Nhà văn Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
Fri, 02/20/2015 - 19:38 — autum
* Chết vinh khi được người dân “dán
nhãn chất lượng”
Trong những ngày này, rất nhiều
người dân Đà Nẵng và VN chân thành khóc Nguyễn Bá Thanh(NBT). Thông tin trên mạng
Internet về việc ông chết tức tưởi do bị đầu độc bởi một số “đồng chí tham
nhũng kếch xù giết ông để “diệt khẩu” càng làm cho người VN bất bình thay cho
ông và thêm tiếc thương.
Hàng ngàn thường dân bỏ
việc, xếp hàng chầu chực đợi đến lượt và nức nở khóc khi viếng ông. Những bài
hát ngợi ca NBT được người Đà Nẵng sáng tác và ghi âm tung ra kịp khi ông được
đưa từ Mỹ về và ngay trước khi ông mất. Nhiều người viết hoa từ Bác, Anh, Ông
khi gọi NBT.
Điều đó chỉ từng xẩy ra với Hồ
Chí Minh. Hồ Chí Minh được đưa lên làm thần tượng của người VN trước đây,
được gọi là Bác viết hoa là vì ông đã rất giỏi tự tô vẽ, được tô vẽ, thần thánh
hóa bởi bộ máy tuyên truyền và quyền lực bất chấp sự thật với nguồn kinh phí khổng
lồ, nhai đi nhai lại về công lao và đạo đức của ông trong gần một thế kỷ thì mới
đạt đến độ ấy.
Trong khi NBT vốn chỉ đứng đầu
một thành phố cỡ nhỏ và chức vụ cuối đời cũng chỉ làm đến Trưởng Ban Nội chính
trung ương, đặc trách phòng chống tham nhũng, còn chưa vào được Bộ Chính trị.
Thông tin về ông rất nhiều khi bị bưng bít bởi lòng ghen tỵ về uy tín.
Ông chỉ là con đại bàng Đà Nẵng bị bẻ cánh và trúng đạn khi bay ra Hà Nội. Với
một người chết mà lại cho rằng chết vì bị đầu độc bởi những thủ phạm kếch xù –
nếu như thông tin của trang Chân dung quyền lực là đúng, thì ngay cả việc bày tỏ
lòng hâm mộ và thương tiếc ông, cũng là điều bất lợi cho chính người bày tỏ.
Sự sùng tín Nguyễn Bá Thanh của
đông đảo người dân hoàn toàn nằm ngoài “quy hoạch” của hệ thống tuyên truyền và
“báo chí lề Đảng”. Theo “Thay đổi ngày tổ chức Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh”- Thứ
bảy, 14/02/2015, 09:20 (GMT+7). Nguyentandung.org thì thấy Lễ truy điệu và đưa
tang ông bất ngờ thay đổi, được tổ chức sớm hơn hai ngày so với dự định trước
đó của Bí thư Thành ủy Đà nẵng.
Hẳn rằng phải có lý do đáng ngờ
bên trong. Phải chăng có người không muốn nhìn tiếp cảnh hàng ngàn thường dân gập
người đau lòng khóc thương NBT thêm hai ngày nữa? Mặc dù vậy, ngay sau lễ truy
điệu, hàng ngàn người dân vẫn tiếp tục đổ đến viếng NBT.
…“Dù Anh không còn trên đời
này, nhưng mỗi người dân VN luôn nhớ đến và mãi mãi ghi công. Người dân sẽ biến
đau thương thành hành động quyết tâm đi theo tư tưởng cao đẹp vì nước vì dân của
Anh... Nhân dân sẽ đoàn kết lại, tạo nên sức mạnh to lớn đánh bại bọn chủ nghĩa
cá nhân, tham ô tham nhũng”.( comment của Nguyễn Hồng Sơn,
Vietnamnet.vn).
Điều gì khiến cho NBT được tiếc
thương như vậy, mặc dù trong quá trình làm việc của ông cũng để lại một số tai
tiếng. Không ít người hận ông vì ông cũng đã có lúc “độc tài”, chưa thấu tình đạt
lý, thậm chí tỏ ra tàn nhẫn, như trong vụ Giáo dân Cồn Dầu đã tố cáo. Nhưng người
yêu thương và cảm phục, biết ơn ông thì nhiều hơn, bởi ông quan tâm đến dân
nghèo bằng hành động. Ông đã dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đối lập với
cách hành xử đạo đức giả và tham lam, vô trách nhiệm, đồi bại của quan chức VN.
Ông được mệnh danh là Lý Quang Diệu của Đà Nẵng khi đã xây dựng được Đà Nẵng trở
thành một “ốc đảo” đặc biệt phát triển và văn minh trong cả nước. Hành động của
ông còn bao hàm cả cải cách chính trị và đem lại hiệu quả thực sự.
“Dán nhãn chất lượng” cho
NBT là những người trí thức nhận ra tính cải cách trong suy nghĩ và hành
động của ông, là những nhà báo không thể không viết về ông bởi hứng khởi mà ông
tạo ra đã làm nên hy vọng cho họ về một sự đổi mới hệ thống quan chức VN nếu
làm theo NBT. Ông cũng được thừa nhận bởi người dân Đà Nẵng đã được thụ hưởng kết
quả của sự thay đổi tốt hơn của thành phố này, khi ngay cả những người xe ôm,
bán vé số, những bệnh nhân ung thư nghèo được an ủi và chữa trị …
·
Người lãnh đạo duy nhất
mà dân còn có thể thương khóc
Người dân VN khao khát điều gì?
Họ đã thất vọng quá nhiều về phẩm
chất cũng như hành vi của đám quan chức tham nhũng, gỉa dối và được cho là bán
nước hại dân. Họ khao khát có được ai đó, dù không hoàn thiện, nhưng khả dĩ còn
có đôi chút danh dự để họ có thể ngưỡng mộ và thương khóc để mượn cớ phỉ nhổ
đám quan chức bỉ ổi, cũng là để thương khóc cho chính họ.
Đó là NBT.
Trong một thể chế minh bạch, có
cạnh tranh và đa nguyên thì những việc NBT làm là bình thường, đương nhiên, nằm
trong trách nhiệm của một lãnh đạo. Bất kỳ ai không đảm trách tốt công việc của
mình thì phải bị loại bỏ khỏi hệ thống. Nhưng ở chế độ cộng sản VN thì hoàn
toàn ngược lại.
Cung cách của NBT không
phải là của một người cộng sản. Vì thế ông lạc lõng trong đàn sâu mọt khổng lồ.
Nếu quả thực ông bị đầu độc, thì ông đã bị giết chết bởi sự quyết liệt chống
tham nhũng và quá nổi bật về uy tín có được trong dân chúng. Chính điều
này tạo sự so sánh bất lợi cho những kẻ bất tài, tham lam, đồi bại và đạo đức
giả, bị người dân khinh miệt trong hệ thống quan chức.
Cách người ta khóc NBT khác
khóc Võ Nguyên Giáp. Với Võ Nguyên Giáp, người ta khóc cho một “khai quốc công
thần” đã tạo nên những chiến công lớn cho quân đội VN cũng như ông đã không
tham gia vào “bầy sâu” tham nhũng và đồi bại. Người ta khóc thương ông như một
người tài bị vô hiệu hóa, bị đối xử bất công. Nhưng Võ Nguyên Giáp khác NBT ở
chỗ vị Đại tướng này dù có quyền lực lớn nhưng đã bó tay chịu trận, yếm
thế, nô lệ cho hoàn cảnh và vẫn trung thành với thứ chủ nghĩa và thể chế
xã hội chủ nghĩa lạc hậu mà ngay cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã vứt
vào sọt rác. Ngay cả thông tin mà ông có để minh oan cho ông, cho những đồng
chí đã hộ vệ ông mà bị oan khuất, ông cũng không tung ra dù dưới thời Internet,
chỉ sau một cú click chuột là có thể bay khắp thế giới. Người ta cho rằng ông
không tham nhũng nhưng lại quá tham sự an toàn và chấp nhận chôn giấu mình ngay
khi đang sống.
Còn NBT là con người hành động.
Ông trở nên khác biệt vì ông không nô lệ cho hoàn cảnh. Ông thẳng thừng tuyên
chiến với tham nhũng. Ông chỉ mượn thể chế cộng sản và quyền lực không đáng kể
mà ông có để thực hiện mong muốn của mình về một thành phố đáng sống, cho người
dân được hưởng lợi và mang tới sự trong sạch cho bộ máy. Dù ông có là công cụ
“chiến đấu” nội bộ trong tay ai, thì ông vấn có thể lựa chọn cách giảo hoạt như
những đồng chí của ông vẫn làm là không chống gì cả, tận dụng vị trí đó để làm
lợi thế buộc những kẻ khác phải cống nạp cho ông. Nhưng Nguyễn Bá Thanh mang
tính cách bộc trực miền Trung và ông lao vào chống tham nhũng thực sự.
Tên của NBT đã được nhiều người
dân tự động viết hoa, gọi là Ông, là Bác, là Anh.
“Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) mới đăng một bài viết gọi ông
Nguyễn Bá Thanh là một chính trị gia Việt Nam "nổi bật" và "hết
sức được lòng dân".
Tổ chức nghiên cứu nằm ở thủ đô
Washington của Hoa Kỳ viết rằng việc ông Thanh qua đời là một "tổn thất"
cho Việt Nam.(Theo voa.15/2/2015).
Mặc dù có một số người hận ông,
nhưng đông đảo người VN tiếc thương ông, nhất là người Đà Nẵng, nhiều người coi
ông như thánh sống. Cứ xem cung cách người ta chầu chực trước cổng bệnh viện để
chờ tin ông, đón ông về từ Mỹ và số lượng những người tự nguyện hiến tủy để cứu
ông thì biết. Điều đó là tấm lòng thành. Dẫu có tiền ngàn bạc vạn hay quyền lực
nghiêng thiên hạ, dẫu có dọa dẫm và ép buộc hay dàn dựng thì những vị cầm quyền
cao nhất dưới chính thể cộng sản hiện nay cũng không thể mua được.
Bình luận về sự ra đi của ông
Nguyễn Bá Thanh, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận xét
với BBC tiếng Việt vào tối 13/02 giờ Úc:
“Mặc dù cá nhân tôi chưa gặp
ông Nguyễn Bá Thanh nhưng tôi đã đọc một công trình nghiên cứu không được công
bố về dân chủ cơ sở của tác giả là người Việt có nhận xét và bình luận tốt về
ông trong sáng kiến cho bầu cử trực tiếp giới chức cấp địa phương với Đà Nẵng
là hình mẫu để áp dụng ra toàn quốc. Ông Bá Thanh được người dân ở địa phương
quí mến và việc làm trong nỗ lực cải cách chính trị của ông thu hút sự chú ý
trên toàn quốc”.
·
Chết tức tưởi ngay trong
“cú đấm” đại án tham nhũng mở màn
Người ta có thể không tin NBT về
một vài vấn đề, nhưng không thể nghĩ rằng ông đã không thành
thật trong ý định và việc làm chống tham nhũng, cho dù việc chống tham nhũng đó
bởi ông đang là con tốt, con mã dưới bàn tay của một ai. Mỗi một con sâu
tham nhũng được diệt trừ, dẫu thuộc phe nào, người dân và đất nước đều có lợi.
"Trong luật Phòng chống
tham nhũng đã nghiêm cấm bao che cho đối tượng tham nhũng rồi. Vấn đề là chúng
ta phải vừa chống, nhưng cũng phải vừa phòng", ông Thanh trao đổi. (Theo
Vietnamnet-2/13/2013)
Trả lời cử tri sau kỳ họp
QH ở Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh, người từng tuyên bố từ
tháng 1/2013 là sẽ "hốt
hết, hốt liền" những con sâu tham nhũng, khẳng định các vụ đại án xét
xử công khai Dương Chí Dũng, bầu Kiên sẽ là “cú
đấm” mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng đã khởi xướng.
"Chúng ta sẽ không để tham nhũng hoành hành" - ông Bá Thanh quả quyết.
(Theo Vietnamnet 8/1/2014)
Người ta vẫn truyền tụng những
câu nói nổi tiếng của ông, không phải vì ông quá xuất sắc, mà vì cách nói trực
diện của ông khác hẳng cái dàn đồng ca lựa chiều và mị dân của hầu hết cán bộ
công chức và quan chức hiện nay.
-Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ;
Đà Nẵng phải đáng sống chứ không phải chán sống. Quân tử nói là phải làm; Thắng
lợi thì vỗ tay, sai không ai chịu trách nhiệm; Ăn chặn của người nghèo, phải xử
lý nghiêm minh, kỷ luật nặng; Họp nhiều nó mụ mị đi; Nếu làm sai, về hưu, tôi
cũng chống gậy đến gây sự!; Không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá
kém! Tôi nói là làm, không chạy làng…
(Phát biểu về tham nhũng trong
đầu tư xây dựng tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng ngày 10/1/2013, ông nói: “Sắp tới
tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”, “không ít cán bộ vừa ăn vừa
phá, phá tàn canh nền kinh tế” –
NBT đã trở thành một người hùng
Đà Nẵng, biến đổi hoàn toàn diện mạo của thành phố này, từ hình thức đến nội
dung, trở nên hiện đại, minh bạch hơn và văn minh hơn. Và từ đó, ông cũng trở
thành một người hùng trong thời bình ở VN.
Đã có đôi lần, người dân trong
nước hồi hộp, hy vọng ông lên Thủ tướng. Người ta hy vọng rằng một người đã có
thể thay đổi được diện mạo Đà Nẵng vậy mà lên làm nguyên thủ quốc gia sẽ thay đổi
được diện mạo VN.
Nếu ở Đà Nẵng, NBT là “chúa sơn
lâm”. Mỗi bước đi, mỗi tiếng gầm của ông đều có hiệu ứng, có những người hiểu
được ông và làm theo ông, thì việc ông rời khỏi mảnh đất ấy, rơi vào móng vuốt
của những kẻ chỉ dùng ông như một con tốt cho những mục đích và quyền lợi sâu
xa của họ chứ không thực lòng chống tham nhũng, ông rơi vào bẫy “hùm thiêng sa
cơ”. Nếu ông không chết vì bị đầu độc như thông tin mà “Chân dung quyền lực” đã
công bố, thì ông cũng đã bị vô hiệu hóa, bị giết chết về quyền lực, khi ông đã
không vào được Bộ chính trị mà lại nhận nhiệm vụ lớn đến mức tất cả những lãnh
đạo trong “tứ trụ” trên ông đều tuyên bố hùng hồn, đều nhận trách nhiệm làm mà
không thực lòng hành động.
·
Trở thành “cái thai chết
lưu” trong “bầu nước ối chính trị” tráo trở
NBT không biết rằng không khí
chính trị Hà Nội không là Đà Nẵng.
Ngay cả Sài Gòn cũng chẳng
giống Hà Nội, dẫu thành phố Sài Gòn đã đổi sang một cái tên dài dặc sặc mùi lập
trường là Thành phố Hồ Chí Minh.
Chất “nước ối” bao quanh không
khí chính trị Hà Nội là gì? Thật khó tả, Có vị lờ lợ tráo trở. Mùi tanh của nước
mài búa liềm rỉ. Nước sốt đặc sệt của “nói z…zậy mà không phải zậy” như cách
người miền Nam vẫn nói về người miền Bắc… Và đặc biệt, tất nhiên, sặc vị màu
chao đen Trung Nam Hải. Cần dừng lại hơn một phút để chú giải vị này. Vị này được
chế biến bởi dư vị máu của một nền chính trị cộng sản nước lớn mà đặc sản là
luôn tạo ra những phong trào đồng bào đồng chí giết hại lẫn nhau, chỉ riêng dưới
thời Mao Trạch Đông cũng đã gần 70 triệu người(theo “Mao Trạch Đông ngàn
năm công tội”), chưa kể vụ Thiên An môn năm 1989 với hàng ngàn sinh viên biểu
tình ôn hòa đòi dân chủ đã bị chính quyền cho xe tăng nghiến nát xác chưa kể đến
nhũng chiến dịch sau này và Trung Nam Hải đã rất tài tình xuất khẩu, di dời
phong cách đó sang Campuchia và Hà Nội.
NBT có thể đã ngây thơ, hoặc cố
tình không biết thái độ ngầm dung dưỡng cho tham nhũng của những vị lãnh đạo
cao nhất và toàn bộ máy? Dưới chính thể cộng sản độc tài VN, chẳng ai thực lòng
cải cách chính trị và chống tham nhũng. Bởi vì nếu thực lòng, thì riêng mỗi một
cá nhân trong “bộ tứ” đầy quyền lực cũng đã có thể tiêu diệt được tham nhũng và
tiến hành cải cách thể chế.
“…Cũng trả lời cử tri sau kỳ họp
QH nhưng ở Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh, người từng tuyên bố
từ tháng 1/2013 là sẽ "hốt
hết, hốt liền" những con sâu tham nhũng, khẳng định các vụ đại án xét
xử công khai Dương Chí Dũng, bầu Kiên sẽ là “cú
đấm” mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng đã khởi xướng.
"Chúng ta sẽ không để tham nhũng hoành hành" - ông Bá Thanh quả quyết.
(Theo Vietnamnet 8/1/2014)
Sao NBT không nhận ra, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trước đó, vào Thứ Bảy, 07/12/2013 | 20:54 GMT+7 đã bộc
lộ: “Đề cập vấn nạn tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đến Đường
Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ, bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ nên
chúng ta phải xem xét, tỉnh táo, sáng suốt..."(theo vtc.vn). Một năm sau,
ông lại tuyên bố "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt
chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình,
làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn
định". (theo Vietnamnet 6/10/2014) .
..Bằng cung cách đó, ông đã gián tiếp “giết” những
người thật lòng nghe lời Đảng mà chống tham nhũng.
Lời than vãn về “bầy sâu” của
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ là để thể hiện sự bất lực và nói để “cho
vui”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào
ngày 27 tháng 6 năm 2006 tuyên bố làm dân cảm động phát khóc: “Tôi kiên quyết
và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ
chức ngay.”, nhưng tham nhũng tăng khủng khiếp với quy mô ngày càng lớn sau những
năm điều hành của ông. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì chối từ trách nhiệm
với một câu nói quá nổi tiếng tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 4: "QH tức là
dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?"( Vietnamnet.vn,
11/4/2014) !..
Vậy “hùm thiêng” Nguyễn Bá
Thanh ra Hà Nội đã biến ngay thành một kẻ sa cơ vì ông không tiêm vào máu ông
cái chất lờ lợ tráo trở của bầu nước ối để thủ lợi cá nhân bằng cách dung dưỡng
cho tham nhũng. Ông thành một “cái thai chết lưu” trong “bầu nước ối chính trị”
Hà Nội.
Danlambao blogspost.vn, bài “Từ
cái chết của Phạm Quý Ngọ đến cái sắp chết của Nguyễn Bá Thanh” có đoạn phân
tích: “Nghi vấn đặt ra rằng liệu vào ngày 16.12.2013 bên cạnh bản án tử hình
dành cho Dương Chí Dũng còn có một bản án tử hình kiểu khác dành cho Nguyễn Bá
Thanh ở Bắc Kinh mà Bá Thanh không biết?
Để có thể chiếu phần nào ánh
sáng vào bức tranh âm u có nhiều tử khí này, chúng ta thử nhìn lại những gì đã
xảy ra sau chuyến đi Bắc Kinh đột ngột của Nguyễn Bá Thanh vào 16.12.2013?
Tại phiên tòa ngày 7.1.2014,
Dương Chí Dũng đã khai người báo tin cho mình đi trốn là thượng tướng Phạm Quý
Ngọ và đã hối lộ ông Ngọ hơn 500 ngàn USD.
Hơn một tháng sau đó, khi cuộc
điều tra đối với những nhân sự liên quan đang tiến hành thì Phạm Quý Ngọ đột tử
vì "ung thư" vào ngày 18.2.2014. Nhiều đầu mối lãnh đạo đảng
liên quan khác, trong đó nhân vật chính là bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang,
đã theo ông Ngọ chôn sâu vào lòng đất với quyết định đình chỉ vụ án "Làm lộ
bí mật Nhà nước" vì Quý Ngọ đã không còn.
Phạm Quý Ngọ chết 2 tháng sau
khi Nguyễn Bá Thanh có mặt ở Bắc Kinh.
3 tháng sau khi Ngọ chết vì
"ung thư gan", vào tháng 5 năm 2014 Nguyễn Bá Thanh đối diện với tử
thần với cái gọi là bệnh rối loạn sinh tủy theo lời của Trưởng Ban Bảo vệ, chăm
sóc sức khoẻ Trung ương là Nguyễn Quốc Triệu.
Cũng vào tháng 5, 2014 này, vào
ngày 7.5.2014 tòa phúc thẩm y án tử hình Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, điều lạ là
đối diện với bản án này người ta chỉ thấy Dương Chí Dũng cười rất tươi và dặn
dò người thân rằng: “Cứ bình tĩnh, yên tâm. Giữ gìn sức khỏe!”.
Tình trạng của Nguyễn Bá Thanh
không khác gì lắm so với Phạm Quý Ngọ trước khi chết.
Sau khi Phạm Quý Ngọ chết người
ta mới biết là ông ta được đưa vào Bệnh viện Quân đội 108 để điều trị.
Tương tự như vậy, Nguyễn Bá
Thanh cũng được điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Sau đó sang
Singapore điều trị vào tháng 6 và tháng 7, cuối cùng là sang Hoa Kỳ vào trung
tuần tháng 8/2014. Những tin tức về tình trạng sức khỏe của Bá Thanh đều bị dấu
nhẹm hay được xào nấu, giàn dựng và chỉ thông báo nửa vời sau khi đã tràn ngập
những thông tin không chính thức trên mạng xã hội.
Tất cả "hình như" nằm
trong cuốn phim diệt chuột giữ bình mà trong đó những "siêu sao" coi
bộ dễ mắc bệnh ung thư vào giai đoạn cuối…”.
Phân tích của Dân làm báo dù
chưa được minh định nhưng được sự chú ý và đồng tình của nhiều người.
* Một linh hồn gia nhập hàng dân oan
Bây giờ thì cái chết của NBT đã
chấm dứt những tháng ngày đau khổ, phải vật lộn với những đau đớn thân xác và đặc
biệt là những đớn đau tinh thần.
Một điều đáng mừng là do bản
tính của ông, ông chưa kịp gia nhập vào cái “làng” mà nhiều người càng có quyền
cao chức trọng càng tham nhũng, gỉa dối và đồi bại và dân càng khinh miệt. Ông
chưa đứng vào hàng phản dân hại nước để mãi bị người đời nguyền rủa về sau.
Cho đến những ngày cuối đời,
NBT vẫn bị bao vây giữa tầng tầng lớp lớp những cái gọi là “bí mật nội bộ” về
tình hình sức khỏe của ông và thiên hạ không thể nào biết được đâu là thật đâu
là giả, bởi những lời nói từ miệng người có trách nhiệm về tình hình sức khỏe của
ông rất nhiều khi lại là lời dối trá.
Mãi đến khi “Chân dung quyền lực”
tung ra chuyện “Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc” như một quả bom, thì người dân mới
được biết chút ít về thân phận NBT. Bao lời đồn đoán tung ra. Và có thể tưởng
tưởng tượng được nỗi khốn khổ nhường nào trong bao nhiêu ngày tháng ông bị cách
ly với bạn bè, người thân và sự bao vây, ngăn cản trong “bức màn sắt” ấy không
phải vì sức khỏe của ông, mà có thể chỉ vì mục đích của một số người nào đó muốn
vĩnh viễn chôn chặt những thông tin ông biết, những việc ông đang làm dở dang
và nỗi hàm oan của ông dưới ba thước đất!
Lâu nay rồi, có những kẻ
đã lăm lăm cuốc xẻng chỉ chực để chôn ông trong khi ông đang thở, đang sống
trên giường bệnh và có thể đang ngước đôi mắt vô vọng tìm kiếm một bàn tay
thành thật, mong ước không có một bàn tay hiểm độc có thể chẹn cổ ông bất cứ
lúc nào ông định trăng trối một điều gì đó. Ngay cả tính mạng của những người
thân ông cũng có thể bị đe dọa bởi quyền lực của “bức màn sắt” do những bí mật
này.
Cứ theo những thông tin rất khó
bác bỏ thì NBT là một nhân chứng của thực trạng những người có tài, có tâm huyết
và chính trực ở VN đã bị triệt hạ. Ông là một thí dụ, sừng sững mà còn rất lâu
người ta mới có thể quên về việc chống tham nhũng thì bị trả thù đến mức nào.
Ông là danh sách nối dài của những
nạn nhân của nền chính trị xã hội chủ nghĩa – cái vỏ bọc hữu hiệu cho một bè lũ
đã cát cứ và tạo nên một nền kinh tế tư bản thân hữu man rợ.
NBT không nằm ngoài danh sách
Dân oan.
Cuộc chiến giữa các nhóm quyền
lực cộng sản VN đã đi đến hồi quyết liệt và sẵn sàng đòi máu đối phương nếu
không chịu thỏa hiệp. Cái chết của NBT là một sự đe dọa hiệu quả cho những ai
còn chưa chịu câm lặng trước quyền lực đồi bại. Ai sẽ còn dám chống tham nhũng
nữa nếu người ta trông vào thân phận Nguyễn Bá Thanh?! Cái cỗ xe chở đầy vàng,
máu và ung thư của nền chính trị VN sẽ cứ thế lao nhanh theo con đường tự hoại,
tự diệt vong vì không ai có thể ngăn đà lao của nó.
Cái chết của NBT đã đem đến sự
đắc thắng tạm thời cho những tập đoàn tham nhũng và tư bản thân hữu man rợ.
Cái chết của ông là sự thức tỉnh cho những người hy vọng cải cách chính trị nửa
vời ở VN trong tình thế cộng sản độc tài toàn trị. /.
VTH
No comments:
Post a Comment