Monday 24 December 2012

LUẬN VỀ TRUNG QUỐC PHẢI TIẾN HÀNH CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT LẦN 2 (Trần Ương Triều / Trần Nhĩ Tấn)




Tác giả: Trần Ương Triều (Trần Nhĩ Tấn)
Nguồn :  Boxun  22-12-2012

Người dịch: XYZ    
Posted by basamvietnam on 24/12/2012

“… người nông dân vẫn chỉ có quyền sử dụng ruộng đất, chứ không có quyền sở hữu ruộng đất. Quyền sở hữu ruộng đất được nhấn mạnh rõ ràng là của nhà nước, nhưng thực tế là sở hữu của Đảng.”
Chính quyền các cấpcưỡng bức người nông dân bán ruộng đất với giá thấp, rồi bán lại với giá cao cho các đại gia nhằm mưu lợi nhiều hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dân oan bị cưỡng chế liên tục đi khiếu kiện trong những năm qua.”
Theo quy luật báo ứng nhân quả, ĐCSTQ đã đoạt được chính quyền nhờ vào sự lừa dối và lợi dụng người nông dân, thì cũng sẽ đi đến suy tàn và sụp đổ bởi sự tỉnh ngộ và phản kháng của người nông dân.”

------------------------------

 (“Thánh quân luận” Đệ tiết tuyển)

17.1. [i] Ở thế kỷ trước, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với lá cờ và khẩu hiệu cách mạng ruộng đất thực hiện người cày có ruộng, đã huy động được đông đảo nông dân Trung Quốc lao vào cải cách ruộng đất (CCRĐ) một cách thành công, rồi cuối cùng đã khiến cho ĐCSTQ đoạt được chính quyền trên cả nước.

17.2. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, tháng 1 năm 1950, Trung ương ĐCSTQ truyền đạt “Chỉ thị về việc thành lập ủy ban CCRĐ trong chính quyền nhân dân các cấp và tổ chức phong trào CCRĐ do hiệp hội nông dân các cấp trực tiếp lãnh đạo”, mở đầu cuộc CCRĐ. Rồi quả đúng như lời hứa là đã phân chia ruộng đất đến tay đông đảo nông dân, thực hiện người cày có ruộng. Bởi thế mà ĐCSTQ đã rất được lòng dân và giành được quyền uy cực lớn.

17.3. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, ĐCSTQ bắt đầu trở mặt. Đầu tiên là chính sách thống nhất mua bán[ii], lợi dụng sức mạnh chính quyền của bộ máy nhà nước để cưỡng bức định giá trưng mua sản phẩm của nông dân, mà thực chất chính là bức cướp của nông dân.

17.4. Ngày hôm nay đòi hỏi phải giải thích cho rõ về điều này. Cái gọi là thống nhất mua bán chính là dùng lực lượng cưỡng chế của chính quyền để cưỡng bức nông dân bán lương thực mình đã sản xuất cho nhà nước, toàn bộ lương thực cho nhu cầu của xã hội hoàn toàn do nhà nước cung cấp, cả số lượng và chủng loại sản phẩm mà chính người nông dân ăn cũng phải được nhà nước phê chuẩn đã mới được giữ lại. Mỗi gia đình ở thành phố, thị trấn có một sổ lương thực[iii] để cung cấp lương thực dựa theo sổ này. Ngoài ra, nhà nước còn khống chế chặt chẽ thị trường lương thực, cấm chỉ buôn bán tự do lương thực… ĐCSTQ thông qua sự độc quyền cực mạnh lương thực, là nhu cầu đầu tiên của dân sinh, để thực hiện sự chuyên chính toàn diện đối với toàn thể nông dân và toàn thể người dân.

17.5. Tiếp đến, ĐCSTQ lại thực hành chính sách biểu đồ tỷ giá công nông nghiệp suốt trong thời gian dài, để từ đó thực hiện sự tích lũy ban đầu cho công nghiệp hóa. Cũng có nghĩa là, nền kinh tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được xây dựng trên sự bóc lột và chèn ép tàn bạo đông đảo nông dân.

17.6. Ngày hôm nay cũng cần phải giải thích cho rõ về cái gọi là biểu đồ tỷ giá công nông nghiệp này. Cái gọi biểu đồ tỷ giá công nông nghiệp là chỉ mức chênh lệch khi trao đổi các sản phẩm công nông nghiệp, giá cả sản phẩm công nghiệp sẽ cao hơn giá trị, còn giá cả sản phẩm nông nghiệp lại thấp hơn giá trị. Vì có ý đồ dùng biểu đồ này để biểu thị hình thái mở cắt giảm mà đặt tên như vậy. Nó cho thấy sự trao đổi giá bất bình đẳng giữa giá trị các sản phẩm công nông nghiệp, thực ra chính là thể hiện sự bội phản cùng sự bóc lột và chèn ép tàn bạo người nông dân suốt trong thời gian dài của ĐCSTQ.

17.7. Điều thậm tệ hơn là, ĐCSTQ đã khoanh vùng hoạt động của người nông dân, tước đoạt sạch quyền tự do di chuyển của người nông dân. Người nông dân không được vào sinh sống trong thành phố, không được hưởng những đãi ngộ của người dân thành phố, trở thành thứ tiện dân hết đời này sang đời khác, kém xa người dân thành phố về các phương diện cung ứng vật chất, giáo dục văn hóa…! Thứ tiện dân hết đời này sang đời khác là người nông dân này đích xác đã rơi vào tình cảnh nô lệ, cho đến tận bây giờ vẫn không có gì thay đổi!

17.8. Lại nói về vấn đề ruộng đất, ĐCSTQ bằng lực lượng cưỡng chế của nhà nước mà năm 1956 đã thực hiện phong trào hợp tác hóa, lại thu hồi ruộng đất từ tay nông dân quy về sở hữu hợp tác xã “tập thể” dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản. Khi thực hiện cái tên mỹ miều “chế độ công hữu tư liệu sản xuất”, tiến hành con đường thổ phỉ hàng thật giá thật để tước đoạt sạch ruộng đất của người nông dân, khiến cho chứng chỉ ruộng đất phát cho nông dân trong CCRĐ hoàn toàn mất giá trị và trở thành con số không.

17.9. Tiếp đến lại tiến thêm một bước lấy danh nghĩa công xã hóa, sự thực là thu hồi hết sạch ruộng đất về cho Đảng một cách danh chính ngôn thuận - bởi vì các công xã thực hành Đảng ủy lãnh đạo, cả nước thực hành sự lãnh đạo tập trung của Đảng.

17.10. Kể từ ngày hợp tác hóa, người nông dân thực sự đã bị mất sạch quyền sở hữu ruộng đất, và cũng bị mất luôn cả quyền tự chủ kinh doanh ruộng đất.

17.11. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1978, khi thực hiện khoán đến từng hộ gia đình ở thôn Tiểu Cương, An Huy, thì người nông dân mới lại có quyền tự chủ kinh doanh ruộng đất một cách hạn chế, sức sản xuất ở nông thôn mới lại được giải phóng và nâng cao ở một chừng mực nhất định.

17.12. Song, người nông dân vẫn chỉ có quyền sử dụng ruộng đất, chứ không có quyền sở hữu ruộng đất. Quyền sở hữu ruộng đất được nhấn mạnh rõ ràng là của nhà nước, nhưng thực tế là sở hữu của Đảng.

17.13. Ruộng đất thực tế là sở hữu của Đảng đã làm nảy sinh một loạt vấn đề. Chính quyền các cấp thực hành tài chính ruộng đất, tiến hành sự móc ngoặc giữa các quan tham, cưỡng bức người nông dân bán ruộng đất với giá thấp, rồi bán lại với giá cao cho các đại gia nhằm mưu lợi nhiều hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dân oan bị cưỡng chế liên tục đi khiếu kiện trong những năm qua.

17.14. Và rồi, từ ngày mở cửa cải cách đến nay, Trung Quốc dựa vào cái gì mà giành được vị trí nước lớn thứ 2 về dự trữ ngoại hối và kinh tế như vậy? Suy cho cùng, cũng vẫn là dựa vào mồ hôi nước mắt của người nông dân bị nô dịch, bóc lột và chèn ép tàn ác mà có được.

17.15. Trước tiên là nhà nước đã vi phạm Hiến pháp, đã không chỉ bóc lột quyền tự do di chuyển của người nông dân, mà còn tước đoạt luôn cả quyền tự do liên kết của người nông dân, khiến cho người nông dân không thể tổ chức được hội nông dân để bảo vệ quyền lợi cho mình. Từ đó khiến cho các nhà đầu tư dùng mức tiền công rất thấp để kiếm được lợi nhuận cao, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực sự đã lấy đó làm sự cám dỗ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.

17.16. Từ bao nhiêu năm qua, rất nhiều người công nhân nông dân đã phải từ bỏ quê hương, bôn ba khắp nơi để làm những công việc bẩn thỉu nhất, mệt mỏi nhất, cực khổ nhất, và rồi nhận được những đồng tiền công mà giá trị còn xa mới bằng được sức lao động của mình, thường là đừng có mà nói gì đến bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm y tế, lại càng chẳng có mối cơ duyên gì với bảo hiểm phúc lợi xã hội, có những người thậm chí còn rơi vào tình cảnh một thứ nô lệ kiểu mới, khổ mà không biết kêu ai.

17.17. Sau lưng rất nhiều người công nhân nông dân ấy là bao nhiêu thôn làng bị rỗng ruột và ruộng đất bị bỏ hoang, ít nhất có tới 2-3 trăm triệu gia đình thường niên phải sống một cuộc sống gia đình không hoàn chỉnh. Rất nhiều trẻ em bị bỏ lại, phụ nữ bị bỏ lại, người già bị bỏ lại, cay đắng vô tận, nước mắt cứ tuôn rơi…

17.18. Phía sau nền kinh tế tủ kính đô thị xa hoa lộng lẫy ấy là biết bao nhiêu ngôi nhà của các gia đình bị cưỡng chế phá dỡ, người dân không hề có một lực lượng nào để bảo vệ tài sản cho mình, chỉ biết đứng giương mắt nhìn bọn thổ phỉ chính hiệu hoành hành bá đạo.

17.19. Quan chức thế hệ hai hưởng vinh quang phú quý bất tận, đại gia thế hệ hai tiêu tiền như rác, so với người công nhân nông dân thế hệ hai thì quả là khác biệt như thiên đường và địa ngục. Người công nhân nông dân thế hệ hai cuộc sống bấp bênh, ăn mặc không đủ, phân ly giữa thành thị và nông thôn. Rồi người công nhân nông dân và người công nhân nông dân thế hệ hai một ngày nào đó sẽ trở thành lực lượng xã hội mang sức tàn phá cực lớn, sẽ đòi lại công lý từ Đảng và xã hội…

17.20. Tổng kết những sự thật trên đây, lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn rằng việc ĐCSTQ đã lừa dối và phản bội, nô dịch, bóc lột và chèn ép đông đảo nông dân Trung Quốc là sự bạo hành vô đạo chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Theo quy luật báo ứng nhân quả, ĐCSTQ đã đoạt được chính quyền nhờ vào sự lừa dối và lợi dụng người nông dân, thì cũng sẽ đi đến suy tàn và sụp đổ bởi sự tỉnh ngộ và phản kháng của người nông dân.

17.21. Con đường cứu vãn, ĐCSTQ cần lấy tâm thế chuộc tội mà thực hiện lại lời hứa của cuộc cách mạng ruộng đất mà tiến hành cuộc CCRĐ lần 2 - trả ruộng đất về cho nông dân!

17.22. Để xây dựng nền kinh tế tủ kính đô thị trong những năm qua, sự cưỡng chế phá dỡ di dời đã đi tới cùng tận, không nên tiếp tục mãi nữa. Lớp lãnh đạo mới đứng đầu là Tập Cận Bình cần phải nhìn ra được là trả ruộng đất về cho nông dân, tiến hành cuộc CCRĐ lần 2 là công trình lương tâm lớn nhất, là vấn đề cốt lõi của cải cách kinh tế hiện nay, là biện pháp tối ưu để kích thích nhu cầu trong nước, làm sống lại nền kinh tế.

17.23Cuộc CCRĐ mà Đài Loan tiến hành vào năm đó là do nhà nước xuất tiền mua lại ruộng đất từ tay địa chủ để phân chia cho nông dân, để thực hiện người cày có ruộng. Nguồn vốn mua ruộng đất này đã được chuyển hóa thành nguồn đầu tư vào công nghiệp hóa, hình thành nên chu trình lành tính của nền kinh tế thị trường, đã đặt nền móng cho sự nổi lên của Đài Loan là con rồng thứ tư của Châu Á.

17.24. Tôi đặc biệt chọn ngày tái sinh thế giới 21.12.2012 để đăng bài viết ở tiết này, kính mời ngài Tập Cận Bình cùng đội ngũ chấp chính của mình hãy xem xét kỹ lưỡng kiến nghị này của tôi.

17. 25. Có thể dũng cảm trả lại ruộng đất về cho nông dân, tiến hành cuộc CCRĐ lần 2 đúng với nghĩa của nó được hay không chính là hòn đá thử vàng nhằm kiểm nghiệm xem Tập Cận Bình có thành ý trả chính quyền về cho người dân hay không. Rất mong ngài Tập Cận Bình từng trải qua 7 năm trời cùng ăn, cùng ở, cùng lao động gần gũi thân thiết với người nông dân, bằng tính nhân dân mãnh liệt, sẽ mở ra một hình ảnh mới cho Trung Quốc, tạo ra một cục diện mới vạn thế thái bình, trở thành thánh quân vĩ đại!

Nguồn: Boxun.com

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012


[i] Về các số thứ tự này, tôi để theo đúng như nguyên bản. Có lẽ đây là cách trình bày của tác giả trong cuốn sách gồm nhiều tiết. – ND.

[ii] Nguyên văn: 统购统销.

[iii] Nguyên văn: 粮本








No comments:

Post a Comment

View My Stats