Tuesday 4 December 2012

LIỆU LỊCH SỬ CÓ LẬP LẠI? (BS Hồ Hải)




Thứ ba, ngày 04 tháng mười hai năm 2012

Có những quy luật xã hội bất di, bất dịch mà ai cũng phải công nhận, nhưng lo ngại không dám nghĩ đến. Một trong những quy luật ấy là, hễ có khủng hoảng thừa về kinh tế toàn cầu, ắt nó phải được giải quyết không bằng cái tài kinh bang tế thế của các nhà chính khách hoặc các khôi nguyên kinh tế tài ba, mà nó lại được giải quyết bằng chiến tranh. Hai lần chiến tranh thế giới đã qua đã minh chứng hùng hồn cho quy luật dùng chiến tranh để giải quyết khủng hoảng thừa kinh tế thế giới.

Nhân loại đang đối mặt với một cơn đại khủng hoảng thừa mứa hàng hóa, mà sức mua của con người lại ngày càng co hẹp vì nhiều lý do: thất nghiệp, giảm thu nhập, hàng hóa ứ đọng do giảm phát, đóng băng bất động sản kéo theo đình đốn tất cả mọi ngành, nghề có liên quan, v.v... Để giải quyết những vấn đề trên, các biện pháp kinh tế đã được các nước Âu, Mỹ áp dụng trong 4 năm qua, nhưng hiệu quả vẫn là rất chậm chạp và nguy cơ rơi vào cơn suy thoái kép lần 2 là có thật. Lúc ấy, chiến tranh là biện pháp cuối cùng buộc phải chọn lựa để kích thích kinh tế toàn cầu vào thời kỳ tăng trưởng mới! Nhưng tại sao là chiến tranh, mà không phải là các biện pháp hàn lâm ở các ngài giáo sư, tiến sĩ đình đám ở các giảng đường nổi tiếng?

Vì chiến tranh là đập phá tất cả, là để tạo ra một tiềm năng xây dựng mới. Mọi công ăn, việc làm sẽ sinh ra sau đó, và mọi việc sẽ tươi đẹp hơn vì nhu cầu xây dựng lại trên đống hoang tàn sau cuộc chiến. Trong khi đó, các lý thuyết hàn lâm như, giảm lãi suất trần, tung gói kích cầu kinh tế bằng nới lỏng tiền tệ, v.v... vẫn không có tác dụng, vì nó không mang lại cái công việc giải quyết nguyên nhân của vấn đề là hàng hóa thì thừa mứa, mà sức mua trong dân chúng lại yếu. Chỉ có chiến tranh mang lại nhu cầu mới trong tiêu thụ hàng hóa và sức mua tăng trong khi lực cung bị giảm hoặc mất vì chiến tranh.

Năm 1972, khi Nixon và Mao bàn tính qua cái Thông cáo Thượng Hải, Hoa Kỳ trả lại quyền cai quản Đông Dương cho Trung Hoa, để tạo và tăng mối bất hòa phe cộng sản giữa 2 đầu lĩnh Liên Xô và Trung Hoa. Vô hình trung cuộc chiến ý thức hệ giữa 2 phe hắc bạch - tư bản và cộng sản - trở thành cuộc đối đầu một mất, một còn giữa 2 đầu lĩnh cộng sản. Và cái gì đến ắt đã đến: Liên Xô sụp đổ vì không gánh nổi cái đám đàn em ăn bám và phải đối đầu với phe tư bản và cả thành viên cộng sản Trung Hoa bằng kinh tế tự cung tự cấp. Đây là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng để có được quyết định trong Thông cáo Thượng Hải, người Mỹ và phương Tây cùng phe cộng sản đã phải chọn 3 nước Đông Dương - Việt Miên Lào - làm bãi chiến trường để thử bom đạn, chạy đua vũ trang suốt 3 thập niên nhục nhằn bằng máu của gần 10 triệu dân vô tội và cái ác của các chính khách ngu đần ở 3 nước Đông Dương đã vì lợi ích cá nhân mà làm tay sai cho cả 2 phe hắc bạch.

Sau thông cáo Thượng Hải, Hoa Kỳ chuyển vùng giám sát sang Trung Đông. Bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng con tin ngoại giao mà Iran gây ra năm 1978, chiến tranh và bãi chiến trường lại di chuyển sang Trung Đông từ 4 thập niên qua vì thế giới ngày nay không còn là sự đối đầu ý thức hệ, mà là cạnh tranh nguồn năng lượng, nước sạch và lương thực. Không ở đâu trên quả đất này có nguồn năng lượng khí gas nhiều bằng Trung Đông. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ đến đây và để lại ở đây nhiều cuộc chiến tranh, kể cả các cuộc cách mạng hoa Nhài trong năm 2011.

Bây giờ, công việc ăn chia miếng bánh năng lượng ở Trung Đông tạm ổn, Hoa Kỳ lại quay về lại khu vực Thái Bình Dương, với lý do, khu vực tăng trưởng năng động với các cường quốc kinh tế mới nổi và là đầu tàu kinh tế toàn cầu trong tương lai. Mục tiêu quay lại khu vực Thái Bình Dương lần này không phải vì ý thức hệ hay vì nhu cầu an ninh năng lượng, lương thực hay nguồn nước, mà là, một ý nghĩa khác: sờ vào cái cách làm ra tiền của các cường quốc mới nổi, trong đó, có Trung Hoa, Nhật và Ấn Độ, và cũng không loại trừ Nga có một nửa giang sơn thuộc châu Á đầy tài nguyên trong lòng đất.

Nhưng bao giờ cũng vậy, khi chiến lược chuyển vùng của các cường quốc đến khu vực nào, họ cũng tìm những bãi chiến trường để chuẩn bị cho việc động binh đao. Ba mươi năm máu lửa chiến tranh với các hôn quân làm tay sai cho 2 phe hắc bạch ở 3 nước Đông Dương là quá khứ hùng hồn minh chứng. Và liên tu bất tận các cuộc chiến vùng Vịnh đã diễn ra ở Kowait, Iraq, các nước Bắc Phi Trung Đông một lần nữa lại chứng minh hùng hồn cho điều này là không tránh khỏi.

Thế thì, lần quay lại Thái Bình Dương này của Hoa Kỳ liệu bao lâu nửa khói lửa chiến tranh lại hiện hữu ở khu vực? Và liệu mãnh đất nào của khu vực sẽ là nơi làm bãi chiến trường để các cường quốc tỷ thí binh đao? Có lẽ, thời gian chỉ cần 1 thập niên trở lại là sẽ có chiến tranh trong khu vực, đặc biệt, trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, thì chiến tranh xảy ra sẽ không lâu. Còn ở đâu là bãi chiến trường cho cuộc chiến cũng không khó đoán, nếu các chính khách là những hôn quân như trong quá khứ.

Cầu chúc cho dân tộc tôi có một tương lai không đen tối như trong quá khứ gần. Những câu thơ cũ lại hiện về văng vẳng một thời: "Chiến tranh về anh mất mẹ cha/Tuổi trẻ sinh ra chưa lớn đã già". Một thời mà ai nhắc đến cũng nghi ngại vì có quá nhiều dối lừa, mà dân tộc tôi chỉ biết bán máu xương để một số tầng lớp chính khách ăn trên ngồi trốc với lũ ngoại bang. Nhục!





No comments:

Post a Comment

View My Stats