Tuesday, 14 October 2014

HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ : BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG LẤY THÚNG ÚP VOI ? (tin tổng hợp)





Nhà báo Võ Văn Tạo
Đăng ngày: 14.10.2014

VRNs (14.10.2014) – Khánh Hòa - Dù 4 trang in A4 chỉ nhõn có tiêu đề “Tài liệu tuyên truyền nội bộ về cuộc gặp cấp cao VN – TQ tại Thành Đô 9-1990″, mà không có xuất xứ biên soạn, như tập tính “ném đá giấu tay” lâu nay của Ban Tuyên giáo TW, công văn đính kèm của Đảng ủy khối doanh nghiệp địa phương nọ – triển khai phổ biến đến các cơ sở đảng – đã làm lòi đuôi con cáo: “…do Ban Tuyên giáo TW biên soạn”!

Trong cái gọi là tài liệu tuyên truyền này, tuyệt nhiên Ban Tuyên giáo TW không hề dám nói đụng đến các cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu của “Thiên triều mẫu quốc” Trung Hoa như Tân Hoa Xã, Hoàn Cầu Thời Báo. Nhưng các cơ quan nọ đã đăng tải huỵch toẹt nội dung chóp bu VN cầu xin gì ở Bắc Kinh trong cái hội nghị bán nước ô nhục Thành Đô 3&4-9-1990.

Theo thông lệ, trước những vấn đề đối ngoại hệ trọng, Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị ĐCSVN đều tức tốc chỉ thị Bộ Ngoại giao, TTXVN, báo Nhân Dân… chính thức lên tiếng. Nếu nước ngoài bịa đặt, vu khống, xuyên tạc… lập tức cực lực phản đối và đòi cải chính, chính thức xin lỗi… hòng gỡ gạc thể diện. Nhưng vụ này lại giữ động thái của loài hến.

Dĩ nhiên, thúng sao úp nổi voi? Những nhà phân tích chính trị, sử gia cao niên dư “vốn liếng” để hiểu bản chất của Hội nghị Thành Đô. Từ năm 1956 trở đi, tại nhiều quốc gia CS Đông Âu (Hungary, Ba Lan, Tiệp…), dân chúng đã nhiều lần nổi dậy đòi tự do dân chủ nhân quyền và tiến bộ xã hội, chống độc tài hắc ám hủ bại, tham nhũng và sùng bái, thần thánh hóa chóp bu… Nhưng lần nào cũng bị “anh cả đỏ” Liên Xô điều xe tăng, mật vụ dìm trong bể máu, giữ ngai vàng tay sai cho chóp bu các nước đó. Cuối thập kỷ 1980, CS ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ tan hoang.

Quá hoảng hốt trước khả năng bão dân chủ ở LX và Đông Âu lan tới VN, lại phấp phỏng hy vọng lập trường sắt mắu của Bắc Kinh qua vụ Thiên An Môn mùa Hè 1989 – thẳng tay điều xe tăng nghiền nát cả nghìn sinh viên con em khi họ biểu tình đòi dân chủ, chống tham nhũng – bất chấp âm mưu hiểm độc bành trướng tham tàn Đại Hán, bất chấp xương máu chiến sĩ Gạc Ma (3-1988) chưa kịp phôi pha, chóp bu VN đi nước cờ liều lĩnh, trơ trẽn và nhục nhã: chủ động cầu thân, xin làm chư hầu, phiên thuộc Thiên triều mẫu quốc, cốt giữ ngai vàng. 

Lịch sử dân tộc có những Hai Bà Trưng, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung quật cường hiển hách, nhưng cũng có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đê hèn, nhục nhã. 

Thiết tưởng, phải nêu lại tình huống Lê Chiêu Thống sang Tàu cầu viện nhà Thanh: vì thấy người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung tiến quân ra Bắc dẹp loạn họ Trịnh. Lo sợ ngai vàng rung rinh, Lê Chiêu thống vội bầu đoàn thê tử sang Tàu cầu viện. Dẫu giang sơn dày xéo, vẫn tham vọng được giặc Thanh ban phẩm tước bù nhìn.

Trần Ích Tắc, khiếp nhược trước quân Nguyên đông như kiến cỏ, tham sống sợ chết, muốn tiếm ngôi mà chạy sang hàng giặc. Đó cũng là tư tưởng người ta đang cố reo rắc trong quân dân ta.
Trong hồi ký, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã viết: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đau xót: “Hội nghị Thành Đô đã mở đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm”.

Thúng sao úp nổi voi? Cách xử trí duy nhất đúng đắn về vụ này là công bố đầy đủ các văn kiện thỏa thuận Thành Đô, lên án những kẻ tiền nhiệm ươn hèn ích kỷ, cam kết đáp ứng ý chí, nguyên vọng toàn dân, kiên quyết và bằng mọi giá bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.

Nhà báo Võ Văn Tạo

------------------

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-10-13

Tập tài liệu về Hội nghị Thành Đô được cho là của ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phân phát đến các đảng viên, cán bộ trong các cơ sở đảng .   RFA files photo

Một tài liệu được nói là do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam biên soạn về Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990 mà nhiều người quan tâm trong nước gọi là Thỏa thuận Thành Đô đang được lưu hành xuống cơ sở đảng. Động thái này được thực hiện sau khi có một số kêu gọi của chính những vị cao cấp trong Đảng cũng như người quan tâm phải bạch hóa thỏa thuận đó. Những điều được Ban Tuyên giáo nêu ra trong tài liệu có đáp ứng được yêu cầu của những người từng có kiến nghị về việc này hay chưa? Gia Minh trình bày.


Kiến nghị bạch hóa

Vài tháng trước đây, một bản tin được loan truyền khá rộng rãi ở Việt Nam cho biết Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, và tờ Hoàn Cầu ở Hoa Lục, có tiết lộ thông tin về Cuộc gặp cấp cao diễn ra vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 ở Thành Đô giữa những nhà lãnh đạo Trung Quốc và những người tương nhiệm Việt Nam.

Mặc dù đến giờ vẫn có những nghi vấn chưa trả lời được về tính chính xác của xuất xứ và nội dung quan trọng được nói là do hai cơ quan thông tấn Trung Quốc loan đi, nhưng theo một số người quan tâm ở Việt Nam thì nội dung đó như sau “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.

Trước thông tin như thế, vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên phó tư lệnh- tham mưu trưởng Quân khu 2 và tư lệnh mặt trận 1979-1984 (Hà Giang) có một thư kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay. Nội dung thư nêu lên thực tế Việt Nam lâu nay và trích lại điều được cho là phát xuất từ Tân Hoa Xã nêu ra để yêu cầu đảng phải công khai Thỏa hiệp Thành Đô.
Đến ngày 4 tháng 9, 20 cựu sĩ quan cao cấp trong Lực lượng Vũ trang Quân đội Nhân Dân Việt Nam cũng có một kiến nghị gửi cho chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ trong đó có điểm tương tự là phải công khai cho người dân biết về những thỏa thuận nếu có đã ký kết giữa hai phía.

Nhóm những bloggers tại Việt Nam vừa qua khởi xướng phong trào mang tên ‘Chúng tôi muốn biết’ cho biết vào ngày 15 tháng 10 này đại diện của họ sẽ trao một văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội Bạch Hóa Hội nghị Thành Đô’ đến Ban Dân Nguyện ở Hà Nội và Văn phòng Quốc hội 2 tại Sài Gòn.


Giải đáp của Ban Tuyên giáo?

Từ cuối tuần rồi, một tài liệu được phổ biến rộng rãi trên mạng, nói rằng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có lời giải thích với các chi bộ về  Hội Nghị Thành Đô và những lời đồn thổi ngoài xã hội về cuộc họp cấp cao này.

Tài liệu được nói là xuất xứ từ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang được những người quan tâm phổ biến trên mạng Internet có ba đề mục. Hai đề mục đầu nói đến bối cảnh tình hình quốc tế của cuộc gặp và mục đích cuộc gặp. Mục thứ ba trình bày lại những diễn biến và kết quả cuộc gặp được nói nhằm bàn về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.

Tài liệu này bác bỏ ý của trích dẫn mà những người quan tâm nói rằng do Tân Hoa Xã và tờ Hoàn Cầu Thời Báo nêu ra,  khẳng định không hề có cái gọi là ‘Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020…’ như điều được phổ biến trên một số trang mạng và blog, gọi đó là một ‘luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân’.


Đòi hỏi mới

Đại tá Bùi Văn Bồng, một trong 20 cựu sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị hồi ngày 4 tháng 9 có phát biểu sau khi biết tin về việc lưu hành tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung ương về Cuộc gặp cấp cao Việt- Trung tại Thành Đô hồi năm 1990:
Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu đưa tin như thế thì phải đập lại ngay là không có sự việc đó. Ý đồ gì mà Trung Quốc đưa tin như thế. Theo tôi không có căn cứ gì để tin hay không tin; thế nhưng khi một tờ báo nước ngoài nói những điều bất lợi cho chủ quyền dân tộc và lại cũng bất lợi cho cả đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam trong những việc lớn như thế không còn là thông tin nội bộ nữa.
Lẽ ra khi có thư ngỏ của các cựu chiến binh, nhất là khi có thư của thiếu tướng Lê Duy Mật, theo tôi thì báo Nhân dân, hoặc Quân đội Nhân dân hoặc Thông tấn xã phải có ý kiến ngay. Ở đây không làm được việc đó thì tính chiến đấu và kịp thời của báo chí chính thống là chậm, không đạt yêu cầu.
Sự thật đến đâu, ‘Thành Đô’ bàn những vấn đề gì, và không có bàn đến chuyện đó mà báo Trung Quốc bịa. Thế thì có gì khó đâu! Mà mình càng im lặng, cứ giải quyết nội bộ, trở thành một mô- típ rồi: chuyện gì lớn nhỏ đều cứ thích giải quyết nội bộ trước. Theo tôi chuyện này có gì mà giải quyết nội bộ, cứ công khai hóa mà phản bác lại họ. Như thế theo tôi nhân dân sẽ tin hơn và bớt dư luận phức tạp. Còn cứ lẩn quẩn nội bộ, thòi tin chỗ này, thông tin chỗ khác, rồi đưa chỗ này tí, chỗ kia tí thì chả có lợi gì về mặt dư luận mà đồng thời người ta lại cho đảng và Nhà nước không muốn minh bạch hóa.

Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhắc lại cách hành xử lâu nay của đảng và nhà cầm quyền Hà Nội; tuy nhiên trước sự phát triển của tinh thần dân chủ thì cách thức bưng bít thông tin sẽ không còn hiệu quả nữa. Ông nói:
Từ khi đảng cộng sản lãnh đạo đất nước bằng những cách theo kiểu của họ thì nhân dân có được biết gì đâu. Chính sách, chủ trương của họ hoàn toàn bí mật. Từ những năm 64-65 lúc thì ngả về Trung Quốc, lúc thì ngả về Nga. Toàn mấy ông trong Bộ Chính Trị, thậm chí mấy ông có ‘giá trị’ trong Bộ Chính Trị họ tự làm lấy đấy chứ. Quốc hội cũng chỉ là bù nhìn thôi, họ lập ra cho có gọi là quốc hội thôi chứ quốc hội cũng không biết. Tất cả nằm trong tay những người của đảng cộng sản và họ tự quyết lấy. ngay quốc hội mà không biết được nữa là nhân dân! Những hiệp ước bí mật của đảng cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô cũng như các chính sách khác, nhân dân hoàn toàn không được biết.
Thời gian gần đây do phong trào dân chủ trong nước thì anh em, một số trí thức, một số quân nhân đòi hỏi nên chúng ta được biết phần nào ngọn của tảng băng thôi, còn khúc chìm chúng ta không thể biết được.
Theo tôi nghĩ, dần dần đảng cộng sản phải minh bạch hóa, và nhân dân phải có quyền được biết những chính sách.

Cũng trong tuần qua hai tác giả tại Paris, Pháp là Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm có một bài viết trình bày lại tình hình thế giới cộng sản quốc tế, Việt Nam và Trung Cộng trước khi diễn ra Hội nghị Thành Đô. Bài viết cũng phân tích thực tế về những diễn tiến đã và đang xảy ra để chứng minh cho thấy có một thỏa thuận được lãnh đạo hai phía ký kết và Việt Nam đang gánh phần thua thiệt rất lớn.

Đối với những người đang yêu cầu đảng và chính phủ bạch hóa Thỏa thuận Thành Đô thì cần phải thực hiện nguyên tắc mà Hà Nội luôn luôn nói là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…” Theo họ thì trong vai trò những người dân làm chủ đất nước, họ có quyền yêu cầu các đại biểu quốc hội phải bạch hóa một cách đầy đủ và chính xác toàn bộ nội dung của Hội nghị Thành Đô.

Tin, bài liên quan

-----------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats