Saturday 7 February 2015

20 năm Văn học miền Nam, 1954-1975 (Lữ Quỳnh - Da Màu)





6.02.2015

1. Văn học miền Nam, 1954-1975, có thể chia làm hai giai đoạn: Từ 1954 đến 1962 và từ 1963 đến 1975.

Không kể Tự lực Văn đoàn tiêu biểu cho giai đoạn trước đó, thì nhóm Sáng Tạo gồm phần lớn tác giả di cư từ miền Bắc vào Nam, sau hiệp định Genève năm 1954, là đáng kể. Tạp chí Sáng Tạo với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Thái Tuấn… Tạp chí này đã có công đem lại cho sinh hoạt văn học miền Nam nhiều mới mẻ. Một Mai Thảo với những tùy bút tuyệt vời, luôn muốn làm mới ngôn ngữ. Một Thanh Tâm Tuyền mở đầu khuynh hướng thơ tự do. Một Vũ Khắc Khoan với nhiều vở kịch lịch sử pha lẫn triết học. Các họa sĩ Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng đem lại những nét mới… cho hội họa.

Nhưng sự có mặt của Sáng Tao chỉ kéo dài trong một thời gian không lâu. Dù sao thì nó cũng để lại cho văn học nghệ thuật miền Nam một giai đoạn có giá trị.

Bên cạnh tạp chí Sáng Tạo, và cả sau khi Sáng Tạo đình bản, còn có các tạp chí Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Bách Khoa, Văn, Vấn Đề, Đất Nước, Đối Diện, Trình Bầy, Ý Thức… mà cho đến ngày cận kề 30 tháng tư 1975, vẫn còn Bách Khoa, Thời Tập là hai số báo cuối cùng, trước khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

Văn học miền Nam đa dạng, dù khuynh hướng nào thì nó cũng mang giá trị nhân văn, tự do, sáng tạo. Có lập trường đối nghịch nhau, nhưng không khước từ nhau.

Sau ngày mất miền Nam, bên thắng cuộc đã vội vàng dùng nhiều từ ngữ xấu, nào là nô dịch, đồi trụy, tay sai, biệt kích để phủ nhận nền văn học miền Nam. Thực tế văn học miền Nam không là nô dịch, đồi trụy, như đã bị xuyên tạc. Văn học miền Nam có chống Cộng, chống độc tài, và điều này sau bốn mươi năm, vẫn hoàn toàn đúng. Nhà văn miền Nam chống Cộng, từ ý thức cá nhân tự do, không như miền Bắc chống miền Nam bằng sự bôi đen, nhồi sọ, bịa đặt – để khi đặt chân vào miền Nam thì vỡ mộng, và còn phải tiếp tục nhận sự nhồi sọ là miền Nam phồn vinh giả tạo! Nhưng đàn cừu giờ đây không còn ngoan ngoãn đi theo bầy đàn nữa!

2. Giai đoạn đầu, văn học nở rộ cùng với sự thanh bình, no ấm, tự do của miền Nam.

Những tác phẩm hồi ức về miền Bắc chia lìa, về cuộc kháng chiến chống Pháp của Võ Hồng, của Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nguyên Sa,… cùng nhiều ca khúc thiết tha nhớ thương Hà Nội,…. Nhưng có thể nói, chỉ ở giai đoạn 1963 đến 1975, cùng với cuộc chiến tranh bắt đầu khốc liệt, thì những nhà văn trẻ, như cách gọi bấy giờ, vì họ đều ở lứa tuổi trên dưới ba mươi.

Đây là thế hệ đầy bất hạnh. Bất hạnh vì nhiều lẽ. Trước hết, ngoài khái niệm bảo vệ miền Nam tự do và chống cộng sản, họ không có đội ngũ lãnh đạo mà họ tâm phục khẩu phục. Một số những nhà lãnh đạo họ xuất thân từ lính đánh thuê của Pháp, từ lính khố xanh khố đỏ, tài thì kém mà lòng tham thì nhiều. Từ đó tệ nạn tham nhũng, bè phái, buôn lậu xảy ra thường xuyên. Và người lính trẻ, rồi những nhà văn của miền Nam đặt vấn đề, họ chiến đấu, hy sinh cho ai, và vì cái gì? Từ đây xảy ra những phản ứng tiêu cực, như đào ngũ, biểu tình, ly khai chống chính phủ.

Không có gì lạ khi người đọc thấy rất nhiều tác phẩm của họ mang những trăn trở, bất mãn. Mỗi ngày nghe tin bạn bè gục ngã trong cuộc hành quân, những chiếc GMC chở quan tài phủ cờ chạy ngang thành phố, những thiếu phụ trẻ chít khăn tang bên cạnh đứa bé ngây ngô vừa mất bố.

Người lính, trong đó có những nhà văn nhà thơ của miền Nam, đã sống và viết trong hoàn cảnh thật oan nghiệt. Bên cạnh một Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Ngô Thế Vinh là một Doãn Dân, Y Uyên, Kinh Dương Vương, Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Ngọc Lư… Họ sáng tác trong máu lửa, họ viết trong bất cứ lúc nào có thể viết được. Và họ đã viết được và viết hay.

Tình thân giữa họ thật đẹp. Không phân biệt khuynh hướng tả, hữu. Biết Ngô Kha, Chu Sơn, Lê Gành, Thái Ngọc San là văn nghệ sĩ của, hoặc cảm tình với mặt trận. Nhưng khi họ sa cơ vẫn nhận được sự giúp đỡ của các nhà văn miền Nam. Cái tình, cái nhân bản của con người miền Nam là thế đó. Ở miền Bắc không thể nào có được, khi con còn đấu tố cha, và học trò đấu tố cả thầy cô giáo của mình!

3. Văn học miền Nam giai đoạn 1963- 1975, thật sung mãn với những cây bút viết về chiến tranh.

Năm 1965 chiến tranh bắt đầu mở rộng trên khắp miền Nam, ngày càng ác liệt. Thanh niên trí thức nhập ngũ. Từ sự phi lý, vô nghĩa của cuộc chiến, những nhà văn tham dự trực tiếp ở chiến trường đã gióng lên tiếng nói phẫn uất của họ qua những trang viết đầy máu lửa, đã lôi cuốn độc giả, bởi độc giả cùng tâm trạng họ. Những tờ báo văn học Bách Khoa, Văn, Vấn Đề, Ý Thức, Khởi Hành, Thời Tập… tràn ngập tác phẩm của những nhà văn trong giai đoạn này. Những trang chữ của họ quyện lẫn máu cùng nỗi phẫn uất.

Thế mà trong những lần hội thảo gần đây, trong những bài tham luận văn học, tác phẩm của họ không được nhắc tới. Thực ra những nhà văn trong giai đoạn chiến tranh này, không đòi hỏi gì, không đòi hỏi bất cứ ai công nhận họ. Tự những tác phẩm đã nói lên giá trị đích thực của nó. Công việc còn lại thuộc các nhà phê bình, nhất là những nhà phê bình nghiêm túc, có công tâm, vì một nền văn học miền Nam 20 năm, dù cho bị cắt lìa bởi một chế độ độc tài, phi văn hóa.

January 15, 2015.
(Trích tạp chí Thư Quán Bản Thảo 63, tháng 2- 2015)

-------------------

TOÀN BỘ BÀI VIẾT :
HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975




*
Xem toàn bộ  (Tạp chí điện tử Da Màu)






No comments:

Post a Comment

View My Stats