Sunday 8 February 2015

Các ý nghĩ từ một buổi sinh hoạt văn học (Phạm Phú Minh)





Chủ Nhật, ngày 08 tháng 2 năm 2015

- Bình Ngô Đại Cáo-Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đầy đủ không bị cắt,
Trích đoạn Bình Ngô Đại Cáo trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
- Bình Ngô Đại Cáo-Lịch Sử Việt Nam, Trích đoạn Bình Ngô Đại Cáo trong cuốn Lịch Sử Việt Nam của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội-Hà Nội 1976: một câu đã bị cắt và để lại ba dấu chấm (...)


(Bài dưới đây nguyên là bài nói chuyện của tác giả tại buổi sinh hoạt văn học của Viện Việt Học, vào ngày 28 tháng 9, 2014. Bài nói sau đó đã được bổ sung thêm một số tài liệu nhằm minh họa thêm cho chủ đề đã được trình bày.)

Buổi sinh hoạt hôm nay của Viện Việt Học tuy có hai chủ đề khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một. Chủ đề thứ nhất là giới thiệu một công tác quan trọng của Thư viện Viện Việt Học, đó là việc số hóa các sách bản gốc của Tự Lực Văn Đoàn và đưa lên Online của Thư viện để mọi người có thể sử dụng. Chủ đề thứ hai là ra mắt cuốn Kỷ Yếu của cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn tổ chức tháng 7 năm ngoái, mãi đến bây giờ mới in xong. Rõ ràng là hai chủ đề này rất gần gũi nhau, có thể nói có cùng một bản chất, ấy là sự cố gắng sưu tầm, khôi phục, và phổ biến để gìn giữ những cái vốn quý giá của một mảng văn học Việt Nam của thế kỷ 20, mà qua nhiều năm tháng và biến cố chính trị, có nguy cơ bị hư hoại hoặc bị biến đổi để trở thành dị dạng.

Trước hết tôi xin phép nói về các nguy cơ, trước hết là sự hủy hoại của thời gian, và thứ hai, sự hủy hoại của chế độ chính trị đối với báo Phong Hóa Ngày Nay và tác phẩm TLVĐ.

Như chúng ta đều biết, số báo Phong Hóa đầu tiên do Nhất Linh điều khiển ra đời vào ngày 22 tháng 9 năm 1932, cách đây đúng 82 năm. Và trong vòng một thập niên từ ngày đó, nhóm TLVĐ tiếp tục xuất bản hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, đồng thời dựng nhà xuất bản Đời Nay để ấn hành sách của các thành viên và một số tác phẩm giá trị của người ngoài nhóm. Nói chung, sách hay báo thời đó cho đến ngày nay đều đã trở thành những thứ “xưa nay hiếm”, vì đã quá cũ. Nhưng sách thì vào các thời kỳ sau vẫn được tái bản nhiều đợt, riêng báo thì dĩ nhiên không bao giờ được in lại, chỉ được gìn giữ trong các thư viện tư gia hay công cộng. Trong một xứ nhiệt đới ẩm thấp như Việt Nam, sự hủy hoại báo giấy đến rất nhanh. Một số thư viện tại Việt Nam và trên thế giới trước đây đã chụp micro film để lưu giữ các số báo PHNN, nhưng với một phẩm chất không mấy tốt. Cho mãi đến vài ba năm gần đây, một nhóm người ở California mới cùng nhau cố gắng dùng phương tiện điện tử hiện đại để “số hóa”, tức scan, chụp hình lại từng trang báo, coi như vĩnh viễn cứu vớt toàn bộ báo PHNN ra khỏi họa diệt vong.

Bây giờ đến cái họa thứ hai, do con người gây ra đối với sách TLVĐ. Như chúng tôi vừa nói, sách TLVĐ nguyên thủy được xuất bản trong thập niên 1930 và kéo dài đến năm 1945. Khi chiến tranh với Pháp bùng nổ sách này được dần dần in lại tại các thành thị, đặc biệt từ đầu thập niên 1950 với nhà xuất bản Phượng Giang tại Sài Gòn, được chính nhà văn Nhất Linh coi sóc việc tái bản. Cho đến năm 1975, các sách TLVĐ được tái bản ở miền Nam trên tổng thể coi như trung thành với nguyên bản của nhà xuất bản Đời Nay, có thể tin cậy được.

Riêng đối với chế độ cộng sản thì ngay trong cuộc chiến 9 năm với Pháp, từ năm 1950 đã có lệnh cấm đoán các tác phẩm TLVĐ. Sau 1954 tại miền Bắc không những cấm đoán, mà các nhà lý luận văn học còn ra sức công kích, hạ thấp, bôi nhọ giá trị của văn đoàn này. Hoàn toàn không có việc dạy tác phẩm TLVĐ trong trường học, sách TLVĐ bị coi là thứ phản động, bị cấm trong xã hội. Nhiều người không hề biết TLVĐ là cái gì, tên của một số các tác giả TLVĐ không theo cộng sản trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội, dù đó là những nhà văn có thực tài. Từ 1975, dù sách TLVĐ không bị đốt ở miền Nam nhưng vẫn không được tái bản, cho mãi đến khi “đổi mới” từ 1986 trở về sau. Từ khoảng đầu thập niên 1990 chúng ta chứng kiến việc nở rộ việc in sách TLVĐ trở lại, từ những nhà xuất bản của trung ương hay các thành phố lớn cho đến các nhà xuất bản tỉnh lẻ đều đua nhau in lại sách TLVĐ. Nhưng thoạt đầu ít ai biết được việc tái bản ồ ạt sách TLVĐ chính là một nguy cơ phá hoại sách TLVĐ, nguy cơ này được khám phá ra từ từ, và cho đến ngày hôm nay được ý thức như là mối họa đối với nền văn học Việt Nam.

Sau đây là trích đoạn thư của một nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam gửi cho tôi về vấn đề này:
Cắt bỏ Tự lực văn đoàn một cách vô lối là hiện tượng dễ thấy nhất, và phần lớn của sự cắt bỏ là sự sợ bóng sợ gió của người biên tập (nhà nghiên cứu) và nhà xuất bản vì từ quá lâu đã bị ám ảnh bởi một thứ đe dọa vô hình. Cho nên sách TLVĐ in trong nước chẳng sách nào trọn vẹn cả. Cứ tùy tiện mà cắt thôi. Ngoài ra thì còn nhiều sách miền Nam in lại bị cắt lắm, nhất là các loại hồi ký, như các sách hồi ký của Nguyễn Vỹ (Tuấn chàng trai nước Việt), của Nguyễn Hiến Lê... đều cắt xén cả.

Nhà văn Trúc Chi kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú nhưng đáng rơi nước mắt. Một số năm trước đây nhà văn về thăm Hà Nội, một buổi dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, ghé vào một hiệu sách mua cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng mà ông rất thích thời trẻ tuổi. Mang về khách sạn đọc, ông tìm mãi không thấy đoạn tả cảnh chùa Long Giáng mà ngày xưa ông rất mê, đọc hết cuốn sách cũng không thấy đoạn ấy ở đâu, cuối cùng phải kết luận là đoạn ấy đã bị cắt bỏ. Vì sao mà cắt bỏ, ai có quyền cắt bỏ thì ông không thể nào biết được.

Năm ngoái trong cuộc hội thảo về TLVĐ do chúng tôi tổ chức tại báo Người Việt, cô Tanaka Aki trong phần phát biểu của mình, đã kể rằng trong chương trình học văn học Việt Nam tại đại học Tokyo, cô đã được giáo sư Kawagichi giao cho dịch một phần cuốn Đời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh sang tiếng Nhật, và cô đã khám phá ra có sự khác biệt giữa ấn bản mới mà cô mua tại Sài Gòn do Hội Nhà văn xuất bản năm 2010 khi so với ấn bản do nhà xuất bản Đời Nay in trước năm 1975. Và sau đó cô phải vứt bỏ cuốn do Hội Nhà văn xuất bản để chỉ dùng cuốn của Đời Nay.

Thêm một trường hợp phải vứt bỏ khác do nhà văn Ngự Thuyết, người thuyết trình về cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng trong hội thảo năm ngoái kể trong một email gửi chúng tôi:
Khi soạn về Khái Hưng tôi có đọc cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên in ở VN, có nhiều chỗ sai, nên tôi không dùng cuốn ấy nữa, phải mua một cuốn khác tại nhà sách Tự Lực, và vất cuốn cũ.

Nói chung, trong hiện tại, khi in lại sách TLVĐ các nhà xuất bản ở Việt Nam không để nguyên vẹn một cuốn nào cả. Có tình trạng này là do các nhà xuất bản phải lo “tự kiểm duyệt”, hễ thấy có chữ nào, câu nào có thể bị cấp trên của ngành văn hóa không hài lòng thì cứ tự tiện cắt bỏ trước, như thế cho chắc ăn hầu tránh khỏi lệnh tịch thu sách có thể được ban ra bất cứ lúc nào, khiến vốn liếng bỏ vào việc in sách một sớm một chiều biến ra mây khói.

Nhưng sách TLVĐ không phải là loại sách duy nhất bị cắt xén, sửa đổi. Nhiều sách khác cũng chịu cùng số phận. Một số sách của miền Nam trước 1975 được in lại cũng bị cắt xén sửa chữa, như trong email trước của nhà nghiên cứu trong nước đã đề cập đến: Tuấn chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, hồi ký của Nguyễn Hiến Lê. Hoặc bài Thụy Khuê phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn cho đài RFI, sau đó đăng trên tạp chí Hợp Lưu thì đã được trong nước in lại trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn trong 64 trang (từ trang 422 đến trang 486) với tình trạng như sau do Thụy Khuê viết lại trong lời nói đầu cuốn Nói Chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp do Văn Nghệ (California) xuất bản:
Về văn bản in lại trong tập La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, Con Người Và Trước Tác (phần I) (nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998) do Hữu Ngọc và Nguyễn Ðức Hiền biên soạn; để bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn có thể in được ở Việt Nam, chúng tôi đồng ý với yêu cầu của ban biên tập (4) là có thể cắt bỏ một vài chữ, vài đoạn, với điều kiện là phải để ngoặc [...] thay thế những đoạn hay những chữ bị cắt, và đề rõ xuất xứ, nếu lấy trên Hợp Lưu, như vậy độc giả có thể tìm lại được bản gốc để biết chỗ bị cắt.

 Khi sách in ra, chúng tôi thấy có một vài thay đổi: như tiểu tựa Hoàng Xuân Hãn, Chứng Nhân Lịch Sử được đổi thành Những Cuộc Tiếp Xúc Khó Quên, có những đoạn bị cắt, một vài câu thêm vào, những chữ Nôm để trống và không đề xuất xứ từ Hợp Lưu, không in bài dẫn nhập với những dè dặt của chúng tôi... Do đó, trong lần in này, chúng tôi sẽ chú thích để độc giả biết đoạn nào đã bị cắt trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, hoặc câu nào không có trong nguyên văn lời nói của Hoàng Xuân Hãn.

Đây là ví dụ một đoạn lời phát biểu của học giả Hoàng Xuân Hãn bị cắt và thêm thắt:
Được cái người Pháp khinh địch, khinh mình, cho nên không dè họ thua. Nhưng đến lúc Điện Biên Phủ, thì nói thực, lúc ấy không có súng ống tối tân không đời nào mà đánh được Pháp. Pháp lúc ấy được Mỹ giúp ghê lắm rồi, về súng ống ghê rồi. Chỉ có bom nguyên tử họ không giúp, hay là 100 máy bay họ không giúp một lần, họ chỉ giúp lẻ tẻ thôi. Hồ Chí Minh, lúc ấy tụi Tàu đặt vấn đề ra, nếu không theo nó, không nghe nó về mặt chính trị, nó không cho súng ống thì cũng chết. Cho nên nó đưa những tụi cải cách ruộng đất ở bên Tầu vừa xong, nó đưa sang, nó cầm một vài ông -gọi là Bộ Trưởng lúc ấy- những người lúc ấy không phụ thuộc Hồ Chí Minh. Sự cải cách gọi là địa phương nhưng mà lên đến huyện, lên đến tỉnh đã có người Tàu điều khiển cả rồi. Thành ông kia là phải nuốt chuyện ấy để mà nó giúp cho súng ống[53]. Họ cũng biết là được Điện Biên Phủ thì mới có chuyện gì, chứ thua Điện Biên Phủ thì lúc ấy thua hoàn toàn.

[53] Trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, sđd, đoạn gạch dưới trên đây không những bị cắt bỏ, lại còn thêm câu: "Hồ Chí Minh, lúc ấy đã phải dùng nhiều cách, và nhiều con đường: chính trị, ngoại giao sáng suốt và mềm dẻo để có súng ống mà đánh Pháp."

Chúng ta có thể tự hỏi: những người thực hiện cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn có phải là những người đang làm công việc văn hóa hay không? Hay là đang làm công việc tuyên truyền cho đảng cộng sản, làm công việc đánh bóng cho ông Hồ Chí Minh? Họ dùng bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn do một người khác thực hiện, và tự tiện gạch bỏ và viết lại theo ý họ. Chúng tôi nghĩ, nếu thấy bài có điểm không vừa ý mình thì thôi, đừng dùng đến, có ai bắt buộc phải dùng đâu? Hay là chỉ muốn dựa vào tên tuổi của Hoàng Xuân Hãn để tuyên truyền mà làm công việc đáng sỉ nhục là gạch bỏ và sửa lời nói của ông?

Nhưng Hoàng Xuân Hãn dù sao cũng là người của thời nay. Người cộng sản sẵn sàng gạch bỏ tác phẩm của tổ tiên từ nhiều thế kỷ trước nữa kìa! Câu chuyện này do ông Nguyễn Minh Cần kể lại với tác giả bài này qua một bức thư:
Hồi những năm 60-70 thế kỷ trước, Trường Chinh và Tố Hữu lúc đó phụ trách về tuyên huấn, văn hóa, giáo dục... Các ông ấy cho rằng trong nguyên bản tờ Bình Ngô Đại Cáo ở đoạn cuối, trước chữ "Than ôi !"  có một câu mà các ông cho là "duy tâm", "mê tín"  quá là câu "Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy"  (bản dịch của Trần Trọng Kim), thế là các ông quyết định bỏ đi, mà mập mờ cho ba chấm vào trước câu sau. Thế là những sách có in Bình Ngô Đại Cáo trong thời đó đều bỏ câu đó đi, có khi họ quên để cả ba chấm nữa.

Hiện nay, tôi còn tìm thấy trong tủ sách của tôi cuốn LỊCH SỬ VIỆT NAM (hồi đó coi là cuốn sách lịch sử quan trọng nhất), ghi rõ "sách biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam"  (tức là do các ông Trường Chinh và Tố Hữu duyệt mới được cho in), xuất bản năm 1971, thì đúng là người ta bỏ câu đó thật.

Đến Bình Ngô Đại Cáo do một đại anh hùng dân tộc là Nguyễn Trãi viết ra mà các ông Trường Chinh, Tố Hữu còn dám thò tay vào gạch bỏ lời văn, thì trên đời này còn có cái gì mà người cộng sản không dám bóp méo, xuyên tạc? Nghĩ đến một ngày kia khi không còn chế độ cộng sản trên đất nước ta nữa, công việc thanh lọc trở lại những gì họ đã cố tình sửa đổi, tô vẽ hay xóa đi trong các lãnh vực văn hóa như lịch sử, văn học, văn chương, phong tục v.v... của nước ta sẽ là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Công cuộc phá hoại văn hóa ấy của người cộng sản e rằng còn lớn lao nguy hiểm hơn của một đạo quân xâm lăng từ nước ngoài, vì nó tinh vi, tỉ mỉ do chính người Việt Nam thực hiện theo lời dạy bảo của một chủ thuyết mang từ xa về.

Chừng đó ví dụ cũng đủ cho thấy là chế độ toàn trị của cộng sản không coi những giá trị gốc của dân tộc ra cái gì cả. Họ chỉ nhằm tới một việc là làm lợi cho chế độ của họ, chỉ có cái đó là có giá trị đối với họ, họ sẵn sàng thêm bớt sửa chữa các vốn văn hóa có trước họ, không biết hổ thẹn, không cần nhân cách, danh dự gì cả. Và như thế, với tư cách một nhà cầm quyền, họ đã phá hoại không biết bao nhiêu là sách vở tài liệu bản gốc.

Người Việt Nam đi tị nạn cộng sản trên thế giới có nhiệm vụ bảo tồn các di sản văn hóa của tiền nhân khỏi bị tiêu tán hoặc bóp méo bởi các hành vi phi văn hóa của người cộng sản. Mỗi người trong khả năng của mình, cố gắng sưu tầm, lưu giữ các di sản tìm được bằng các phương tiện điện tử tân tiến, và phổ biến cho mọi người sử dụng miễn phí. Đó là cách cứu lấy văn hóa nước nhà. Từ một thập niên qua cho đến hiện tại việc số hóa toàn bộ báo Nam Phong, Phong Hóa-Ngày Nay, Tri Tân, Thanh Nghị, Tập san Sử Địa, toàn bộ sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhiều tài liệu sách vở khác đã là những ví dụ cụ thể. Dĩ nhiên hậu thế của dân tộc Việt Nam cần những bản gốc này hơn là những sách vở tài liệu do đảng cộng sản sửa chữa, xuyên tạc, bóp méo cho vừa riêng chủ thuyết của đảng mình. Di họa của việc làm gian dối này thì rất nguy hiểm, gây nên những sai lệch mất mát khôn lường cho dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Sửa chữa xong vào giữa tháng 11-2014.

Phạm Phú Minh

-----------------------------

XEM THÊM :

5.02.2015





No comments:

Post a Comment

View My Stats