên Long, Vương Thanh…

-Trần Hoài Thư:  Anh Lữ Quỳnh cho rằng “Tại sao những tác giả thời chiến không được nhắc đến, có phải vì tác phẩm của họ chưa đủ tầm cỡ để có mặt trong dòng văn học Miền Nam 54-75? Như đã có một số ý kiến. Tôi thấy câu hỏi của Nguyễn Vy Khanh rất hay, nhưng ít người trả lời vào vấn đề”. Câu hỏi tôi nêu ra cũng thế.
-Thật sự tôi không bận tâm về cuộc thảo luận tại California. Nếu mà kể thì có biết bao nhiêu sự thiếu sót không được đề cập như: mảng dịch, mảng biên khảo, mảng triết học, mảng kaki… 
Những câu hỏi và trả lời ở Bàn Tròn qua Email này, chứng tỏ là các anh ít bận tâm đến chuyện California…
Việc không chú ý này có những lý do. Thứ nhất là chúng ta đã có rồi. Nó đến từ độc giả chớ không phải nhà nhận định hay phê bình. Nó đến từ một sự hãnh diện: cho hơn là nhận. Không cần đền đáp.
Tôi đưa ra ý nghĩ này qua ý Cây đa của Võ Phiến ở trong một câu hỏi: Tại sao chúng ta không tự thả hỏa châu trong cõi tối đen của văn học miền Nam sau 1975 mà lại nhờ người khác?

*
TRẦN DOÃN NHO: Trong tạp chí Văn hồi đó, anh Trần Phong Giao đặt tên cho một số anh em là "Những cây bút trẻ" như Mường Mán, Trần Hoài Thư, Yên My, Lê Văn Thiện, Hồ Minh Dũng, Lê Bá Lăng, Nguyễn Lệ Uyên, Lương Thái Sỹ, Kinh Dương Vương, Thành Tôn, Trần Dzạ Lữ, Trần Doãn Nho, Cao Thoại Châu… Thỉnh thoảng, Văn cho ra một số đặc biệt về những cây bút trẻ. Thực ra, không chỉ ở Văn, mà ở Bách Khoa, Khởi Hành hay Vấn Đề… cũng có những cây bút trẻ.
Thế nào là "Những cây bút trẻ"? Theo tôi, những cây bút trẻ là những cây bút xuất hiện từ thập niên 1964-1974, lứa sau Sáng Tạo và sau những cây bút thành danh khác trên Văn Đàn như Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, tuổi đời cỡ từ 25 đến ngoài 30 tính đến tháng 4/1975.
Câu hỏi của tôi là: Những cây bút trẻ này đóng góp như thế nào trong 20 năm VHMN? (Có thể chi tiết hơn: diện mạo, thành phần, tác phẩm, khuynh hướng hay văn phong…) Có thể mở rộng ra; Thơ tình lớp trẻ, thơ, văn chiến tranh…

-Trần Hoài Thư: Sáng Tạo bị bức tử vào năm 1961, mặc dù tạp chí hô hào đổi mới văn hóa, đòi thanh toán với quá khứ, cố gắng mang ý thức chống Cộng vào văn chương, nhưng phải đầu hàng vì chế độ miền Nam bấy giờ là chế độ bảo thủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đến nỗi Mai Thảo phải gọi những kẻ chống đối ST là “bọn bảo thủ phản tiến hóa”.  ST đã không tạo nên một ảnh hưởng nào, trừ tạo nên cái cớ mà miền Bắc dùng nó tấn công miền Nam về mặt trận văn hóa. Đó là chính sách thực dân kiểu mới, là âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, là văn chương nô dịch, bởi vì ST có liên hệ đến Phòng thông tin Hoa Kỳ…
Nhìn vào những người có bài đóng góp cho ST về bộ môn thơ có tất cả 34 người. 34 người trong 5 năm!
Trong khi đó, từ năm 1964 đến năm 1974 con số ấy khủng khiếp. Riêng chỉ bộ thơ miền Nam trong thời chiến, chúng tôi sưu tập con số đã lên tới 200. Đó là chưa kể biết bao nhà thơ thiếu sót, vì sưu tập không hết, vì đăng trên nhật báo, tuần báo… 200 tác giả có bài đăng trên những tạp chí thời danh đã nói lên một trận bão đánh đổ cái nền văn học tháp ngà. Văn số 8 là bia mộ cáo chung loại văn chương hoang tưởng, dài lê thê, một bài thơ ba bốn trang giấy Sáng Tạo, với chủ đề “Thơ Văn Có Lửa”. Dương Nghiễm Mậu là nhà văn duy nhất từ Sáng Tạo còn viết, và viết dữ dội hơn bao giờ. Lý do ông là phóng viên chiến trường. Ông đi và viết. Thanh Tâm Tuyền thì bế tắc, và thú nhận sự bế tắc này qua bài Âm Bản đăng trên Khởi Hành số 52. Mặc Đỗ bị chống đối dữ dội bởi giới trẻ nhập cuộc khi ông làm phán quan qua bài “Mặc Cảm Ka Ki” được đăng trên Khởi Hành. Nguyên Sa thú nhận là mình có lỗi, và những bài thơ tình nổi tiếng của ông không xứng đáng sau khi ông bị động viên khoác bộ đồng phục.
Văn chương thành thị bắt đầu di tản về các tiền dồn, các thị trấn heo hút, các núi rừng, đầm lầy, các sông biển kênh rạch. Hoài Lữ – Lữ Đắc Quảng, nhà thơ trẻ có thi tập Mắt Cỏ được báo Mai giới thiệu nồng nhiệt qua hai trang báo khổ lớn, có lẽ là nhà thơ trẻ đầu tiên tử trận vào năm 1964 tại đồn Bình Chánh ở Gia Định. Nhưng tiếng nổ, và tiếng kêu, tiếng gào ở ngoài vòng đai Saigon chắc gì có ai nghe. Không, vẫn có người nghe. Đó là các ông Lê Ngộ Châu, Trần Phong Giao, Mai Thảo, Viên Linh. Họ nghe, và họ trân trọng. Họ gọi chúng tôi là những người viết trẻ, những cây bút trẻ.  Họ không gọi chúng tôi là nhà văn. Bởi nhà văn là người viết chuyên nghiệp. Là một nghề như mọi nghề. Còn người viết thì khác. Một tay cầm súng và một tay cầm viết. Vừa đánh giặc vừa viết.
Vâng, thời ấy chúng tôi viết rất nhiều. Bởi vì văn chương chữ nghĩa như là niềm cứu rỗi.
Không viết thì chúng tôi sống bằng gì bây giờ?
Bởi viết là một nhu cầu. Ngay cả bất cứ người lính bình thường, cũng tìm niềm vui qua giấy và viết. Viết để mang nỗi nhớ nhung về người thân, và để vỗ về an ủi người yêu, người mẹ xa cách. Viết để dặn dò. Ngay cả người lính không biết chữ cũng nhờ “ông thầy” viết giùm để mai có trực thăng đến và mang về hậu cứ để nơi đây chuyển giùm.

Viết trên đường giải vây An Lộc.  Hình chụp người lính biệt kích dù đang viết nhật ký hành quân khi dừng quân  tại Suối Rô cách An Lộc 4 cây số. Nguồn: Internet

Và suốt cả 13 năm, những bài văn/bài thơ viết trong hoàn cảnh, và điều kiện như thế đã tràn ngập trên các tạp chí như Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Thời Tập, Bách Khoa, Vấn Đề, Văn Học, Trình Bầy v.v… Thử lật bất cứ một tạp chí nào cũng thấy bút hiệu của chúng tôi. Chúng tôi không có nhóm. Chúng tôi không đầu quân vào một ban chủ trương. Chúng tôi chỉ biết viết. Và Viết. Sống để viết.
Rõ ràng chúng tôi đã mang văn học chiến tranh về SG. Chúng tôi đã bồi dựng nó, giúp các tờ báo ấy được thêm độc giả, sống vững, sống mạnh.
Một ví dụ là tuần báo Khởi Hành. Đây là một tuần báo văn học duy nhất của miền Nam, có số lượng phát hành khủng khiếp. Có khi lên đến 10 ngàn số. Mà hầu hết người viết cũng như người đọc là quân nhân.
Có khi bài chưa lên khuôn, hay bài chưa kịp thấy, thì tác giả tử trận. Đó là trường hợp nhà văn Doãn Dân. Mơ ước của anh là thấy đứa con tinh thần thứ hai “Bàn tay cho Yến” được ra đời, thì anh tử trận trước khi tác phẩm hoàn thành. Mà nếu giả dụ anh có thấy đứa con của anh, chắc gì anh vui. Bởi nhan đề mà anh chọn là “Bàn Tay cho Yến” đã bị đổi lại thành “Tiếng gọi thầm”(! )và cái truyện BTCY cũng bị rút ra khỏi tác phẩm! (Xin đọc tạp chí Văn số đặc biệt về Doãn Dân, thời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm thơ ký tòa soạn)
Vâng, ngày chiến tranh, người lính viết văn: anh luôn luôn ở về hướng mặt trời lặn. Thường thường lúc mặt trời lặn là lúc đẹp nhất. Triền đồi cỏ tranh một màu vàng kim, và cuối trời hực lên một màu đỏ lửa. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, để rồi bóng đêm lại chụp xuống, và anh lại bắt đầu bằng những bất trắc mới, để thần kinh anh như điên khùng, vì trăm ngàn quả pháo, hay tiếng nổ của bom yểm trợ, hay những biển người cuồng điên ngoài kia phòng tuyến…
Và vì mặt trời lặn, nên người thường tình không thấy, không nhận ra. Dĩ nhiên.

-Nguyễn Lệ Uyên: Anh Trần Doãn Nho đặt vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng hóa ra quá rộng khi anh mở thêm ngoặc đơn:  “Những cây bút trẻ này đóng góp như thế nào trong 20 năm VHMN? (Có thể chi tiết hơn: diện mạo, thành phần, tác phẩm, khuynh hướng hay văn phong…). Có thể mở rộng ra; Thơ tình lớp trẻ, thơ, văn chiến tranh…”. Hy vọng, trong một dịp khác chúng ta sẽ có thì giờ để bàn rộng về diện mạo, thành phần, tác phẩm, khuynh hướng… hay thơ tình, văn thơ chiến tranh. Còn vắn tắt, thì gói gọn một câu: Những nhà văn trẻ miền Nam dầm mình trong cuộc chiến tương tàn, đã đóng góp cho dòng văn học miền Nam, một gia tài đồ sộ mà chưa có ai khai thác. Trước đây, Cao Huy Khanh, trên bãi tập bắn ở quân trường Thủ Đức, có tâm sự với tôi rằng: Sau loạt bài Sơ thảo văn học Việt Nam, khi chiến tranh chấm dứt moa sẽ tiếp tục về những nhà văn trẻ trưởng thành trong bom đạn… Tuy vậy, CHK không tiếp tục những ấp ủ, âu cũng là sự thiệt thòi lớn đối với các nhà văn trẻ trưởng thành trong binh lửa!

-Nguyễn Vy Khanh: Khi nghiên cứu về văn-học miền Nam 1954-1975 có những cách nhìn và quan điểm khác nhau và còn tùy phe nhóm khiến có những kết luận tôi thấy vội vàng và đầy thiên kiến. Thời 1954-1975 không phải chỉ có Nguyên Sa, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền,… những vị này thường tự xem hoặc được "xem" như đại diện cho cả nền văn-học cả miền, ví dụ Thanh Tâm Tuyền khi lớn tiếng Tôi Không Còn Cô Độc (và thơ tiễn Quách Thoại) là nói với nhau trong cùng nhóm, và trong cuộc "tranh luận" về thơ tự do đã trịch thượng không trả lời những chống đối hoặc trao đổi,…
Theo tôi, thời đầu 1954-1960 (cố gắng thêm những năm 1968-72 với Nghệ Thuật, Vấn Đề,…) đã là thời của họ, của những Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Hiện Đại, nhưng từ khi cuộc chiến mới (tự vệ) chống Cộng sản lan rộng ngày càng mãnh liệt, tàn bạo, nhiều cây viết trẻ đã xuất hiện và được độc giả đón nhận cũng như ảnh hưởng ít nhiều đến các phong trào xã hội và chính trị ở miền Nam – Chúng tôi đã từng ghi nhận hiện tượng này từ năm 2000 trên tập san Chủ Đề và xuất bản năm 2004, trên Thư Quán Bản Thảo [nhiều năm trước - mà tôi đang xa nhà không xem lại được, và trong số 56] cũng như đang cập nhật và khai triển thêm trong biên khảo về Văn-học Miền Nam.  
    Như vậy, "mảng" văn-học của các nhà văn thơ trẻ là có thật, đa dạng, có giá trị và nội dung riêng biệt, đã là một phần quan trọng của văn-học miền Nam 1954-1975: lãng mạn, tình cảm, có, mà chiến tranh, "kêu thương" cũng có, với những văn phong đặc biệt, cá biệt,… không hề thấy ở giai đoạn trước đó, ở những tác giả "trẻ" thời đất nước mới phân chia ở vĩ tuyến 17. Sự "bỏ quên" này (gần như) là thật và tái xuất ở hải ngoại: "chiếc chiếu" của một số vị được lau chùi đánh bóng verni lại khi ra ngoài nước sau tháng Tư 1975 nay đã nát rồi mà như vẫn khư khư độc quyền với nhau, và điều đáng tiếc là có những người trẻ mới thành danh ở hải ngoại lại chạy theo hơi hướm của những người đã từng nổi danh một thời!

-Trần Văn Nam: Câu hỏi của nhà văn Trần Doãn Nho về những đóng góp như thế nào của các nhà văn được ông Trần Phong Giao gọi là “Những Cây Bút Trẻ”. Thỉnh thoảng tạp chí Văn lại cho ra một số đặc biệt về họ, và có lẽ thường liên hệ với chủ đề “Thơ Văn Có Lửa”. Những người gọi là trẻ đó cũng chính là chung cho thế hệ đi vào cuộc chiến trong giai đoạn khốc liệt với nửa triệu quân Mỹ tham chiến tại Miền Nam Việt Nam. Văn thơ của họ ít nhiều mang nét hiện thực của chiến tranh tàn khốc mà nhà văn Trần Hoài Thư nay đã cố gắng thu thập cho xuất hiện lại tại Hoa Kỳ trong các bộ sách rất dầy về văn thơ thời chiến như đã nói ở đoạn trên. Đa phần văn thơ trong đó chắc chắn mang nhiều nét hiện thực chiến tranh và xã hội lầm than trong cuộc chiến. Một số truyện ngắn đã được sáng tác ngay lúc đi hành quân, lúc dừng quân chuẩn bị cho ngày mai có thể đụng trận. Họ e ngại cho ngày mai đó có thể không còn nữa trên cõi đời, nên không chừng họ đã viết cấp bách, ghi vội cảm nghĩ, do đó có thể không sâu lắng để lựa chọn từ ngữ hay cách phô diễn nhắm gây âm hưởng lớn như trong lời nhạc và nhạc điệu của các nhạc sĩ một thời gây xúc động cả một thế hệ trong chiến tranh.

-Trần Doãn Nho: Nên chăng, TQBT dành riêng một số để chỉ thảo luận về “Những cây viết trẻ”? Trước hết, 1. Định danh: thế nào là “những cây bút trẻ” trong VHMN?  2. Liệt kê (trong điều kiện có thể) những nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo “trẻ”; 3. Các tạp chí họ cộng tác; 4. Các tác phẩm đã in (nếu có); 5. Các truyện ngắn hay thơ hay tiểu luận (nếu chưa in); 6. Các đề tài chính tìm thấy trong các tác phẩm của họ, chẳng hạn như: chiến tranh, tình yêu, xã hội…; 7. Nói một cách tổng quát, nhưng cây bút trẻ này KHÁC với “những cây bút không-trẻ” ở những điểm nào: về văn phong, nội dung, đề tài…8. Họ đã đóng góp cho VHMN như thế nào? Về số lượng? Về kỹ thuật? Về tính nhân bản?….

*

Kết luận:

Chủ đề cho cuộc thảo luận trên TQBT kỳ này chỉ là những vấn đề có tính gợi mở. Những ý kiến đóng góp của các nhà văn, nhà phê bình văn học đã nêu lên nhiều vấn đề trong dòng văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, đặc biệt là các nhà văn trẻ mà các nhà phê bình chưa thật sự quan tâm. Những ý kiến xoay quanh đề tài này chỉ mới đưa ra cái nhìn bao quát, chứ chưa thể đào xới sâu vào bên trong, bởi khuôn khổ tạp chí có hạn.
Các tác giả đóng góp ý kiến, mỗi người một hoàn cảnh, ở một thành phố, một quốc gia… cách xa nhau hàng chục ngàn cây số, nhưng với trách nhiệm của người cầm bút trước lịch sử văn học miền Nam đã cố gắng nêu lên những vấn đề có liên quan, những tồn nghi, một cách khách quan phần nào giúp cho độc giả có cái nhìn bao quát về nền văn học ở giai đoạn này
Hy vọng, trong một ngày không xa, với điều kiện có thể, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề theo những gợi ý của nhà văn Trần Doãn Nho.
Trân trọng cảm ơn các anh chị đã góp công sức tham gia. (TQBT)

(Nguồn: Thư Quán Bản Tháo, số 63, tháng 2 năm 2015)

--------------------

1 bình luận :

·         black raccoon viết:
… có phải văn chương không nổi trội bằng âm nhạc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn và vài nhạc sĩ khác? (TVN)

Có lẽ tác giả Trần Văn Nam muốn nói đến ca khúc tân nhạc. Đúng ra âm nhạc thời VNCH không thể không kể đến cổ nhạc, cải lương phát triển rực rỡ phong phú không kém tân nhạc.

Tôi chỉ có ý kiến trong phạm vi ca khúc, songs. Ca khúc có thể coi như gồm 3 yếu tố chính: Giai điệu melody, lời nhạc lyrics và tiết tấu rhythm.

Dĩ nhiên âm nhạc khác văn chương. Nhưng giữa các bộ môn nghệ thuật có sự tương quan lẫn nhau. Như chất thơ hiện diện hầu hết trong các môn khác. Và ngược lại hình ảnh hội hoạ hay tiếng nhạc vẫn có thể nằm trong thơ ca. Có người cho rằng tân nhạc thời VNCH thì ca khúc phổ thông – Popular hay Pop music phát triển nhiều nhất. Sự thật đúng là như vậy.

Ca khúc không thể không nói đến lời. Theo tôi, lời ca lyrics cũng chính là một hình thức văn học hay văn chương. Ca khúc thời VNCH gần như là người anh em song sinh với văn học VNCH. Nó cũng chịu chung số phận “bất hạnh” như văn học sau ngày 30/4/75. Nếu văn học bị gán cho những từ ngữ như phản động, đồi truỵ và theo chân đế quốc thì ca khúc cũng bị y chang như vậy: vàng, uỷ mị lai căng và sến.

Ngoài ra, ca khúc VNCH mà chỉ loanh quanh có PD cùng TCS thì có hạn hẹp lắm không ? Nó cũng giống như bảo rằng văn học VNCH chỉ có Duyên Anh, Võ Phiến , Sơn Nam

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào như ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa

(Ai Lên Xứ Hoa Đào – Hoàng Nguyên)

Tôi nhớ hoài một chiều dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ
Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ xa cách tôi còn nhớ
Nhớ ghi muôn đời nước trời biển mơ
Xanh xanh màu ánh mắt em gái chiều năm xưa
Như vấn vương ai trên bến chiều xa vắng năm tháng còn ngẩn nhơ
(Hà Tiên Mến Yêu – Lê Dinh)

Riêng cá nhân tôi, thú thật lời nhạc tân, cổ thời VNCH lại là những “văn bản” để tôi trau giồi và yêu thêm tiếng Việt, rất tiện dụng trong hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại. Đang lái xe thì có thể nghe ngay năm mười bản nhạc mà mình yêu thích một cách dễ dàng.


- 04.02.2015 vào lúc 10:51 am

------------------------

TOÀN BỘ BÀI VIẾT :
HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975




*
Xem toàn bộ  (Tạp chí điện tử Da Màu)







No comments:

Post a Comment

View My Stats