Wednesday, 26 December 2012

ĐỌC BÁO TRONG NƯỚC CUỐI NĂM (Song Chi)




Wed, 12/26/2012 - 23:38 — songchi

Thông thường cứ vào cuối năm, báo chí trong nước lại có những bài viết theo dạng tổng kết, nhìn lại những sự kiện chính trong năm trên các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, văn hóa, giáo dục, thể thao… Với những ai đang sống trong nước hoặc thường xuyên theo dõi tình hình thì không cẩn đọc những bài như vậy cũng thừa biết bức tranh toàn cảnh của VN 2012 có nhiều mảng u ám ra sao, nhưng dù sao, khi đọc một loạt bài tổng kết, cũng là dịp để nhìn lại rõ hơn.

Đối với những người con dân Việt luôn ưu tư cho vận mệnh đất nước, những nguy cơ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, đến chủ quyền đất nước là mối quan tâm hàng đầu. Trong năm 2012, mối nguy cơ ấy ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi nhà cầm quyền TQ ngày càng không che dấu tham vọng của họ muốn lấn chiếm, kiểm soát cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương qua hàng loạt những vụ đụng chạm, tranh chấp với các nước láng giềng trong đó có VN.

Riêng với VN, do tình thế “thân cô thế cô” của nhà cầm quyền VN cũng như sự khiếp nhược, khả năng nhẫn nhịn vô giới hạn của họ, nên TQ đã tiến được những bước khá dài trên lộ trình tìm cách nuốt dần VN song song với việc hiện thực hóa những vùng biển, đảo đã đánh chiếm được.

Bài viết “Việt-Trung 2012: Sóng từ biển Đông” trên báo VietnamNet cho người đọc thấy được những bước tiến dài của Bắc Kinh trong năm qua ra sao. Từ tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” “gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam) được phát đi cuối tháng 6”, tới nay TQ đã ráo riết xúc tiến hàng loạt những hành động hợp thức hóa Tam Sa như đặt trụ sở, xây bến cảng, sân bay, cầu tàu, văn phòng hành chính..., sẽ lần lượt khởi công xây dựng các công trình về xử lý chất thải,chung cư, đường đi, tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc ngày 1 tháng 10 tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa…

Trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN, TQ cho mời mở thầu quốc tế các lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam; tàu cá, tàu hải giám TQ thường xuyên tấn công tàu cá, bắt giữ ngư dân VN; tiếp theo lại đến chuyện cấp hàng triệu hộ chiếu mới cho công dân TQ có in chìm bản đồ lưỡi bò, xuất bản bản đồ “thành phố Tam Sa”; tàu TQ cố tình cản trở và làm đứt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của VN (và đây không phải là lần đầu)…

Ngang ngược hơn, một quy định mới sẽ cho phép cảnh sát biển TQ được “lên tàu, kiểm tra, tịch thu và trục xuất tàu nước ngoài” trong vùng biển mà Bắc Kinh cho là lãnh hải của mình ở Biển Đông đang có tranh chấp. Báo chí truyền thông TQ cho hay quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013. Nghĩa là VN xem như mất biển!

Thế nhưng để đối phó lại với tình hình như nước sôi lửa bỏng này, nhà cầm quyền VN đã, đang và sẽ làm gì?

Năm 2012 cũng cho thấy sự khiếp nhược ở một mức độ cao hơn của Hà Nội. Không những thế, qua những bài nói chuyện của ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho đến một ông đại tá ở Học viện Quốc phòng Trần Đăng Thanh đều lộ rõ quan điểm chưa đánh đã hàng, khi cứ nhai đi nhai lại quan điềm bằng mọi cách phải giữ vững hòa bình ổn định ở biển Đông cho dù có phải trả giá đắt, tiếp tục giữ vững mối quan hệ “tốt đẹp” giữa hai đảng, hai nhà nước…Và để làm được điều đó, họ sẵn sàng bịt miệng nhân dân, sẵn sàng đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước của người dân nhằm phản đối những hành động ngang ngược của TQ và bắt giam bất cứ ai dám lên tiếng cảnh báo họa mất nước…

Năm 2012 là một năm ảm đạm, thất bát về kinh tế. Trong lúc các báo, đài nước ngoài đồng loạt đưa tin “Kinh tế VN tăng trưởng chậm nhất từ 1999" (BBC)”, “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất từ 13 năm qua” (RFI), “Kinh tế trì trệ gây áp lực lên giới lãnh đạo Việt Nam” (VOA)… thì trên báo chí trong nước, qua những bài viết tổng kết cuối năm, tình hình kinh tế quả là đáng lo ngại.

Những lĩnh vực bị khủng hoảng rõ rệt như bất động sản bị “đóng băng” kéo theo hàng loạt đại gia bị chôn vốn lâm vào nợ nần; lĩnh vực tài chính-ngân hàng với những quyết định không hợp lý về quản lý vàng, ngoại tệ, độc quyền kinh doanh vàng miếng khiến thị trường vàng, ngoại tệ càng thêm rối, hàng loạt đại gia trong ngành ngân hàng bị bắt, bị vỡ nợ…Thị trường chứng khoán càng thê thảm hơn, có những lúc sụt đến tận đáy, khiến hàng loạt đại gia cháy túi…

Trang Café F điểm lại “10 sự kiện tài chính ngân hàng nổi bật năm 2012” mà chỉ cần lướt qua những cái đề mục nhỏ cũng đủ thấy tình hình ra sao:

1. Năm “xuống dốc” của ngành ngân hàng. 2. tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm. 3. Nợ xấu tăng vọt. 4. Lợi nhuận ngân hàng giảm 40%. 5. Lãi suất giảm 3– 8%. 6. Độc quyền vàng miếng. 7. Tái cơ cấu các TCTD yếu kém. 8. Đổi chủ ngân hàng. Trong đó “Hai vụ “đổi chủ” đình đám trong ngành ngân hàng năm nay là ngân hàng Sacombank và TienPhongBank.”9. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng tăng đột biến. với những vụ gây xôn xao dư luận như vụ “chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng quản lý rủi ro của ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, cùng đồng phạm…vụ nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên,, nguyên TGĐ Lý Xuân Hải, nguyên chủ tịch Trần Xuân Giá và 3 nguyên phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang của ACB bị khởi tố…”10. Nỗ lực điều hành chính sách của cơ quan quản lý.

Những bài báo mới nhìn cái tựa như “Hàng chục nghìn tỷ đồng giải cứu nền kinh tế” (VNExpress), “Hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp” (Thời báo Kinh tế Saigon), “Hàng chục nghìn tỷ đồng “xả” hàng tồn kho, phá băng bất động sản” (Dân trí)…cũng có thể thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Kinh tế bị khủng hoảng, khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ, thậm chí phá sản. Tuần Việt Nam có bài: “2012: Năm xấu của 'đại gia' Việt” điểm lại những “đại gia” bị ngã ngựa trong năm, hoặc sa vào vòng lao lý hoặc ngập trong nợ nần do đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như ngân hàng, bất động sản… Sự sa sút của họ kéo theo việc giảm giá của những cổ phiếu công ty mà họ đang nắm giữ, khiến số tài sản của họ càng hao hụt thêm.

Lạm phát phi mã, đồng tiền bị mất giá, trong khi đó thì những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện lại tăng và tăng, khiến đời sống người dân càng thêm mệt mỏi. Hậu quả trước mắt là tình hình lương thưởng ngày Tết tụt xuống: “Nhiều doanh nghiệp “làm ngơ” thưởng tết”, báo Dân Việt, “Hàng loạt ngân hàng cắt thưởng Tết” (VNExpress)…Tình hình mua sắm của người dân cũng giảm: “Tết dương lịch: Ngắm nhiều mua chẳng bao nhiêu”, (Thanh Niên), “Giáng sinh buồn của các nhà bán lẻ”, (PetroTimes)…

Bức tranh kinh tế đã thế, bức tranh xã hội càng ảm đạm.

Năm 2012, mức độ dã man trong các vụ án hình sự “cướp, giết, hiếp” các kiểu dường như càng tăng. Người dân ngày càng cảm thấy bất an mỗi lúc ra đường khi tình trạng cướp giật ngày càng táo tợn, hung hãn, có những vụ kẻ cướp thản nhiên chặt tay, cứa cổ người đi đường chỉ để cướp điện thoại hay xe gắn máy. Độ tuổi của kẻ thủ ác cũng ngày càng trẻ hóa.

Báo Pháp luật có bài “10 vụ án chấn động dư luận trong năm 2012” trong đó có vụ án xuất phát từ việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), còn gọi là vụ án Đoàn Văn Vươn khiến dư luận đặc biệt quan tâm vì đây là lần đầu tiên, người dân bị cướp đất đã nổ súng chống lại lực lượng thi hành tức chính quyền; vụ án bầu Kiên gây xôn xao vì đây là một nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng cũng như trong lĩnh vực bóng đá; hay vụ Dương Chí Dũng-nguyên cục trưởng Cục hàng hải với những sai phạm liên quan đến “con tàu đắm” Vinalines…

Trong lĩnh vực giáo dục, tình trạng bết bát đã được dư luận nói đi nói lại nói hoài nói mãi mà cũng chẳng thay đổi gì. Năm nay tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Từ sự quá tải của chương trình học ở bậc phổ thông, những tranh cãi chung quanh việc có nên tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông rồi lại thi vào đại học, nạn gian lận trong thi cử, chạy trường, chạy điểm, nạn học thêm, dạy thêm…

Báo PetroTimes có bài “Những sự cố đáng quên của ngành giáo dục năm 2012”, báo Người đưa tin cũng có bài “10 sự kiện giáo dục được quan tâm nhất năm 2012” trong đó nhắc lại những vụ nổi cộm như vụ tiêu cực trong thi cử ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) làm chấn động ngành giáo dục cả nước, “làn sóng” nói không với tại chức bắt đầu từ Đà Nẵng rồi một loạt các tỉnh thành khác, hay hiện tượng hàng loạt học sinh tự tử chỉ vì bị cô giáo la, vì những lý do nhỏ nhặt…Vụ sai phạm trong liên kết, liên doanh đào tạo ở ĐHQG Hà Nội hay vụ nhiều cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài bị rút giấy phép v.v…cho thấy sự bát nháo của môi trường giáo dục VN.

Ngành y tế trong năm qua cũng đáng buồn không kém. Bài “Những nhức nhối của ngành y năm 2012”của báo Sức khỏe liệt kê ra từ việc tăng viện phí không cam kết tăng chất lượng, hiện tượng các phòng khám có bác sĩ “chui” người TQ gây nhiều tai họa hay những vụ tai biến sản khoa gây chết người quá nhiều trong năm…Bên cạnh đó, một số căn bệnh mới, chưa rõ căn nguyên như bệnh “lạ” ở Quãng Ngãi, bệnh tay chân miệng, bệnh do amip ăn não người ….khiến người dân hoang mang sợ hãi mà ngành y tế thì vẫn chưa tìm ra nguyên nhân hoặc xử lý chậm chập, quan lieu.

Báo VietnamNet thì tập trung vào các tai biến sản khoa “Năm Rồng, tai biến sản khoa tăng đột biến” tại nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh thành khác nhau. Những ca tử vong này thường khiến người nhà nạn nhân bức xúc, dẫn đến tình trạng giằng co căng thẳng, lắm khi xô xát giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện.

Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, hai chữ scandal được nhắc đến khá nhiều trong những bài báo tổng kết cuối năm. Từ những vụ scandal bán dâm trong một số vụ án có liên quan đến giới người mẫu, scandal khoe thân hở ngực cũng của giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ, scandal do “vạ” miệng, hay do hành xử bộc lộ phông văn hóa kém ở một số ca sĩ, diễn viên trong đó vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn một nhà sư trẻ là ồn ào nhất…Báo VietnamNet đã phải viết một bài “Cảm ơn…scandal” “như cách chào tiễn biệt lịch sự khi sự chịu đựng quá đủ”.

Có cảm giác như một thiểu số trong giới showbiz ngày càng có quan niệm phải đi tắt, phải nổi tiếng nhanh và muốn vậy thì còn đường dễ nhất, nhanh nhất là gây scandal để được chú ý. Những biện pháp xử lý quá nhẹ, không ăn thua gì của cơ quan chức năng khiến những người muốn đi lên bằng scandal càng lờn thuốc, tiếp tục nay tung chiêu này mai tung chiêu khác, còn công chúng thì đã quá mỏi mệt, chán ngán. Trong một môi trường văn hóa văn nghệ có quá nhiều “rác” nổi lên trên, quá nhiều kẻ bất tài, hám danh và không biết xấu hổ thì chẳng trách gì những người có tài năng thật sự nhưng không muốn tiến thân bằng chiêu, trò phải chịu thiệt thòi.

Năm 2012 cũng là năm mà bóng đá-môn thể thao được yêu thích nhất của đại đa số người dân VN chịu nhiều thăn trầm. Thật ra tâm lý xây nhà từ nóc hay sự yếu kém trong điều hành quản lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đã là chuyện từ lâu, giống như lĩnh vực giáo dục hay y tế, và không lạ gì khi đội tuyển VN thất bại thê thảm tại AFF Cup 2012, “Chỉ có 1 điểm sau vòng bàng với 1 trận hòa, 2 thua, 2 bàn thắng trong khi hứng chịu tới 7 bàn thua. Đó là kết quả tồi tệ nhất của bóng đá VN trong lịch sử tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam A! cảu đội tuyển VN từ năm 1996 đến nay” (“10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2012”, báo Thể thao).

Tuy nhiên, năm nay do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế khiến một số doing nghiệp, đại gia từ trước vẫn hào phóng tài trợ cho ngành bóng đá bỏ của chạy lấy người, dẫn đến một số đội bóng phải giải thể, hàng loạt cầu thủ rơi vào tình cảnh thất nghiệp, nợ nần, có người phải tìm cách đầu quân sang nước khác, có người đi học, xoay nghề khác hoặc ngồi chờ thời…

Nhìn lại hàng loạt lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao…trong năm 2012, dù lạc quan đến đâu, cũng khó lòng mà nhìn thấy những thành tựu, cũng như triển vọng tươi sáng cho năm 2013.

Đó là báo chí nhà nước, nên không thể nào bảo là cái nhìn lệch lạc, có dụng ý bôi xấu xã hội, bôi xấu chế độ. Còn nếu trên báo chí “lề dân”, trên các diễn đàn, trang blog cá nhân thì tình hình đất nước, xã hội VN còn bi đát hơn nhiều, với những bài tổng kết kiểu như chọn lựa các “nhân vật” tiêu cực đình đám nhất, những câu phát ngôn “ấn tượng” nhất vì sự ngu lâu, đã ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm của các quan chức VN v.v…

Khi một cái nhà đã mục nát thì đụng vào đâu cũng thấy mục ruỗng. Điều này cũng đúng với VN khi cái bộ máy vận hành quốc gia là đảng và nhà nước cộng sản đã ở vào giai đoạn thoái hóa đến tận cùng kéo theo toàn bộ mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước cũng bị trì trệ, khủng hoảng, phơi bày tất cả những vấn đề của nó. Chẳng biết năm 2012 cuộc khủng hoảng của đảng và nhà nước cộng sản VN đã được coi là chạm mức đáy vực chưa hay “đảng ta” còn mất một thời gian vật vã nữa mới thực sự chết hẳn?








No comments:

Post a Comment

View My Stats