Thursday, 20 December 2012

THAM VỌNG KHU VỰC CỦA TRUNG QUỐC : ĐỘNG LỰC KẾT NỐI ẤN ĐỘ & ĐÔNG NAM Á ? (Trọng Nghĩa - RFI)




Thứ năm 20 Tháng Mười Hai 2012

Kể từ hôm nay, 20/12/2012, và liên tiếp trong hai ngày, tại New Delhi, Ấn Độ và ASEAN ​​s long trng k nim 20 năm hp tác. Tuy nhiên, Hi ngh Thượng đỉnh gia hai bên ln này không ch là để ca ngi quá kh, mà còn nhm v ra mt l trình tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế song phương trong tương lai.

Theo giới phân tích, tham vọng khống chế toàn khu vực của Trung Quốc trong những năm gần đây, chính là chất xúc tác thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau hơn giữa cường quốc Nam Á và 10 nước Đông Nam Á.

Khi đến New Delhi vào hôm nay để họp mặt với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, chắc chắn là các nhân vật như Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Cabauatan Binay hay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Yudhoyono… đều có chung trong đầu nỗi quan ngại trước tình hình căng thẳng ngày càng tăng ngoài Biển Đông sau một loạt hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á rất muốn Ấn Độ, dẫu sao cũng là một cường quốc nặng ký, đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực, giúp họ bớt lệ thuộc vào ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Theo Bhaskar Roy, một chuyên gia phân tích chiến lược tại New Delhi thuộc nhóm nghiên cứu SAAG (Phân tích Nam Á), ASEAN muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đang thống trị khu vực cả về chính trị lẫn kinh tế. Đối với nhà nghiên cứu này : « ‘Bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ’ là một điều không ổn, nhất là với thái độ hống hách mà Trung Quốc đang bộc lộ. Do đó, rõ ràng là (ASEAN) đang thăm dò nhiều hướng thoát ». Ấn Độ chính là một trong những hướng này.

Một chuyên gia khác, Tiến sĩ Subhash Kapila, cũng thuộc nhóm SAAG giải thích : « Ảnh hưởng Trung Quốc đang tỏa rộng trong khu vực Đông Nam Á tạo ra các mối quan ngại về an ninh sau những biểu hiện đe dọa ngày càng nhiều đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải. Các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm các thế lực đối kháng và các nước đối trọng trong khu vực để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quả đúng là Hoa Kỳ đã xoay trục chiến lược qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng họ cảm thấy chưa đủ sức tại Đông Nam Á vì các cam kết quân sự bị trải rộng ra những nơi khác. Các nước Đông Nam Á ngày càng xem Ấn Độ như là một 'thế lực đối trọng khu vực’ tại châu Á.»

Nước ASEAN hăng hái nhất trong việc liên kết với Ấn Độ lẽ dĩ nhiên là Philippines. Trong bài trả lời phỏng vấn được nhật báo Ấn Độ Times of India đăng tải vào hôm qua trước lúc ông lên đường qua tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Ấn Độ, Phó Tổng thống Philippines, Jejomar Cabauatan Binay, đã hoan nghênh phát biểu mới đây của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, theo đó lực lượng của ông sẵn sàng triển khai tại Biển Đông khi cần thiết.

Thái độ hoan nghênh được Manila công khai biểu lộ có lẽ cũng là hy vọng của Việt Nam, nước hiện đang hợp tác với Ấn Độ trong lãnh vực dầu khí cũng như là quốc phòng. Nhiều nguồn tin trùng hợp đã nhắc đến việc phía Việt Nam muốn mua tên lửa Brahmos hiện đại của Ấn Độ, và muốn New Delhi đẩy mạnh việc huấn luyện lực lượng tàu ngầm cho Việt Nam.

Nhận định chung của giới quan sát là nguyện vọng của phía ASEAN được Ấn Độ tiếp nhận môt cách tích cực trong bối cảnh New Delhi rất muốn thúc đẩy chính sách Hướng Đông của mình để tìm vị trí tương xứng tại một vùng đang phát triển, nhưng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc. Riêng về mặt thương mại chẳng hạn, trao đổi ASEAN – Trung Quốc vào năm ngoái lên đến 363 tỷ đô la, cao hơn gấp 4 lần trị giá mậu dịch Ấn Độ - ASEAN.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là ‘nạn nhân’ của tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, không chỉ tại Biển Đông với việc tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ làm ăn với Việt Nam bị Trung Quốc hù dọa, hay tàu hải quân Ấn Độ bị sách nhiễu khi đi lại trong vùng, mà cả tại Ấn Độ Dương, vùng ảnh hưởng truyền thống của New Delhi.

New Delhi còn bị Bắc Kinh « chơi trội » khi hai vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền bị biến thành lãnh thổ 100% Trung Quốc trong bản đồ in trên hộ chiếu mới được Bắc Kinh cho lưu hành.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là chính tham vọng khu vực của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy khối Đông Nam Á tìm đối trọng nơi cường quốc Nam Á, trong lúc Ấn Độ thì tăng tốc độ « Hướng Đông ».

------------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats