Phạm Kỳ
Đăng
28/12/2012
Bài nói chuyện của
đại tá Trần Đăng Thanh tiết lộ khá nhiều về suy nghĩ âu lo kín đáo của giới
lãnh đạo tầng cao nhất, và nếp tư duy này không chút mấy thay đổi từ khi những người
cán bộ tuyên huấn tiếp thu học thuyết giáo điều về giai cấp và chuyên chính vô
sản, ở phạm vi trong nước được nâng lên thành luận lý lớp lang từ thời chiến
tranh lạnh. Lối tư duy bùng nhùng trong những phạm trù vón cục đơn nguyên –
tương phản như “ta > <địch” , “thù > < bạn”, “trắng> < đen”,
“chính nghĩa> <gian tà”, “cách mạng> < phản động”, “theo > <
chống” v.v., phát sinh nhận thức thiển cận, từ đó gây ra những ảo tưởng, kéo
theo đòi hỏi vô lý về lập trường, thái độ và những hệ lụy khôn lường.
Trong quá khứ, khi xảy ra những tình huống cần có tiếng nói biểu
lộ độc lập và chủ quyền dân tộc như dạo tháng Mười năm 1962, chính phủ Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc xua quân đội nước này tràn qua
biên giới Ấn Độ, và đớn đau thay gửi công hàm tán thành Trung Quốc tuyên bố hải
phận (1958), cũng như sau này (1974) không phản đối chính quyền Mao Trạch Đông
– Chu Ân Lai đánh chiếm Hòang Sa của Việt Nam Cộng hòa. Vào năm 1978, CHXHCN
Việt Nam tán thành LBCHXHCN Xô Viết đổ quân vào Afghanistan. Trong khi cố công
loay hoay xác định kẻ thù chiến lược, nhà nước Việt Nam nhiều khi cực đoan coi
“thù của thù” là bạn, từng giao hảo với nhiều nhà nước độc tài ngang ngược bị
cô lập trên thế giới. Ngày nay Việt Nam có nguy cơ tự đẩy mình xuống đứng chung
chiến hào với nhiều nhà nước khét tiếng như CHDCND Triều Tiên, Haiti, Cuba,
Iran. Cũng như CHDCND Trung hoa, nhà nước Việt Nam không có đồng minh thực sự.
Việt Nam đang lẻ loi đứng đơn thương độc mã hơn bao giờ hết.
Chính
quyền Mỹ cũng như nhiều nước khác thực hiện chính sách đối ngoại xuất phát
trước hết từ quyền lợi dân tộc của họ. Nước Mỹ, trong quá khứ, đặt chân đến
Việt Nam trong bối cảnh viễn chinh đối đầu với nguy cơ lan rộng của phong trào
cộng sản. Phát động cuộc chiến Việt Nam, nhà nước Mỹ, cho đến khi bỏ rơi miền
Nam và Việt Nam, đã để lại gánh nợ máu xương với nhân dân hai miền. Ở thời điểm
cuộc chiến đến độ cao trào, một phong trào chống chiến tranh đòi quân đội Mỹ
rút về nước lan rộng khắp nơi.
Chính
quyền Mỹ từng bị thao túng bởi những lực lượng hiếu chiến, và cao trào chống
cộng quá khích, ngụy tạo xung đột, gây đảo chính hay đưa quân tham chiến, gây
đổ máu vô nghĩa ở nhiều nước, trên xương máu của cả con em mình. Người dân Mỹ
không phải hôm nay đây mới biết chính phủ của họ chuốc thù chuốc oán quá nhiều.
Nhưng
những gì nước Mỹ mang lại cho văn minh nhân loại không đơn thuần là những giá
trị đong đếm tầm thường mà một ông đại tá ngạch tuyên huấn có thể trông thấy
được. Nước Mỹ đóng vai trò lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, và sau
đó đi đầu trong cuộc chiến khuất phục chế độ tòan trị thắng phát xít nhưng tàn
bạo không kém. Văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ảnh hưởng lên nhiều quốc gia. Người Mỹ
gieo mầm và đỡ đầu cho nền dân chủ tại Đức và Nhật – những nước có quá khứ phát
xít và quân phiệt, tạo điều kiện để các quốc gia này đi tới hùng cường. Trong
lòng nước Đức hôm qua, trong khi nhiều người ác cảm với Mỹ kéo xuống đường ra
mặt phản đối chiến tranh Việt Nam, chống cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại
Irắc, biểu tình đòi Mỹ ký Thỏa thuận về Môi trường và Khí thải, thì cũng vẫn
như xưa, hôm nay vẫn có nhiều hiệp hội, nhiều tổ chức chào đón, bênh vực nước
Mỹ nhiệt thành. Có người bạn Đức nói với tôi rằng thế giới cần có nhiều nước Mỹ
như vậy, bởi nếu châu Âu bị một nhà nước Hồi giáo cực đoan hoặc một quân đội
khủng bố tấn công bằng quân sự, ai sẽ lại đứng ra bảo vệ châu Âu, nếu không
phải là Mỹ? Đấy, thái độ và tình cảm của người dân ở nhà nước dân chủ phức hợp
như vậy, mà thế đâu phải là dở. Và ngay tại nước Mỹ, nhân sĩ trí thức, sinh
viên cũng như công dân ở mọi tầng lớp chẳng đã hơn nghìn lần xuống đường phản
đối chính quyền nước họ vì thực thi những chính sách sai trái.
Tuy
nhiên trên tinh thần đề cao dân chủ, nhà nước Mỹ luôn có đồng minh tin cậy. Dù
có nhiều khác biệt trong thái độ của các lực lượng đảng phái, Liên minh châu
Âu, Nhật, và nhiều nước trong khối Asean sẽ đứng cùng với Mỹ mà không cần gì
đến những thứ bùa ngải làm con tin kiểu Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt.
Nhà
nước Trung hoa hiện nay đang thực thi một chủ nghĩa dân tộc bá quyền không chia
sẻ lợi ích gì với xóm giềng và mọi quốc gia trên thế giới. Với đà tăng trưởng
kinh tế vượt bực, Trung quốc xây dựng một quân đội hùng mạnh, đáng tiếc không
góp phần vào sự ổn định khu vực. Mũi tấn công quân đội chĩa hết sang các quốc
gia lân bang kèm theo những yêu sách tréo ngoe về chủ quyền lãnh thổ, trong đó
mũi độc nhất hướng tới Việt Nam.
Ngay
từ khi thành lập nhà nước CHDCND Trung hoa, chính quyền này đã gầm ghè ăn cướp,
sách nhiễu với mọi nhà nước có chung biên giới. Tuy vậy người khổng lồ Trung
quốc hôm nay luôn hở sườn, luôn lộ gót asin dù có hiện đại hóa quân đội mấy đi
chăng nữa, bởi Trung quốc không có đồng minh. Cả một biên giới dài rộng hàng
nghìn cây số tiếp giáp Mông Cổ, Nga và Ấn Độ dư thừa địa hình để cho đối phương
lập căn cứ cách vài trăm km có thể tấn công Bắc Kinh trong chớp nhoáng. Về đối
ngoại, nhà nước Tàu hung hăng ngang ngược. Chính sách đối nội thù địch với nhân
dân, áp bức nhiều sắc tộc, nên tiềm ẩn nguy cơ xung đột và nội chiến. Nguy hiểm
hơn, trong ý thức người dân Trung hoa đang say sưa với tinh thần dân tộc được
kích động giải tỏa ẩn ức, chưa xuất hiện những luồng suy nghĩ phê phán độc lập.
Lớp nhân sĩ trí thức Trung hoa, thời hiện đại vốn đã yếu ý thức nhân văn, nay
thiếu vắng hẳn tiếng nói mạnh mẽ lên án nhà cầm quyền ngạo mạn ăn cướp Hoàng Sa
-Trường Sa hay đưa ra yêu sách độc chiếm biển Đông.
Chẳng
lẽ bao bà mẹ trẻ em chết trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 không đáng được
nhắc tới như nhiều nạn nhân của đợt ném bom B52 vào Hà Nội, trong những ngày kỷ
niệm “Điện Biên Phủ trên không” rầm rộ trên báo chí? Hồn tử sĩ Việt Nam trên mồ
biên giới đòi cơn chẳng thể là gì khác hơn là yêu cầu thanh tóan ngay cho xong
ơn huệ?
Luẩn
quẩn trong chiến lược xác định bạn thù, Việt Nam đã bỏ qua nhiều vận hội lịch
sử. Sau khi từ chối lần đầu gia nhập khối Asean, Việt Nam tự cho là bên thắng
cuộc, bần cùng phải cầu hòa ở Thành Đô, bất đắc dĩ nhận thấy nhu cầu hòa nhập.
Câu
hỏi đặt ra sẽ là Việt Nam cần hội nhập vào thế giới, hay thế giới cần hội nhập
vào Việt Nam?
Trong
bối cảnh ngày càng bị chèn ép về chủ quyền và lãnh thổ, chúng ta không nhất
nhất phải kích động và lôi kéo theo lề lối “theo ai/chống ai”, bởi vị thế với
nền kinh tế èo uột không đủ sức cho Việt Nam hành xử phi thường như vậy. Vấn đề
mấu chốt là Việt Nam hôm nay rất cần đồng minh thực thụ. Các nhà lãnh đạo
thường xuyên tuyên bố Việt Nam muốn kết bạn giao hảo với mọi người cũng như
đang nỗ lực xây dựng nhiều mối quan hệ, như họ nói, mang tầm chiến lược. Nhưng
e rằng mối giao hảo nặng thù tạc này thực ra chỉ chiến lược với nhà nước Việt
Nam thôi. Các quốc gia dân chủ, thực tâm đều rất mong một Việt Nam giàu mạnh có
vị thế ở Đông Nam Á, tuy rằng cũng nói về tầm chiến lược, thực tế không một ai
đứng ra che chắn, vì họ nhìn Việt Nam e dè như nhìn chính quyền Trung Quốc,
chừng nào các nhà nước này chưa đại diện cho ý chí rất khác nhau của mọi tầng
lớp và thành phần nhân dân của họ. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nhà nước nào trên
thế gian này sẽ tôn trọng nhà nước Việt Nam nếu chính nhà nước Việt Nam không
tôn trọng người dân để cho họ tự do bầu cử hoặc xuống đường biểu tình vì chủ
quyền lãnh thổ, nếu một nhà nước ra khỏi nhà không có vị thế đàng hòang của
người chính chủ. Cave không chính danh có thể đi lang chạ khắp nơi, đáng buồn
chẳng ai nặng lòng yêu cave cả. Cho nên tốt nhất chính quyền trên hết thẩy nên theo
Việt Nam, tức thể theo nguyện vọng của đồng bào, theo ý nguyện của dân tộc
ViệtNam.
P.K.Đ.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment