Monday, 24 December 2012

CHƯA BAO GIỜ VIỆT NAM BỊ CÔ LẬP NHƯ HIỆN NAY (Vũ Cao Đàm - Bauxite VN)




Vũ Cao Đàm
25/12/2012

Chẳng mấy ngày nữa bước vào năm mới. Tôi giật mình đọc hai bài phân tích rất quan trọng: “Trung Quốc có khả năng đổ bộ và chiếm đóng Trường Sa bằng tàu cá ? ” của Nguyễn Trung Chính và “Nhìn vào năm tới – 2013” của Đoàn Nam Sinh vừa đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 22/12/2012. Bài viết đưa ra một cảnh báo rất đáng quan ngại về nguy cơ nhãn tiền: Trung Cộng đang ráo riết chuẩn bị hoàn tất mưu đồ bá chiếm Biển Đông làm ao nhà của họ.

Cách đây mấy năm, một vị lãnh đạo cấp cao yêu cầu tôi viết một bài phân tích chính sách, tôi đã đưa ra nhận định: “Chưa bao giờ Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế như hiện nay”.

Đọc hai bài viết có tính cảnh báo rất cao của các anh Nguyễn Trung Chính và Đoàn Nam Sinh, tôi thấy cần thiết phải nêu thêm một lời cảnh báo nữa về tình thế nước sôi lửa bỏng của Việt Nam với những người đang có trọng trách lãnh đạo đất nước. Việt Nam đang sa lầy trong cái nghịch cảnh cực kỳ trớ trêu: các vị lãnh đạo lúng túng trong cái bẫy ý thức hệ vô cùng hiểm độc của Trung Cộng, đang đẩy đất nước vào một tình thế ngày càng bị cô lập, nguy hại khôn lường cho vận mệnh của dân tộc trước những mưu đồ xâm lược của bọn cộng sản xâm lược Đại Hán.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bị cô lập trên trường quốc tế, nhưng cũng có những lúc đưa ra được những đối sách khôn khéo nhằm tranh thủ đồng minh trong việc thực hiện mục đích của mình. Ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải ứng phó với những hoàn cảnh hết sức éo le, nếu không đưa ra được những giải pháp kịp thời, dũng cảm, chấp nhận hy sinh quyền lợi của Đảng để xoay chuyển tình thế, thì không thể lường trước được những mối hiểm nguy mà Tổ Quốc chúng ta đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai cận kề.

*

Bi kịch cô lập lần thứ nhất
Đó là vào thời kỳ ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chính phủ Hồ Chí Minh phải rút về căn cứ địa Việt Bắc, quân đội Pháp nhanh chóng chiếm đóng hầu như tất cả các thành phố lớn của Việt Nam, và lập nên chính phủ thân Pháp của Cựu hoàng Bảo Đại.

Đây là giai đoạn mà Chính phủ Hồ Chí Minh hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế: Liên Xô nghi ngờ Hồ Chí Minh; Cộng sản Đại Hán chưa thống nhất Trung Hoa; Tổng thống Truman của Hoa Kỳ chấm dứt quan hệ hợp tác với Hồ Chí Minh – mối quan hệ được thiết lập từ thời Tổng thống Roosevelt. Roosevelt chủ trương ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa, còn Truman thì chống lại sự bành trướng của phong trào cộng sản quốc tế. Việt Nam lâm vào tình thế trớ trêu của lịch sử: giải phóng thuộc địa, nhưng xây dựng một quốc gia cộng sản. Và đương nhiên Truman phải ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương để ngăn chặn con bài đô-mi-nô cộng sản lan tỏa trong vùng Đông Nam Á. Đó là căn nguyên sâu xa của việc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Đông Dương.

Tình thế cô lập này của Chính phủ Hồ Chí Minh kéo dài cho đến tháng 10/1950. Sau chiến thắng biên giới, căn cứ địa kháng chiến được nối liền với khối các nước cộng sản qua đất Trung Hoa đại lục vừa được thống lĩnh trong tay Mao Trạch Đông.

Sau khi nối liền với khối các nước cộng sản, Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh được giải tỏa khỏi tình thế cô lập trên thế giới, nhận được sự chi viện từ các nước “anh em”, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, nhưng bước vào một tình thế trớ trêu mới của lịch sử: Việt Nam trở thành “tiền đồn” của phong trào cộng sản quốc tế, đối đầu với một phía Việt Nam khác cũng trở thành một “tiền đồn” của phe chống cộng quốc tế.

Bi kịch cô lập lần thứ hai
Bi kịch cô lập lần này bắt đầu từ sau khi hàng loạt chính phủ theo chế độ XHCN sụp đổ và Trung Cộng trở thành kẻ thù phản bội lại các cam kết của phong trào cộng sản quốc tế đối với Việt Nam, nói chính xác hơn, là bọn cộng sản Đại Hán trút bỏ cái mặt nạ “anh em” đạo đức gỉả, lộ nguyên hình bộ mặt thật, là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại trước sự cô lập này, đã thực hành những hoạt động con thoi nhằm “bình thường hóa” quan hệ giữa hai đảng cộng sản “anh em” và nối lại các quan hệ giữa hai nhà nước lân bang “môi hở răng lạnh”.

Trong khi một số nhà lãnh đạo Việt Nam ngây thơ tin vào giọng lưỡi “Bốn tốt”, “Mười sáu chữ vàng”, thì bọn gian manh Hán Cộng đã lừa những người lãnh đạo các cấp hết ký hàng loạt cam kết, từ trao đất, trao rừng, trao các cơ sở kinh tế cho “ông bạn vàng”, đến ngây ngô trao cả cứ điểm chiến lược quân sự Tây Nguyên.

Công bằng mà nói, một số nhà lãnh đạo cũng đã bớt ngây thơ về cái tình “đồng chí”… “quốc tế vô sản”, lòng yêu nước chừng mực nào đó cũng đã thức tỉnh họ, nhưng họ chợt nhận ra sự bơ vơ, và nhất là sự bế tắc không tìm ra lối thoát.

Với nhân dân, đâu đâu họ cũng thấy dân trở thành “thế lực thù địch”! Đấy là mới nói cái đám “con dân cụ Hồ” đang ngày càng quay lưng với Đảng, chưa nói đến cái đám “dân theo Mỹ Ngụy” đã được xem là “thế lực thù địch” của Đảng từ khuya.

Nhìn các nước lân bang: kẻ thì không cùng ý thức hệ “tiên tiến của nhân loại”, kẻ cùng ý thức hệ thì lại đang lung lay, hoặc đã nằm trọn trong quỹ đạo thao túng của ông bạn vàng bốn tốt.

Với các nước xa hơn, dân chúng đã làm những phép thử đơn giản mà chuẩn xác. Mở trang mạng BBC của Anh thấy có tường lửa chặn: chắc Anh là thế lực thù địch. Mở trang mạng RFI của Pháp cũng thấy có tường lửa chặn: chắc Pháp cũng là thế lực thù địch… Dân đen đâu có tài liệu lý luận sâu xa để mà nghiên cứu! Họ chỉ cảm nhận trực tiếp như thế cũng đủ.

Vậy là chỉ còn có “Đảng ta” chơi với “Đảng ta”…

*

Với chính sách đối nội, đối ngoại như thế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang tự cô lập mình, cô lập mình với dân, cô lập mình trên trường quốc tế.

Nỗi lo của Đảng về nguy cơ sụp đổ nhãn tiền là đúng.

Nỗi lo của Dân về nguy cơ của ách Bắc thuộc hiện đại cũng lại càng rất đúng!

V.C.Đ

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats