Trọng Nghĩa – RFI
Thứ tư 12 Tháng Mười Hai
2012
Ngày 09/12/2012, hàng trăm người tại Hà Nội, và dặc biệt là tại Sài Gòn, đã biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông, mà nghiêm trọng nhất là lên tiếng cấm Việt Nam khai thác dầu khí ngoài Biển Đông, sau khi cho tàu cá cắt đứt cáp thăm dò tàu khảo sát của Việt Nam.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia
nghiên cứu tại Đại học Maine (Hoa Kỳ), sở dĩ Bắc Kinh
ngày càng hung hăng trên vấn đề Biển Đông, đó là vì Bắc Kinh
càng lúc càng đuối lý trên vấn đề đường lưỡi bò.
RFI : Thưa giáo sư, giáo sư thường xuyên theo dõi tình hình, giáo sư nhận thấy là vì sao mà Trung Quốc lại có thể nói là đột nhiên lại có hành động quyết đoán như vậy đối với Việt Nam ?
NVL : Trước hết là vấn đề Trung Quốc không thể dùng đường 9 đoạn để lấn áp các nước Đông Nam Á về mặt lịch sử và luật pháp. Thế giới bây giờ đã thấy chuyện đó rồi. Thành ra Trung Quốc muốn dùng sức mạnh “quậy cho dữ”, vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong
khu vực, nếu lấn áp được Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm cho các nước khác trong vùng - cũng như là Mỹ - yếu thế đi.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc chủ yếu làm áp lực trên hai nước là Việt Nam và Mỹ. Trung
Quốc muốn được Mỹ nhượng bộ trong khu vực cũng như trong các lãnh vực như kinh tế… Nhưng Mỹ lại không chịu nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề lưu thông qua khu vực, thành ra Trung Quốc ép cho làm sao Việt Nam phải chịu nhượng bộ Trung Quốc.
Việt Nam đang ở trong
tình thế rất khó khăn vì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ liên quan đến Biển Đông mà cả về kinh tế, ý thức hệ, chính trị… Cho nên cái không rõ ràng trong vấn đề xử lý quan hệ với Trung Quốc lại càng làm cho Trung Quốc tấn công Việt Nam
(mạnh) hơn.
Thành ra tôi nghĩ là trong lúc
này, không những Việt Nam, mà kể cả Mỹ, phải nói rõ cho Trung Quốc là không nên tiếp tục làm như vậy. Sở dĩ Trung Quốc tiếp tục đẩy manh trong lúc này là bởi vì họ nghĩ là Mỹ đang có nhiều chuyện khác nên có thể nhân nhượng
Trung Quốc.
RFI : Thưa Giáo sư, Nhiều chuyên gia đã gắn liền các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, và cả tại biển Hoa Đông nhắm vào Nhật Bản, với sự kiện ông Tập Cận Bình bắt đầu chính thức lên lãnh đạo Trung Quốc và cần phải kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan để củng cố quyền lực. Nhận định của Giáo sư ra sao ?
NVL : Đây là vấn đề về xa về dài. Thật ra, từ khi đưa ra đường lưỡi bò, Trung Quốc đã thấy rằng nó không hợp lý, nó cũng không có căn cứ về lịch sử hay luật pháp, (cho nên) họ đã nghĩ rằng họ sẽ có thể dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để ép buộc các nước chung
quanh. Càng ngày càng vô lý thì họ càng ngày càng dùng sức mạnh để mà “đẩy đến”.
Ngoài ra, ở trong nước, Tập Cận Bình đang lên (nên) muốn dùng chủ nghĩa yêu nước để củng cố địa vị của mình, bởi vì vị trí của ông thật ra vẫn chưa chắc lắm. Ngoài Việt Nam,
gần đây Trung Quốc đã căng thẳng rất nhiều với Philippines, mà ngay trong vùng biển của Philippines.
Việt Nam ở sát Trung Quốc, nên ‘nó’ tìm mọi cách để gây áp lực trên Việt Nam. Mà đường lưỡi bò của Trung
Quốc đúng là đi sát vào Việt Nam, vì vậy cho nên "nó" cứ dùng đường lưỡi bò để làm áp lực Việt Nam.
Việt Nam phải vận động quốc tế bắt Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò, bỏ đường lưỡi bò thì mới có cơ hội hợp tác với các nước khác cũng như với Trung Quốc.
RFI : Như có nói ở lúc đầu, hôm Chủ nhật vừa rồi, rất nhiều nhân sĩ, trí thức tại cả hai thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội đã biểu tình chống các hành vi xâm lược của Trung Quốc nhắm vào Biển Đông. Giáo sư cảm nhận như thế nào về các sự kiện trên ?
NVL : Tôi nghĩ đây là một điều có tác dụng rất tốt, bởi vì khi mà Trung Quốc quá hàm hồ và vô lý như thế - mặc dầu người Việt Nam đã chịu đựng, đã nhân nhượng - thì phải lên tiếng, nếu không thì Trung Quốc sẽ ngày càng làm áp lực lên Việt Nam.
Nói lên, nhưng nói với thái độ của nhân sĩ trí thức trong nước tôi thấy rất tốt. Tôi không muốn so sánh, nhưng nếu so sánh với thái độ của chính phủ và người dân Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư, thì tôi thấy rằng người Việt Nam rất đàng hoàng trong vấn đề phát biểu ý kiến của mình.
RFI : Giáo sư muốn nhắc đến các phản ứng rất hung hăng thô bạo của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông, phải không ạ ?
NVL : Vâng. Rất hung
hăng, kể cả với Philippines, cách xa Trung Quốc cả nghìn dặm.
Tôi thấy thái độ của nhân sĩ trí thức Việt Nam, của người Việt Nam trong nước, rất đàng hoàng. Ta phải nói lên, chứ nếu không thì người ta tưởng là mình khiếp nhược, Việt Nam không khiếp nhược, Việt Nam không sợ, mà Việt Nam đàng hoàng, muốn giải quyết vấn đề một cách có lý.
Thành ra, nếu Trung Quốc muốn, thì đưa các vấn đề này ra, trước hết về đường chín đoạn thì ra Liên Hiệp Quốc, và về vấn đề các đảo thì ra Tòa án Quốc tế, chứ không thể dùng sức mạnh để làm áp lực như vậy, hay là dùng sức mạnh áp lực lên chính phủ Việt Nam, để (chính quyền Việt Nam) đàn áp dân chúng Việt Nam.
Trung Quốc cố ý làm như thế để chính phủ Việt Nam mất chính danh đối với dân chúng, mà mất chính danh đối với dân, thì chính phủ sẽ yếu đi, càng yếu đi thì càng phải nhượng bộ Trung Quốc.
Tôi thấy là tiếng nói của người Việt Nam, của nhân dân Việt Nam trong lúc này rất quan trọng, đòi hỏi như thế là đúng.
Về luật pháp, thì chính phủ lo, ví dụ như về vấn đề đưa Trung
Quốc ra Liên Hiệp Quốc hay ra Tòa án Quốc tế, nhân dân không làm được, thì chính phủ nên làm. Còn việc nhân dân (lên tiếng) đòi hỏi chính phủ làm việc đó, tôi nghĩ đấy là điều rất đúng, giúp cho chính phủ có cơ hội đưa vấn đề này ra.
No comments:
Post a Comment