Friday 6 February 2015

Đất nước năm Ất Mùi: Nhìn một con mắt về phía trước. (Lê Ngược Nắng - VNTB)





Lê Ngược Nắng

(VNTB) - KHÔNG. Con mắt còn lại hãy nhắm khẽ mà nghĩ về hướng khác – Hướng THAY ĐỔI TOÀN DIỆN.

Chính trị Việt Nam được nhiều người, kể cả những chuyên gia hàng đầu trong nước lẫn nước ngoài cho rằng rất khó dự đoán, diễn biến khó lường. Chính trị đang đứng vị trí độc tôn chứ không phải tương tác với xã hội, kinh tế, văn hóa… cho nên nó kéo theo xã hội, kinh tế, văn hóa… cũng như thế.

Vậy mở to đôi mắt ra mà nhìn còn khó thấy rõ hiện tại chứ đừng nói tới tương lai. Cớ sao lại chỉ nhìn bằng một con mắt?

Thực chất nhận định trên chỉ đúng một phần. Sự khó đoán, khó lường chỉ diễn ra trong chi tiết mà thôi. Thí dụ sự thay đổi nhân sự, sự luân chuyển nhân sự, sự ban hành và thay đổi xoành xoạch những văn bản dưới luật… Còn cái gốc, cái tổng thể đã hoạch định dù cổ hủ vẫn bám víu vào đó cho dù có chuyển biến nhưng vẫn rất chậm chạp. Thế giới ngày nay tiến lên tính bằng giây phút, thay đổi chậm chạp chẳng khác gì dừng lại. Bởi vậy nhìn toàn diện như vậy là đủ.

Để cho rõ cần phải quay ngược thời gian về trước.

Bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là trò chơi dân gian, góp vui trong những lễ hội, những cuộc chơi của trẻ nhỏ.

Ngược thời gian về gần 40 năm trước, sau khi thống nhất được Đất Nước bằng bạo lực cách mạnh, chính quyền tiếp tục sử dụng điều này đối với nhân dân. Cai trị bằng chính sách độc tôn của mình. Tự tôn là bách chiến bách thắng nên đốt cháy giai đoạn tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa. Những chính sách như “ tự cung tự cấp” được ví như ngăn sông cấm chợ, “đánh tư sản, tiểu tư sản”, “thành lập những vùng kinh tế mới”, “thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…”… Nhân dân bị buộc phải tuân theo và bị bưng bít thông tin hoàn toàn. Chẳng khác mấy trò bịt mắt bắt dê, ở đây là nhân dân bị bịt mắt bịt tai, không được lên tiếng với sự cai trị bằng tôn chỉ trước sau như một nói trên của nhà cầm quyền.

Hệ quả

Công nghiệp tập trung nhà nước quản lý. Nền công nghiệp còn non trẻ chưa kịp định hình không được định hình bởi đứng đầu là nhân tố con người. Những con người phần lớn không chuyên môn chuyển qua từ chiến trường. Máy móc ngày càng lạc hậu và không đủ sáng tạo… Công nghiệp “chết” là dấu phết cản con đường đường lối.

Lòng dân bất an, rã rời. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng “rã rời” theo. Sản xuất theo kiểu cầm chừng, đối phó. Thêm một dấu phết nữa.

Di chứng của chiến tranh còn đó. Cộng thêm phải hứng chịu tiếp hai cuộc chiến, cuộc chiến chống xâm lăng phía Bắc và ở biên giới Tây Nam đã đưa Đất Nước ngày càng kiệt quệ.

Cùng với sự trừng phạt “cấm vận” của Mỹ, không còn giao thương với thế giới bên ngoài trừ các nước XHCN cùng chính sách. Đất Nước gần như không có nền kinh tế.

Một dấu chấm hết lơ lửng đang được chấm xuống.

Và…

Treo đầu dê bán thịt chó

Trước tình hình này cộng với sự manh nha tan rã của khối XHCN, nhà cầm quyền buột phải đổi mới vào năm 1986. Nhưng với bản chất bảo thủ đã thâm căn cố đế, những con người ôm lý tưởng cộng sản (vốn là lý tưởng không xấu, lý tưởng hướng tới sự tốt đẹp), đã trải qua với thực tiễn họ vẫn không nhận ra đây là lý tưởng không thực tế (muốn thực tế có lẽ phải trải qua rất, rất lâu, như những nước Tư Bản phát triển, phúc lợi bình đẳng cho dân chúng ngày nay là bước chập chững của XHCN), bởi vậy vẫn cố giữ lý tưởng này để áp dụng. Đổi mới thành đổi mới nửa vời. Những tư tưởng tiến bộ, tập hợp dân chủ đa nguyên đã bị triệt tiêu. Vẫn treo bảng sự đổi mới nhưng trong ruột trung thành cơ chế cũ - XHCN. Những gì vượt quá giới hạn phải kéo theo sau cái “đuôi” - định hướng XHCN như “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… Để tồn tại được điều này thì tập hợp những nhà bảo thủ vốn đã bưng bít thông tin càng ẩn trong bóng tối, những xảo thuật, những thủ đoạn, những cái bắt tay, những hiệp thương càng được áp dụng, càng bí mật.

Hệ lụy

Đổi mới nửa vời cho ra nền kinh tế thị trường nửa vời. Những khấp khởi vui mừng của dân chúng, của người kinh doanh bị đánh sập, không còn lòng tin ví như qua vụ án Tăng Minh Phụng… Bắt đầu với kiểu thu mình đối phó cộng với bao nhiêu năm vật vã, đói khổ của toàn xã hội, ai ai cũng muốn vun vén nhanh, nhiều và vị kỹ đã hình thành nên kiểu ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật, không minh bạch. Sinh ra quan chức tham lam, tham nhũng, dân chúng thì gian manh. Hai điều này lại tương tác với nhau. Dân muốn làm ăn, muốn giàu thì lụy quan chức và ngược lại, quan chức có bỗng lộc nếu “giúp” dân. Chính trị tương tác với kinh tế, sinh ra tệ mua bán quan chức, đấu đá tranh giành quyền lực, kinh tế có đủ thủ đoạn.

Kinh tế ăn xổi ở thì, tài nguyên Quốc Gia cạn kiệt dần, nền kinh tế như một căn nhà hào nhoáng xây trên nền không móng.

Xã hội bị cuốn theo nền kinh tế. Một xã hội bên ngoài hào nhoáng nhưng bên trong mục ruỗng dần. Phép tắc không nghiêm, xã hội hỗn loạn. Lòng trung thực, nhân trí lễ nghĩa bị áp đảo bởi gian xảo, lừa lọc. Đạo đức xuống cấp trầm trọng, nhân cách con người được quy đổi bởi giá trị vật chất. Lưu manh, côn đồ, ăn chơi sa đọa lên ngôi…

Muốn căn nhà hào nhoáng trên nền không móng không sụp đổ thì chỉ còn cách chống đỡ, chống chọi, vá chằng vá đụp. Chính quyền đã thừa thủ đoạn. Một trong đó là:

Những con dê tế thần

Dê là một trong những con vật đứng đầu để tế Thần ngày xưa. Nay tương tự như vậy nhưng không còn là dê mà chính đồng loại của mình để “tế” dân chúng.

Chẳng hạn, một vụ tai nạn thương tâm từ xe buýt, xe tắc xi… một vụ ăn cắp, một vụ cướp của giết người, một quan chức tham nhũng bị phanh phui… Dân chúng bất bình, họ sẵn sàng cho “đội quân” báo chí truyền thông rầm rộ vào cuộc, lên án không thương tiếc, xử lý nghiêm, cho dân chúng xỉ vả không thương xót. Chính sách tuyên truyền ru ngủ lòng dân, lòng dân hả hê lắng xuống mà quên hết hay không còn biết nguồn cơn đến từ đâu, tại sao xảy ra những tình trạng này, từ đâu mà đường xá chật hẹp, tại sao xe buýt, tắc xi, được phép chạy ẩu, tại sao đầy rẫy bạo quyền, bạo lực, quan chức tham nhũng bị xử chỉ là những con chốt thí hay cũng chỉ một con gộc đơn độc buột phải “hy sinh” … đó là những “con dê tế dân yên lòng mà thôi”(!).

Cứ vậy nó tiếp diễn, kéo dài, kéo dài cho tới tận hôm nay và sẽ la ngày mai.

Còn một con mắt?

Nhà thơ nổi tiếng Bùi Giáng có bài thơ Mắt Buồn trong đó có câu “Còn hai con mắt khóc người một con” mà nhạc sĩ nổi tiếng không kém Trịnh Công Sơn mượn lời để sáng tác bài Con Mắt Còn Lại, ông đảo từ “Còn hai con mắt một con khóc người”. (Bỏ qua, không tìm hiểu sâu về ý của Nhà thơ, khóc ai? khóc người có một đứa con hay khóc bằng một con mắt, chỉ mượn lời của Nhạc sĩ). Vậy còn một con mắt? Làm gì? Khóc cho thân phận Nước tôi?!.

KHÔNG. Con mắt còn lại hãy nhắm khẽ mà nghĩ về hướng khác – Hướng THAY ĐỔI TOÀN DIỆN.

Điều này có thể là viễn vông. Nhưng vẫn thấy thực tế. Thực sự không chỉ ai oán ở trong lòng dân, một số quan chức cũng rất bất bình, họ không muốn mang tiếng nhục suốt đời. Sự thay đổi sớm sẽ xuất phát từ hàng ngũ này tập hợp lại, họ thay đổi sẽ được tôn vinh và giữ được tất cả, danh tiếng, tiền tài… Đã thấy qua những phát biểu, những nhận định không chỉ trên truyền thông lề trái, những blog “bom tấn” được tung ra thăm dò, và đặc biệt là đã có kinh nghiệm từ những cá nhân đi trước “trượt chân”. Về kinh tế đã có cứu cánh cho nền móng vững chắc, nhích lại gần Mỹ với TTP và bức phá ra khỏi sự lệ thuộc bấy lâu nay.

CÒN MỘT CON MẮT NHÌN HY VỌNG CHO ĐẤT NƯỚC!




No comments:

Post a Comment

View My Stats