Tác giả : Nguyễn Vĩnh Châu VŨ NGỰ CHIÊU
Thứ
Sáu, 5 Tháng Mười Một-2010
LTS: Trước
năm 1975, Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu là một sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
gốc Pháo Binh, từng phục vụ trong nhiều binh chủng, kể cả Nhảy Dù. Ngoài ra,
Ông còn là một nhà văn với hơn 20 tác phẩm được ký dưới bút hiệu Nguyên Vũ. Sau
khi tị nạn tại Hoa Kỳ, Ông trở lại trường học và hoàn tất văn bằng Tiến Sĩ Sử
Học tại Ðại Học Wisconsin-Madison năm 1984. Về sau, Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu định
cư tại Thành Phố Houston, TX và điều hành cơ sở Xuất Bản và Phát Hành Văn Hóa.
Trong thời gian này, Ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu sử học dưới
bút hiệu Chính Ðạo hay tên thật Vũ Ngự Chiêu. Tại Houston, Ông cũng hoàn tất
văn bằng Tiến Sĩ Luật tại Ðại Học Houston năm 1999. Với học bổng Fulbright,
Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu đã đến Pháp (1982-1983, 1985-1986) và về Việt Nam
(2004-2005) để nghiên cứu về những đề tài liên quan đến Sử học và Luật.
Trong Hợp Lưu 106, văn hữu Nguyễn Vĩnh Châu–cựu phóng viên đài VOA–đã thực hiện riêng cho tạp chí Hợp Lưu bài phỏng vấn đặc biệt Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu về Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976). Những vấn đề được đưa ra cũng tương tự như buổi phỏng vấn dành cho nhóm thực hiện CD về HCM năm 2008 (mới phát hành gần đây), nhưng được đăng toàn vẹn, và hoàn toàn dựa trên tài liệu văn khố nhiều nước, như Pháp, Nga, Mỹ, Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc và Việt Nam.
Nhân dịp cuộc đàm phán Việt-Hoa về Hoàng Sa và Trường Sa đang khởi sự - mà theo chúng tôi Việt Nam nên từ chối ký bất cứ một văn kiện tay đôi nào với Bắc Kinh,và cương quyết đòi hỏi một hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, để tránh ô danh đời đời trong lịch sử dân tộc như cha con Hồ Quí Ly, Mạc Ðăng Dung... xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả thân quí những giải đáp thuần túy chuyên nghiệp về sử học của sử gia Vũ Ngự Chiêu.
TẠP CHÍ HỢP LƯU
------------------------------
Nguyễn Vĩnh Châu: Thưa ông, theo tài liệu của CSVN thì ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ
của ông Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc, đã từ quan vì chống đối triều đình. Sự
kiện này có đúng không?
Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu: Cha ông HCM là Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy, gốc làng Sen (Kim Liên),
huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An. (Sắc chỉ là tên gọi ngoài đời) Ðậu Phó Bảng năm
1901, ông Huy không theo học trường Hậu Bổ mà từng làm việc với Bùi Quang
Chiêu, rồi bổ làm Thừa Biện Bộ Lại. Sau cuộc nổi dậy mùa Xuân 1908 của dân miền
Trung, thăng bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Ðịnh).
Theo tài liệu Pháp, tháng 1/1910, Tri
huyện Huy bị ngưng chức vì "nghiện rượu và tàn ác với dân chúng"
(đánh chết một nông dân trong cơn say). Ngày 19/5/1910, bị chính thức tống giam
vì tội danh trên. Qua tháng 8/1910, được miễn tội, chỉ bị cách chức.
Nguyễn Vĩnh Châu: Theo sự nghiên cứu và những sử liệu mà ông có, xin ông vui lòng
trình bày sự nghi vấn về tên thật và ngày sinh của ông Hồ Chí Minh.
TS Vũ Ngự Chiêu: Theo
tài liệu Pháp và Việt (như thư xác nhận Côn được nhận vào trường Quốc Học (Huế)
ngày 8/7/1908, và bản án tử hình khiếm diện năm 1929 của tỉnh Vinh, bằng Hán
ngữ pha chữ Nôm), tên thực Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Côn, với những bí danh
như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Xin (?),Nguyễn Ái Quốc, v.. v....
Một số tác giả trong nước tự động sửa
thành Nguyễn Sinh Cung [chỉ dựa theo lập luận rằng vì anh là Khiêm].
Năm 1911, trong hai lá thư xin vào
trường Ecole Colonale (Paris) viết từ Marseille, Nguyễn Sinh Côn tự xưng là
Nguyễn Tất Thành. Trong những thư từ, từ 1912 tới 1914, còn có tên "Paul
Thành."
Từ năm 1919, đổi thành Nguyễn Ái Quấc
hay Quốc. Theo học giả Nga Anatoli Sokolov, HCM có tất cả trên 150 bí danh khác
nhau.
Ngày và năm sinh của HCM cũng có nhiều
vấn đề.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành (HCM) tự
khai sinh năm 1892.
Ngày 17/5/1945, báo chí VNDCCH công bố
ngày sinh nhật 19/5/1890 của HCM và yêu cầu dân chúng treo cờ làm lễ mừng trong
3 ngày. (Cứu Quốc [Hà Nội], 17/5/1945).
Sử gia Huỳnh Kim Khánh cho rằng HCM
chọn ngày này để ghi nhớ ngày thành lập Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh tức Mặt Trận
Việt Minh (19/5/1941). Nếu thế, ngày 19/5 cũng có thể để kỷ niệm ngày
19/5/1910, khi cha HCM bị cầm tù, cách chức, khiến HCM phải rời trường Quốc Học
ra đi, và khởi đầu sự nghiệp chính trị.
Có dư luận cho rằng HCM đã ngụy tạo
ngày sinh 19/5/1890 để bắt dân chúng Hà Nội treo cờ đón tiếp Cao ủy d’Argenlieu
sẽ đến thăm chính thức Hà Nội vào ngày hôm sau, 18/5/1945, để bàn thảo về
chuyến đi Pháp sắp tới của Hồ. Ðồng thời, cũng để chứng tỏ sự yểm trợ của dân
chúng với Hồ và chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Việc này có thể xảy ra, vì HCM
là loại người sử dụng mọi phương tiện để đạt mục đích.
Nguyễn Vĩnh Châu: Thưa ông, được biết, ông đã khám phá một sự kiện rất quan trọng là
việc ông Hồ Chí Minh nộp đơn xin học trường thuộc địa của Pháp. Xin ông cho
biết diễn tiến sự việc này ra sao và ảnh hưởng của công trình khám phá này như
thế nào?
TS Vũ Ngự Chiêu: Ðầu
tháng 2/1983, khi làm việc trên kho tài liệu trường Ecole coloniale, tức học
hiệu huấn luyện các viên chức thuộc địa Pháp, trên đường Oudinot, quận 7,
Paris, tôi vô tình khám phá ra nhiều hồ sơ học viên người Việt tại học hiệu
này, như Bùi Quang Chiêu, Ðèo Văn Long, Phan Kế Toại, Trần Trọng Kim, Lê Văn
Miễn, v.. v... tổng cộng khoảng 97 người (CAOM (Aix), Ecole Coloniale, cartons
27, 33 & Registers). Mục đích của tôi là tìm hiểu về những viên chức thuộc
địa Pháp cùng thế hệ Tây học Việt Nam đầu tiên (ngoài những người tốt nghiệp
các lớp huấn luyện ở các tu viện như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, v..
v...) để dùng cho chương Biến đổi văn hóa và xã hội của luận án Tiến sĩ. Thật
vô tình, tìm thấy tập hồ sơ xin nhập học nhưng không được chấp nhận của Nguyễn
Tất Thành, tức HCM sau này, cùng một người bồi khác được chủ Pháp mang về
Paris. Ngoài hai lá thư viết tay gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc Ðịa, đề
ngày 15/9/1911 tại Marseille, còn thêm ba tài liệu của Hội đồng quản trị
trường. Trong biên khảo tam ngữ Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành (Paris:
1983) tôi đã trình bày khá rõ: Người mà chúng ta biết như HCM sau này đã rời
nước không vì muốn tìm đường cứu nước, mà chỉ vì những tao ngộ bản thân (cha bị
cách chức, tống giam, nên phải bỏ học nửa chừng, v.. v...). Từ cổng hậu đóng
kín của trường Thuộc Ðịa, HCM sẽ tìm thấy cánh cửa mở rộng của Ðại Học Phương
Ðông của Liên Sô Nga 12 năm sau.
Năm 1991, trong tập Vàng Trong Lửa,
hai Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Ðằng đã nhắc đến tập sách nhỏ này, nhưng
không nêu tên tác giả Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh. Nên thêm rằng sử gia
Nguyễn Thế Anh đồng ý viết chung với tôi tập sách trên, cũng như phổ biến các
tài liệu trên tờ Ðường Mới, nhưng ông Anh không phải là người phát hiện những
tài liệu trên. Ít tháng sau, khi tôi đang làm việc ở Aix-en Provence, Nguyễn
Thế Anh cho tôi biết hai sử gia Pháp, tức Hémery và Brocheux, tuyên bố họ đã
khám phá ra tài liệu này từ trước. Tôi chẳng mấy quan tâm. Vấn đề là tại sao
Hémery và Brocheux không công bố các tài liệu trên trước chúng tôi (vào mùa Hè
1983)? Và những người làm phim truyền hình chiến tranh VN cũng sử dụng tài liệu
trên.
Một số học giả Mỹ cho rằng khi công bố
tư liệu trên, tôi đã có ý muốn discredit [hạ giá] HCM. Nhưng sự thực lịch sử
chỉ là sự thực lịch sử. Ðáng trách chăng là thái độ thiếu nghiêm chỉnh và lương
tâm nghề nghiệp của một số học giả (kể cả William A. Williams). Vì tư tâm hay
một lý do nào đó, họ đã gạt bỏ những tư liệu đi ngược lại lập luận và diễn dịch
[thiên tả] của họ. Ðiều này ảnh hưởng không ít đến công trình nghiên cứu của
tôi. Tôi đã không nhận chỗ dạy học tại Ðại học Georgetown, Oat-shinh-tân, vì
mất đi lòng trọng vọng một số trong những "học giả".
Thật khó tin, nhưng có thực, là một số
sách dùng dạy sử cho các lớp năm thứ nhất hay thứ hai đại học Mỹ vẫn còn ghi
HCM đã rời nuớc năm 1912 để tìm đường cứu nước. Có người còn tuyên bố chẳng cần
tìm hiểu thêm về HCM, dù tác phẩm của họ chứa đầy những lỗi lầm sơ đẳng về Ðảng
CSVN. "As far as the Americans are concerned," người ta nói, ngần ấy
kiến thức về HCM đã quá đủ. "Life goes on!"
Nguyễn Vĩnh Châu: Như ông biết, CSVN cho rằng HCM là nhà tư tưởng vĩ đại, lỗi lạc.
Theo sự nghiên cứu của ông sự thật như thế nào?
TS Vũ Ngự Chiêu: Tôi
nghĩ HCM là người của hành động hơn tư tưởng. Tư tưởng chỉ đạo của HCM chỉ là
"luật kẻ yếu." Một ấn bản mới của Câu Tiễn tân thời giữa thế kỷ XX.
HCM rất lưu loát và rộng rãi trong việc ca tụng người có thể giúp đỡ mình, và
không tiếc lời đả kích những đối thủ. Các nhà cung văn không tiếc lời ví HCM
như thánh, thần, Phật, Chúa, v.. v... Nhưng đọc kỹ những gì Hồ đã viết hay
tuyên bố, chỉ có 2 điểm đáng ghi nhận:
Thứ nhất, cho tới thuở trung niên, tức
vào khoảng năm 1919-1920, Hồ vẫn tin tưởng ở nhân và dân quyền. Trong 8 điểm đệ
trình cho Hội nghị Versailles mùa Hè 1919, HCM tỏ vẻ rất tin tưởng ở những
quyền tự do cá nhân, như tự do hội họp, tư tưởng, báo chí, v.. v... Trong các
thư từ gửi đi từ Hà Nội năm 1945-1946, Hồ vẫn ca ngợi nhân quyền cùng nguyên tắc
cao cả của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, v... v... như ánh sáng chỉ đạo.
Thứ hai, từ năm 1922-1923, HCM bắt đầu
nói về cách mạng, theo mẫu Marxist-Leninist. Hồ kêu gọi đoàn kết vô sản thế
giới, lập liên minh công-nông chống lại liên minh tư bản thực dân-Ki-tô giáo.
Tháng 10/1923, tại Ðại Hội Nông dân quốc tế, Hồ đã tố cáo thực dân và nhà Chung
cấu kết với nhau để "câu rút giới nông dân nghèo khổ."Khoảng ba năm
sau, trong những bài giảng cho đoàn viên Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Ðồng Chí
Hội ở Canton (Quảng Châu), HCM hô hào phải làm Kách Mệnh. [Xem Ðường Kách Mệnh,
in lại trong Văn Kiện Ðảng Toàn Tập [VKDTT], I:1924-1930, 2002:13-82]; David G.
Marr, [On Trail, 1981:131n, 374-376] Theo Hồ, "Văn chương và hy vọng"
trong tập sách gối đầu giường của cán bộ Thanh Niên chỉ ở trong hai chữ
"kách mệnh, kách mệnh, kách mệnh." [The literary value and hope of
this book are confined in two words: Kach menh, Kach menh, Kach menh
["Revolution, Revolution, Revolution."] Rồi Hồ trích dẫn Lenin: "Không
kó lý luận kách mệnh, thì không kó kách mệnh vận động. . . Chỉ kó theo lý luận
kách mệnh tiền fong, đảng kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiền
fong."[ 25]
Trong 23 điều nói về tư cách người làm
kách mệnh, 16 điều chẳng có liên hệ gì đến duy vật biện chứng. Không thấy
nguyên tắc thực tập liên lũy [praxis] của Marx, tức ý muốn làm thử, rồi rút ra
kinh nghiệm cho những hành động tương lai [that is the will to act in order to
test belief and obtain the additional grounds for further action. (Marr, On
Trail, 1981:378)]Hành động với HCM chỉ là thực hiện chủ thuyết Marxist-Leninist
hơn là giải quyết những vấn đề theo công tâm "Muốn làm kách mệnh thì phải
biết: Tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy văn hóa và tôn giáo làm cho dân ngu.
Nó làm cho dân chúng nghe thấy cách mạng thì sợ rùng mình. Vậy kách mệnh trước
hết phải làm cho dân "giác ngộ." [23] Tóm lại, tư tưởng HCM chỉ có
việc sao chép tư tưởng Lenin, Stalin và Mao Trạch Ðông. HCM thiên về hoạt động
hơn tư tưởng.Việc cơ quan tuyên truyền CSVN đề cao tư tưởng HCM có lý do riêng.
Nhưng ít khi thực sự vì chính Hồ. Mà vì những mục tiêu giai đoạn của người cầm
quyền. Hãy lấy một thí dụ. Năm 1969, Lê Duẩn đã công bố ngày chết của HCM chậm
1 ngày (từ 2/9 tới 3/9), hay sửa lại, cắt xén di chúc của HCM. Một nguyện vọng
nhỏ nhoi của HCM là được hỏa táng để phát động phong tục hỏa táng trong nước bị
tảng lờ. Nói theo Brocheux, HCM đang bị "cầm tù" trong Lăng Ba Ðình.
Thực ra, chẳng có dấu hiệu tôn trọng tư tưởng Hồ nào thiết thực hơn là giúp
mang xác ướp của Hồ ra khỏi Lăng Ba Ðình, và hỏa táng.
Nguyễn Vĩnh Châu: Ông có thể cho biết, lý do tại sao ngày nay đảng CSVN lại tung ra
chiến dịch học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh?
TS Vũ Ngự Chiêu: Lãnh
đạo CSVN có lý do riêng của họ, khó đoán biết. Nhưng một cách tổng quát, có thể
nghĩ rằng tinh thần "hủ Marxist-Leninist" khiến cán bộ tuyên giáo
đang muốn phỏng theo gương Trung Nam Hải bắt dân Trung Hoa "học tập"
kinh nghiệm Hán hóa thuyết Marist-Leninism." Người ta chỉ đổi đi năm chữ
"tư tưởng Mao Trạch Ðông" bằng "tư tưởng Hồ Chí Minh."
Nguyễn Vĩnh Châu: Theo ông tại sao HCM lại có thể tự viết sách đề cao mình, tự gán
cho mình là "Cha già dân tộc" vô cùng lố lăng như trong cuốn
"Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" với bút danh
"Trần Dân Tiên"?
TS Vũ Ngự Chiêu: HCM
là một người hành động, một cán bộ cách mạng chuyên nghiệp [agitprop]. Việc HCM
tự viết sách đề cao mình hay sai người ca tụng mình là việc phụ. Mục đích chính
cần thực hiện là ca ngợi một nhân vật HCM chí thiện, chí thần, chí thánh. HCM
rất ít khi quan tâm đến những khuôn thước giá trị tư bản, thực dân hay phong
kiến mà HCM quyết tâm hủy diệt. Cũng nên thêm là "tư cách" hay
"đạo đức" của người Cộng Sản, theo HCM, không giống quan điểm
"phong kiến, thực dân"
[Tệ đoan cung văn này, dĩ nhiên, không
do cơ quan tuyên giáo Cộng Sản độc quyền. Tại miền Nam, từng có huyền thoại về
"điều trần" Nguyễn Trường Tộ, "nhà ngôn ngữ học" Trương
Vĩnh Ký, hay "đầy vua không Khả, đào mả không Bài"–Khả, tức Ngô Ðình
Khả, cha ruột Tổng thống Ngô Ðình Diệm (1897-1963), xuất thân thông ngôn cho
Tây, tích cực trong việc đánh dẹp phong trào Cần vương do Phan Ðình Phùng lãnh
đạo, và rồi được Pháp ủy thác giám hộ vua Thành Thái, với chức vụ Ðề đốc kinh
thành. Bài là Nguyễn Hữu Bài, cha đỡ đầu Diệm, từng được Pháp cử làm Tổng lý
triều Nguyễn từ 1925 tới 1932, trong thời gian ấu vương Bảo Ðại du học ở Pháp.
Bàn tay Bài và quan lại Việt từng đẫm máu dân chúng miền Trung trong giai đoạn
1926-1932. Sau này, vào tháng 8/1944, Giám mục Ngô Ðình Thục viết thư cho Toàn
Quyền Jean Decoux khoe kể công lao hãn mã của họ Ngô với Bảo hộ Pháp. Năm 1982,
tôi nhờ Linh Mục Cao Văn Luận gửi một bản sao thư trên cho cựu Tổng Giám Mục
Thục, yêu cầu cho biết ý kiến. Không thấy hồi âm; ít lâu sau nghe tin ông Thục
đã chết vì điên loạn ở Mỹ.
Nhưng khi tôi cho công bố tài liệu
trên năm 1989, có người cho rằng đó là "tài liệu giả"–hiểu theo nghĩa
sau đó có người in trộm tài liệu trên từ báo Lên Ðường (Houston) vào sách họ,
nhưng đã cố ý tẩy xóa một vài chi tiết trong thư.]
Nguyễn Vĩnh Châu: Nhiều tác giả ngoại quốc vẫn nhận xét HCM là một người có tinh
thần quốc gia, chỉ dùng chủ nghĩa CS để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ. Theo
sự tìm hiểu của ông thì sự thật như thế nào?
TS Vũ Ngự Chiêu: Tôi
nghĩ cách diễn tả "tinh thần quốc gia" quá trừu tượng, chứng tỏ sự
thiếu hiểu biết, đưa đến sự đánh giá sai lầm HCM. Trên cơ bản, HCM là người
nuôi tham tâm giành đoạt chính quyền bằng mọi giá và giữ vững độc quyền cai
trị. Cũng cần lưu ý là HCM, theo tôi, không là một cán bộ Cộng Sản thuần thành.
Liên hệ giữa Hồ và Quốc Tế Cộng Sản có
nhiều vấn đề.
Từ năm 1932, Nguyễn Ái Quốc đã bị QTCS
khai tử.
Từ 1933-1938: NAQ phải sống với bí
danh mới "Lin" hay "Linov," không được giao công tác gì.
Năm 1935, chỉ được Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập cho 1 ghế dự khuyết trong Ban
Trung Ương Chấp Ủy, lo việc phiên dịch các tài liệu của Ðảng CSVN gửi Phòng
Ðông Dương của QTCS. Năm 1938, vội vã rời Mat-scơ-va sang Diên An (Trung Hoa)
để tránh bị Stalin thanh trừng. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi từ năm
1943-1944, HCM đã tìm cách móc nối cơ quan tình báo Mỹ. Từ sau chiến dịch Meigo
của Nhật–tức cuộc bắt giữ hầu như toàn bộ chính phủ bảo hộ Pháp tại Ðông Dương
trong hai ngày 9-10/3/1945–HCM bắt đầu chính thức hợp tác với Phi Ðoàn Cọp Bay
14 của Chennault tại Vân Nam. Và rồi, cơ quan OSS [Tình báo chiến lược] Mỹ từ
tháng 3 đến tháng 8/1945 (Frank Tan, thuộc GBT, và rồi Deer Team, OSS, ở Kim
Lộng, Tuyên Quang). Sau ngày 19/8/1945, viên chức Mỹ đóng vai đường giây ngoại
giao của HCM, giúp chính phủ Hồ tồn tại qua cuộc chiếm đóng của Trung Hoa, và
phần nào giúp Hồ thành lập chính phủ liên hiệp với Việt Nam Quốc Dân Ðảng và
Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội, tổ chức bầu cử Quốc Hội, chính thống hóa chế
độ VNDCCH hầu ký Tạm ước 6/3/1946 tại Hà Nội, và rồi Modus vivendi ngày
14/9/1946 tại Paris.
Nói cách khác, yếu tố ngoại cường
thống trị và ảnh hưởng sự thăng tiến của HCM. Chiêu bài "quốc
gia"–HCM tự nhận nhiều lần chỉ thuộc Ðảng Quốc Gia, và từng giải tán Ðảng
CSÐD ngày 11/11/1945–chỉ quan trọng trong nội địa Việt Nam.
Nguyễn Vĩnh Châu: Theo sự nghiên cứu của ông thì ông HCM có trách nhiệm gì trong
việc đảng CSVN sát hại các đảng viên những đoàn thể quốc gia trong thời gian
những năm 45-46?
TS Vũ Ngự Chiêu: Dù
có trực tiếp cho lệnh hay không, HCM phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mặc dù Võ
Giáp cùng Bộ Nội Vụ ra tay tàn sát các đảng phái chống Cộng khi HCM đang ở
Pháp, HCM được báo cáo tuờng tận chi tiết những vụ án ngụy tạo xét xử cán bộ
Việt Quốc, hay cuộc tàn sát VNQDÐ tại Hà Nội với lý do "bắt tay Pháp làm
đảo chính nhân dịp Quốc Khánh 14/7 của Pháp." Dĩ nhiên, nên lưu ý rằng,
năm 1945-1946, HCM chưa hoàn toàn kiểm soát được guồng máy chính quyền. Trong
nội bộ Ðảng, HCM cũng không hoàn toàn kiểm soát được phe cực đoan như Trường
Chinh Ðặng Xuân Khu và Hạ Bá Cang (Cung?), tức Hoàng Quốc Việt, v.. v... Ðó là
chưa kể tinh thần địa phương Nam-Trung-Bắc. Nhưng những lời tuyên bố của HCM
tại phiên họp kỳ II của Quốc Hội, từ 28/10 tới 9/11/1946, chứng tỏ HCM phê
chuẩn việc làm của Giáp cũng như công an Việt Minh.
Nguyễn Vĩnh Châu: Là một nhà sử học, ông nghĩ gì về lập luận cho rằng dù ông HCM có
nhiều lỗi lầm nhưng vẫn có công giải phóng VN khỏi ách thực dân?
TS Vũ Ngự Chiêu: Với
những tài liệu đã giải mật (tháng 11/2008), không ai phủ nhận được tài năng của
HCM trong việc lãnh đạo Ðảng CSVN tới chiến thắng cuối cùng của Ðảng này. Nhưng
cách diễn tả "giải phóng VN khỏi ách thực dân" cần xét lại. Sau Thế
Chiến Thứ Hai, phong trào giải thực–hiểu theo nghĩa thực dân Trung Cổ–xuất hiện
ngay trong tâm ý dân chúng các cường quốc thuộc địa. Thực dân Pháp bị thất bại
ở Việt Nam cơ bản là do quốc dân Pháp và Việt đều muốn chấm dứt nó. Thế giới
cũng chuyển biến sang một hình thức "trật tự mới"–tức vùng ảnh hưởng
của các siêu cường–đặc biệt là Liên Sô Nga và Liên Bang Mỹ, hai "siêu
cường" lãnh đạo hai khối vô sản và tư bản. Sự nghiệp chính trị của HCM cho
tới khoảng năm 1968-1969 phải được đánh giá trong hệ thống chính trị thế giơi
chiến tranh lạnh "lưỡng cực" này. Và, rồi sự chia rẽ giữa Bắc Kinh và
Mat-scơ-va từ năm 1958, dẫn tới chính sách hòa hoãn đa cực (bao gồm thế tay ba
Mỹ-Nga-Trung Cộng tại Ðông Nam Á).
Nên ghi nhớ là ngay đến Ngô Ðình Diệm,
năm 1954-1955, cũng khua chiêng, gõ trống cho thành tích "bài phong, đả
thực"–nhờ phép lạ Mỹ.
Trường hợp HCM và Ðảng CSVN, thoát
khỏi "ách thực dân Trung Cổ Pháp" để bị trói buộc vào "ách thực
dân mới Hán Cộng." Khó thể gọi là "giải phóng VN khỏi ách thực
dân."
Nguyễn Vĩnh Châu: Theo ông thì trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, ông Hồ Chí Minh có
trách nhiệm gì không ?
TS Vũ Ngự Chiêu: Trước
khi nói đến trách nhiệm của HCM hay Ðảng CSVN, cần tìm hiểu rõ ràng về vai trò
cải cách ruộng đât trong các xã hội nông nghiệp, rồi đến trường hợp cá biệt
Việt Nam.
A. Cải cách ruộng đất [CCRÐ]–tức làm sao có sự phân phối
ruộng đất hợp lý để nông dân có đất cày cấy–là điều quan tâm hàng đầu của những nhà cai trị các xã hội nông
nghiệp muốn dân giàu, nước mạnh.
Trong Ðường Kách Mệnh, HCM từng
viết:2. Tây đồn điền choán ruộng cách nào?
Nhiều cách.
Phần thì Tây đồn điền cướp, phần thì
các nhà thờ đạo chiếm. Các cố đạo chờ năm nào mất mùa, đem tiền cho dân cày
vay. Chúng nó bắt dân đem văn khế ruộng cầm cho nó và ăn lời thật nặng. Vì lời
nặng quá, đến mùa sau không trả nổi, thì các cố xiết ruộng ấy đem làm ruộng nhà
thờ."[ 73]
3. Chính phủ Pháp đãi dân cày An Nam
thế nào?
Tư bản Tây và nhà thờ đã choán gần hết
đất ruộng, còn giữ được miếng nào thì chính phủ lại đánh thuế thật nặng, mỗi
năm mỗi tăng.[ 73] 10 phần lấy mất một.[ p.73]
Mua rẻ nhân dịp dân phải đóng thuế;
xuất cảng. Nó chở đi chừng nào, thì dân ta chết đói nhiều chừng ấy.
4. Bây giờ nên làm thế nào? phải tổ
chức nhau để kiếm đường giải phóng.[ 74]
5. Cách tổ chức dân cày thế nào?[ 74]
Bất kỳ tiểu điền chủ trở xuống đều được vào; (trừ đại địa chủ, mật thám, cố
đạo, say mê rượu chè, cờ bạc và a phiến)[74]
Nông hội chống rượu chè, a-phiến khiến
mất giống nòi.
Biết kách mệnh tinh thần, kách mệnh
kinh tế, thì kách mệnh chính trị cũng không xa.Từ đầu thập niên 1930, cải cách
ruộng đất, hay cách mạng thổ địa, là một chiêu bài của Ðảng Cộng Sản Ðông
Dương. Những khẩu hiệu như "Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc
tận ngọn" được nêu ra từ cuộc nổi dạy 1930-1931 tại Nghệ-Tĩnh và Nam Kỳ,
và thống trị các tài liệu tuyên truyền của Ðảng CSÐD cho tới năm 1935-1936. Lý
luận Marxist-Leninist phía sau chiêu bài sắt máu này là cuộc đấu tranh giai cấp
giữa liên minh nông-công chống lại và tiêu diệt giai tầng địa chủ phong kiến,
nhằm thủ tiêu hệ thống sản xuất cổ truyền, tiến tới việc xây dựng một xã hội
công bằng mà ai nấy đều được hưởng tương ứng với những gì mình sản xuất, trên
đường tiến đến xã hội Cộng Sản, ở đó ai nấy đều làm theo khả năng, được hưởng
theo nhu cầu.
Vì mục tiêu cuối cùng–tức xã hội cộng
sản, nơi nhà nước bị thăng hoa, chỉ có những người lao động sản xuất tự quản lý
công hữu–chưa đủ điều kiện chào đời, Ðảng Cộng Sản và liên minh công-nông tiếp
tục duy trì nhà nước chuyên chính vô sản, hay "dân chủ tập trung,"
thẳng tay tiêu diệt giai cấp địa chủ phong kiến, lấy đất chia cho người nghèo,
để họ tự làm chủ. Những nhà tiểu tư sản mới này sẽ giúp tăng gia sản xuất lương
thực, tạo nên thặng dư để góp vốn vào việc công nghệ hóa nền kinh tế. Sự phát
triển đồng thuận và song hành này sẽ giúp đất nước sớm hiện đại hóa, nâng cao
đời sống công nông, phát triển nền văn hóa lành mạnh.
B. Ðấu tranh Giảm Tức, Giảm Tô:
Từ năm 1945, chính phủ Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] đã bắt đầu phát động chính sách đòi hỏi giảm tô (tức giảm
tiền thuê ruộng đất) và giảm tức (giảm tiền vay lãi), nhưng có nơi thi hành,
nơi không. Một trong những lý do chính là giai đoạn 1945-1946 còn có những nhu
cầu và khó khăn, phức tạp cần giải quyết, liên hệ đến chính sự sinh tồn của chế
độ.
Từ đầu năm 1947 tới năm 1949, chính
sách nông thôn của Hồ chưa có thay đổi đáng kể, ngoại trừ những biện pháp tận
thu, giảm chi, trên nguyên tắc "chớ nên mị dân." Tuy nhiên, chiến
thắng của Mao Trạch Ðông ở Hoa lục (1949) và sự thành hình của "giải pháp
Bảo Ðại" (1948-1949) khiến Hồ chẳng còn lựa chọn nào khác hơn trở lại với
khối tân Quốc tế Cộng Sản (Cominform), do Liên Sô Nga lãnh đạo. Bên cạnh những
chuẩn bị tái lập Ðảng Cộng Sản Ðông Dương (dưới tên mới Ðảng Lao Ðộng Việt Nam
từ năm 1949-1951), và do nhu cầu tăng gia thu nhập cũng như củng cố sự yểm trợ
của giới nông dân (bần cố nông và bần nông), từ đầu năm 1949, BTV/TW Hội nghiên
cứu chủ nghĩa Mã Khắc Tư ra Chỉ thị ngày 3/1/1949 cho các Khu ủy về sách lược
vận động tranh đấu bắt các địa chủ giảm tô 25% như chính phủ qui định. Mục tiêu
lần này được mở rộng tới các địa chủ "công giáo, và chỉ thị trên còn qui
định việc giảm tiền xin lễ, nhưng tránh không chạm đến tín ngưỡng."
(VKÐTT, 10, 2001:176-177)
Ðầu tháng 6/1949, BTV/TW lại gửi điện
ngày 1/6/1949 cho Liên khu [LK] IV về phong trào khuyến khích địa chủ hiến đất.
(VKÐTT, 10, 2001:241) Ngày 14/7/1949, HCM ký Sắc Lệnh Giảm Tô. Ngày 14/10/1949,
BTV/TW ra chỉ thị tạm cấp ruộng đất của Việt Gian cho người nghèo. (VKÐTT, 10,
2001:299-303) Ngày 22/10/1949, BTV/TW chỉ thị LK IV vận động giảm tô 25%.
(VKÐTT, 10, 2001:307-308)
Ngày 18/11/1949, BTV/TW ra Thông tri
về việc chấn chỉnh tổ chức nông dân: Khéo léo đưa địa chủ ra khỏi Hội Nông Dân
Cứu Quốc bằng cách tổ chức vào những hội khác (Phụ lão, Liên Việt) Thành phần
BCH HNDCQ phải có bần cố nông, có người trẻ. Không nên có phú nông; nếu có chỉ
để làm vì. Ra sức tổ chức Hội nông dân trong vùng Công Giáo. [Lê Văn Lương].
(VKÐTT, 10, 2001:314-315)
Ngày 5/7/1950,Trường Chinh đọc báo cáo
về chính sách nông thôn tại phiên họp mở rộng của Ban Kinh tế TW [5 tới
7/7/1950]. (VKÐTT, 11, 2001:591- 626) Ngày 17/7/1950: Ban Thường vụ TW chỉ thị
"hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức."
Tại Ðại hội tái lập Ðảng CS [Lao Ðộng]
vào tháng 2/1951, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh là CCRÐ chỉ nhắm vào giảm
tô, giảm tức. Ðịa chủ hiến đất đai. Kháng chiến thắng lợi sẽ CCRÐ. [Ngày
16/4/1951 Hồ Viết Thắng được cử làm trưởng Tiểu ban Nông vận (còn có Trương
Việt Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Trần Ðức Thịnh, Ca, Nông, Di, Ðào). (VKÐTT, 12, 2001:526-
527)]
Ngày 22/4/1952, Hội nghị TW lần thứ ba
của ÐLÐVN [22 tới 28/4/1952] vẫn còn ra nghị quyết: "Trường kỳ kháng
chiến, tự lực cánh sinh." (VKÐTT, 13, 2001:65- 75) Về chính sách ruộng đất
sẽ tập trung vào giảm tô, giảm tức, lôi kéo địa chủ; tịch thu ruộng đất của
Pháp và Việt gian cho dân cày nghèo. Chưa thủ tiêu bóc lột phong kiến. (
VKÐTT)13, 2001:118- 128).
C. Chính thức phát động CCRÐ:
Năm 1952, Mao Trạch Ðông mời Hồ Chí
Minh qua Bắc Kinh, ép phải cải cách ruộng đất. Ðồng thời thực hiện chỉnh quân,
chỉnh huấn. (Hoan, 1987:359-367). Ngày 15/8/1952, Ban Bí thư [BBT] Ðảng LÐVN ra
chỉ thị bổ sung chỉ thị 37 về chính sách ruộng đất: Từ nay "Dựa vào bần cố
nông, đoàn kết chặt chẽ vơí trung nông, liên minh với phú nông, lôi kéo hoặc
trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản
động." (VKÐTT, 13, 2001:239) Ngày 25/11/1952, BBT ra thông tri về việc
điều tra nông thôn. (VKÐTT, 13, 2001:347- 360)
Ðầu năm 1953, Trung Cộng cử Kiều Hiểu
Quang, Phó Bí thư Quảng Tây, phụ trách đoàn cố vấn cải cách ruộng đất. (Theo
Hoàng Tùng, La Quí Ba cũng ép Hồ phải đấu tố Nguyễn Thị Năm, tức Cát Thành
[Hanh] Long. "Mấy ngàn người bị xử tử." (Tài liệu truyền tay ký tên
Hoàng Tùng. Hoàng Tùng phục vụ trong Ban Tuyên huấn của Trường Chinh, nên có những
thông tin đặc biệt. Theo tài liệu đã dẫn, HCM rất bất mãn về áp lực của Bắc
Kinh, nhưng không dám chống đối. Xem thêm infra.)
16/4/1951: Nghị quyết ngày 16/4/1951
của BCH/TW về việc thành lập các ban và tiểu ban giúp việc:Ban Tuyên huấn:
Trường Chinh, Phạm Tô, Tố Hữu, Trần Quang Huy, Hoàng Tùng, Xuân Thủy, Lê Quang
Ðạo, Nguyễn Chương, Nguyễn Khánh Toàn, Minh Tranh.
Ban Mặt Trận: Hoàng Quốc Việt, Thoại
Sơn, Hồ Viết Thắng, Xuân Thủy, Trần Cung, Lê Thành Lập, Dương Bạch Mai.
Ban Kinh tế-Tài chính: Phạm Tô, Cù
Vân, Trần Ðăng Ninh, Hồ Viết Thắng, Lê Văn Hiến, Ðặng Việt Châu, Bùi Công
Trừng, Nguyễn Văn Tạo, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Ðức Thụ.Tiểu ban Nông vận: Hồ
Viết Thắng, Trương Việt Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Trần Ðức Thịnh, Ca, Nông, Di,
Ðào. (VKÐTT, 12, 2001:526- 527)
Cũng có nhân chứng cho rằng cuối tháng
3/1950, khi từ Bắc Kinh trở lại Tuyên Quang, Hồ tuyên bố với Ban Thường vụ
Trung ương Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư (tức Ðảng CSÐD, đã được bí mật
tái khai sinh từ năm 1948-1949) là Stalin muốn làm cách mạng thổ địa, và Hồ
muốn làm cách mạng thổ địa với sự tiếp tay của TC. (Võ Nguyên Giáp, CÐTVV,
2001:349-350) Một tài liệu TC ghi ngày 5/3/1953, khi cùng HCM [dưỡng bệnh ở TH]
rời Bắc Kinh về VN, Vi Quốc Thanh được HCM kể lại những chi tiết về chuyến qua Mat-scơ-va
cuối năm 1952, và ý định thực hiện CMTÐ, theo lệnh Stalin. "Không thể đứng
giữa một ngọn đòn sóc. (Vu Hóa Thẩm [Vương Chấn Hoa], "Vi Quốc
Thanh," (Vu Hóa Thẩm, LQB, 2008:59)
D. Hội nghị kỳ 4 Ðảng LÐVN (25-30/1/1953):
Theo tài liệu chính thức của Ðảng Cộng
Sản Việt Nam, Hội nghị lần thứ tư Trung ương Ðảng LÐVN (25-30/1/1953) đã quyết
định tiến hành cải cách ruộng đất, tức phong trào đấu tố (rập khuôn Trung
Cộng).
Ngày 25/1/1953, HCM đọc báo cáo về
tình hình trước mắt và nhiệm vụ CCRÐ. Triệt để giảm tô, tiến tới CCRÐ. Theo Hồ,
từ 1945, đã thực hiện giảm tô, nhưng tới nay chưa đúng mức: có nơi giảm, nơi
chưa giảm. Nay phải triệt để thực hiện giảm tô. Phải phát động quần chúng nông
dân tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô giảm tức và giành lấy
ưu thế chính trị ở nông thôn. Ðảng và chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp
đỡ, kiểm tra. Sau đó sẽ cải cách ruộng đất. Nông dân là nền tảng của vấn đề dân
tộc, và cũng là nền tảng của cách mạng dân chủ chống phong kiến, chống đế quốc.
Muốn kháng chiến thắng lợi phải nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của
nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. CCRÐ sẽ giúp Ðảng LÐ Việt Nam giải quyết
nhiều vấn đề:
Về quân sự: Nông dân hăng hái tham gia
bộ đội; đồng thời làm tan rã ngụy quân.
Về kinh tế-tài chính: nông dân đủ ăn
đủ mặc, sẽ giúp phát triển công thương nghiệp, hăng hái đóng thuế nông nghiệp.
Về chính trị: Nông dân nắm ưu thế
trong làng xã, "nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp
và chắc chắn."
Về văn hóa: "có thực mới vực được
đạo." Nông dân no đủ sẽ phát triển văn hóa.
Những vấn đề như thương binh, công an
nhân dân dễ giải quyết.
Về Mặt Trận Liên Việt: Nông dân sẽ
chiếm đa số, cơ sở công nông liên minh vững chắc hơn.
Ðấu tranh triệt để giảm tô giảm tức
làm đà cho CCRÐ.
E. Hồ nêu lên kinh nghiệm CCRÐ ở Trung Hoa:
Tới cuối năm 1952, đã hoàn thành CCRÐ,
chia đất cho nông dân. Hơn 500,000,000 nông dân được chia hơn 700 triệu mẫu
ruộng. Nông dân giữ lại được hơn 30 triệu tấn thóc địa tô. Hăng hái tăng gia
sản xuất: Năm 1950 lương thực tăng 20% so với năm 1949; năm 1952 tăng 40%.
Thành phần xã hội thay đổi rất nhiều: trung nông tăng từ 20% tới 80%; bần nông
giảm từ 70% xuống còn 10-20%. Về chính trị, chỉ tại bốn khu Hoa Trung, Trung
Nam, Tây Nam và Tây Bắc nông hội đã có hơn 88 triệu hội viên, trong đó hơn 30%
là phụ nữ; 60% đến 80% nông dân tổ chức thành những đội đổi công, hợp tác xã.
Nông dân trở thành trụ cột của chính quyền ở nông thôn; nhân dân dân chủ chuyên
chính và công nông liên minh trở nên vững chắc. Công nghệ và thương nghiệp mau
phát triển; văn hóa cũng lên vùn vụt. Hơn 49 triệu trẻ em nông dân được đi học.
Vì trình độ giác ngộ lên cao, phong trào chống tham ô lãng phí, quan liêu và
chống Mỹ, giúp Triều nông dân hăng hái tham gia. (HCMTT, 7:1953-1955, 1996:8-9.
Thực ra HCM không hoặc không muốn nói
đến thực trạng sắt máu của bài học CCRÐ Trung Hoa. Từ ngày 1/10/1949 tới cuối
tháng 8/1951, có tới 28,000 bị hành quyết tại Quảng Ðông. Trong nửa năm đầu
1951, khoảng 800,000 phiên tòa xét xử phản cách mạng, và 135,000 người bị tử
hình. Từ 1949 tới 1952, khoảng 2 triệu người bị hành quyết. Hơn 2 triệu người
khác bị gửi vào các trại cải tạo. ( Maurice Meisner, Mao’s China, 1977:81).
Năm 1952, Mao và Ðảng CSTH đã khiến
giai cấp đại địa chủ ngừng hiện hữu, nhưng cả Mao lẫn Hồ, đều hiểu rằng CCRÐ
chưa phải là cách mạng XHCN. Theo lý luận Marxist-Leninism, đây mới chỉ là giai
đoạn "tư sản" [bourgeoisie] của cách mạng, hay cái gọi là "Tân
Dân Chủ" của Mao. Nói theo Marx, "chế độ Bonaparte [Pháp] là triều
đại của nông dân."
Mục tiêu chính của Mao chỉ là: mở rộng
cơ sở ủng hộ; kiểm soát hành chính xuống các xã thôn; làm gia tăng mức sản xuất
nông phẩm. Bài diễn văn ngày 14/6/1950 của Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ] hầu như đã
được phỏng dịch lại trong bản báo cáo của HCM: thực hiện CCRÐ từng bước với sự
thận trọng và biệt phân, trong khi lượng sản xuất nông phẩm gia tăng; phải dựa
vào bần và cố nông, liên minh với trung nông, và vô hiệu hóa phú nôngHồ cũng
không nhắc gì đến những con sóng bạo lực và sự phẫn nộ của 20 triệu người Hoa
bị "vạch thành phần" là địa chủ, sự chống đối của họ [107- 108]. Bi
thảm hơn nữa là dù CCRÐ đã hoàn tất, tình trạng nghèo khổ của nông dân TH không
thay đổi. Chỉ có Ðảng CSTH đại thắng khi thay thế những kỳ hào cũ của các thôn
xã bằng những người trẻ trung hơn, giúp đẩy mạnh việc trung ương tập quyền cho
Ðảng và Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc. Ðồng thời chuẩn bị cho bước tái tổ
chức kế tiếp, tức tập trung sản xuất [collectivation].Trường Chinh báo cáo về
mục đích, ý nghĩa, phương châm, phương pháp và kế hoạch thực hiện CCRÐ. (VKÐTT,
14:30- 83.
Ngày 30/1/1953, ra Nghị Quyết
"Thẳng tay phát động triệt để giảm tô." (VKÐTT, 14:128- 132)
F. Ngày 5/2/1953, Trường Chinh ra chỉ thị về cách phổ biến
Nghị Quyết của Hội nghị lần thứ tư BCHTW (khóa II): chỉ phổ biến CCRÐ tới cấp khu ủy và đại đoàn ủy, nhưng tạm
thời giữ bí mật thời điểm thực hiện. Cấp tỉnh ủy và trung đoàn ủy chỉ nói giảm
tô, tiến tới CCRÐ. Cấp dưới, không nói đến CCRÐ, chỉ nói đến 5 công tác trong
năm 1953. (VKÐTT, 14:136-137).
Trong khi đó, Hồ liên tục xuất hiện
phát động các kế hoạch rập khuôn Trung Cộng khác: Ngày 5/2/1953, HCM nói chuyện
trước Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc. Hôm sau, 6/2/1953, HCM nói chuyện
trước lớp chỉnh huấn cán bộ Ðảng, Dân, Chính ở cơ quan TW. Hồ nhắc nhủ các cán
bộ: "Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã."
Ngày 22/4/1953, Ban Bí thư ra chỉ thị
v/v 10 điều kỷ luật của cán bộ khi thi hành CCRÐ. Ngày 24/4/1953, Ban CHTW ra
Chỉ thị v/v phát động quần chúng trong năm 1953.
Chỉ thị của BCT ngày 4/5/1953 v/v Mấy
vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng trong năm 1953 phản ảnh khía cạnh
sắt máu của kế hoạch CCRÐ:
Trừng trị địa chủ phản động và gian ác
Mức thoái tô, dây dưa tiền công
Tước vũ khí của địa chủ [vụ đồn điền
Vũ Ngọc Hoành]
Yêu cầu về trình độ tổ chức trong cuộc
phát động quần chúng
Chỉ thị số 43/CT/TW của BCT ngày
10/6/1953 v/v Hướng dẫn công tác phát động quần chúng. (VKÐTT, 14:223- 234.
Theo tin quân sự Pháp, thời gian này tại miền Bắc, Pháp chỉ kiểm soát được
1,129 làng (trên tổng số 7,000 làng). (10H 282).
Phản ứng của dân chúng, và nhất là cán
bộ cực kỳ xúc động. Ngày 29/6/1953, Thông Tri của Ban Bí thư về vấn đề tuyên
truyền phát động quần chúng. ghi nhận "Ngay đến một số cán bộ lãnh đạo
chưa thấm nhuần đường lối của CP. Nhiều nơi, địa chủ và ngay cả phú nông, trung
nông tự tử."( VKÐTT, 14: [tr. 246])
Ngày 3/7/1953, để trả lời những thắc
mắc như "có CCRÐ trong kháng chiến hay không?," BCT khẳng định Hội
nghị TW lần thứ 4 (1/1953) đã quyết định CCRÐ trong kháng chiến.
G. Luật CCRÐ 19/12/1953:
Trung tuần tháng 11/1953, tại Hội nghị
lần thứ 5 BCH/TW Ðảng LÐVN và Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất Ðảng LÐVN
(14-23/11/1953), kế hoạch CCRÐ được chính thức công bố. Bước kế tiếp chỉ còn là
việc của Quốc Hội. Ngày Thứ Ba, 1/12/1953, Quốc Hội VNDCCH họp khóa thứ ba [tới
4/12/1953]. HCM tham dự. Ðọc báo cáo về tình hình thế giới, kháng chiến và
CCRÐ.
Trên mặt trận tuyên truyền, người ta
chỉ được giải thích là lấy ruộng đất của "địa chủ phong kiến, Việt Gian ác
ôn" chia cho người nghèo, với khẩu hiệu người cày có ruộng. Trên thực tế,
để tiêu diệt cái gọi là chế độ sản xuất phong kiến, chính phủ Hồ áp dụng
"công lý bần nông," tức các phiên tòa đấu tố, bắt ép những người bị
qui [vạch] vào thành phần địa chủ, cường hào, ác ôn hay Việt Gian phải nhận cả
những tội lỗi họ chưa bao giờ vi phạm; rồi sau đó xử tử hình, hạ tầng công tác
hay tập trung cải tạo.
Ðợt thí nghiệm ở Thái Nguyên (dân số
10,781 người) từ tháng 12/1953 tới tháng 3/1954. Tịch thu, trưng thu, trưng mua
2,609 mẫu cho 6,089 nông dân. (VKÐTT, 15:1954, p. 201).
Số nạn nhân của kế sách CCRÐ được ước
lượng từ 15,000 tới 50,000 người. (Catton, 2002; Brocheux, 2003:225).
Cần nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của
CCRÐ vào thời gian này: bên cạnh quyết tâm "tiêu hủy giai cấp địa chủ
phong kiến," nhắm mở rộng sự kiểm soát các làng xã, tiêu diệt khả năng
chống đối của địa chủ, gia tăng thu nhập lương thực và thuế, gia tăng số người
nhập ngũ và "dân công" phục vụ nhu cầu chiến trường (lên tới hơn
100,000 trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ). Mãi tới sau đợt cải cách ruộng đất thứ
5 vào mùa Xuân-Hè 1956–trong không khí chống đối, bất mãn khắp nơi, kể cả biến
cố nông dân Quỳnh Lưu nổi dạy, Võ Giáp phải mang quân lính đến đánh dẹp–Hồ mới
họp Hội nghị TWÐ lần thứ 10 (khóa II, 8-10/1956), nhìn nhận khuyết điểm, tự chỉ
trích và phê bình; rồi tự mình thay Trường Chinh làm Tổng Bí thư, và trừng phạt
chiếu lệ những cán bộ điều khiển chính sách cải cách ruộng đất. (TTLTQG 3 (Hà
Nội) có một số tư liệu của Kho Quốc Hội đã giải mật. Bộ Văn Kiện Ðảng Toàn Tập
cũng in lại khá đầy đủ những nghị quyết và chỉ thị cơ bản về chính sách CCRÐ
của Ðảng Cộng Sản từ năm 1949 tới 1957. Xem, Chính Ðạo, "Mặt Trận Nông
Thôn: Từ Cải Cách Ruộng Ðất tới Ấp Chiến Lược;" Cuộc Thánh Chiến Chống
Cộng, tập II (Houston: Văn Hóa, đang in).
HCM đã chịu áp lực của Bắc Kinh để
thực hiện việc cướp đoạt tập thể tài sản dân chúng này. nhưng qui trách cho sai
lầm của Trường Chinh, không phải do các cố vấn TQ. (Hoan, 1987:366-367)
Kết luận sơ khởi của chúng tôi là cuộc
cách mạng thổ địa vừa từ trên xuống (theo nghĩa do đảng LÐVN lãnh đạo, phát
động, tổ chức và kiểm soát) vừa từ dưới lên (bạo lực tự phát của giới nông dân
nghèo khổ, ao ước được chia đều phương tiện sản xuất, kể cả đất đai) chỉ mới
thành công về chính trị và quân sự hơn kinh tế và xã hội hay văn hóa.
Nguyễn Vĩnh Châu: Trong vụ án "Nhân Văn-Giai Phẩm", ông Hồ Chí Minh có
trách nhiệm gì không?
TS Vũ Ngự Chiêu: Vụ
án Nhân Văn-Giai Phẩm là hậu quả đương nhiên của quyết định độc quyền cai trị
bằng họng súng của Ðảng CSVN. Là Chủ tịch Ðảng và Nhà Nước, HCM chịu trách
nhiệm. Riêng với HCM, đó còn là sự phản bội chính những đòi hỏi thuở trung niên
của Hồ.
Nguyễn Vĩnh Châu: Còn
về vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, ông Hồ Chí Minh có chịu trách nhiệm gì không
?
TS Vũ Ngự Chiêu: Thời
điểm này, HCM hầu như không còn thực quyền. Lê Duẩn-Lê Ðức Thọ đã nắm hết quyền
lực. Vấn đề đặt ra là liệu những viên chức địa phương đã vượt qua chỉ thị vào
tháng 1/1968 của Lê Duẩn? (Phá cho tan hậu cứ VNCH, tức các đô thị).
Nguyễn Vĩnh Châu: Hiện tại, nhiều đồng bào trong nước cũng như hải ngoại rất quan
tâm và bất bình về vấn đề mất đất, mất các quần đảo do Trung Cộng chiếm đoạt.
Vậy, theo ông thì ông Hồ Chí Minh có trách nhiệm gì không?
TS Vũ Ngự Chiêu: Dĩ
nhiên là có. HCM là người cầm đầu Ðảng và Nhà Nuớc. Thư ngày 14/9/1958 của Phạm
Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai–tự nguyện nhìn nhận biên giới do Trung Cộng tự vẽ, với
những dấu chấm ở vùng lãnh hải phía Nam–phải được sự phê chuẩn của HCM và Bộ
Chính Trị Ðảng Lao Ðộng Việt Nam như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan,
Lê Ðức Thọ, v.. v...
Bắc Kinh và Hà Nội thường nói về tình
"môi hở, răng lạnh," hay "viện trợ không kèm móc câu hay thòng
lọng." Thực tế, việc cắt đất cắt biển là những lưỡi câu và thòng lọng mà dân
tộc Việt đang và sẽ chịu đựng.
Nguyễn Vĩnh Châu: Qua những điều đã trình bày thì theo ông, Hồ Chí Minh đã để lại di
sản gì cho Dân Tộc Việt Nam?
TS Vũ Ngự Chiêu: Một
di sản buồn. Ba mươi năm chiến
tranh, hàng triệu người chết và thương tật, sự tàn phá của làng mạc, ruộng
vườn, đất đai. Và mối hận thù khó nguôi của các giai tầng xã hội.
Một tương lai, mù sương, trong cuộc
hành trình vô định, đầy thử thách từ một xã hội nông nghiệp, nửa thực dân nửa
phong kiến đã chết, tới một thể chế chưa đủ khả năng chào đời.
Từ năm 1991 bắt đầu nhập cảng thứ lý
thuyết Marxist bị Hán hóa từ phương Bắc, và thay thế bảng hiệu "tư tưởng
Mao Trạch Ðông, lý luận Ðặng Tiểu Bình" bằng "tư tưởng Hồ Chí
Minh."
Nguyễn Vĩnh Châu: Nói tóm lại, theo ông thì Hồ Chí Minh có công hay có tội đối với
dân tộc Việt Nam?
TS Vũ Ngự Chiêu: Có
lẽ còn quá sớm để đánh giá HCM. Vấn
đề tùy thuộc ở những gì những người kế vị HCM sẽ thực hiện trong tương lai.
Houston, 1/2009
Nguyễn Vĩnh Châu
No comments:
Post a Comment