Monday 9 February 2015

Khủng hoảng Ukraine: Châu Âu đang lâm chiến (George Soros, Project Syndicate)





George Soros,  Project Syndicate
Posted on 08/02/2015

Nguồn: George Soros, “Europe at War”, Project Syndicate, 12/1/2015.
Biên dịch: Vũ Trọng Bằng | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung - See more at:

Bằng việc xâm lược Ukraine vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra một thách thức cơ bản cho những giá trị và nguyên tắc nền tảng của việc hình thành Liên minh Châu Âu cũng như hệ thống luật lệ đã duy trì nền hòa bình tại châu Âu từ sau năm 1945. Cả những nhà lãnh đạo và công dân châu Âu đều không nhận thức được đầy đủ tầm vóc của thách thức này, chứ chưa nói đến cách để xử lý nó.

Chế độ của Putin dựa trên việc cai trị bằng vũ lực, biểu hiện bằng sự đàn áp ở trong nước và sự hung hăng ở nước ngoài. Nhưng điều đó đã giúp nước này chiếm được một lợi thế về mặt chiến thuật, ít nhất là trong ngắn hạn, so với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ, vốn quyết tâm tránh đối đầu quân sự trực diện (với Nga – NBT).

Vi phạm những nghĩa vụ hiệp ước của mình, Nga đã sáp nhập Crimea và thành lập các khu vực của người ly khai tại vùng Donbas ở phía đông Ukraine. Vào mùa hè năm ngoái, khi chính phủ của Ukraine có khả năng chiến thắng tại Donbas, Putin đã phát động một cuộc xâm lược được thực hiện bởi quân đội chính quy của Nga. Việc chuẩn bị cho một đợt hành động quân sự thứ hai bắt đầu vào tháng 11 (2014), khi Putin cung cấp hàng loạt xe bọc thép và nhân sự cho những người ly khai.

Đáng buồn thay, phương Tây lại chỉ đem lại cho Ukraine đang gặp nhiều khó khăn sự trợ giúp giả tạo. Cũng đáng quan ngại không kém là các nhà lãnh đạo quốc tế cũng chẳng sẵn lòng đưa ra những cam kết tài chính mới với Ukraine, bất chấp áp lực ngày càng tăng đối với dự trữ ngoại hối của nước này và nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện có thể xảy ra. Kết quả là, chỉ bản thân mối đe dọa hành động quân sự đã có thể đủ để khiến nền kinh tế của Ukraine sụp đổ.

Putin có vẻ đang thực hiện một cuộc mặc cả lớn, lấy việc Nga giúp đỡ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo – ví dụ như bằng việc không cung cấp tên lửa S300 cho Syria (và qua đó giữ được sự vượt trội về không quân của Hoa Kỳ), đổi lại Hoa Kỳ trao cho Nga quyền kiểm soát cái gọi là “khu vực lân cận” của nước này. Nếu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đồng ý với thỏa thuận đó, toàn bộ cấu trúc quan hệ quốc tế sẽ bị thay đổi, nghiêng về việc sử dụng vũ lực. Đó sẽ là một sai sót thảm khốc, với những hệ quả sâu rộng về mặt địa chính trị.

Việc Ukraine sụp đổ sẽ là một mất mát lớn đối với NATO, và tổn thất gián tiếp cho EU và Hoa Kỳ. Một nước Nga toàn thắng sẽ là một mối đe dọa lớn cho những quốc gia vùng Ban-tích, vốn có lượng người gốc Nga đông đúc. Thay vì trợ giúp Ukraine, NATO sẽ phải tự vệ ngay trên lãnh thổ của chính mình, đặt cả EU và Hoa Kỳ trước mối nguy mà họ đã luôn cố để tránh: Đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.

Nguy cơ đối với sự gắn kết về chính trị của EU còn lớn hơn cả rủi ro về quân sự. Khủng hoảng đồng euro đã biến một liên minh ngày càng gắn kết của các quốc gia có chủ quyền và bình đẳng, sẵn sàng hy sinh một phần nền độc lập cho lợi ích chung, thành một tổ chức của những chủ nợ và con nợ, với những con nợ gồng mình để đáp ứng những yêu cầu của chủ nợ.

Tổ chức EU mới này không bình đẳng và cũng không dựa trên cơ sở tự nguyện. Thực tế là, đối với giới trẻ ở các quốc gia mắc nợ, EU giống như là một kẻ đàn áp từ bên ngoài. Và khoảng 30% nghị viện EU mới được bầu gần đây có cương lĩnh chống (sự nhất thể hóa hơn nữa ở) châu Âu.

Chính sự yếu kém trong nội bộ này đã để cho nước Nga của Putin – vốn chẳng có chút hấp dẫn nào  – trở thành một địch thủ lớn đối với EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban còn đi xa hơn khi coi Putin là một hình mẫu để noi theo – và ông ta không phải người duy nhất làm việc này.

Dường như cả những nhà lãnh đạo lẫn công dân của châu Âu đều không nhận ra rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một đòn gián tiếp đánh vào EU và những nguyên lý hoạt động của khối này. Cần phải nói rõ rằng thật không phù hợp khi một quốc gia, hay một tổ chức các quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh lại theo đuổi những chính sách thắt lưng buộc bụng – như EU đang tiếp tục làm. Mọi tài nguyên sẵn có nên được dành cho các nỗ lực chiến tranh, cho dù điều đó dẫn đến thâm hụt ngân sách.

Châu Âu rất may mắn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hành động như một người châu Âu chân chính trong những việc liên quan đến mối nguy đến từ Nga. Là người tiên phong ủng hộ việc cấm vận, bà đã dám đi ngược lại ý kiến công luận tại Đức và những lợi ích về mặt kinh tế trong vấn đề này hơn bất kỳ ai khác. Nhưng Đức cũng là quốc gia chính ủng hộ chính sách thắt chặt tài khóa, và bà Merkel cần hiểu rõ sự mâu thuẫn giữa những quan điểm đó.

Cấm vận Nga là cần thiết, nhưng không phải là không có hậu quả. Nền kinh tế của châu Âu, bao gồm Đức, đang chịu thiệt hại, khi mà tác động của việc cấm vận càng làm cho tình trạng suy thoái kinh tế và giảm phát đã hiện hữu tại châu Âu tồi tệ hơn. Ngược lại, việc giúp đỡ Ukraine chống lại sự hung hăng của Nga sẽ có một tác động tích cực tới Ukraine và châu Âu.

Các thành viên của EU đang đối mặt với chiến tranh – và họ cần bắt đầu hành động đúng như thực tế này. Điều đó có nghĩa là phải thay đổi những cam kết thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và nhận thức rằng họ cần giúp Ukraine bảo vệ chính mình hơn là hy vọng rằng họ sẽ không phải tự mình bảo vệ EU.

Ukraine cần được bơm khoảng 20 tỉ đô la ngay lập tức, bên cạnh cam kết về một số tiền nhiều hơn khi cần đến, để phòng ngừa sụp đổ về tài chính. Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể cung cấp khoản tiền này, như đã làm trước đó, nếu EU hứa hẹn đóng góp tương đương như IMF. Những khoản chi thực tế sẽ do IMF kiểm soát, và được sử dụng cho việc thực hiện các cải cách cơ cấu có tác động sâu rộng.

Tại Ukraine còn có thêm một nhân tố nữa có lợi cho EU: Giới lãnh đạo mới của đất nước này quyết tâm sửa chữa tình trạng tham nhũng, quản lý kém, và lạm dụng quyền lực của chính phủ trước. Họ đã thực sự xây dựng một chiến lược chi tiết để cắt giảm hơn một nửa lượng tiêu thụ khí đốt trong gia đình, với mục tiêu làm tan rã sự độc quyền về khí đốt và tham nhũng của Naftogaz và chấm dứt sự lệ thuộc về năng lượng của Ukraine vào Nga.

Đất nước “Ukraine mới” này chắc chắn là hướng về châu Âu, và sẵn sàng bảo vệ châu Âu qua việc bảo vệ chính mình. Nhưng những kẻ thù của nó – không chỉ có nước Nga của Putin, mà còn có hệ thống quan liêu và những đầu sỏ tài chính của chính Ukraine – rất đáng gờm, và đất nước này không thể tự đánh bại chúng được.

Việc ủng hộ đất nước Ukraine mới trong năm 2015 và về sau là một khoản đầu tư đáng đồng tiền bát gạo nhất mà EU có thể tính đến. Nó thậm chí có thể giúp EU lấy lại tinh thần đoàn kết và sự thịnh vượng chung đã dẫn đến sự thành lập của khối này. Nói ngắn gọn lại, bằng cách cứu Ukraine, EU có thể cứu chính mình.

George Soros là chủ tịch của công ty Quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) và là chủ tịch của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations). Là một người đi đầu trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge-fund), ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Market: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, và The Tragedy of the European Union

--------------------------

TIN LIÊN QUAN :










No comments:

Post a Comment

View My Stats