Minh Anh – RFI
Thứ bảy 15 Tháng
Mười Hai 2012
Biển Đông không ngừng dậy sóng. Một loạt các sự cố liên tục diễn ra trong những ngày gần đây xung quanh các vùng lãnh hải tranh
chấp giữa các nước trong
khu vực. Không những các vụ tranh
chấp đó đã thúc chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản dâng cao mà còn đẩy các nước trong
khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. Chủ đề này được nhật báo Le Monde số ra cuối tuần đề cập đến qua hàng tựa ấn tượng « Trống trận ầm ĩ trên Biển Đông ».
Mở đầu bài viết, Le Monde nhận định « Biển Đông là khu vực của đủ mọi nguy cơ ». Tại một châu Á đang trên đà phục hưng, các vụ căng thẳng, cạnh tranh và các mối đe dọa ngày càng gia tăng. Giữa các cường quốc trong khu vực, cũng như là giữa Trung
Quốc và người hàng xóm bên kia bờ Thái Bình Dương, là Hoa Kỳ.
Dù rằng chiến tranh, nạn đói, biến cố chính trị hay nội chiến trong thế kỷ XX hầu như đã tàn phá nặng nề khu vực châu Á đó, vậy mà chỉ trong
một thời gian ngắn, khu vực này đã tạo nên một sự thành công rực rỡ về mặt kinh tế. Trung Quốc vượt qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Hàn Quốc cũng đã được đứng vào hàng ngũ 15 nền kinh tế hàng đầu của hành tinh và xuất khẩu khắp nơi các sản phẩm của mình, từ xe ô-tô, hàng điện tử cho đến phần mềm. Và cuối cùng, cũng phải kể đến Đông Nam Á, cũng đang trên đà trỗi dậy.
Thế nhưng, theo Le Monde, « thành công về mặt kinh tế cũng không thể nào che giấu một sự thất bại trong chính trị ». Các nước lớn trong khu vực tỏ ra bất lực trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh hải, thể hiện rõ nét qua một loạt các sự cố nguy hiểm liên tục xảy ra.
Tại vùng biển Hoa Đông, Nhật Bản và Trung Quốc tranh
chấp với nhau quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hoang vắng, nơi được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên. Bài xã luận nhắc lại là vào ngày 13/12 vừa qua, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực và gởi một máy bay tuần tra đến vùng tranh chấp, cho rằng chuyến bay đó là « hoàn toàn bình thường ». Phía Tokyo đã đáp trả lại khi gởi đến 8 chiếc chiến đấu cơ F-15.
Còn tại vùng Biển Đông, Việt Nam và Philippines ngày càng khó chấp nhận những ý đồ của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai quốc gia này đang dần chuyển hướng đi theo Hoa Kỳ.
Le Monde cho biết cách đây vài ngày, nhiều cuộc biểu tình chống
Trung Quốc đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, sau vụ tàu đánh cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của một chiếc tàu thuộc tập đoàn dầu hỏa Petro Vietnam.
Le Monde cho rằng các cuộc đối kháng này đã thúc đẩy phong trào chủ nghĩa dân tộc lên cao và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang. Tình hình còn thêm phần đáng ngại khi mà những xung
khắc trong
lịch sử giữa Nhật Bản và các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa giải quyết xong.
Đứng đầu đảng Tự do – Dân chủ (thuộc trung hữu), ông Shinzo Abe đã chỉ trích mạnh mẽ đường lối lãnh đạo của đảng cầm quyền hiện nay về hồ sơ Senkaku, cho đấy là một sự « thất bại về mặt ngoại giao ». Được giới quan sát đánh giá là diều hâu, ông Shinzo Abe muốn ngăn chặn tình trạng giảm chi tiêu quốc phòng, sửa đổi Hiến pháp và trang bị cho Nhật Bản một đạo quân « bình thường ».
Chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa khơi dậy lại chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản
« Chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa khơi dậy chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản » là hàng tít trên trang nhất báo Le Figaro. Bài báo cho rằng bất bình trước sự lấn lướt của chính quyền Bắc Kinh, phe cực hữu Nhật Bản ủng hộ ứng cử viên Shinzo Abe.
Đối với các nhóm chính trị thuộc phe cực hữu tại Nhật, nếu sự suy yếu của đất nước tạo nhiều điều kiện cho kẻ thù. « Không có lý do gì để cho Trung Quốc dẫm lên chân của chúng tôi, trong khi mà tiềm năng quân sự của chúng tôi cao hơn của Trung Quốc và chúng tôi cũng là một cường quốc thứ ba về hải quân », theo như nhận định của ông Satoru Mizushima, sáng lập viên nhóm chính trị Ganbare Nhật Bản. Phe cực hữu tại xứ sở Hoa Anh Đào xem các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc như là những kẻ phát-xít tại châu Á.
Le Figaro cho biết sở dĩ các phe cực hữu tại Nhật đều ủng hộ hết mình ông Shinzo Abe, người có rất nhiều cơ may trở thành thủ tướng tương lai, là vì ông Abe đề cao một nước Nhật hùng cường. Ông muốn hiệu chỉnh lại bản Hiến Pháp và nâng cấp lực lượng tự vệ thành quân đội thật sự. Thậm chí, ông Abe còn mong muốn trang bị cho nước Nhật vũ khí nguyên tử để đối phó với Trung
Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và nỗi lo âu về sự lấn lướt của Bắc Kinh, việc hô hào chủ nghĩa dân tộc đang tạo ra tiếng vang lớn.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận định rằng nếu như ông Shinzo Abe giành được chiến thắng, có nguy cơ ông sẽ phải xé bỏ nhiều phần trong cương lĩnh chính trị của mình. Theo nhận xét của ông Yoshiki Mine, thuộc Canon Institute for Global Studies, đại đa số người dân Nhật Bản vẫn chưa chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi lớn như sửa đổi Hiến pháp, hay vị thế của quân đội. Ông cho rằng họ vẫn thích hiện trạng (statu quo). Ưu tiên hàng đầu của người dân là vực dậy nền kinh tế đất nước. Kêu gọi sự cẩn trọng và quan hệ ngoại giao tốt với các nước láng giềng, nhất là với Trung
Quốc.
Thảm họa hạt nhân Fukushima lộ rõ những vấn nạn của Nhật Bản ngày nay
Nếu như việc khơi dậy tinh thần dân tộc là một trong
những chủ đề chính trong vận động tranh cử, các ứng viên tranh cử cũng phải để ý đến phong trào phản đối hạt nhân đang dâng cao tại Nhật. Theo phân tích của nhà xã hội học Eiji Oguma với báo Le Monde, « thảm họa Fukushima đã lộ rõ những vấn nạn của Nhật Bản ngày nay ».
Theo nhà xã hội học thì phong trào phản đối hạt nhân cho thấy sự gia tăng những bất công xã hội đã khiến cho một tầng lớp ít quan tâm đến chính trị ngày càng bất mãn. Và thảm họa hạt nhân Fukushima đã làm lộ rõ những vấn nạn của xã hội Nhật Bản ngày nay – sự bất công, sự nghèo khổ của tầng lớp trung lưu, sự bấp bênh. Đồng thời một bộ phận dân chúng đã mất dần niềm tin không những vào chính phủ mà ngay cả đối với quốc gia.
Trong suốt hai mươi năm qua, sự mất niềm tin đó chỉ được chôn dấu trong lòng, thì nay với thảm họa nó đã hiện rõ. Trong con mắt của tầng lớp nghèo khổ, sự thông đồng giữa chính phủ và tập đoàn điện lực Tepco đã trở thành biểu tượng của một hệ thống chế độ đang gạt họ ra bên lề xã hội.
Ông Eiji Oguma cho rằng nước Nhật trong một thế giới hai cực – giữa những người có công ăn việc làm, có lương ổn định và những kẻ khác có tương lai mù mịt – đang mất dần ý nghĩa cộng đồng. Chính vì điều đó, trong đoàn người biểu tình phản đối hạt nhân còn có người già, phụ nữ với trẻ con, giới trẻ có cuộc sống bấp bênh…
Cũng theo giải thích của nhà xã hội học, phụ nữ rất tích cực trong làn sóng chống hạt nhân kể từ sau tai nạn Tchernobyl năm 1986. Ngay từ đầu, họ vốn là những bà mẹ nội trợ thuộc giới trung lưu, và cũng là những phụ nữ có học thức, nhưng lại không kiếm được việc làm ổn định. Họ phải chấp nhận làm những công việc bán thời gian,
cho đến nào khi con cái kết thúc chuyện học hành. Công cuộc đấu tranh
của họ, không chỉ nhằm chống hạt nhân, mà còn để nghiền ngẫm đến những vấn đề xã hội khác. Ông cho rằng, trong tình hình việc làm xuống cấp trầm trọng, giới nữ chiếm đến 65% trong số những lao động không ổn định.
Ông Eiji Oguma nghĩ rằng phong trào phản đối hạt nhân cũng có tiếng nói trọng lượng trong đợt bầu cử lần này. Bởi lẽ, những người tham gia biểu tình không thuộc tuýp cử tri do dự. Ngược lại, họ là những người đã mất niềm tin vào giới chính khách lẫn công chức. Đây rõ ràng là một trạng thái bất ổn nguy hiểm vì nó đang nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy.
Dự thảo Hiến pháp chia rẽ Ai Cập
Về tình hình tại Trung Cận Đông, le Monde chú ý tới cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp, được tổ chức trong ngày hôm nay, 15/12 và thứ Bẩy tới, 22/12. Bên cạnh bài phóng sự về tình hình căng thẳng giữa hai phe chống và ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp, tờ báo nhận định là dự án này đã gây chia rẽ nước Ai Cập. Trong ba tuần qua, hơn hai chục người đã thiệt mạng trong các vụ đối đầu và cả hai
phe đều khai thác tối đa những cái chết này, coi đó là những người tử vì đạo.
Mặt khác, Le Monde có bài nhận định về vị thế tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, qua bài viết « Cuộc trưng cầu dân ý làm cho cuộc khủng hoảng về tính chính đáng của ông Morsi thêm trầm trọng ».
Theo tờ báo, hôm nay, chỉ có một nửa nước Ai Cập tham gia trưng câu dân ý bản Hiến pháp, nhằm chấm dứt tình trạng quá độ, khởi đầu từ tháng Hai năm ngoái, sau khi cựu tổng thống Hosni Mubarak phải ra đi.
Chưa cần biết đến kết quả, cuộc trưng cầu đã này là một thất bại, bởi vì nó gây chia rẽ và rối loạn. Việc một bộ phận thẩm pháp Ai Cập tẩy chay cuộc bỏ phiếu đã buộc chính quyền phải cho tổ chức trưng cầu trong hai thứ Bẩy, hôm nay và thứ Bẩy tuần tới.
Phe đối lập đã kêu gọi bỏ phiếu chống. Họ cho rằng dự thảo Hiến pháp này đã được thông qua sau có 48 giờ thảo luận và bất chấp sự tẩy chay của các đảng phái tự do, cánh tả và công giáo. Đây là một văn bản bóp nghẹt tự do và chịu ảnh hưởng nặng nề của Hồi giáo.
Ngoài nội dung bản dự thảo Hiến pháp, phe đối lập tố cáo tổng thống Morsi, qua nghị định ngày 22/11, đã tự cho mình nhiều đặc quyền, và gây lo ngại là Ai Cập rơi vào một chế độ độc tài.
Báo Le Monde nhận định, ông Morsi, khi lên cầm quyền, cam kết là tổng thống của tất cả người dân Ai Cập. Thế nhưng giờ đây, dương như ông chỉ là người bảo vệ đảng của ông, phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Trong cuộc tranh
luận về bản Hiến pháp mới, ông đã quyết định liên minh với phe Hồi giáo Salafit thay vì hợp tác với các đảng cánh tả và tự do.
Trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Sáu vừa qua, những đảng này đã dồn phiếu, cho phép ông thắng cử, trong cuộc đọ sức với ứng viên Amed Chafik, cựu quân nhân.
Do có sự phản đối mạnh mẽ, ông Morsi đã phải lùi bước, ít nhất là về mặt hình thức : Ông đã phải cho hủy bỏ nghị định ngày 22/11, nhưng lại tuyên bố là các ảnh hưởng của văn bản này vẫn còn nguyên vẹn.
Trong lúc đang bất bình về tình hình chính trị, thì người dân Ai Cập lại kinh ngạc trước thông báo, vào ngày 09/12, là sẽ có tăng giá cả và thuế đồng loạt. Để rồi tối hôm sau, trên Facebook, tổng thống lại có thông điệp xóa bỏ quyết định này.
Nếu dựa theo kết quả bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử tổng thống thì phe chống dự thảo Hiến pháp sẽ về đầu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm nay. Tất cả các yếu tố này đã làm tổn hại uy tín, thậm chí tính chính đáng của tổng thống Morsi.
No comments:
Post a Comment