Monday, 16 February 2015

Câu chuyện cuối năm [về khủng hoảng Ukraine] (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, February 14, 2015 2:29:31 PM

Năm hết Tết đến, nào ai muốn nghe chuyện chiến tranh, chuyện khủng hoảng kinh tế, nhưng khổ một nỗi thế giới không bao giờ chịu nghỉ ăn Tết. Vả lại, chưa đầy nửa nhân loại ăn Tết Âm lịch thành ra phần còn lại vẫn tiếp tục đánh nhau, vẫn tiếp tục tranh chấp, vẫn tiếp tục như không có ngày Tết vậy.

Ngay hôm ông Táo về trời, người ta đã hơi mừng khi Thủ Tướng Angela Merkel của Đức và Tổng Thống Francois Hollande của Pháp nói là họ sẽ đi gặp ông Tổng Thống Nga Vladimir Putin cùng với ông tổng thống của đất nước Ukraine khốn khổ ở thủ đô Minsk của Belarus. Cho đến phút chót các đại diện cấp dưới đã cãi nhau không sao đạt được thỏa thuận.

Sau một cuộc họp gay go, gắt gỏng kéo dài thâu đêm đến 16, 17 giờ đồng hồ tùy theo cách đếm của các nhà báo, bốn lãnh tụ tuyên bố đạt được một thỏa thuận ngưng bắn. Nhưng quả như bà thủ tướng Merkel đã nói, thỏa thuận đạt được chỉ mới cung cấp “một tia hy vọng” cho cuộc chiến ở Đông Ukraine. Ai cũng bảo thật là ngu ngốc nếu chúng ta coi thỏa thuận này một cách lạc quan hơn. Điều mà hai ông Putin và Poroshenko đã đạt được, với sự trung gian mà có khi là can thiệp của bà thủ tướng Đức và với sự trợ sức của ông tổng thống Pháp, là một thỏa thuận khung để có thể chấm dứt cuộc chiến tàn bạo, đã làm cho trên 5,000 thiệt mạng và đang xé tan nát một quốc gia nằm ngay giữa Âu Châu.

Điều chúng ta đừng quên là một thỏa thuận như vậy, cũng ký kết ở Minsk hồi tháng 9 năm ngoái, đã sụp đổ còn nhanh hơn là lâu đài trên cát nữa. Phải nói là bất cứ một sự lạc quan nào về điều mà bây giờ các nhà báo gọi là Minsk II đòi hỏi là chúng ta phải tin ông Putin đột nhiên muốn trở nên thân thiện với Tây phương và nhất là với một Ukraine đã bất chấp ông và dám lật đổ người mà ông đã đặt lên để bảo đảm là Ukraine, không những nằm trong vùng ảnh hưởng của ông, mà còn là một chư hầu của Nga nữa.

Điều quan trọng nhất mà thỏa thuận này đạt được là một cuộc ngưng bắn và việc tạo nên một hành lang phi quân sự tách rời Ukraine ra khỏi lực lượng thân Nga đến 140km. Nhưng còn có rất nhiều những lỗ hổng để cho ông Putin có cớ thổi cho cuộc chiến bùng lên trở lại khi nào ông ta muốn. Một trong những lỗ hổng đó là chiến sự còn có thể tiếp tục hai ngày sau khi tuyên bố và còn phải hai tuần sau thì mới rút vũ khí nặng. Ấy là chưa kể số phận của hàng ngàn binh sĩ Ukraine đang tử thủ bên trong thị trấn Debaltseve. Chỉ vào bản đồ, một nhà chiến lược quân sự đã cho thấy thị trấn này là trụ cột cho một khu vực như một cái lưỡi nằm chọc sâu vào vùng của hai thành phố ly khai Donetsk và Lugansk. Đó là lý do tại sao như Thông tấn xã Reuters cho biết một lữ đoàn thiết giáp đã được Nga điều tới để giúp bao vây Debaltseve. Và đó cũng là lý do tại sao một thị trấn nhỏ bé đã được bảo vệ bởi nhiều ngàn binh sĩ Ukraine. Triển vọng Ukraine giữ nổi thị trấn này ngày càng mong manh.

Và ngay cả nếu hai bên chịu chấm dứt chiến sự, vẫn còn rất nhiều vấn đề nếu muốn có một giải pháp lâu dài. Thỏa thuận hôm thứ năm 12 vừa qua đã phác họa một thỏa thuận chính trị có thể thấy Kiev phải trao quyền hầu như là tự trị cho hai vùng Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận hẳn đã giữ thể diện cho ông Poroshenko khi nói đến Kiev sửa hiến pháp để tản quyền cho các vùng do phiến quân chiếm đóng, một chữ yếu hơn nhiều so với điều mà Nga đòi hỏi là “liên bang hóa.” Donetsk và Lugansk sẽ có cảnh sát riêng và tư pháp riêng. Nhưng họ không có quyền phủ quyết về chính sách ngoại giao hay quốc phòng của Ukraine. Điều này có nghĩa là không thể là tiền tuyến thân Nga chống lại việc Kiev đến một lúc nào đó tham gia vào Liên Hiệp Âu Châu hay Liên Minh Nato.

Nhưng thắng lợi này quá nhỏ so với thất bại ê chề mà ông Poroshenko đã phải chấp nhận. Nga vẫn không hề công nhận họ có lính trên đất Ukraine, và thỏa thuận không nói gì đến việc lúc nào họ phải rút ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Thỏa thuận này cũng không ngay lập tức cho phép Kiev lập lại kiểm soát vùng biên giới với Nga. Phải mãi đến cuối năm nay họ mới được quyền bảo vệ biên giới với Nga, mà còn phải tùy theo là họ có sửa được hiến pháp để “tản quyền” đã. So với Minsk I, đây là một bước thụt lùi lớn. Trong thỏa thuận trước, Kiev có thể kiểm soát biên giới của mình mà không có điều kiên tiên quyết nào khác.

Nói cho cùng dầu cho là Minsk I hay Minsk II, hay nhiều thỏa thuận ngưng bắn nữa, chỉ có thể thành công nếu ông Putin quyết định giảm thiểu sự đối đầu với Ukraine và với Tây phương. Nhưng không có chỉ dấu nào cho thấy ông có ý định đó cả. Dĩ nhiên là có nhiều yếu tố khiến ông ta không thích làm điều đó. Nền kinh tế Nga đang lâm vào giai đoạn khủng hoảng trong khi chính quyền đang tiếp tục một chiến dịch bài Tây phương một cách điên cuồng trên các phương tiện truyền thông ở Nga. Tất cả những yếu tố đó cho thấy là tham vọng của vị lãnh tụ điện Kremlin vượt ra ngoài Ukraine và ông đang cố gắng tái khẳng định lại khu vực ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu.

Trong suốt cuộc khủng hoảng, ông Putin thường xuyên thay đổi từ huy động lực lượng đến chuyển sang ngoại giao vào phút chót. Như một võ sĩ nhu đạo rất giỏi những thế hư để đánh lừa đối thủ, ông tiếp tục đi con đường của mình. Bởi vậy Minsk II chỉ là một sự tạm ngưng chiến thuật. Và một lần nữa ông có vẻ đã thành công. Từ Hoa Kỳ sang Âu Châu, các lãnh tụ Tây phương đã thở phào nhẹ nhõm với hy vọng mới, lơ là lỏng tay để ông lại có một cơ hội nữa đi đến ước mơ Novorosiya (Nước Nga Mới) mà Nữ Hoàng Catherine đã chiếm đượt thuở nào. Vùng này, kéo suốt từ Donetsk ở vùng Đông Bắc đến Odessa ở Tây Nam. Tờ Financial Times đã bảo cái tên là đó là cái tên của năm 2014. Họ nên nói nó sẽ là cái tên cho năm 2015 và tiếp tục cho đến khi nào ông Putin toại nguyện.

Nhưng chuyện ông Putin ở miền đông Âu Châu đâu phải là vấn đề duy nhất của thế giới. Ở Trung đông, phiến quân vốn tự gọi mình là Islamic State hay Islamic State for the Levant đã sát hại thêm một con tin Hoa Kỳ nữa. Cái chết của cô Kayla Mueller, con tin cuối cùng người Mỹ mà tổ chức khủng bố này còn giữ, đã không kinh tởm và ồn ào nhưng cũng tàn bạo không kém.

Dầu cô Mueller có chết vì lý do nào chăng nữa, nó là cái chết của một thiếu nữ đầy lý tưởng, đã tình nguyện phục vụ ở Ấn Độ và ở Palestine sau khi tốt nghiệp đại học. Cô tìm đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria năm 2012 để phục vụ cho các tổ chức nhằm giúp đỡ những dân tị nạn bỏ chạy khỏi cuộc nội chiến ở Syria. Cô đã bị bắt cách đây hơn một năm cùng với một nhóm các nhân viên thiện nguyện khác, tất cả đều đã được trả tự do, có lẽ là sau khi nộp tiền cho IS. Không một chủ thuyết nào có thể biện minh cho việc giết một người như cô. Nhưng cũng không có chủ thuyết nào có thể biện minh cho việc giết những nhà báo, nhân viên thiện nguyện Anh, Mỹ, Nhật khác.

Nếu có điều an ủi thì có lẽ hành động tàn bạo của IS, nhất là việc họ thiêu sống Thiếu Úy Muath al-Kasaesbeh, đã là một bước ngoặt.

Ở nửa bên kia của địa cầu, Á Châu cũng không yên ổn. Ông Tập Cận Bình có vẻ đang học bài học của ông Putin. Khi thế giới để cho ông Putin ngang nhiên chiếm vùng Crimea, ông Tập hẳn mở cờ trong bụng vì từ nay ông tha hồ lấn chiếm Biển Đông. Cũng may cho thế giới là Hoa Kỳ nay có một vị tổng thống đã sống ở Thái Bình Dương và hiểu rõ tầm quan trọng của những hành động của Trung Quốc. Không phải là Tổng Thống Barack Obama không hiểu tầm quan trọng của hành động của ông Putin ở Âu Châu. Nhưng ở một khía cạnh nào đó ông có lý khi cho là Âu Châu phải tự gánh lấy vấn đề ở sân sau nhà mình. Vả lại, so với IS, và ngay cả so với Nga thì thực sự kẻ thù duy nhất có thể đối chọi với Hoa Kỳ ngày nay là Trung Cộng.

Chỉ hy vọng là không những Tổng Thống Obama mà còn các vị kế nhiệm ông nữa, ý thức được cái nguy cơ đó. Chỉ hy vọng là những người dân thế giới không phải chết tức tưởi như những người dân Ukraine, chết ôm lá cờ Liên Hiệp Âu Châu để rồi mới thấy là chính Liên Hiệp đã phản bội họ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats