Sau bốn năm đàm phán, Hiệp định chấm dứt chiến tranh
lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973 tại Paris giữa
Hoa Kỳ, Cộng Sản Hà Nội, Việt Nam Cộng Hòa và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời (tức
Việt Cộng). Hiệp định dài khoảng 10 trang gồm:
Chương I- Chủ quyền, thống nhất; II- Chấm dứt chiến
sự, rút quân; III -Trao trả tù binh; IV- Hội đồng đồng hòa giải dân tộc; V- Thống
nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào; VI- Ủy ban liên hợp
quân sự; VII- Đối với Miên, Lào; VIII- Quan hệ VNDCCH và Mỹ, IX Những điều khoản
khác (Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập từ trang 944 tới 954)
Trên thực tế chỉ có một số điểm chính hai bên đã
thương thuyết như sau.
-Mỹ rút quân
-Trao trả tù binh
-Lật đổ chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
-Việc thành lập chính phủ Liên hiệp.
-Lập Hội đồng hòa giải dân tộc.
-Bắc Việt rút khỏi miền nam VN
Hiệp định ký kết ngày 27/1 cho thấy Mỹ rút quân khỏi
Đông Dương hoàn toàn, Hà Nội trả tù binh cho Mỹ và chịu nhượng bộ ba điểm chính
mà họ đã đòi hỏi suốt gần 4 năm: không đòi loại bỏ chính phủ Nguyễn văn Thiệu,
không lập chính phủ Liên hiệp, Hội đồng hòa giải dân tộc chỉ có hình thức, trên
thực tế không được thiết lập. Hoa Kỳ và miền nam phải nhượng bộ để quân đội BV
được ở lại. Cuối cùng các phe tham gia hòa đàm đều
có phần như tác giả Marvin Kalb, Bernard Kalb nhận xét trong cuốn Kissinger,
trang 421
“Nixon lấy lại được tù binh, Thọ đòi được Mỹ rút,
Thiệu vẫn cầm quyền, Chính phủ cách mạng lâm thời (tức VC) có tư
cách chính trị hợp pháp tại miền nam, mỗi người được một chút, nhưng không có
ai đòi được hết tất cả“
(Nixon got the prisoners back, Tho got the Americans
out, Thieu got to keep his hold on power and the PRG got a degree of political
legitimacy in South Vietnam. Everybody got something, but nobody got
everything)
Đã có nhiều bàn luận, tranh cãi quanh Hiệp định
ngưng bắn của truyền thông báo chí, các nhà học giả, các chính trị gia, phe
phái. Trước hết tôi xin nói tới những sự đánh giá cao thành quả của hành pháp.
Ca
Tụng
Tác giả Larry Berman (1) có nói dư luận
truyền thông báo chí ca ngợi Hiệp định Paris của TT Nixon vừa được ký
kết như.
Tờ Portland Press Herald viết “hòa bình danh dự” qua một “hòa bình thích nghi”.
Holmes Alexander trên tờ Fort Worth Star-Telegram
viết “Chiến tranh của Nixon thành Hòa bình của Nixon”.
Tờ Milwaukee Sentinel viết “Lòng can
đảm, mưu trí, kiên nhẫn và lòng cương quyết của Nixon đã được đền bù với Hiệp định
chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhìn chung có vẻ tốt đẹp mà mọi bên đều mong đợi
một cách hợp lý (all things considered, appears to be about as good as all
sides could reasonably expect)”
Tờ Washington Post nói: “Ông đã vinh
danh lời cam kết chấm dứt chiến tranh trong bốn năm một cách phong phú, chúng
ta biết ơn ông sâu xa”.
Tờ Boston Herald-Traveler viết: “Điều
chắc chắc nó hơn hẳn sự đầu hàng hèn hạ mà một số người Mỹ đã đòi hỏi hoặc
muốn đám phán để ký kết…Người dân Mỹ thọ ơn Ông Nixon vì ông đã từ chối bỏ rơi
đồng minh hoặc thất hứa hay bỏ rơi tù binh và đã thực hiện một Thỏa ước hứa hẹn
một nền hòa bình lâu dài thực sự”.
Tờ Wall Street Journal nói: “Người ta
có thể tranh cãi về đường lối của ông nhưng không thể chối cãi sự kiện ông đã
đem 550,000 người ra khỏi VN và tù binh về nước mà không làm sụp đổ Chế độ Sài
Gòn…Kẻ địch phải hiểu rõ rằng xương sống của con người trong tòa Bạch
Ốc này làm bằng thép đã mang lại Hiệp định trong khi những con lang, sói kêu,
hú…”
Tờ Cleveland Plain Dealer nói: “Cuối
cùng ngưng bắn được cống hiến cho Ông Nixon. Ván bài quốc tế của ông đã thanh
toán hết mọi áp lực từ trong nước ra ngoại quốc. Đây là giờ phút tươi đẹp nhất
dành cho ông Tổng thống thứ ba mươi bẩy của chúng ta”.
Haldeman, phu tá Tổng thống ghi trong nhật ký, ngày
27/1/1973, Tổng thống cho biết các báo thiếu một chi tiết: Nixon là con người cứng
rắn, Kissinger khi ra Quốc hội đã không nói tới một điểm liên hệ cá tính của
con người cứng rắn tới cùng ấy. Kissinger đã không nói rằng nếu không có lòng
can đảm của Tổng thống chúng ta không có hòa bình. Căn bản của vấn đề ở chỗ ông
là người cô đơn trong tòa Bạch Ốc, ít được chính phủ ủng hộ, bị Thượng viện và
một số Dân biểu chống đối mạnh, bị phản ứng dữ dội của truyền thông
và ý kiến các nhà lãnh đạo tinh thần, tôn giáo, thương mại, giáo dục… nhưng được
giới lao động ủng hộ, một mình ông đã vượt qua hết. Sự khác biệt giữa
thành quả của Tổng thống đã đạt được và những người đối lập muốn đó là khác biệt
giữa hòa bình danh dự và hòa bình giả tạo bằng sự đầu hàng của Mỹ
Trong một bản tường trình về VN của Tòa Bạch Ốc gửi
các Dân biểu Quốc hội đã đưa ra những viễn tượng, xin sơ lược dưới đây (2) :
Trong bốn năm liền, Richard Nixon đã một mình đứng tại
Thủ đô trong khi những lớp trẻ đả đảo chính sách can thiệp vào Đông Dương của
ông. Trong bốn năm liền ông đã là nạn nhân của những kẻ xấu tấn công. Truyền
thông cấp tiến đánh phá ông Nixon, tấn công, cắt, đập ông tứ phía suốt
ngày đêm. Cơ sở giới trí thức xử dụng sức mạnh vô song của họ để gây
ảnh hưởng tới ý thức của người dân. Quốc hội tấn công không ngừng suốt những
năm tháng ấy.
Không có ông Tổng thống nào bị quấy phá liên tục bới
những kẻ mà đúng lý ra phải quì gối mỗi đêm để cám ơn ông Trời rằng họ
không phải làm cùng cái quyết định mà Nixon đã làm.
Cùng đứng với Tổng thống trong những năm ấy chỉ có một
nhúm ký giả và một số tờ báo, hầu như họ ở ngoài Hoa Thịnh Đốn. Nhưng cũng có
những người can đảm ở Quôc hội đứng bên Tổng thống. Nhưng quan trọng nhất là hằng
triệu, hằng triệu những người thường dân Mỹ, Đám đông công dân thầm lặng, những
người này nhận định đất nước trải qua thời kỳ mà những tư tưởng khuynh tả hằng
ngày tuyên truyền chống Tổng thống Hoa Kỳ. Họ là những người sắt đá có cá tính.
Chỉ
Trích
Truyền thông báo chí ca ngợi thành tích của TT Nixon
trong việc ký được Hiệp định cho thấy sự mong mỏi hòa bình của người dân Mỹ, phần
nhiều do những người ủng hộ Nixon. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đối lập như
dưới đây, những lời chỉ trích Hành pháp đã ký Hiệp định không thuận lợi, thiệt
hại cho miền nam hoặc đã kéo dài chiến tranh thiệt hại cho Hoa Kỳ.
Tác giả Walter Isaacson nói (3) :
“Một số vị phụ tá trong bộ tham mưu của Kissinger
như Negroponte và (Tướng) Haig tưởng là cuộc oanh tạc (cuối 1972) phải ký được
một Hiệp định thuận lợi về cơ bản để tống cổ Quân đội BV ra khỏi miền nam.
Negroponte mỉa mai nói “Chúng ta oanh tạc BV để bắt họ phải
chấp nhận nhượng bộ của ta” (We bombed the North Vietnamese
into accepting our concessions). Richard Holbrook, cựu trợ lý của Harriman sau
thành phụ tá Bộ trưởng ngoại giao đặc trách Á châu sự vụ lại coi Hiệp định
chung cục như sự đầu hàng. Ông nói “Cho quân đội BV ở lại miền Nam chỉ
là sự bỏ chạy trá hình, chúng ta có thể ký Hiệp định y như vậy bất cứ lúc nào
sau khi ném bom năm 1968 (tức 31/10/1968)”
Walter Isaacson trích ý kiến một số vị phụ tá của
Kissinger rồi chính ông đã cho thêm nhiều lời bàn như phải chăng Hiệp
định đạt được tháng 1/1973 không hơn gì Hiệp định có thể ký từ đầu năm 1969.
Ông nói nếu vậy có đáng cho ta phải trả cái giá cao hơn không? Hà Nội cho rằng
Hiệp định 1973 về cơ bản người Mỹ đã chấp nhận những điều khoản đã được BV đưa
ra từ tháng 5/1969 mà họ gọi là chương trình mười điểm.
Tác giả này cho rằng nếu so sánh chương trình mười
điểm của Hà nội (1969) với Hiệp định 1973 từng điểm một ta sẽ thấy nó giống
nhau từng chữ một. Nhưng chỉ có một điểm khác là Hiệp định 1973 thiều điểm thứ
năm trong chương trình 1969 của Hà Nội: CS đòi Chính phủ NV Thiệu phải bị thay
thế bằng chính phủ Liên hiệp do họ chấp nhận. Hà nội vẫn đòi điều
này cho tới tháng mười 1972 mới chịu nhượng bộ, một phần vì thua nặng và
đã ăn đòn B-52 trong trận tổng tấn công 1972.
Nhưng có đáng cho ta phải tiếp tục chiến tranh thêm
bốn năm nữa mới ký được Hiệp định để ông Thiệu giữ được quyền lực tại Sài Gòn ?
(But was it worth four more years of war in odrder
to get a cease-fire that allowed Thieu to retain authority
in Saigon?)(4)
Walter chỉ trích Nixon đã làm chết thêm 20,552 lính
Mỹ, xã hội bị xáo trộn, chính quyền không còn được coi trọng, tai tiếng xấu cho
Hoa kỳ tại ngoại quốc, chiến tranh lan ra Miên, Lào. Cuối cùng Hiệp định chỉ
kéo dài được hai năm, sau đó CS chiếm hết và Thiệu bỏ chạy. Như thế mọi nỗ
lực trở nên vô nghĩa mặc dù với lý do vì danh dự. Nixon và Kissinger đều tin sắp
có hòa bình và cùng thỏa thuận không loại bỏ Thiệu (He agreed with Nixon that
it should not involve abandoning the Thieu regime)(5)
Walter cho rằng để theo đuổi mục đích trên thì có
cách tốt hơn. Thảo luận với quốc hội Kissinger và Nixon có thể phác họa vị trí
đàm phán yếu thế của Hoa kỳ để lấy ủng hộ của người dân trong nước. Nhưng vì
không lấy ủng hộ của Quốc hội và người dân cho một chương trình rõ ràng, hai
ông lại bị vướng vào chỗ cần bí mật, đe dọa BV, áp lực họ…Rút quân
thực ra chỉ để câu giờ trước sự sốt ruột của người dân. Những trận oanh tạc
càng gây xáo trộn trong nước hơn là đạt thắng lợi chiến trường. Chính
sách Kissinger và Nixon dựa trên lừa gạt và bí mật hơn là tìm sự ủng
hộ một cách dân chủ để sống còn.
Hai tác giả Marvin Kalb, Bernard Kalb (6) cũng chỉ trích
Nixon, Kissinger nhiều điểm về Hiệp định ngưng bắn. Ngày 11/9/1972 Kisinger tới Moscow đàm
luận với Tổng bí thư Brezhnev trước khi tới Paris. Kissinger ởMoscow bốn
ngày để thảo luận thương thuyết giữa việc Nga cần mua lúa mì, Mỹ cần chấm dứt
chiến tranh VN. Kissinger tới Moscow đúng lúc Brezhnev đang cần cứu trợ vì nạn
mất mùa, thiếu hụt lúa mì trầm trọng, may cho Nga sô TT
Nixon lại không khai thác tình trạng này của Nga. Nixon hy vọng Sô viết sẽ áp lực
Hà Nội ký kết Hiệp định ngưng bắn tại Paris, Kissinger đồng ý về điểm này, ông
luôn nghĩ Hà nội chỉ là khách hàng của Nga hơn là đồng minh xung
kích độc lập.
Trong nội bộ tham mưu của Kissinger, các phụ tá của
ông như Tướng Haig, Negroponte lại cho rằng BV thay đổi chính sách, chịu nhượng
bộ ngày 9/10/1972 (không đòi lật đổ Thiệu, lập Chính phủ liên
hiệp) không phải vì áp lực của Sô viết mà do hậu quả liên tục của việc Mỹ
ném bom và phong tỏa hải cảng (năm 1972). Kissinger thì luôn tin vào sự phân
tích quyền lực siêu cường, tin lời hứa của Brezhnev rằng trong vài tuần nữa BV
sẽ linh động. Đánh giá Brezhnev dựa trên việc Lê Đức Thọ mới đây trước khi tới Paris đã
dừng tạiMoscow. Chỉ ít ngày sau chính phủ đã chấp thuận một thỏa ước
thương mại lớn khác thường để Nga mua ít nhất là 750 triệu đô la lúa mì của Mỹ
do các công ty tư xuất cảng trong ba năm.
Marvin Kalb và Bernard Kalb cho rằng Kissinger nhiệt
tình với sự thương thuyết mà không biết, không để ý tới tin tình báo về sứ mất
mùa to tát của Nga. Ngoài ra ông ta cũng không để ý đến việc các nhà buôn lúa
mì tư nhân Mỹ đã bán cho Nga khối lượng lúa mì là bao nhiêu để hậu quả
là người Nga được lúa, bánh mì còn người Mỹ phải chịu thiệt nặng. Cộng
sản đã tỏ ra khôn ngoan trong việc buôn bán với Tư bản, họ đã mua được
một khối lượng lúa mì khổng lồ với giá rẻ mạt, thấp hơn giá thị trường khi ấy rất
nhiều. Cuối cùng tiền thuế của người dân Mỹ đóng cho chính phủ đã được đem trợ
cấp cho việc mua lúa của Nga.
Ngoài ra việc xuất cảng lúa mì này đã khiến cho lúa
mì trở nên khan hiếm ngoài thị trường Mỹ, giá bánh mì, thực phẩm tăng
vọt, sữa thịt cũng hối hả lên nhanh. Người tiêu thụ và cả nên kinh tế
Mỹ phải chịu hậu quả nặng vì Kissinger, Nixon đã không quan tâm tới hậu quả
kinh tế của việc thượng lượng. Họ chỉ nghĩ đến cái lợi chính trị mà không chịu
nhìn xa hơn thế. Trên đây là những ý kiến của Marvin Kalb, Bernard
Kalb chỉ trích Kissinger, Nixon “khôn nhà dại chợ” đã bán
lúa mì cho Nga với giá rẻ mạt chỉ vì quá sốt ruột trong
việc ký kết Hiệp định Paris.
Kalb cũng nói về khuyết điểm của việc ký kết (7): Hiệp
định ký kết 23-1-1973 (Kissinger ký tắt với Thọ ngày 23) xem ra không hơn gì bản
dự thảo hai bên định ký ngày 26-10-1972 trước đó đó đúng ba tháng mặc dù đã
oanh tạc BV ồ ạt tháng 12.
Kissinger đã cố xác nhận ba tháng này có giá trị, cần
thiết, có lần ông nói với Marvin Kalb và Bernard Kalb như nó đã loại
bỏ ý nghĩa mơ hồ về chính phủ Liên hiệp, sau đó đặc tính Quốc gia của miền nam
đã được thể hiện rõ ràng qua xác định của khu phi quân sự (DMZ), cuối cùng lực
lượng giám sát quốc tế được củng cố, thủ tục , khi nào ký
Hiệp định đã được giải quyết, vấn đề ngôn ngữ đã được làm sáng tỏ. Bản
liệt kê những lợi ích đòi được sau ba tháng chiến tranh (từ tháng 10/72 tới
tháng1/73) của Kissinger đã bị vài chuyên viên theo dõi
hòa đàm nghi ngờ.
Một viên chức nói “Cuộc oanh tạc vĩ đại không đạt tiến
bộ gì mấy. Cái mà B-52 làm được một chút tháng 1/73 thực ra chỉ là bản Dự thảo
có từ tháng Mười và đó là tất cả những gì chúng ta muốn”. Chỉ có một
chút thay đổi ở Hiệp định sau cùng đã ký, sự khai thông thật ra đã có từ tháng
Mười. Một viên chức cho rằng khoảng thời gian này ta rất bối rối, phải chăng ta
đã ký Hiệp định tháng Giêng (1973) mà đáng lý ta đã ký từ tháng Mười (1972).
Hành pháp cho rằng trận oanh tạc (cuối 1972) đã khiến BV phải bò lại bàn hội
nghị ký kết những khoản do Mỹ yêu cầu. Nhưng viên chức trên cho rằng trận oanh
tạc dữ dội ấy chỉ để yểm trợ tâm lý và quân sự cho miền nam VN, có mục đích tàn
phá bộ máy chiến tranh BV cũng như răn đe Nga, Trung Cộng hơn là đòi hỏi BV nhượng
bộ tại bàn hội nghị.
Nhận
Xét
Để vấn đề được dễ hiểu hơn, tôi xin nhắc sơ tiến
trình hòa đàm như sau:
Từ 1969 BV đưa ra những điều khoản cứng rắn như mệnh
lệnh cho Mỹ.
-Mỹ phải rút quân đơn phương
-Loại bỏ Nguyễn văn Thiệu.
-Lập chính phủ Liên hiệp.
-Cắt hết viện trợ cho VNCH.
Mãi cho tới tháng 10-1972 Hà Nội mới chịu nhượng bộ
(có thể do Nga áp lực, do bị thua nặng trận mùa hè 1972, biết Nixon sẽ tái đắc
cử tháng 11-1972).
Trong giai đoạn này có hai chủ trương hòa đàm:
-Nixon và Kissinger không nhượng bộ Hà nội, cương
quyết không đầu hàng CS, hòa bình trong danh dự, không loại bỏ chính phủ Thiệu
.
-Thành phần đối lập (opponents) như Quốc hội thù nghịch,
phản chiến, đảng Dân chủ… có chính sách trái ngược. Đối lập chiếm đa
số trong giai đoạn này, họ muốn ký Hiệp định sớm, nhượng bộ BV, cắt viện trợ
VNCH để đánh đổi hòa bình và tù binh Mỹ, sẵn sàng bỏ Đông dương từ 1969 để rút
khỏi cuộc chiến sa lầy.
Bốn điểm mà Hà nội đưa ra trên đây thực ra chỉ là
đòi Mỹ và VNCH đầu hàng không điều kiện, giao miền nam cho họ. Sở
dĩ CS ngoan cố như vậy vì biết Nixon đang bị Quốc hội,
phong trào phản chiến chống đối, thúc ép ký sớm. TT Nixon cho biết (8) chính
đám biểu tình đã nối giáo cho giặc kéo dài chiến tranh. Nhìn chung Hành pháp
đang ở thế yếu trong đàm phán với CS.
Tháng 10-1972 Hà nội nhượng bộ gần hết những yêu
sách cũ, không đòi lật đổ chính phủ Thiệu, không Liên hiệp, lập
Hội đồng hòa giải dân tộc hữu danh vô thực, không đòi Mỹ cắt viện trợ miền Nam
nhưng nhất quyết không rút quân về Bắc. Mỹ và BV ký Dự thảo hiệp định ngày
9-10-1972, hai bên dự định sẽ ký chính thức ngày 26-10. Ngày 19 Tiến
sĩ Kissinger sang Sài Gòn để tường trình về Dự thảo Hiệp định tin tưởng TT Thiệu
sẽ chấp nhận nhưng bị Thiệu và ban tham mưu chống đối dữ dội. Kissinger mới đầu
dỗ ngon dỗ ngọt rồi hăm dọa nhưng ông Thiệu vẫn bác bỏ Dự thảo. Ở Sài gòn được bốn
hôm, Kissinger điện tín về tòa Bạch Ốc đề nghị ký riêng với BV nhưng
Nixon từ chối, ông không muốn ký trước bầu cử Tổng thống 7-11-1972 vì biết
trước sẽ tái đắc cử. Nixon khuyên Kissinger dừng ép Thiệu, hãy để cho ông ta
thoải mái.
Hiệp định đáng lý ký từ 26-10-1972 bị trở ngại vì bị
VNCH bác bỏ và Nixon cũng không muốn ký riêng với BV. Phái đoàn CS ngoan cố khiến
Nixon phải cho oanh tạc miền Bắc dữ dội cuối năm 1972, Hiệp định đã được ký kết
đúng ba tháng sau vào ngày 27-1-1973.
Những lời khen, ca tụng Nixon như trên cho thấy người
dân đã khao khát hòa bình từ lâu, dù là người ủng hộ cũng như chống Nixon đều
đã quá chán cuộc chiến sa lầy. Truyền thông ca ngợi TT Nixon vì ông đem lại hòa
bình, lấy tù binh, đem quân về nước mà không bỏ rơi đồng minh, không
lật đổ chính phủ Thiệu theo yêu cầu của Hà Nội mà Nixon cho đó là sự đầu hàng
hèn hạ (abject capitulation). Trái với đường lối của Nixon, đảng Dân chủ, Quôc
hội thù nghịch, phong trào phản chiến…chủ trương cắt viện trợ VNCH,
lật đổ chính phủ Thiệu theo đòi hỏi của Hà nội để sớm có hòa bình lấy tù binh về
nước. Người ta ca ngợi Nixon can đảm, một mình chống chọi biết bao mũi dùi tấn
công của đối lập, của Quốc hội thù nghịch, của phản chiến.. họ muốn
chấm dứt chiến tranh ngay.
Nixon thắng lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày
7-11-1972, đạt 60.7% số phiếu phổ thông, hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu, đạt
520 phiếu cử tri đoàn (hơn 90%) vì người ta thấy ông sắp mang lại
hòa bình, đó là hòa bình trong danh dự. Nhiệm kỳ 1969-1972 của Nixon diễn sự giằng
co giữa Nixon, Kissinger và những người Đối lập nhất là phong trào
Phản chiến, Quốc hội thù nghịch, người Mỹ gọi đây là cuộc chiến tại đất nhà.
Nixon nói (9)
“Những kẻ chống đối muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Tôi cũng làm thế. Nhưng họ không thấy sai trái ở chỗ bỏ rơi người dân miền nam
VN để chấm dứt cuộc chiến ngay. Tôi thấy thật là bất nhân khi ta để cho
bọn độc tài Hà nội dựng cơ sở tại Sài Gòn. Là Tổng thống, tôi có trách nhiệm phải
làm cái gì đúng cho đất nước”
Các sử gia kề trên chỉ trích Nixon,
Kissinger sau ba tháng chiến tranh, sau khi dội 20 ngàn tấn bom xuống Hà Nội, Hải
phòng cuối 1972 đã không đòi thêm được gì cả, bản Hiệp định đúng ra phải ký từ
tháng mười.
Sự thực trận oanh tạc từ 18 tới cuối tháng 12-1972
trước hết để kéo BV lại bàn hội nghị, phái đoàn BV bỏ hòa đàm từ 13-12
không trở lại. Họ đánh hơi thấy phiên họp Quốc hội thượng tuần tháng
1-1973 có thể sẽ ban hành luật chấm dứt chiến tranh Đông Dương, cắt viện trợ
VNCH để đổi lấy hòa bình và tù binh Mỹ khi ấy chẳng cần họp hành vì Hòa
đàm Paris sẽ đương nhiên bị dẹp. Trận oanh tạc cuối 1972 cũng là để đánh phá hạ
tầng cơ sở BV khiến họ suy yếu.
Nixon nhanh tay xử dụng sức mạnh của B-52 mà Hà nội
phải trở lại bàn hội nghị nếu không có thể thảm kịch sẽ sẩy ra: Quốc hội ra luật
chấm dứt chiến tranh, rút quân, cắt viện trợ VNCH… để đánh đổi lấy
580 người tù binh Mỹ. Hà nội đã chịu thua trong canh bạc này, trận oanh tạc long
trời lở đất đã cứu được Đông Dương sụp đổ ít ra là trong lúc này.
“Trận ném bom đã đạt mục đích quân sự, chúng ta đã
đánh phá tan nát bộ máy chiến tranh của Bắc Việt”(10)
Kissinger sang Sài Gòn từ 19 tới 23 tháng Mười 1972
để thuyết phục ông Thiệu ký Hiệp định nhưng như ta đã nói VNCH bác bỏ.
Kissinger đánh điện về cho Nixon đề nghị ký riêng với BV dự trù ngày 26-10
nhưng Nixon từ chối vì không muốn có Hiệp định trước bầu cử, người ta sẽ cho là
ông dùng Hiệp định để lấy phiếu, thực ra theo thăm dò ông đã vượt rất xa
McGovern.
Walter Isaacson không đồng ý với đường lối đàm phán
bí mật của Kissinger, Nixon như trên nhưng thực ra nếu công khai lại dễ bị Quốc
hội, người dân chống đối hơn nữa.
Theo Marvin Kalb, Bernard Kalb(11) Nixon
không muốn ký Hiệp định mà không có Thiệu, người bạn đồng minh, cũng
không muốn vội ký riêng với Thọ, kẻ địch. Như thế việc ký kết không thành tháng
Mười có lý do riêng, trận oanh tạc tháng 12-1972 cũng đã đạt kết quả mong muốn
ngoài việc khiến Hà Nội phải trở lại bàn hội nghị, đánh phá bộ máy chiến tranh của
BV và cảnh cáo cho Moscow, Bắc Kinh biết Mỹ sẽ hành động mạnh khi quyền lợi bị
đe dọa.
Như trên các phụ tá của Kissinger đã chỉ trích cuộc oanh
tạc BV dữ dội cuối năm 1972 nhưng vẫn không trục xuất được quân đội
BV ra khỏi miền nam, VNCH cũng đã cực lực phản đối thất bại này của Hiệp định.
Về điểm này Nixon đã có câu trả lời rõ ràng trong (12)
“Nhưng có một vấn đề then chốt mà chúng ta không thể
nào lay chuyển BV thay đổi lập trường: Họ từ chối rút quân khỏi miền nam VN. Từ
đầu chí cuối họ xác nhận đây là nội chiến và từ chối nhìn nhận đóng quân ở miền
nam. Hà Nội vì thế bác bỏ yêu cầu của ta đòi họ rút quân lấy cớ họ không can
thiệp vào cuộc chiến.
Chúng tôi biết không thể nào buộc họ phải nhượng bộ
điều này. Có một châm ngôn ngoại giao là ta không thể thắng tại bàn hội nghị nếu
cái mà ta không thắng ở trận địa. Mặc dù VNCH đã đẩy lui địch trước mùa mưa. BV
Vẫn còn chiếm một diện tích rộng dọc theo khu phi
quân sự và tại cao nguyên. Chúng tôi biết nếu đạt thỏa hiệp đòi BV trả lại đất
cho VNCH thì họ sẽ không ký Hiệp định. Nếu ta đòi BV rút quân bằng được sẽ
không có Hiệp định”
Sau trận mùa hè đỏ lửa 1972, mặc dù BV bị thảm bại,
tàn quân của họ vẫn còn đóng tại vùng I và II. Sở dĩ Hà Nội không chịu rút quân
về Bắc phần vì họ đã nướng một triệu người, nay chẳng lẽ không được
gì, vả lại họ biết rõ Nixon đang bị Quốc hội và phản chiến chống đối thúc ép kỳ
Thỏa ước ngưng bắn để sớm có hòa bình, người Mỹ đã quá sốt ruột.
Nixon nói (13)
“Quốc hội sẵn sang bỏ phiếu chấm dứt chiến tranh nếu
ta không ký được Hiệp định…..
….Ngày 2/1/1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với lệ
154 thuận và 75 chống để cắt hết viện trợ mọi hoạt động quân sự ở
Đông dương vừa khi đã rút quân về nước và lấy lại tù binh…. Hai ngày
sau, bầu cử nội bộ Dân chủ Thượng viện cũng thông qua dự luật tương tự với số
phiếu 36 thuận-12 chống.
Chúng ta bị bó buộc phải kết thúc thỏa hiệp chấm dứt
chiến tranh tái lập hòa bình ở Việt Nam, nó không hoàn toàn, có nhiều khuyết điểm.
Tôi muốn thương thuyết một Hiệp định tốt đẹp hơn nhưng chúng ta không thể chần
chờ thêm để được những khoản tốt hơn khi Quốc hội sắp ra luật chấm dứt chiến
tranh có lợi cho Hà Nội.
Đó không phải là giờ phút tốt đẹp nhất của ta, mà là
giờ phút cuối cùng
(It was not our finest hour- but it was the final
hour)”
Larry Berman cũng nói như vậy(14) , đầu tháng 1-1973
Quốc hội dọa cắt viện trợ Đông Dương để lấy tù binh, và rút quân. Quốc
hội khóa 93 dự định họp ngày 3-1-1973. Dự luật chấm dứt chiến tranh đang tiến
hành. Cuối tháng 11-1972, Nixon đã bị các vị chức sắc Quốc hội gồm John
Stennis, Barry Goldwater và Gerald Ford … lưu ý nếu miền nam VN gây trở ngại
hòa đàm, Quốc hội sẽ ra luật đổi lấy tù binh bằng rút hết quân, cắt viện trợ
VNCH với tỷ lệ phiếu 2-1 tại Hạ Viện (15)
Thời điểm này, theo Nixon, Quốc hội Dân chủ tỏ ra rất
khó chịu khi hòa đàm bị trở ngại từ phía miền nam VN, họ đang đe dọa thỏa mãn
yêu cầu của Hà Nội: Cắt viện trợ VNCH, rút quân để đổi tù binh và ngưng bắn.
Nixon nói (16)
“Tôi biết rằng Hiệp định có nhiều khuyết
điểm. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung cũng tốt đẹp. Và tôi biết rằng trong khi Quốc Hội
đang phản đối ầm ĩ, chúng ta không thể làm gì khác hơn thế”.
TT Nixon nói với Kissinger nếu không ký được Hiệp định
Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh, đó là thảm kịch. khi ấy Hành
pháp sẽ không thể giúp đồng minh VN được. Nếu chần chờ để đòi thêm những khoản
tốt hơn chỉ là già néo đứt dây, có thể sẽ mất cả chì lẫn chài.
Nixon thuyết phục Thiệu việc BV rút quân
không quan trọng, đó chỉ là đám tàn quân CS tại những vủng
dân cư thưa thớt mà thực ra viện trợ tiếp tục của Quốc Hội cho miền nam VN và sự
cho phép cưỡng bách thi hành Hiệp định bằng B-52 mới là quan trọng. TT Nixon
cho rằng giấy mực cũa Hiệp định không quan trọng bằng bom đạn của B-52.
Nếu BV rút hết quân trong khi Quốc hội cắt viện
trợ, không cho oanh tạc trừng phạt vi phạm thì cũng vô ích, miền Nam sẽ
sụp đổ vì không được cung cấp tiếp liệu đạn dược.
Nixon nói (17)
“Sự tồn tại của miền nam Việt Nam không phụ
thuộc vào việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt. Nó phụ thuộc
vào việc Nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ
và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc
Hội ủng hộ. Nếu chúng ta không giải quyết cuộc chiến nhanh chóng, Quốc Hội có
thể biểu quyết đạo luật chấm dứt chiến tranh vào tháng Một (1973). Nếu Quốc hội
kết luận rằng miền Nam Việt nam gây trở ngại việc ký kết, việc này có thể khiến
ta (Hành pháp) không giúp được đồng minh (túc VNCH) nếu cần. Tuy nhiên tôi cũng
để cho Thiệu có thời gian suy nghĩ”
Tháng 11 và 12 năm 1972 ông Thiệu mở chiến dịch lên
án Kissinger và Hành pháp Mỹ đã bắt ép VNCH ký Hiệp ước bất bình đẳng khi
để cho BV còn đóng quân ở miền nam. Sự chống đối này chỉ là vô ích, đòi hỏi những
cái mà người ta không thể thỏa mãn được như đã nói trên. TT Nixon không thể đòi
Hà Nội rút quân vì Hành pháp đang ở thế yếu bị Phản chiến, Quốc hội thúc
ép ký gấp. Nếu hòa bình trở ngại Quốc hội sẽ ra tay, khi ấy sẽ là một thảm kịch
cho cả Đông Dương
Trả lời phỏng vấn của tờ báo Tây Đức Der
Spiegel vào năm 1979 tại hải ngoại, ông Thiệu cũng đã xác nhận sự thất
bại không phải do CSBV còn đóng quân tại miền nam mà vì không được Hoa Kỳ tiếp
tục viện trợ quân sự cũng như sự yểm trợ hoả lực,
có nghĩa là miền nam sụp đổ không phải do Hiệp định Paris.
Sau bốn năm đàm phán Nixon và Kissinger chỉ có thể
giúp chính quyền Nguyễn văn Thiệu còn tồn tại không bị lật đổ và miền nam không
bị liên hiệp, nhưng không thể đòi BV rút quân như đã nói.
Cuối cùng mỗi bên được một tí, nhưng riêng Chính Phủ
Cách mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tục gọi là Việt Cộng thì chẳng được tí gì
cả ngoài cái bánh vẽ Hội đồng hòa giải dân tộc. Sự thực Việt cộng cũng không có
thực lực, họ bị nướng gần hết quân trong trận Mậu Thân đầu năm 1968, sau này chỉ
còn khoảng 20,000 người trang bị vũ khí nhẹ. Từ những năm 1966, 1967 trở đi Mặt
trận Giải Phóng đã bị CSBV sỏ mũi khi họ xâm nhập ồ ạt miền Nam. Sau này
người Mỹ mới biết việc đòi lật đổ Thiệu và lập chính phủ Liên Hiệp là do Chính
phủ cách mạng lâm thời (MTGP) yêu cầu BV đưa ra bàn hội nghị. Sau khi bị nếm những
trận oanh tạc long trời lở đất cuối 1972, BV phải loại bỏ những yêu sách
này.
CSBV chiếm được miền nam VN ngày 30-4-1975, Chính phủ
cách mạng lâm thời vội in truyền đơn Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam,
Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc Trung Lập nhưng bị Hà Nội khiển trách và dẹp bỏ
ngay để thống nhất đất nước. Mặt trận giải phóng hay Chính phủ cách mạng lâm thời
chẳng là cái thá gì, chỉ là công cụ của BV.
Ngoài ra trong theo nhận định riêng của Henry
Kissinger trong hồi ký White House Years(18): Mỹ đã hai lần sai lầm lớn:
-Sau khi Hòa đàm tiến hành được 5 tháng, Tổng thống
Johnson đã nhượng bộ Hà Nội cho ngưng oanh tạc toàn diện BV cuối tháng 10-1968.
-Từ 1969 tân Tổng thống Nixon cho rút quân đơn
phương để xoa dịu chống đối tại Mỹ và hy vọng Hà Nội đàm phán nghiêm chỉnh.
Nhưng cuối cùng Hà Nội vẫn ngoan cố không chịu đàm
phán và hai nhượng bộ lớn kể trên chỉ là vô ích, đúng lý ra phải oanh tạc, đánh
mạnh BV từ 1970, chúng là bọn thân lừa ưa nặng.
Theo nhận định của Kissinger, Hà nội không muốn hòa
đàm, Hiệp định, hòa bình mà chỉ muốn dùng bạo lực tiếp tục xâm lăng. Ông ta nói
đúng, năm 1954 họ vờ lên án chính phủ Ngô Đình Diệm không thi hành Hiệp định
Genève thực hiện Tổng tuyển cử để có cớ xâm lược miền nam và bây giờ tháng
1-1973 họ ký Hiệp định chỉ để chờ Mỹ rút hết, nghỉ ngơi rồi tiếp tục cuộc chiến
xâm lược.
Như trên tôi nói về hình thức của Hiệp định còn thực
chất của nó thì khác hẳn, Hiệp định Paris chỉ là một hình thức cho
vui, thực chất của vấn đề nằm ở chỗ:
-Đối với Mỹ, đây là cách để rút ra khỏi Đông dương
sao cho êm đẹp, cho khỏi bị mất mặt.
-Đối với Hà Nội, Hiệp định chỉ là nghỉ giải lao để
đánh tiếp, ngay sau khi ký Hiệp định, BV cho mở đường xa lộ Đông Trường Sơn
ngày đêm chuyển vận vũ khí vào Nam chờ ngày tổng tấn công dứt điểm.
Trọng
Đạt
Cước
chú
(1) No Peace No Honor… các trang 235, 236, 238
(2) Trang 238, sách kể trên
(3) Trong Kissinger A Biography, trang 483.
(4) Sách nói trên trang 484.
(5) Sách nói trên trang 485
(6) Trong cuốn Kissinger (trang 345, 346, 347)
(7) Trang 421 sách kể trên: (What did those
three extra months of war accomplish – the three months between October 26 and
January 23, including the massive raids against the north in December?)
(8) Trong No More Vietnams trang 127
(9) Sách kể trên trang 127
(10) No More Vietnams trang 158.
(11) Trong Kissinger trang 422 (He did not want
to sign an agreement without Thieu, an ally. He did not want to be stampeded
into an agreement by Tho, an enemy).
(12) No More Vietnams trang 152 (But
one major issue we could not budge the North Vietnamese from their positions:
They refused to withdraw their forces from South Vietnam)
(13) Trang 1969-1970 sách kể trên
(14) No
Peace No Honor… trang 221,
(15) Sách nói trên, trang 200.
(16) No More Vietnams trang 167 (But I
believed that on balance it was sound. And I knew that, in light of
the growing stridency of our opposition in Congress, we had no alternative to
signing it)
(17) Sách nói trên trang 155
(18) Chương 8, The Agony of Vietnam trang 276-311
No comments:
Post a Comment