Lưu Tường Quang / Tú Anh - RFI
Thứ
năm 20 Tháng Mười Hai 2012
Chính sách "cường quốc hải dương" của Bắc Kinh tự cho Biển Đông là ao nhà, Tokyo và Seoul đưa chính trị gia diều hâu lên lãnh đạo, Mỹ tái định vị tại Châu Á thiết lập vòng đai án ngữ Trung Quốc và khuyến khích Ấn Độ "hướng về phương Đông", Miến Điện dân chủ hóa chế độ để thoát áp lực của phương Bắc. Tác động nhân quả của các sự kiện trên đây có thể gây căng thẳng thêm trong khu vực nơi mà Việt Nam có vị trí trọng yếu.
Hôm thứ tư 19/12/2012, một viên chức bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ với báo chí là Hoa Kỳ sẽ bố trí « hệ thống vũ khí tối tân nhất » tại Châu Á - Thái Bình dương. Các loại vũ khí hiện đại nhất gồm máy bay đa năng trinh sát biển và săn đuổi tàu ngầm P-8
Poseidon đang được chế tạo, tàu ngầm nguyên tử tấn công, hải thuyền tác chiến cận duyên, chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Sau 10 năm phân tâm vì chiến tranh Irak và Afghanistan, từ nay Hoa Kỳ tập trung nhiều hơn vào châu Á Thái Bình dương, vùng trọng yếu của kinh tế toàn cầu và cũng là nơi mà áp lực quân sự của Trung Quốc càng ngày càng mạnh, liên tục gây ra xung khắc chủ quyền biển đảo.
Tại Thái Bình dương , từng đợt tàu đánh cá, tầu kiểm ngư, hải giám của Trung
Quốc được tung ra để tranh giành chủ quyền với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông cũng như lấn chiếm ngư trường biển đảo của Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.
Trong lúc Bắc Kinh phô trương
thanh thế thì một chế độ đồng minh
ở Đông Nam Á là Miến Điện chọn một con đường khác, cải cách chính trị. Ngày 01/04/2012 được xem là ngày lịch sử : lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đắc cử dân biểu và đến tháng 6, giải Nobel
Hòa bình 1991 công du thế giới và được tiếp đón như một lãnh tụ quốc gia. Tổng thống Thein Sein nhanh chóng bãi bỏ các biện pháp phản dân và phản dân chủ.
Cộng đồng người Tây Tạng cũng gia tăng các hành động tự thiêu, hình thức phản kháng bất bạo động tuyệt đối nhất, biến thân thành đuốc cảnh tỉnh ban lãnh đạo Trung Quốc.
Tháng 11 năm nay, vào lúc tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama tái đắc cử vẻ vang thì tại Bắc Kinh , đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng « bầu » ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo trong
năm năm tới.
Tại hai nước láng giềng của Trung Quốc trong hai cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong những ngày cuối năm, phe « diều hâu » tại Nhật Bản và tại Hàn Quốc đã được cử tri tín nhiệm : ông Shinzo Abe lên nắm quyền tại Tokyo và bà Phác Cận Huệ (Park Geun Hye) tại Seoul. Theo AFP, hai nhân vật được xem là cứng rắn này lên lãnh đạo hai nước đồng minh
cột trụ của Mỹ tại câhu Á , là một « bất lợi » cho Trung Quốc.
Các sự kiện trên đây có quan hệ nhân quả với nhau như thế nào và sẽ tác động ra sao đến tương lai tại châu Á ? Liệu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì nếu không thích ứng được với thời thế ?.
RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích địa lý chiến lược Lưu Tường Quang từ Sydney.
« Chúng ta sắp tiển đưa năm cũ và chào đón năm mới nên có thể nhìn lại vài diễn tiến quan
trọng trong năm 2012 và thảo luận vài động thái có thể xảy ra
trong năm 2013.
Nói chung, về mặt chính trị, các quốc gia dân chủ tại Ấn Độ dương, Thái Bình dương đã trở nên thiên hữu rõ nét hơn không phải chỉ vì sự trỗi dậy về
quân sự và kinh tế của Trung Quốc mà còn vì cái chính sách
áp đảo mạnh bạo của Bắc Kinh đối với các nước nhỏ trong
vùng. Trong năm 2013, tình hình châu Á Thái Bình dương kể cả Ấn Độ dương có thể căng thẳng hơn.
Riêng trong trường hợp CHXHCN Việt Nam thì Hà Nội có thể phải đối phó với nhiều thử
thách hơn từ phía Bắc Kinh như trong năm 2012 họ đã bị cô lập khi Bắc
Kinh sử dụng lá bài Hun Sen để chia rẽ Asean. Trong năm 2013, Brunei có thể cũng bị áp lực Trung Quốc
và do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn không phải chỉ với
Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà gặp khó khăn ngay trong
Asean.
Trong năm qua có hai sự kiện có tính quốc gia nhưng
nó có ảnh hưởng đến tình hình quốc tế. Thứ nhất, ai cũng rõ là ông Obama đã tái đắc cử tổng thống
tại Washington và chính sách tái cân bằng lực lượng tại châu Á Thái Bình dương. Sự
kiện thứ hai là sự thay đổi lãnh đạo tại Bắc Kinh nó bí mật hơn….ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư, chủ tịch
Quân ủy trung ương trong khi chờ đợi làm chủ tịch nước
vào tháng 3/2013.
Nhưng những lời tuyên bố đầu tiên của ông cho thấy Tập
Cận Bình theo đuổi chính sách mạnh bạo của Hồ Cẩm Đào, mặc dù ông Tập Cận Bình là đàn em của Giang
Trạch Dân. Ông Tập Cận Bình có vẻ muốn khơi dậy tinh thần dân tộc của người
Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp với Nhật Bản, trong vấn đề tranh chấp Biển
Đông và đối phó với Hoa Kỳ.
Chính sách lấy thịt đè người của tập đoàn Hồ Cẩm Đào và bây giờ là của nhóm Tập Cận Bình đã đưa đến hậu quả mà thấy rõ qua các sinh hoạt chính trị ở các quốc gia dân chủ Thái Bình dương và Ấn Độ dương đã có khuynh hướng
thiên hữu rõ rệt. Cụ thể là tại Nhật Bản, qua bầu cử quốc hội ngày 16/12/2012 vừa
qua, ông Shinzo Abe đã trở thành thủ tướng chỉ định của đảng Tự Do Dân Chủ, một thế lực
thiên hữu cai trị Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai trong nhiều thập niên và chấm dứt thời kỳ ngắn ngủi của đảng Dân chủ Nhật Bản.
Rồi đến hôm 19/12/2012, kết quả bầu cử tại Hàn Quốc cũng cho thấy
khuynh hướng thiên hữu qua việc bầu (bà Phác Cận Huệ) con gái của cố Tổng thống
Park Chung Hy (Phác Chánh Hy) lên làm tổng thống.
Ngay ở nam Thái Bình dương, trong
vấn đề bang giao với Hoa Kỳ, trong vấn đề ủng hộ chính sách Mỹ tại Thái Bình dương thì Úc Đại lợi cũng trở thành một quốc gia
thiên hữu mặc dù Úc do đảng Lao động, một đảng trung tả cầm đầu…. Mỹ và Úc khuyến khích Ấn Độ theo đuổi một chính sách « hướng Đông » năng động, rõ rệt hơn. Cho nên, một yếu tố mới
trong năm 2012 là vai trò của Ấn Độ. Ấn Độ bắt đầu để ý đến quyền lợi kinh tế của mình một cách rõ rệt hơn tại Biển
Đông.. ngoài vấn đề thông thương hàng hải.
Cũng vì lý do đó mà đô đốc DK Yoshi, Tư lệnh hải quân Ấn Độ tuyên bố nếu cần ông sẽ huy động lực lượng hải
quân đi về Biển Đông để bảo vệ quyền lợi kinh tế Ấn Độ. Cũng trong chiều hướng
đó, ngoại trưởng mới của Ấn Độ là ông Salman
Khurshid tuyên bố Ấn Độ chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc tại vòng đai Ấn Dộ dương….. nhưng đấy chỉ là một phần mệnh đề.
Điều mà ngoại trưởng Ấn không nói mà chắc Trung Quốc
cũng phải hiểu là nếu Ấn Độ chấp nhận sự hiện diện
của Trung Quốc ở vòng đai Ấn Độ dương thì Trung Quốc cũng phải chấp nhận
quyền lợi của Ấn Độ tại nơi mà Trung Quốc gọi
là « ao nhà » tức là Biển Đông. Cho nên, năm 2012, Ấn Độ đóng vai trò năng động thì qua năm 2013, Ấn Độ sẽ có vai trò quan trọng hơn…. Về phần Việt Nam…..Hà Nội đã làm nhiều sai lầm
trong quá khứ và bây giờ phải gánh chịu hậu quả …trừ phi…. »
No comments:
Post a Comment