Sunday, 23 December 2012

SÚNG (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Friday, December 21, 2012 6:18:33 PM

Khẩu súng mà Adam Lanza dùng để giết mẹ, rồi giết 20 em bé gái 6, 7 tuổi cùng 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook là một khẩu AR-15.

Ðó cũng chính là loại súng M-16 đã được dùng trong quân đội, được công ty Bushmaster biến chế cho thị trường dân sự, coi là “súng thể thao.” A-15, còn gọi là Bushmaster, trên nguyên tắc bắn từng phát một, nhưng chỉ sửa đổi một chút là có thể bắn “liên thanh.” Bác sĩ khám nghiệm tử thi ở làng Newtown, tiểu bang Connecticut, cho biết các nạn nhân đều bị nhiều viên đạn.

Súng loại bán tự động như AR-15 bán rất chạy sau vụ 11 tháng 9 năm 2001. Năm 2004, một gia đình 6 người bị hung thủ bắn giết bằng loại súng này, Công ty Bushmaster và nhà buôn bán súng đã phải dàn xếp ngoài tòa án, bồi thường 2 triệu rưỡi cho 2 người sống sót. Trong năm 2009, có nửa triệu khẩu súng loại AR-15 được sản xuất. Mỗi năm các nhà sản xuất súng ở Mỹ chế tạo khoảng 5 triệu khẩu súng các loại. Trên toàn quốc hiện có hơn 300 triệu khẩu súng tay trong tay thường dân, không phải cảnh sát hay quân đội. Trung bình ba người Mỹ có một người có súng, một số làm chủ nhiều khẩu súng. Công ty tài chánh “Tập đoàn Tự do” (Freedom Group) ở New York đã đầu tư vào nhiều hãng sản xuất súng, nổi tiếng nhất như Remington, DPMS Firearms, và Bushmaster (mua từ năm 2006). Trong chín tháng đầu năm 2012, Freedom Group công bố tiền lời 677 triệu đô la, cho biết phần lớn lợi nhuận trong tương lai sẽ do thị trường các loại súng bán tự động như AR-15.

Sau vụ thảm sát học sinh ở Newtown, số người Mỹ đi mua súng tăng vọt lên. Một phần vì họ lo sợ, muốn có súng tự vệ; một phần vì người ta lo chính phủ và Quốc hội sẽ làm luật mới hạn chế việc mua súng. Nhưng giá cổ phần của các công ty sản xuất súng lại xuống. Có thể cũng vì giới đầu tư bán bớt vì lo ngại luật lệ kiểm soát súng sẽ gắt gao hơn, lợi nhuận các công ty súng sẽ giảm. Ðặc biệt, nhiều quỹ hưu bổng ở Mỹ, từ California đến New York đang bị áp lực của các tập hợp những người thụ hưởng yêu cầu họ không đem tiền bỏ vào các công ty có trách nhiệm trong những vụ tàn sát như mới xẩy ra ở Newtown. Phản ứng nhanh nhất là Quỹ hưu bổng của Giáo chức tại Pennsylvania, họ gọi ngay cho Tập đoàn Tài chánh Freedom Group bàn việc giải tư, đúng lúc tập đoàn này cho biết họ cũng sắp bán công ty Bushmaster. Thanh tra tài chánh thành phố New York, thường kiểm soát 150 tỷ đô la trong quỹ hưu bổng nhân viên đã kêu gọi xét lại việc đầu tư 12 tỷ trong cổ phần các nhà sản xuất súng. Phản ứng trong thị trường cho thấy sau cuộc thảm sát 20 trẻ em và 6 thầy, cô giáo ở Newtown, có nhiều hy vọng luật lệ về việc dùng súng ở Mỹ sẽ gắt gao thêm.

Loại súng “bán tự động” AR-15 đã bị hạn chế theo đạo Luật Brady, theo tên tùy viên báo chí của cố Tổng thống Ronald Reagan. Ông Brady bị trúng đạn, tê liệt khi ông Reagan bị ám sát hụt. Ðạo luật do ông Brady và vợ vận động đặt quy tắc các nhà bán súng phải điều tra lý lịch những người mua súng, xem có tiền án và bị bệnh tâm thần hay không. Sau mười năm, đạo Luật Brady hết hiệu lực và năm 2004 cả Quốc hội lẫn Hành pháp Mỹ không nói đến chuyện triển hạn đạo luật thêm 10 năm nữa. Từ đó, việc mua bán súng được tự do hơn.

Ai cũng biết số người bị giết bằng súng ở nước Mỹ rất cao, so với các nước tiên tiến khác. Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã kêu gọi Tổng thống Obama phải đề nghị dự luật kiểm soát súng mới. Nếu không, ông Bloomberg nói, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, sẽ có thêm 48,000 người Mỹ bị giết bằng súng; con số lớn gấp bội số nạn nhân trong vụ 11 tháng 9, trong các cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq cộng lại. Sau năm 2004, Quốc hội Mỹ cũng nhiều lần thảo luận và sửa luật về kiểm soát súng, nhưng chỉ để nới lỏng các luật lệ đang dùng. Họ cho phép được mang súng vào những nơi trước kia bị cấm, như trong công viên quốc gia, trên xe lửa, và cả trong nhà thờ. Tất cả đều do vận động của hội Hội Súng Toàn Quốc (NRA).

Sau vụ thảm sát 20 em bé ở Newtown, phong trào đòi kiểm soát súng chặt chẽ hơn có cơ hội bùng lên. Có gần 200,000 người đã ký kiến nghị yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải đưa ra Quốc hội luật lệ mới kiểm soát súng. Năm 1996, một cuộc thảm sát tương tự ở Dunblane, Anh quốc, làm 16 trẻ em thiệt mạng. Năm sau, đạo luật mới ra đời cấm dân không được giữ súng tay. Cùng năm đó, sau vụ giết 35 người bằng súng ở Tasmania, Quốc hội Úc cũng làm luật cấm các loại súng bán tự động.

Liệu Quốc hội Mỹ năm tới có đủ phiếu để làm một đạo luật mới, hay hồi phục Luật Brady hay không, chúng ta chưa biết được. Vì thế lực của các công ty sản xuất súng và của Hội Súng Toàn Quốc (NRA) rất mạnh. Hội NRA, với 4 triệu hội viên, đứng đầu mạng lưới vận động giảm bớt hoặc xóa bỏ những điều kiện gắt gao kiểm soát việc mua súng. Họ có thế lực vận động hiệu quả, ngang với Hội Các Người Về Hưu (ARRP) trong việc gây ảnh hưởng trên lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Mỗi lần Quốc hội bỏ phiếu một dự luật về súng, hàng trăm ngàn hội viên NRA có thể gọi điện thoại tới văn phòng các đại biểu để gây ảnh hưởng. Áp lực mạnh nhất của họ là “trừng phạt” các đại biểu Quốc hội đòi kiểm soát súng mạnh hơn. Họ có thể bỏ tiền mua giờ trên ti vi chống lại các ứng cử viên đi ngược ý của họ; và đóng góp cho quỹ vận động của đối thủ với ứng cử viên đó. Năm 1994, sau khi Quốc hội bỏ phiếu Luật Brady, hội này đã “trừng phạt” 24 đại biểu Quốc hội hăng hái hạn chế súng nhất, và 19 người đã bị thất cử.

Sau vụ thảm sát ở Newtown, mối xúc động trên toàn nước Mỹ làm nhiều nhà chính trị phải lên tiếng về vấn đề kiểm soát súng. Nghị sĩ Dianne Feinstein, California, đã nói sang năm tới sẽ đề nghị một dự luật kiểm soát súng mới. Hai nghị sĩ Joe Manchin, West Virginia và Mark Warner, Virginia, vốn được hội NRA cho điểm về lập trường súng rất cao (A), cũng lên tiếng phải kiểm soát việc mua súng nhiều hơn. Nghị sĩ Marco Rubio, Florida, vẫn giữ vững lập trường “thân súng” (pro-gun), lên tiếng kêu gọi phải có biện pháp giữ súng không cho lọt vào tay những người bệnh tâm thần. Giống như những lời kêu gọi kiểm soát nội dung các phim ảnh, truyền hình và trò chơi điện tử để giảm bớt bạo lực; tiếng nói của ông Marco Rubio theo đúng đường lối của hội NRA, là đẩy vấn đề chính sang một đề tài khác để dư luận không còn chú ý đến tình trạng súng giết người nữa. Một khẩu hiệu của hội NRA để bảo vệ súng là “Súng không giết người, chỉ có người giết người.” Nhưng không có nhà chính trị nào thân súng hơn đại biểu nghị hội tiểu bang Texas, ông Kyle Kacal. Hôm qua, ông tuyên bố, “Tôi nghe nói nhiều người đã bị chết vì bóng bàn, ping pong. Bóng ping pong còn nguy hiểm hơn cả súng! Màn ảnh ti vi phẳng còn gây hại cho trẻ em hơn bất cứ thứ nào.”

Hội NRA giữ im lặng trong một tuần lễ. Họ mới chính thức tuyên bố với báo chí trong ngày Thứ Sáu tuần này. Phát ngôn viên của hội tuyên bố về vụ thảm sát ở Newtown, đề nghị phải đặt cảnh sát (mang súng) canh tại tất cả các trường học. Nhưng các vụ thảm sát tập thể không phải chỉ diễn ra ở các trường học. Nhiều tên sát nhân đã xông vào các quán cà phê, quán ăn, siêu thị, nhà thờ, vân vân, bắn súng tự động giết người hàng loạt. Nếu theo cách đối phó của hội NRA thì nước Mỹ sẽ tràn ngập cảnh sát.

Ðiều đáng buồn là tất cả những xúc động về những cái chết thương tâm của 20 trẻ em và 6 thầy cô giáo ở Newtown có thể sẽ không đưa tới một thay đổi nào trong luật lệ kiểm soát súng. Trong ba bốn tháng nữa, dư luận có thể sẽ nguôi đi; cũng giống như những vụ thảm sát ở Virginia Polytechnic Institute năm 2007 (32 người chết), ở Columbine năm 1999 (13 người). Một phần ba dân Mỹ có súng, nhiều người coi đó là một quyền thiêng liêng, được Hiến pháp bảo vệ. Không thể biết được biến cố ở Newtown có thay đổi được xã hội Mỹ hay không. Ðã có hơn một chục vụ giết người tập thể bằng súng trong năm nay; khi Tổng thống Obama đến thăm trường tiểu học ở Newtown, đó là lần thứ tư ông đi viếng các nạn nhân bị thảm sát. Riêng trong năm 2012, FBI cho biết đã cứu xét gần 17 triệu hồ sơ điều tra về lý lịch người mua súng, gấp đôi con số năm 2003. Trong năm 2011 có 11,100 người bị giết bằng súng, không kể những người tự sát. Những người quan tâm chỉ biết cầu nguyện cho thảm cảnh đó không tiếp tục xẩy ra mãi mãi.

-----------------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats