Wednesday, 12 December 2012

VĂN HÓA ĐI TRƯỚC KINH TÊ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 11, 2012 5:24:22 PM

Chế độ cộng sản cuối cùng sẽ chấm dứt. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc.

Khí thế của người dân qua các cuộc biểu tình đòi chấm dứt tham nhũng, lạm quyền ở Trung Quốc mỗi năm xẩy ra hàng trăm ngàn vụ; và các cuộc biểu tình đòi chấm dứt thái độ nhu nhược trước ngoại xâm hoặc hệ thống tham nhũng lạm quyền cướp đất ngày càng gia tăng ở Việt Nam; cho thấy quá trình suy sụp của chế độ cộng sản đã bắt đầu rồi. Cuối cùng đảng cộng sản ở cả hai nước sẽ phải chịu thua dân. Việc lật đổ một chính quyền thối nát là điều cần thiết. Nhưng sau đó, công việc quan trọng và khó khăn hơn nhiều, là đưa quốc gia tiến tới trên con đường phát triển.

Năm 1986 dân chúng Manila đã thành công, lật đổ Tổng Thống Ferdinand Marcos. Người dân Philippines đã đòi lại quyền quyết định vận mạng của mình. Cuộc cách mạng tạo được một khí thế mới trong lòng người dân; hơn mười năm sau dân Manila còn biểu tình nhiều lần nữa. Họ đã thúc đẩy, bắt buộc guồng máy chính quyền phải công khai minh bạch hơn, các cuộc bầu cử cấp địa phương và toàn quốc cũng sạch sẽ hơn.

Dân chúng biểu tình cũng có thể lật đổ cả chế độ; không những thay thế nhóm người cai trị mà còn tạo nên một cơ cấu mới và cung cách mới khi sử dụng quyền hành.

Như trong các cuộc Cách Mạng Nhung năm 1989; hoặc Mùa Xuân Á Rập vào năm ngoái.

Người dân Philippines, dân Ba Lan, dân Tiệp đã tiến xa hơn việc thay đổi chế độ hoặc thay đổi chính quyền. Thành công quan trọng nhất là sau đó các nước này đã bắt đầu phát triển kinh tế. Quá trình này từng diễn ra ở Á Ðông trong những thập niên 1970-1980. Trong những năm đó, sinh viên và công nhân đình công, bãi khóa ở Nam Hàn; và các nhóm chính trị đối lập vận động xuống đường ở Ðài Loan đòi chấm chấm dứt các độc quyền kinh tế. Những chế độ độc tài ở hai nước này phải nhượng bộ, bắt đầu tiến trình dân chủ hóa, và sau đó nền kinh tế cất cánh, tiếp tục phát triển từ đó tới nay.

Liệu người dân các nước Ai Cập, Tunisie, Lybia, sau khi được giải phóng có thể thực hiện được những bước tiến như Nam Hàn và Ðài Loan hay không? Phải chờ khoảng mười năm, hai mươi năm nữa mới biết được kết quả. Thay đổi thể chế chính trị, thay đổi chính sách kinh tế; đó là những điều kiện cần thiết đặt nền móng cho công cuộc phát triển. Nhưng các phép lạ kinh tế ở Á Ðông còn có thêm một yếu tố khác thúc đẩy. Vì trong thời gian đó, tại các nước này văn hóa cũng hồi sinh. Những phong trào phục hưng văn hóa bắt đầu khi người dân một nước phát khởi một niềm tự hào vào quá khứ, một niềm tin tưởng vào tương lai, tạo nên khí thế tinh thần mạnh mẽ. Phát triển không phải chỉ là một hiện tượng kinh tế.

Từ đầu thế kỷ 20, ở nước ta Phan Châu Trinh đã thúc giục đồng bào phải nâng cao dân trí và phấn chấn dân khí. Tới nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện được những mục tiêu đó. Trong khung cảnh hiện nay, hai công việc đó còn khẩn thiết nhiều hơn nữa. Nước ta đang chạy đuổi sau chân các nước đã phát triển ở vùng Á Ðông, đang cố gắng làm sao có thể phát triển lên ít nhất ngang với họ?

Phân tích quá trình phát triển ở thế giới thứ ba (Third-World Development, 1989), Giáo Sư Nguyễn Quốc Trị đã thấy việc phát triển thành công hay thất bại tùy thuộc mối tương quan chính trị giữa người dân và chính quyền. Nếu giới lãnh đạo được dân tin cậy và chấp nhận, thì quốc gia sẽ phát triển nhanh hơn. Nhưng mối tương quan đó lại tùy thuộc những giá trị tinh thần, thuộc phạm vi văn hóa. Nguyễn Quốc Trị, nguyên viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nhấn mạnh việc “phục hưng văn hóa” là một “nhu cầu tuyệt đối” để các nước nghèo có thể xây dựng những định chế chính trị được dân chúng tin cậy, dựa vào đó kinh tế có thể phát triển. Ông khẳng định, “Không một xã hội nào có thể tồn tại nếu thiếu một nền tảng tinh thần.” Ông đã minh chứng với các trường hợp Nam Hàn và Singapore; cả hai thành công trong quá trình phát triển nhờ họ biết phục hoạt các giá trị truyền thống, điều hợp với những giá trị mới tiếp thụ từ Tây phương.

Theo Nguyễn Quốc Trị điều đáng lo nhất đã làm các quốc gia nghèo thất bại trong việc phát triển là tình trạng suy sụp về tinh thần. Mọi người hết tin tưởng vào nhau vì các giá trị nền tảng đã tan rã. Nền tảng xã hội suy đồi vì hệ thống các giá trị, định chế cổ truyền bị gạt bỏ, mà chưa có những giá trị mới để lấp vào khoảng trống đó. Chất keo văn hóa trong quá khứ từng gắn bó mọi người trong một mạng lưới gồm quyền lợi và nghĩa vụ, đã biến mất. Trong khi đó, người ta chưa tập được để sống với những giá trị và định chế phù hợp với cơ cấu kinh tế mới. Những điều tệ hại từng bị đè nén trong nếp sống cũ nay được thả lỏng, có cơ hội nẩy sinh. Người ta lại du nhập những biến chứng xấu nhất vẫn đi kèm theo hệ thống kinh tế tư bản thời sơ khai. Lớp người cai trị chỉ lo củng cố quyền hành và tạo thêm cơ hội trục lợi; còn người dân bị trị thì trở thành thụ động, sợ sệt, hoặc thờ ơ, chỉ biết lo cho cá nhân và gia đình mình.

Trong nền văn hóa các nước Á Ðông ngày xưa, truyền thống tôn trọng quyền hành vẫn đi kèm với tinh thần trách nhiệm của người nắm quyền; xã hội thấm nhuần một niềm tin tưởng hỗ tương, tạo nên một thế cân bằng, bình trị trong nhiều thế kỷ. Xã hội suy đồi khi người ta chỉ giữ lại và đề cao thói quen kính trọng quyền hành mà bỏ qua những trách nhiệm tương ứng, quyền hành không bị giới bạn bằng luật pháp và các định chế lập cân bằng. Khi đó quyền bính được biến thành một khí cụ để trục lợi; rồi lợi lộc lại được sử dụng để mua chuộc người khác nhằm củng cố quyền bính. Bản hợp đồng xã hội truyền thống bị xóa đi, đưa tới một xã hội phi luân lý (anomie), thượng vô đạo quỹ, hạ vô pháp thủ.

Các nước nghèo thất bại trên đường phát triển vì thiếu những nền tảng văn hóa. Ðời sống kinh tế có thể thay đổi rất nhanh, còn văn hóa thì chuyển biến rất chậm. Khi du nhập lối làm kinh tế tư bản thì người ta sử dụng lợi lộc và lòng tham như động cơ thúc đẩy. Dần dần, việc kiếm tiền được đề cao như một giá trị, người có tiền được kính trọng, tư lợi trở thành mục tiêu chính trong đời. Những giá trị cổ truyền trước kia vẫn dùng để kiềm chế lòng tham và óc vị kỷ đã tan loãng trong khung cảnh kinh tế mới chỉ biết trục lợi.

Trong khi đó, xã hội chưa đủ thời giờ tạo được những thói quen tôn trọng luật pháp và tôn trọng các ý kiến bất đồng. Chưa đủ thời giờ tập luyện cung cách sống dân chủ. Mà đó là những nền tảng văn hóa ra đời và phát triển cùng với kinh tế tư bản ở Âu Châu. Hậu quả của tình trạng trống rỗng văn hóa này là óc duy lợi, duy vật, vị kỷ và các thủ đoạn gian trá được thả lỏng sinh sôi nẩy nở. Người ta không còn bị ràng buộc bởi các quy tắc đạo lý, dù cũ hay mới; mà các ràng buộc bằng pháp luật lại chưa được thiết định hoặc chưa trở thành thói quen. Như Mạnh Tử mô tả, khi người trên không có đạo lý nào để theo, người dưới không có luật lệ nào ràng buộc (thượng vô đạo quỹ, hạ vô pháp thủ), thì một quốc gia khó tồn tại được. Niềm tín nhiệm chung giữa người với người, là chất keo sơn gắn liền xã hội, dần dần bị xoi mòn. Người cầm quyền không hy vọng được dân tin theo mà khuất phục, cho nên phải dùng bạo lực đe dọa, hoặc dùng lợi lộc để mua chuộc, vì họ không có cách nào khác. Niềm tín nhiệm chung mất, xã hội tan rã nhanh hơn. Tình trạng trống rỗng văn hóa là lý do khiến nhiều nước nghèo trong thế giới thứ ba thất bại trên con đường phát triển. Nguyễn Quốc Trị đã nêu ra các nhận xét trên trước năm 1989, hơn 20 năm sau chúng ta vẫn còn chứng kiến nhiều nước đang sống trong tình trạng khủng hoảng văn hóa; trong đó có nước Việt Nam.

Muốn phát triển trong thế kỷ này, cần xây dựng một niềm tin tưởng chung, một niềm tin được mọi người Việt Nam cùng nhau chia sẻ. Tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc thì mới sẵn sàng dấn bước tới tương lai. Năm 1945 đã nổi lên một phong trào phục hoạt văn hóa khi toàn dân nức lòng cùng theo đuổi một mục tiêu giành độc lập, ai ai cũng tin tưởng vào khả năng xây dựng tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc. Cơ hội đó đã bỏ mất khi lầm lẫn chỉ đề cao những chia rẽ, đối nghịch, người Việt coi người Việt là kẻ thù. Muốn xây dựng tương lai, phải bắt đầu với một phong trào văn hóa hồi sinh; để mọi người Việt Nam có thể chia sẻ một niềm tin tưởng và một mối hy vọng. Tin vào khả năng dũng mãnh của dân tộc có thể vượt qua mọi chướng ngại. Tin vào khả năng tiếp thụ và chuyển hóa các giá trị của văn minh nhân loại. Chúng ta tin là dân tộc Việt không bao giờ chịu thua.



No comments:

Post a Comment

View My Stats