Saturday 7 February 2015

Không nên xem thường Nga (Hà Tường Cát/Người Việt)





HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
Friday, February 06, 2015 7:10:38 PM

WESTMINSTER (NV) - Trong sự đối đầu giữa Tây Phương và Nga về vấn đề Ukraine, không bên nào muốn và tin là có chiến tranh toàn diện ở thời đại toàn cầu hóa này, nhưng xung đột vũ trang cục bộ giữa NATO và Nga ở Âu Châu lại có nhiều nguy cơ xảy ra hơn là một trân chiến giữa Thế Giới Tự Do và Khối Cộng Sản thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Từ trái sang phải: Thủ Tướng Đức Angela Merkel, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Tổng Thống Pháp Francois Hollande – trong cuộc thảo luân về vấn đề Ukraine, tại điện Kremlin, Moscow, hôm Thứ Sáu, 6 tháng Hai, 2015. (Hình: Dmitri Azarov/Kommersant via Getty Images)

Mười năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, quân đội Nga thoái hóa và không còn được coi là một lực lượng có thể đe dọa nền hòa bình thế giới, dù rằng trên nguyên tắc Nga vẫn sở hữu kho võ khí nguyên tử đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Chỉ từ khi xảy ra vụ khủng hoảng Ukraine, người ta mới nhận ra rằng nước Nga hiện nay không quá yếu kém về mặt quốc phòng như đã tưởng.

Từ 10 năm gần đây, Nga cố gắng phát triển một lực lượng quốc phòng hiện đại về mặt tổ chức cũng như trang bị. Chủ trương này nằm trong mục tiêu chính trị của Tổng Thống Vladimir Putin tìm cách tạo dựng uy tín cá nhân và khích động tinh thần dân tộc cùng niềm tự hào về vinh quang quá khứ của nước Nga. Vì vậy, xét trên nhiều bình diện, đường lối cô lập hóa nước Nga do vụ Ukraine của Tây Phương có lẽ không là khôn ngoan và đem đến kết quả tốt.

Vả lại, hai rủi ro ngoài tầm kiểm soát có thể bất ngờ xảy đến. Thứ nhất, cho dù không chiến tranh lớn, vẫn rất dễ có những va chạm ngoài ý muốn  nếu cả hai phía không thể hiện một mức độ kiềm chế cần thiết. Thứ hai, trong tình thế chính trị của nước Nga, vì nhu cầu bảo vệ quyền lực cá nhân, Tổng Thống Putin khó có thể chấp nhận sự lùi bước nào.  

Truyền thông Mỹ hôm Thứ Tư đưa tin, căn cứ trên một kết quả nghiên cứu không được coi là chính thức của Ngũ Giác Đài, nói rằng ông Putin có thể mắc “Asperger's syndrome,” nghĩa là chứng bệnh làm người ta khó giao tiếp, trao đổi và phán đoán hợp luận lý các sự kiện. Điều này chưa thể tin được, nhưng căn cứ trên quá trình hành động của Tổng Thống Nga, đừng nên xem thường rằng ông ta không thể đi đến một quyết định ngoài dự đoán của các nhà phân tích.

Một loạt các biện pháp trừng phạt Nga do Mỹ và Liên Âu ban hành trong năm 2014 nhắm vào một số giới chức, hoạt động ngân hàng, ngành năng lượng và kỹ nghệ quốc phòng, thêm vào đó tình hình dầu lửa mất giá, quả thật đã đưa nền kinh tế Nga đi gần tới khủng hoảng. Nhưng điều ấy hầu như không có tác động gì đối với tham vọng hiện đại hóa quân đội  của Tổng Thống Vladimir Putin.

Trong năm nay, hầu hết các khu vực của nền kinh tế Nga đều bị cắt giảm ngân sách ít nhất 10% vì tình hình suy thoái. Nhưng ngân sách quốc phòng vẫn tăng 33%, lên tới 3.5 ngàn tỷ rubles, khảng 50 tỷ US dollars. Tổng Thống Putin như thế chứng tỏ sẵn sàng đương đầu  với thách thức của Tây Phương trong vụ Ukraine.

Triết thuyết quân sự Nga mà Tổng Thống Putin đã nói đến trong một hội nghị của các tướng lãnh hồi tháng 12 năm ngoái cho rằng NATO là mối đe dọa chính, và Nga cần phải có giải pháp đối phó với việc liên minh này tìm cách xen lấn vào khu vực ảnh hưởng của mình.

Thái độ của NATO cũng không thụ động và đưa ra những quyết định răn đe tương ứng. Sau hội nghị các bộ trưởng quốc phòng họp tại Brussels, Bỉ, hôm Thứ Năm 5 tháng Hai, ông Tổng Thư Ký NATO, Jens Stoltenberg, tuyên bố: “Chúng tôi đã chắc chắn rằng có đủ lực lượng đúng chỗ và đúng lúc” để “bảo vệ tất cả các nước thành viên chống bất cứ đe dọa nào đến từ phương Đông hay phương Nam.”

Theo lời ông Stoltenberg, lực lương gọi là giáng trả (Response Force) của NATO sẽ từ 13,000 quân tăng lên 30,000. Lực Lượng Phản Ứng Nhanh mới thành lập, có thể triển khai nội trong vòng 48 giờ. Cốt lõi của lực lượng là một đơn vị thường trực cấp lữ đoàn bộ binh được tiếp trợ bằng những đơn vị không vận và hải vận triển khai đầy đủ trong vòng một tuần lễ. Sáu nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha tình nguyện luân phiên cung cấp quân cho đơn vị cốt lõi. Hoa Kỳ đã có kế hoạch yểm trợ, không phải với quân đội chiến đấu, mà bằng công tác không vận, tình báo và thám thính.

Hai mươi tám quốc gia  thành viên NATO cũng lập ra 6 trung tâm chỉ huy hành quân ở thủ đô 6 nước Đông Âu: Latvia, Estonia, Lithuania – ba nước cộng hòa vùng Baltic – và Ba Lan, Romania, Bulgaria. Ông Tổng Thư Ký NATO khẳng định rằng những biện pháp này thuần túy vì mục đích tự vệ và chỉ được thực thi tùy theo hành động tương ứng của Nga.

Trong vụ khủng hoảng Ukraine, lần đầu tiên điện Kremlin chứng minh khả năng thi hành được một hình thức chiến tranh mà các chuyên gia quân sự gọi là “hỗn hợp” (hybrid), sử dụng lực lượng chính quy nhưng phủ nhận sự hiện diện, đồng thời với một chiến dịch tuyên truyền hoa mỹ và các áp lực chính trị kinh tế.

Ukraine đã quá vội vàng trong ý muốn ngả về Tây Phương, thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga và xem thường phản ứng từ điện Kremlin. Nhưng chính Hoa Kỳ và Liên Âu cũng không đánh giá đúng mức khả năng can thiệp của quân đội Nga cho tới khi hàng đoàn máy bay vận tải quân sự đáp xuống bán đảo Crimea. Những quân nhân lực lượng đăc biệt được đem đến không mang phù hiệu và được Nga giải thích là dân quân địa phương, mau chóng chiếm giữ các địa điểm trọng yếu và bao vây quân đội Ukraine trong căn cứ quân sự.

Đó là một đội quân tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại, được huấn luyện thành thục để hoàn thành sứ mạng, khác hẳn những binh sĩ Nga tỏ lộ sự rời rạc từ hành động cho đến tinh thần của mấy năm trước. Ít tuần lễ sau, một lần nữa những binh sĩ chuyên nghiệp này lại xuất hiện ở những tỉnh miền Đông Ukraine, nơi có đông dân gốc Nga, hỗ trợ cuộc nổi dậy đòi ly khai, và đưa đến nội chiến kéo dài cho đến nay làm hơn 5,000 người thiệt mạng mà quân đội Ukraine tỏ ra bất lực để tái lập ổn định.

Theo kế hoạch dự trù từ 2011 đến 2020, Nga sẽ chi 20 ngàn tỷ rubles (gần 300 tỷ US dollars) để mua vũ khí mới thay thế những loại cũ từ thời Liên Xô. Chương trình này có thể gặp khó khăn vì ngân sách do tác dụng của những biện pháp cấm vận và dầu lửa, nguồn lợi xuất cảng quan trọng nhất, xuống giá. Tuy vậy, người ta tin rằng tham vọng của ông Putin muốn phát triển lực lượng quốc phòng Nga trở lại vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới sẽ vẫn được đẩy mạnh.

Năm ngoái, quân đội Nga nhận được một số vũ khí mới nhiều nhất kể từ đầu thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, bao gồm hỏa tiễn, máy bay chiến đấu, trực thăng, chiến xa, thiết giáp cùng nhiều loại vũ khí cộng đồng cũng như cá nhân khác.

Lực lượng hỏa tiễn chiến lược trong năm 2014 nhận được 38 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa và năm nay sẽ thêm 50, thay thế các hỏa tiễn sản xuất từ thời Liên Xô, hầu hết đã đáo hạn sử dụng. Các giới chức quốc phòng Nga nói rằng kiểu ICBM mới này có khả năng vượt qua tất cả mọi hệ thống phòng thủ.

Sau một loạt thử nghiệm thất bại, hải quân Nga đến nay đã hoàn thiện được hỏa tiễn liên lục địa Bulava phóng từ tàu ngầm. Sang năm Nga sẽ có thêm một tàu ngầm nguyên tử trang bị hỏa tiễn Bulava gia tăng cho con số 2 chiếc hiện hữu và dự trù sẽ thêm 5 chiếc nữa trong thập niên này.

Các  trung đoàn hỏa tiễn được trang bị thêm rất nhiều hỏa tiễn chiến thuật Iskander, tầm xa 300 dặm, mang đầu đạn quy ước hay đầu đạn nguyên tử, loại mới với độ chính xác rất cao. Rất khó phòng thủ chống hỏa tiễn Iskander đặt trên xe di động có khả năng tấn công nhanh. Cuối năm ngoái, trong  một cuộc tập trận lớn, các hỏa tiễn Iskander đã được đưa đến Kaliningrad, một lãnh thổ ngoại vi thuộc Nga nằm bên bờ biển Baltic lọt giữa Ba Lan và Lithuania. Hành động này được xem như một biểu dương mang tính  răn đe hai quốc gia Đông Âu thành viên NATO, và các hỏa tiễn được rút đi sau cuộc tập trận.

Cũng trong năm ngoái, không quân Nga nhận được hơn 250 máy bay chiến đấu mới kể cả các loại mới như Sukhoi Su-34 và trực thăng tấn công Mi-28, với kế hoạch sẽ sản xuất và đưa vào sử dụng 200 chiếc nữa trong năm nay.

Nga cũng đã mở lại các phi vụ tuần thám thường xuyên của máy bay Tu-95 trên không phận Bắc Băng Dương cũng như cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương xuống tới gần vịnh Mexico. Tupolev  Tu-95 là máy bay oanh tạc chiến lược tầm xa với tất cả các tính năng tương đương Boeing B-52 của Mỹ. Đây là kiểu máy bay duy nhất trên thế giới sử dụng động cơ cánh quạt bán phản lực có cánh xuôi về phía sau, và cũng là máy bay quân sự được sử dụng lâu năm nhất do Liên Xô chế tạo từ 1952, cùng thời với B-52.

Kể từ vụ khủng hoảng Ukraine, máy bay chiến đấu của Nga thường xuyên bay tuần tiễu dọc biên giới và NATO nói rằng trong năm 2014 hơn 400 lần xâm phạm không phận các quốc gia thành viên liên minh.

Bằng tất cả các hoạt động, từ mở lại những căn cứ quân sự thời Liên Xô trước đây đã bị hủy bỏ, cho đến  việc tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô gần biên giới, quân đội Nga chứng tỏ đã được chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và điện Kremlin chấp nhận thách thức về mặt quân sự của Tây Phương.

Người ta lo ngại tình hình ấy tới một lúc có thể dẫn tới những hành động bất ngờ hết sức nguy hiểm ở Âu Châu.

Với thiện chí muốn tái tạo hòa bình ổn định tại Ukraine nói riêng và Âu Châu nói chung, Tổng Thống Pháp Francois Holland và Thủ Tướng Đức Angela Merkel hôm Thứ Sáu lần đầu tiên cùng đến Moscow gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin để tìm giải pháp chấm dứt vụ khủng hoảng. Nhưng sau 5 giờ thảo luận ở điện Kremlin, chưa thỏa thuận nào đạt được, và ba nhà lãnh đạo chỉ có thể đồng ý sẽ tiếp tục con đường ngoại giao với hy vọng một thỏa hiệp ngừng chiến với hiệu lực vững bền ở Ukraine sẽ có  trong thời gian không xa.(HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats