Monday, 24 December 2012

VỀ TÍNH "MINH BẠCH" của TS TRẦN LÊ HOA TRANH . . . (Đinh Từ Bích Thủy - Tiền Vệ)





Tuần trước tình cờ vào Tiền Vệ tôi đọc được bài “Về bài ‘VĂN HỌC DI DÂN VIỆT NAM...’ của TS. Trần Lê Hoa Tranh: Trong bao chữ nghĩa thấy ngay Gu-gồ” của độc giả Đào Hoa Chanh, mới khám phá ra rằng Trần Lê Hoa Tranh đã sao chép, ráp nối, đồng thời dịch sai một đoạn trong bài “Conjurer of Destinies: Monique Truong’s Bitter in the Mouth (Ảo Thuật Gia Định Mệnh: Vị Đắng Trong Miệng của Monique Trương)” mà tôi đã viết trong tiếng Anh và gửi đăng trên hai websites Anh ngữ, lần đầu trên blog Pop Culture Nerd, http://popculturenerd.com/2010/10/04/conjurer-of-destinies-review-of-monique-truong’s-bitter-in-the-mouth (10/4/2010), và sau đó trên blog diacritics, http://diacritics.org/2010/conjurer-of-destinies-review-of-monique-truong’s-bitter-in-the-mouth (11/03/10). Ở cả hai nơi, bài viết đều có tên tôi. Trong những bài viết xuất bản bằng tiếng Anh, tôi được biết qua tên “Thuy Dinh,” nhưng cả hai blogs cũng đều ghi “thân thế” của tôi: “a practicing attorney and the editor of the webzine Da Mau” (một luật sư đang hành nghề cùng là một biên tập viên của báo văn chương mạng Da Màu.)

Tuy tôi “chỉ” bị Trần Lê Hoa Tranh chép và dịch sai một đoạn trong bài, tôi không nghĩ tôi “may mắn” hơn ông Đào Trung Đạo. Trần Lê Hoa Tranh, trong bài đăng trên mạng Phê Bình Văn Học, http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=2984, cũng như trong “bài viết đã sửa” và đăng trên Tiền Vệ của cô (dưới phần “Phản hồi về bài viết của Đào Hoa Chanh” ngày 13-12-2012), không hề một lần ghi chú tên tôi, mà đã điềm nhiên lấy thẳng, cùng dịch sai, đoạn trong bài Conjurer of Destinies. Trần Lê Hoa Tranh cũng không có một lời phân bua, và cũng “tảng lờ” sự chất vấn của độc giả Đào Hoa Chanh về đoạn này (được ghi là ví dụ 3.2.4 trong “... Trong bao chữ nghĩa thấy ngay Gu-gồ” của Đào Hoa Chanh). Tệ hơn, do sự chép, cắt, ráp/ghép mà độc giả Đào Hoa Chanh nhận xét là “một cách xoay xở vô cùng thú vị” của Trần Lê Hoa Tranh, tôi đã bị Đào Hoa Chanh tưởng lầm rằng tôi, trong bài tiếng Anh, “về cơ bản là tóm lược những ý từ bài Việt ngữ “Bitter in the Mouth/Đắng Ngắt Trong Miệng” của ông Đào Trung Đạo.

Thật ra, bài “Conjurer of Destinies” của tôi không đề cập nhiều về những tình tiết trong tiểu thuyết Bitter in the Mouth hay những dư luận chung quanh tác phẩm này mà chú trọng vào khái niệm synesthesia (rối loạn giác quan) như một ẩn dụ văn chương cho mọi người viết sống bên lề văn hóa “giòng chính.” Tôi đã viết:
Những dữ kiện trong tiểu thuyết của Monique Trương không bao giờ là những điều tưởng như thấy trước mắt, tương tự như chuyện ngôn ngữ thứ hai có cơ hội đột kích, làm loãng phai, xao lãng ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong nhận thức này, mọi người viết ngoài giòng chính là những kẻ bị rối loạn giác quan …. Trương, một nhà văn của thế kỷ 21, đã trôi thoát chất quý phái từ bánh madeleine của Proust, hoặc mùi thơm đu đủ xanh của Trần Anh Hùng. Thế giới giác quan của [Linda Hammerick- nhân vật chính [trong tác phẩm của Monique Trương] thay vào đó bị tấn công bởi những thức ăn bình dân Mỹ như tuna casserole và chicken a la king — các món xam xám, dính bầy nhầy vào nhau bởi súp nấm pha crème của hãng súp hộp Campbell …. Tinh thần lạc quan của Hoa Kỳ … vừa là sự cứu rỗi vừa là căn bệnh lãng quên.

Facts in Truong’s novel are never what they seem, the same way an acquired language may assault, dilute or obliterate an immigrant’s mother tongue. In this sense, all outsiders are synesthesiasts. Truong, a 21st century writer writing about displacement, has drifted a long way from the refined taste of Proust’s madeleine and the fragrant waft of Tran Anh Hung’s Scent of Green Papaya. Her protagonist’s sensory world is instead attacked by tuna casserole and chicken a la king, gray, gloppy food held together by Campbell’s cream of mushroom soup—“the Great Assimilator,” as Linda wryly quips. American optimism … is both salvation and forgetfulness.

Bài viết Anh ngữ của tôi, qua sự nhận định trên, cũng đưa ra những thí dụ phân tích về ngôn ngữ, và nguyên văn đoạn 3.2.4, nếu dịch sang tiếng Việt, sẽ như sau:
Trong tiếng Việt, những từ biểu lộ hạnh phúc và nỗi khổ tự chúng cưu mang những vị cá biệt. Trong khi hạnh phúc thường ngọt bùi, thì nỗi khổ cho ta bao nhiêu vị đắng: đắng cay, “chua” cay, đắng như (mướp) khổ qua, đắng như bồ hòn (một giống trái cây vùng Đông Nam Á có chất saponin có thể được dùng như thuốc tẩy thiên nhiên).

Trong Vị Đắng Trong Miệng, Monique Truong tài tình khai phá mọi góc cạnh trong trải nghiệm của một người sống bên lề văn hóa qua nghĩa đen và nghĩa bóng của khái niệm rối loạn giác quan. Nhân vật chính, Linda Hammerick, bị chứng bệnh ảnh hưởng đến giác quan hiếm có: cô nhận thức những từ ngữ trước và trên hết là những vị rõ rệt, cách biệt và độc lập ra khỏi nghĩa của chúng. Khi Linda nghe thấy chữ “me,” cô nghĩ đến sữa sô cô la. (Ở đây chữ sô cô la, từ chữ xocolatl của ngôn ngữ Aztec có nghĩa là nước đắng). Sự thử thách của Linda – cũng là bí ẩn chính của tiểu thuyết –là làm thế nào để hòa giải sự rối loạn giác quan trong cô, làm sao để loại bỏ/cất vị đắng ra khỏi vị ngọt bùi.

In Vietnamese, words that convey happiness and suffering are themselves distinct tastes. While happiness is always nutty-sweet (ngọt bùi), suffering provides a wide range of bitter tastes: bitter-spicy (đắng cay ), sour-bitter (chua cay), medicinally sharp like bitter melon (khổ qua) or acidly bitter like soap berries (bồ hòn—a Southeast Asian fruit that’s also used as a natural detergent).
In Bitter in the Mouth, Monique Truong dazzlingly explores a whole array of an outsider’s experience via the literal and figurative trope of synesthesia. Her main character, Linda Hammerick, suffers from a rare sensory disorder: she registers words first and foremost as specific tastes, isolated and independent from their meanings. When she hears the word mom, Linda thinks of chocolate milk. (Incidentally, the word chocolate from the Aztec word xocolatl means bitter water). Linda’s challenge–which is also the central mystery of the novel— is how to unravel her sensory confusion, to discard/distill the bitter from the nutty-sweet.

Trần Lê Hoa Tranh, tuy nhận là có trình độ Anh ngữ “khá” trên trang tiểu sử, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=140:trn-le-hoa-tranh&catid=59:bienche&Itemid=126&lang=vi, đã chép, ghép, và dịch đoạn văn trên của tôi ra như sau:

Ở Việt Nam, những từ biểu hiện hạnh phúc và chịu đựng thường được dùng những từ mang tính chất nếm trải (vị giác). Hạnh phúc thì thường ngọt bùi, chịu đựng thì dùng đắng cay, chua cay, khổ quá… Với Đắng nghét trong miệng, M. Truong đã khám phá kinh nghiệm của một người thông qua văn học. Nhân vật chính: Linda Hammerick, chịu đựng một căn bệnh rối loạn giác quan rất hiếm: cô trở thành người nổi tiếng nhìn một từ và đoán vị của nó, cách biệt và độc lập với nghĩa của chúng: khi cảm giác bị kích thích bởi một sự vật lập tức có cảm giác hay nhận thức về một sự vật khác (chứng “synesthesia”), ví dụ khi nhìn một con chữ Linda lập tức cảm nhận được mùi vị của một món ăn. Chẳng hạn chữ “you” cho Linda những mùi vị của đậu hột đóng hộp, chữ “home/nhà” gợi mùi vị nước ngọt Pepsi, nghe từ mẹ, cô nghĩ đến sô cô la (từ chocolate là từ Aztec xocolatl có nghĩa là nước đắng). Thử thách của Linda, cũng là bí ẩn trung tâm của câu chuyện, là làm cách nào tháo gỡ rối loạn vị giác của cô, vứt bỏ cái đắng cay từ cái ngọt bùi.

Ở đoạn văn trên, chỉ có câu “Chẳng hạn chữ “you” cho Linda những mùi vị của đậu hột đóng hộp, chữ “home/nhà” gợi mùi vị nước ngọt Pepsi” là không xuất xứ từ bài Conjurer of Destinies của tôi, mà là do Trần Lê Hoa Tranh lấy từ bài của ông Đào Trung Đạo rồi “trộn” vào “bản dịch Việt ngữ” cho đoạn trích từ bài viết của tôi. Điều đáng nói là cách dịch của Trần Lê Hoa Tranh chứng tỏ cô không hiểu rõ cấu trúc Anh ngữ của tôi, vì cách dịch — qua những chỗ tôi đã in đậm — rất lôi thôi và ngớ ngẩn, có vẻ cũng đã dựa trên cách dịch của Google. Trần Lê Hoa Tranh không hiểu chữ “khổ qua” là mướp đắng mà dịch lại là “khổ quá.” Câu văn của tôi:

“Her main character, Linda Hammerick, suffers from a rare sensory disorder: she registers words first and foremost as specific tastes, isolated and independent from their meanings.”
(Nhân vật chính, Linda Hammerick, bị chứng bệnh hiếm có ảnh hưởng đến giác quan: cô nhận thức những từ ngữ trước và trên hết là những vị rõ rệt, cách biệt và độc lập ra khỏi nghĩa của chúng.”)

đã được Trần Lê Hoa Tranh dịch như sau:
Nhân vật chính: Linda Hammerick, chịu đựng một căn bệnh rối loạn giác quan rất hiếm: cô trở thành người nổi tiếng nhìn một từ và đoán vị của nó, cách biệt và độc lập với nghĩa của chúng.”

Trần Lê Hoa Tranh đã dịch cụm từ “first and foremost” trong đoạn văn của tôi thành “nổi tiếng nhìn một từ” (!) Hình như cô tưởng lầm chữ “foremost” là “famous”??

Trần Lê Hoa Tranh dịch:
Thử thách của Linda, cũng là bí ẩn trung tâm của câu chuyện, là làm cách nào tháo gỡ rối loạn vị giác của cô, vứt bỏ cái đắng cay từ cái ngọt bùi.

Chữ “unravel” tuy nghĩa đen là “tháo gỡ’ (như tháo gỡ một nút dây, một điều bí ẩn nào đó) nhưng chữ “tháo gỡ” ở đây nên được hiểu là một sự hòa giải về tâm lý của nhân vật.

Tóm lại, Trần Lê Hoa Tranh không hiểu rõ những từ ngữ tiếng Anh nhưng không tìm hiểu, tham khảo từ điển Anh ngữ hay nguyên văn tác phẩm. Tựa truyện Quiet As They Come của Angie Chau không phải là Âm Thầm Họ Đến. Từ ngữ “as they come” là cách miêu tả một khuôn mẫu “hạng nhất” (le meilleur) khi ta đề cập về một nhóm nào đó. Quiet As They Come nên được hiểu là Âm Thầm Nhất Trong Bọn. Tương tự, Bitter in the Mouth — vị đắng ở miệng — chữ “bitter” nói về khái niệm đại cương của mọi nỗi đắng trong tác phẩm của Monique Truong, không phải chỉ là một vị “đắng ngắt.”

Trần Lê Hoa Tranh cũng cẩu thả, thường viết sai tên các tác giả. “Isabelle Thuy Pelaud,” không phải là “Issabela Thuy Paulaud.”

Ngoài cách “dịch” lủng củng và tối nghĩa, hoặc sai hoàn toàn, với nhiều bằng chứng sao chép rõ rệt, Trần Lê Hoa Tranh không đề cập gì về phương thức (methodology) trong quá trình thu thập những dữ kiện về văn học di dân Đông Á, hoặc văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ. Bài “viết” của cô là một hỗn hợp thượng vàng hạ cám, thay vì là một sự cách lọc, phân tích theo đúng nghĩa “phê bình văn chương” từ kiến thức văn học chuyên môn mà đương nhiên một giáo sư “Văn Chương và Ngôn Ngữ Học” như Trần Lê Hoa Tranh phải có. Thí dụ, trong bài Trần Lê Hoa Tranh có những câu văn rất “mơ hồ,” không có một chú thích hay diễn giải:

1. “Từ năm 1965, khi luật di dân được chính phủ Mỹ công nhận, thì văn học di dân mang một sắc thái khác.”
Tại sao chỉ từ năm 1965 “luật di dân” mới được chính phủ Mỹ công nhận?” Và đây là luật nào sao không chú thích rõ ràng? Tại sao luật di dân này đã thay đổi sắc thái của văn học di dân? Trước năm 1965 những thiểu số di dân Á Đông nào đã bị hạn chế vì những đạo luật khác với luật di dân năm 1965?

2. “Thế hệ nhà văn một và một rưỡi (1st generation và 1.5 generation) thường viết bằng tiếng Việt như Nhã Ca, Trùng Dương, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Lê Thị Huệ, Đặng Thơ Thơ… Thế hệ nhà văn thứ hai (2nd generation) thường dùng tiếng Anh như Monique Truong, Bich Minh Nguyen, lê thi diem thuy, Barbara Tran, Christian Langworthy, Mong-Lan, Le Bi, Thuong Quan, Khe Iem, Linh Dinh, Do Kh., Nguyen Qui Duc, Aime Phan, Angie Chau, Mai Elliot…”

Đoạn này cần được diễn giải, phân tích tỉ mỉ hơn. Thật ra sự khác biệt giữa các thế hệ nhà văn 1, 1.5, và 2 được định nghĩa từ sinh quán, quan điểm và trải nghiệm cá nhân, gia đình của từng tác giả, tuổi tác khi rời Việt Nam,v.v. chứ không hoàn toàn do ngôn ngữ sáng tác. Linh Đinh, Christian Langworthy, Nguyễn Quí Đức, Monique Truong, le thi diem thuy, đều có thể được coi là ở trong thế hệ 1.5. Họ là những nhà văn sinh ra ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở ngoài nước. Trường hợp của những nhà văn như Đặng Thơ Thơ có phần phức tạp hơn. Mặc dù sáng tác trong tiếng Việt, và sang Hoa Kỳ sau khi đã trưởng thành, nhưng nét đột phá, khả năng thử nghiệm của nhà văn có lẽ gần hơn với thế hệ 1.5 thay vì thế hệ của các nhà văn nữ của miền Nam trước 75. Tóm lại, cách định nghĩa những thế hệ nhà văn di dân thường bị phức tạp hóa bởi những yếu tố chủ quan, hoặc tùy thuộc vào mỗi trường hợp.

3. “Bitter in the Mouth đưa ra một cái nhìn khác biệt về vấn đề khủng hoảng bản ngã, nhất là bản ngã của người nữ di dân, vô xứ so với quan niệm thông thường của trí thức, nhà văn Mỹ đã có trước đây.”

Thế nào là “bản ngã của người nữ di dân” so “với quan niệm thông thường của trí thức, nhà văn Mỹ”?

Trong cách đánh lạc hướng những bằng chứng đạo văn, cũng như những nhược điểm, sơ sót của bài viết, Trần Lê Hoa Tranh tiếp tục ngụy biện ở cuối bài “Phản hồi về bài viết của Đào Hoa Chanh”:
Thiết nghĩ, việc tận dụng, tiếp thu thành quả nghiên cứu của người đi trước, trong một công trình mà tôi nghĩ mang tính miêu tả, thông tin là phương án tối ưu. Việc đọc, dịch, giới thiệu chắc chắn sẽ là thao tác quan trọng nhất chứ không phải phô bày quan điểm cá nhân hay nhận xét riêng tư. Do đó chắc chắn trong công trình của tôi sau này sẽ có rất nhiều thông tin tôi dịch ra. Và tôi nghĩ rằng, qua sự việc này, tôi sẽ cố hết sức mang lại tính minh bạch và chính xác cho công trình đó.

Qua những điều tôi đã trình bày ở trên, thiển nghĩ cũng không cần bàn thêm về sự “minh bạch” và “chính xác” của “công trình Trần Lê Hoa Tranh.”

Đinh Từ Bích Thúy
December 2012
-----------------


 Bài liên quan:

18.12.2012
Tội quá anh chị ạ, hở cái gì bị thuổng cái đó!
(Trịnh Hồ Quả Bưởi)
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Lần trước tôi đã nói về sự “rất lạ” trong cái “uy tín Fulbright” của Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (TsTLHT). Lần này tôi bàn về sự “rất quen” của cái “uy tín” ấy...

17.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Đọc “Phản hồi về bài viết của Đào Hoa Chanh” của Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (TsTLHT), tôi chú nhất đến kiểu lập luận không biết gọi là gì, tạm gọi là “Tinh thần Fulbright”. Thật là hú vía, may cho Đào Hoa Chanh (ĐHC)!... (...)

15.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi không nhận lời cảm ơn của Tiến sĩ TLHT vì đã đọc bài của cô “rất kĩ, soi rất cặn kẽ”. Thực sự vì Tiến sĩ chép quá lồ lộ nên ai cũng thấy, không cần đến một độc giả ít biết văn chương sách vở như tôi... (...)

13.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi là Trần Lê Hoa Tranh, tác giả của bài viết “Văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ”, tôi có vài lời muốn thưa lại với nhà phê bình Đào Hoa Chanh (ĐHC) nhân đọc bài “Về bài Văn học di dân… của TS. Trần Lê Hoa Tranh: trong bao chữ nghĩa thấy ngay gu gồ” đăng trên Quý báo... (...)

07.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi không có ý phủ nhận công sức của TS. Trần Lê Hoa Tranh khi viết bài “Văn học di dân Việt Nam...”. Thậm chí tôi ngưỡng mộ khả năng sử dụng Gu-gồ của cô. Trong hình dung của tôi, bài viết của TS. Trần Lê Hoa Tranh là một mẫu mực của việc ngồi nhà, bật máy, lên mạng, tra Gu-gồ, lấy bài rồi sao chép chăm chỉ, rất đáng để các sinh viên của cô học tập nếu thấy sao chép là niềm vui và thao tác cần nhân rộng... (...)




No comments:

Post a Comment

View My Stats