Thứ
năm, ngày 27 tháng mười hai năm 2012
Đọc xong bài "Củng cố hòa
bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và xây dựng Tổ Quốc" của ông Nguyễn Chí Vịnh, mình
cảm thấy hoa mắt nhức đầu bởi quá nhiều câu từ lòng vòng, rông dài lê thê. Một
cảm giác mệt mỏi, bức bối rất khó tả. Thực sự, ông Vịnh muốn nói điều gì đây
khi tung ra một bài báo với những lập luận lan man, vòng vo, mịt mù, được cài
cắm đan xen với những câu, những mệnh đề mà Bắc Kinh thường hay tuyên truyền?
Những lập luận mù mịt, phi logic
- Đáng lẽ: “Dù biển không phải của riêng ai, nhưng mỗi nước
đều có chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm” thì ông Vịnh lại cố tình viết
ngược nhằm làm giảm nhẹ yếu tố chủ quyền thiêng liêng: “ Dù mỗi nước đều có chủ
quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm song biển không phải của riêng ai”.
- Đáng lẽ: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng
rất yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc” thì ông Vịnh lại nói ngược
cốt làm nhẹ tinh thần hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc: “Nhân dân ta rất yêu nước, sẵn
sàng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc nhưng cũng rất yêu chuộng hòa bình”.
- Ông Vịnh viết: “Mục tiêu của mọi cuộc chiến tranh bảo vệ
Tổ Quốc là kiến tạo hòa bình để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”. Cần phải
nói rõ rằng mục tiêu của mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc là : Bảo vệ lãnh
thổ, bảo toàn độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân. Vì sao ông Vịnh lại
tung hỏa mù “kiến tạo hòa bình” vào đây?
- Theo ông Vịnh: “Nếu không hiểu hoặc cố tình hiểu không
đúng quyền và lợi ích của mõi quốc gia trên biển thì xu thế cạnh tranh sẽ nổi
trội, kéo theo những cọ xát với hệ lụy khôn lường”. Ông sợ ai, né ai mà nói
nước đôi như vậy, lại còn “cọ xát”, coi chừng như cặp tình nhân “cọ xát” vào
nhau sẽ dẫn đến đến “cực khoái” !
- Ông Vịnh khẳng định: “Thời đại hôm nay không còn là thời
mà quốc gia này có thể ỷ trên sức mạnh áp đặt ý chí lên một quốc gia khác”, cứ
như là hiện nay không có Trung Quốc với bản chất bành trướng nham hiểm, hung
bạo, đang thực thi chủ nghĩa thực dân mới trên toàn cầu?
Đặt câu hỏi dài dòng, và tự trả lời
vô duyên
Ông Vịnh tự đặt câu hỏi: “Liệu Việt
Nam có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được độc lập tự chủ,
không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn, đồng thời giữ
được quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực hay không”, và tự
trả lời: “Hoàn toàn có thể được!... Vì chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hoàn
toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại, đó là xu thế hòa bình,
hợp tác và phát triển của tất cả các nước trên thế giới”.
Câu hỏi trên dài dòng, luộm thuộm và
rắc rối, làm mờ đi nội dung cốt yếu: Việt Nam có bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ
hay không? Còn câu trả lời thì nhẹ bâng, chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Cái xu
thế thời đại, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của tất cả các nước chắc
là đã được ông Vịnh trừ ra con ngoái ộp Trung Quốc, đang từng ngày từng giờ toan
tính bằng mọi giá chiếm trọn Biển Đông ?
Bắc Kinh hài lòng
Những câu sau đây của ông Vịnh chắc
chắn sẽ làm cho Bắc Kinh vô cùng hài lòng, bởi đây là những điều Bắc Kinh mong
muốn hoặc là những luận điệu của bọn bành trướng thường hay tuyên truyền đối
với Việt Nam:
- Việt Nam khẳng định không tham gia các can dự có tính chất
quân sự, không tham gia các liên minh quân sự, không theo nước này để chống
nước khác.
- Chúng ta cần trực tiếp giải quyết với Trung Quốc những tồn
tại giữa hai nước trên Biển Đông, không để ai can thiệp vào vấn đề giữa Việt
Nam và Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực, theo
tinh thần thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên
biển mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký với lãnh đạo Trung Quốc cuối năm
2011.
- Với tư cách láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và
đối tác tốt, chúng ta tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị đối với Trung
Quốc.
- Chúng ta đã chủ động xử lý các vấn đề trong quan hệ với
Trung Quốc nhằm phục vụ mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai
nước theo phương châm “16 chữ và tinh thần 4 tốt”, tăng cường mối quan hệ tin
cậy giữa hai quân đội, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, từ
đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành giải quyết các vấn đề trong
quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày
1-1-2013, thời điểm Trung Quốc bắt đầu khám xét mọi tàu thuyền trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng đã tuyên bố chi một khoản tiền lớn 1,6 tỉ USD để xây dựng
“thành phố Tam Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa
mà bọn chúng đã xâm chiếm của Việt Nam.
Điều kỳ quặc là bài viết của ông Vịnh
không có lấy một câu một từ nói về việc bọn bành trướng Trung Quốc ngang nhiên
chiếm đoạt những phần lãnh thổ nói trên, trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt
Nam, mà tiêu đề bài viết đã nhấn mạnh tới "Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
Trong khi đó, ông Vịnh lại đề xuất phương pháp bảo vệ chủ quyền là “khẳng định
bảo vệ chủ quyền” và “bằng biện pháp hòa bình”, một cách nói rất yếu ớt và yếm
thế trước sự ngông cuồng và tham tàn của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với Biển
Đông.
Vậy thì cần phải đặt câu hỏi: ông Nguyễn Chí Vịnh có muốn
đòi lại Hoàng Sa, một phần Trường Sa cho Việt Nam không?
Ít nhất, cứ theo những gì trong bài viết của ông Vịnh thì
câu trả lời là: Không !
No comments:
Post a Comment